CHÚA GIÊ-SU ĐÁNH GIÁ VỀ VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ
Trải nghiệm của Ru-tơ khá điển hình đối với phụ nữ trong thế giới cổ đại. Ru-tơ sống phụ thuộc vào chồng (Ru-tơ 2: 1-2); cô ấy có nguy cơ bị người khác quấy rối (Ru-tơ 2:9); và có khả năng bị tổn thương bằng lời nói (Ru-tơ 2:15-16). Nhìn chung, phụ nữ trong các thời kỳ dễ bị tổn thương, ít hy vọng vào triển vọng phát triển bản thân và thường bị những kẻ vô lương tâm lợi dụng.
Phụ Nữ Trong Thế Giới Ngoại Giáo
Chắc chắn rằng bên ngoài Israel, phụ nữ là công dân hạng hai và thường bị coi là đối tượng bị khinh miệt, chỉ để thỏa mãn tình dục hoặc phục vụ cánh đàn ông. Điều này đúng với một số phụ nữ trong suốt các thời kỳ, và nó vẫn là trường hợp của nhiều người nữ trên thế giới ngày nay.
Tôn giáo sai lầm đã góp phần, và vẫn góp phần gây ra những khó khăn cho phụ nữ. Những người ngoại giáo cổ đại lấy trẻ sơ sinh từ vòng tay của mẹ chúng để hiến tế cho các vị thần của họ. Người Hy Lạp sử dụng cơ thể phụ nữ như gái mại dâm để dụ đàn ông đến cúng bái trong đền thờ của họ. Phụ nữ Hồi giáo hiện đại khi trở thành người vợ, bị lạm dụng thể xác và sống trong nỗi sợ hãi, có thể bị giết hại dưới tay của những người chồng bạo lực hoặc chính phủ do người nam thống trị.
Ở Hy Lạp cổ đại, đàn ông giữ vợ bằng khóa và chìa khóa, còn phụ nữ có địa vị trong xã hội không khác gì những nô lệ. Một người phụ nữ đáng kính không được phép rời khỏi nhà trừ khi có một người nam đáng tin cậy đi kèm. Vợ không được phép ăn uống, giao du với khách nam ngay cả khi ở nhà chồng, cô phải lui về khu dành cho nữ. Các cô gái không được đến trường, và khi lớn lên, chúng không được phép nói trước đám đông. Phụ nữ bị coi là thấp hơn nam giới.
Ở La Mã cổ đại, người chồng có quyền sở hữu đối với vợ và tài sản của vợ. Hôn nhân là sự chuyển giao tài sản từ cha của một cô gái sang chồng của cô ấy. Người vợ và các con không hơn nô lệ và thường bị đối xử như súc vật. Người chồng có quyền sinh tử đối với vợ và con cái. Người phụ nữ được xem như những công cụ hữu ích trong một xã hội mà người nam nắm quyền. Họ phải nấu các bữa ăn, chăm sóc và nuôi dạy con cái, và đóng vai trò được giao cho trong các bức tường của ngôi nhà. Phụ nữ phải đối mặt với những bất công nghiêm trọng. Ví dụ, các ông chồng có thể ly dị vợ vì người vợ đi ra ngoài nơi công cộng mà không mang khăn che mặt.
Phụ nữ trong Do Thái giáo
Trong Do Thái giáo cổ đại, địa vị của phụ nữ được cải thiện so với các quốc gia khác, nhưng chỉ trong Cơ đốc giáo phụ nữ mới được tôn trọng. Tác giả Sue Bohlin liệt kê một số cách sau đây phụ nữ bị hạn chế theo truyền thống trong Do Thái giáo.
- Vì những mục đích thực tế, phụ nữ không được tính đến (xem như không có). Các giáo đường Do Thái ở thế kỷ thứ nhất chỉ lưu giữ hồ sơ về đàn ông. Đàn ông và con trai có thể vào hội đường để thờ phượng, nhưng một bức bình phong che khuất khu vực phụ nữ và trẻ em gái ngồi. Phụ nữ không được tính vào số lượng người cần thiết cho một buổi thờ phượng.
- Phụ nữ phải im lặng. Luật truyền khẩu cấm phụ nữ đọc kinh Torah lớn tiếng. Việc thờ phượng ở giáo đường Do Thái bị tách biệt khỏi phụ nữ. Họ không được phép xuất hiện công khai.
- Phụ nữ bị coi là không có hy vọng về sự cứu rỗi. Truyền thống cho rằng phụ nữ không có quyền được cứu rỗi dựa trên giá trị của mình. Hy vọng cứu rỗi của họ chỉ có khi gắn bó với một người đàn ông Do Thái ngoan đạo. Do đó, gái mại dâm bị loại trừ, và các góa phụ phải tái hôn để được hưởng đặc ân đó.
- Phụ nữ bị ruồng bỏ. Một người đàn ông Do Thái bị cấm nói chuyện với một phụ nữ ở nơi công cộng. Một giáo sĩ Do Thái sẽ phớt lờ một phụ nữ tình cờ gặp trên đường, ngay cả khi cô ấy kiên nhẫn để xin một số lời khuyên thuộc linh khẩn cấp.
- Phụ nữ bị xấu hổ. Trong một đám tang, phụ nữ đi trước quan tài vì họ phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của người chết, và do đó bị đổ lỗi cho những gì đã xảy ra. Đàn ông đi sau quan tài.
- Phụ nữ bị cô lập. Trong đền thờ, phụ nữ không được phép đến gần nơi chí thánh. Vào thời Chúa Giê-su, có một khu vực dành cho phụ nữ trong đền thờ, nằm bên ngoài khu vực dành cho các thầy tế lễ và những người đàn ông khác. Điều này cho thấy địa vị cấp dưới của phụ nữ. Phụ nữ cũng bị cách ly trong thời kỳ kinh nguyệt. Họ bị coi là ô uế về mặt nghi lễ và xã hội trong mười hai tuần của năm, do đó ngay cả các thành viên trong gia đình cũng không được phép đến gần vì sợ bị ô nhiễm.
- Phụ nữ chỉ là một phương tiện để sinh đẻ. Giá trị của một người phụ nữ trong xã hội liên quan đến khả năng sinh con của cô ấy.
Nhiệm vụ của một người phụ nữ là sinh ra những bé trai, là những em sẽ mang tên cha mãi mãi.
- Phụ nữ bất lực trong thủ tục pháp lý. Chỉ đàn ông mới có thể tiến hành thủ tục ly hôn và có thể làm như vậy vì những lý do mà ngày nay khó tưởng tượng ra.
- Phụ nữ không được tin cậy. Lời nói của một người phụ nữ trước tòa phải được ít nhất ba người đàn ông làm chứng.
- Phụ nữ không quan trọng. Một phụ nữ không được phép vào nhà hội để học Kinh sách; điều này được coi là lãng phí thời gian.
Hôm Nay Phụ Nữ Vẫn Còn Bị Ngược Đãi?
Không có lý do nào mà phụ nữ không được phép bầu cử, không được tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe bình đẳng, và không được kiếm tiền như đàn ông khi thực hiện cùng một công việc. Những bước tiến lớn đã được thực hiện trong những lĩnh vực này, nhưng điều này không có nghĩa là trên thế giới ngày nay không còn phụ nữ bị áp bức. Hãy xem xét các ví dụ:
Nạn Buôn Người
Bạn có nghĩ rằng ngày nay có nhiều nô lệ hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người không?
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, buôn bán người là ngành tội phạm phát triển nhanh nhất và lớn thứ hai trên thế giới hiện nay (chỉ đứng sau buôn bán ma túy).
Nạn buôn người là thực thi chế độ nô lệ thời hiện đại. Chế độ nô lệ có thể được định nghĩa là cuộc sống, quyền tự do của một người nằm dưới sự kiểm soát tuyệt đối của người khác. Con người được bán, mua hoặc sử dụng theo ý muốn của chủ sở hữu.
Chúng ta hãy xem xét các con số thống kê về nạn buôn người trên thế giới hiện nay: (theo tài liệu từ trang web: housetohouse.com của Jacksonville Church of Christ)
- 27 triệu người đang bị giam lỏng trên toàn thế giới để phục vụ cho các chủ nô.
- 2,4 triệu người trên toàn cầu là nạn nhân của buôn người, trong đó 80% là nô lệ tình dục.
- 1 triệu trẻ em bị bóc lột từ hoạt động buôn bán tình dục trên toàn cầu mỗi năm.
- 80% nạn nhân bị bán xuyên quốc gia là phụ nữ và trẻ em gái.
- Lợi nhuận từ việc buôn người trên thế giới kiếm được hơn 32 tỷ đô la mỗi năm.
- Internet đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nạn buôn bán tình dục, khiến việc buôn bán phụ nữ và trẻ em trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
- Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nạn buôn người bao gồm 127 quốc gia xuất phát, 98 quốc gia quá cảnh và 137 quốc gia đến.
Nghe có vẻ gây sốc, nạn buôn người xảy ra trên khắp nước Mỹ. Nó không chỉ diễn ra ở New York, Los Angeles và Miami. Nó cũng xảy ra ở các thị trấn nhỏ. Ví dụ, ngay trên con đường Xa lộ 20 Liên tiểu bang.
Hàng năm, hơn 450.000 người đã lái xe trong chuyến đi dài 147 dặm giữa Birmingham và Atlanta. Đây là một trong những khu vực phức tạp nhất trong cả nước. Bạn có ngạc nhiên khi biết rằng đó là một trong những đại lộ về buôn bán tình dục không?
Chúa Giê-su bảo Phi-e-rơ rằng: “Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy, quỉ Sa-tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì” (Lu-ca 22:31). Câu này cũng áp dụng với mỗi chúng ta khi đối diện với tệ nạn buôn người qua biên giới các quốc gia. Sa-tan muốn làm hại chúng ta. Trẻ em thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất mà Sa-tan muốn hủy diệt. Gần đây tại các đường biên giới của Ukraine với các nước Châu Âu, một số kẻ buôn người đội lốt mục sư để bắt cóc trẻ em Ukraine.
- 77% gái mại dâm trưởng thành thường là bị bán khi còn nhỏ.
- 70% nạn nhân nữ bị bán là nô lệ trong ngành công nghiệp tình dục; 30% bị cưỡng bức lao động.
- Trung bình, $ 13 000 được thu về mỗi năm cho mỗi lao động cưỡng bức. Con số này có thể cao tới $ 67 200.
- Trẻ em bị bóc lột thông qua hoạt động mại dâm cho biết chúng thường được kẻ buôn người / ma cô bắt ép phục vụ từ 10 đến 15 người mua dâm mỗi đêm
. • Một ước tính thận trọng là một nạn nhân tình dục trẻ vị thành niên trong nước bị 6 000 người mua hiếp dâm trong quá trình cô gái ấy trở thành nạn nhân.
- Tuổi trung bình của trẻ vị thành niên Mỹ tham gia hoạt động mại dâm là 12 đến 14 tuổi.
- 99% nạn nhân trong vấn nạn buôn người không bao giờ được cứu (tỷ lệ nạn nhân từng được xác định là tiếp nhận phúc âm chỉ có 0,4%, không phải 1% nhận được ánh sáng phúc âm.)
Làm Thế Nào Để Bảo Vệ Con Gái Chúng Ta?
- Hãy xây dựng một gia đình ổn định, vững mạnh trong nếp sống Cơ đốc mỗi ngày (Thi-thiên 127:1-5). Nhiều trẻ vị thành niên, hoặc đã vượt qua tuổi 18 bị bắt cóc khi chạy trốn khỏi các gia đình xung đột hàng ngày. Trong vòng 48 giờ, một trong ba kẻ bỏ trốn sẽ bị ma cô tiếp cận.
- Giảng Tin lành! (Mác 16:15-16). Niềm hy vọng của thế giới là phúc âm. Hội Thánh trong thời kỳ đầu tiên đã chấm dứt chế độ nô lệ trong xã hội La Mã bằng cách cải đạo đủ người ngoại giáo để thay đổi cà một nền văn hóa.
- Hãy tránh các nội dung khiêu dâm (Ma-thi-ơ 5: 8, 28). Nội dung khiêu dâm thường dẫn đến lạm dụng tình dục. Điều này có thể dẫn đến việc con cái bỏ trốn khỏi nhà hoặc sinh hoạt tình dục bừa bãi, cả hai trường hợp đều khiến con cái trong gia đình dễ bị kẻ buôn người để mắt đến. Nhiều nạn nhân là những cô gái bỏ trốn vốn đã bị lạm dụng tình dục ngay trong gia đình khi còn nhỏ.
Hãy Cầu Nguyện Và Cảnh Giác Với Các Cạm Bẫy (Ma-thi-ơ 6: 9-11; Lu-ca 18: 1; Gia-cơ 5:16).
- Dạy con cái tránh rượu, ma túy và bạn bè xấu (Châm ngôn 20:1; Rô-ma 6:13; 1 Cô-rinh-tô 15:33). Các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những cô gái dễ bị tổn thương để thực hiện giao dịch mua bán. Không có gì khiến một người dễ bị tổn thương hơn là phải đối mặt với những khủng hoảng trong gia đình. Những kẻ buôn người, tìm cách đưa ai đó vào động mại dâm, chúng sẽ lợi dụng những người không có ý thức hoặc người không thể kháng cự để thực hiện tội ác. Những kẻ buôn người cũng sẽ cố gắng lợi dụng những tay nghiện ma túy hoặc cố gắng tạo ra những người phụ thuộc vào ma túy để rồi điều khiển họ.
- Dạy trẻ ý thức về bản thân dễ bị tổn thương và phương cách chống lại. Không thể tránh khỏi một số yếu tố dễ bị tổn thương như: là phụ nữ, là trẻ em; đến từ một nhóm dân số bị gạt ra ngoài lề xã hội; sự nghèo đói…
- Nhận thức được cách thức hoạt động của việc buôn bán nô lệ. Những kẻ buôn người tuyển dụng hoặc bắt cóc người. Chúng hứa hẹn hão huyền về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nạn nhân. Chúng vẽ những bức tranh phi thực tế về cuộc sống với thu nhập rất nhiều tiền. Chúng có thể kết bạn với một cô gái bằng cách tặng cô ấy những món quà và thể hiện tình cảm. Điều này thường xảy ra với những tay tuyển dụng cho các đường dây mại dâm.
Chúng ta phải làm những gì có thể để bảo vệ những thanh thiếu niên và những người đang gặp nguy hiểm? Chúa Giê-su cảnh báo, “Nhưng hễ ai làm cho một trong những đứa nhỏ nầy đã tin, phải sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà bỏ xuống biển còn hơn” (Mác 9:42). “Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì ta bảo các ngươi, các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời” (Ma-thi-ơ 18:10).
Câu trả lời của những bậc cha mẹ hôm nay là gì?
Phụ Nữ Bị Ngược Đãi Trong Các Giới Luật Cực Đoan Của Hồi Giáo
Phụ nữ theo luật Sharia của Hồi giáo không có sống cuộc sống tương đương với những người theo Cơ đốc giáo hoặc sống trong xã hội phương Tây.
Hãy xem xét một số ví dụ về sự đàn áp phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo:
- Con gái và người vợ thường xuyên bị đánh đập trong thế giới Hồi giáo. Ví dụ, hơn 90% các bà vợ Pakistan đã bị tấn công, đánh đập hoặc bị lạm dụng tình dục vì những tội danh như nấu một bữa ăn không ngon hoặc không sinh được con trai.
- Ở Iran, độ tuổi hợp pháp để kết hôn là chín tuổi, và trong một trại tị nạn ở Afghanistan hầu như tất cả các bé gái trên tám tuổi đều đã kết hôn.
- Một người đàn ông Hồi giáo ở Iran đã chặt đầu con gái bảy tuổi của mình vì nghi ngờ cô bé bị người chú của mình hãm hiếp. (Đây được gọi là “giết người vì danh dự”)
- Nhiều cô gái trẻ theo đạo Hồi bị cắt bỏ bộ phận sinh dục, không gây mê để khiến họ trở nên “trong trắng”.
- Phụ nữ bị hãm hiếp ở các nước Hồi giáo thường bị trừng phạt trong khi kẻ hiếp dâm được tự do.
- Tất cả những gì một người đàn ông phải làm để ly dị vợ là nói: “tôi ly hôn với cô” ba lần, và sau đó cô ấy trở thành một người phụ nữ độc thân không nơi nương tựa và không có con cái; con cái thường bị cha đưa đi.
. • Thực tế ở Ấn Độ, một phụ nữ Hồi giáo có thể nhận ra mình đã bị ly hôn bằng tin nhắn trên điện thoại từ người chồng.
- Tại Jordan, một người phụ nữ chưa kết hôn phải chịu sự kiểm soát hợp pháp của một người giám hộ nam cho đến khi 40 tuổi.
Lời Chúa Giê-su dạy: “Hãy coi chừng tiên tri giả” (Ma-thi-ơ 7:15) và cảnh báo của Phi-e-rơ, “Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình. Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng, và đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha” (2 Phi-e-rơ 2:1-2; xem 1 Giăng 4:1).
Chúa Giê-su Và Mối Quan Hệ Của Ngài Với Phụ Nữ
Chúa Giê-su không bao giờ kết hôn. Vì vậy, Ngài không có vợ, mẹ vợ, hoặc chị em dâu. Chúa Giê-su không bao giờ làm cha. Vì vậy, Ngài không có con gái hay cháu gái. Ngài chưa bao giờ có một mối quan hệ lãng mạn. Ngài không có bạn gái. Tuy nhiên Ngài có mẹ và các chị em trong gia đình. Ngài có bạn bè và những người đi theo giúp đỡ nhóm truyền giáo của Ngài là những phụ nữ. Tuy nhiên, ngay cả với kinh nghiệm cá nhân hạn chế với phụ nữ, Chúa Giê-su quen biết các phụ nữ. Họ thích phong cách và sự giảng dạy của Ngài; họ đã tin cậy Ngài; họ kính trọng Ngài; họ đã theo Ngài; họ quan tâm đến Ngài.
Quan Điểm Của Chúa Giê-su Về phụ Nữ
Điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với phụ nữ là Đức Chúa Trời đã nâng cao địa vị của phụ nữ mãi mãi khi Ngài cho phép Con Ngài sinh ra bởi một trinh nữ (Ma-thi-ơ 1:18-25). Những lời nói và hành động của Chúa Giê-su khi Ngài còn trên đất nhấn mạnh một cái nhìn cao quý về phụ nữ chưa từng thấy trong lịch sử thế giới.
Chúa Giê-su đến một thế giới nơi mà phụ nữ bị xem là chỉ hơn loài vật một cấp bậc. Nhiều phụ nữ thậm chí còn bị buôn bán để đổi lấy gia súc. Chúa Giê-su đã thay đổi điều đó. Cuộc sống của Ngài trên trái đất thật ngắn ngủi, chỉ hơn 33 năm. Chức vụ của Ngài trên đất chỉ ba năm rưỡi. Tuy nhiên, gần hai nghìn năm sau, phụ nữ vẫn vui hưởng ánh sáng của ngọn lửa phúc âm mà Ngài đã thắp sáng lên.
Tác giả Dorothy Sayers là một người bạn của C.S. Lewis đã viết,
“Có lẽ không có gì lạ khi người phụ nữ đầu tiên xuất hiện ở nơi máng cỏ và rồi cuối cùng tại thập tự giá là những phụ nữ. Họ chưa bao giờ biết một người nào như Người đàn ông này – chưa bao giờ có người nào khác giống như vậy. Một nhà tiên tri và Người thầy không bao giờ càm ràm về họ. Người không bao giờ giả vờ tâng bốc hay đùa cợt về họ. Người quở trách cách nghiêm khắc những kẻ đạo đức giả và khen ngợi cách nghiêm túc những biểu hiện của đức tin và sự ăn năn. Người xem xét các câu hỏi và trả lời cách khôn ngoan. Người không bao giờ thúc giục họ phải tỏ ra nữ tính hoặc chế nhạo họ vì là phụ nữ. Người không có gươm hay ngựa như một chiến binh anh dũng. Người không có nhà riêng hay bất kỳ tài sản gì. Tuy nhiên Người đã chinh phục một số người nam cũng như nữ cho phúc âm của Người.”
Không có một hành động nào, không một bài giảng nào, không một dụ ngôn nào trong toàn bộ Tin Mừng tỏ ra sự cay độc đối với phụ nữ; Không ai có thể suy diễn tiêu cực từ những lời của Chúa Giê-su để quy cho rằng Ngài coi thường về vai trò, địa vị của phụ nữ.
Chúa Giê-su đã nâng cao địa vị của phụ nữ và vai trò làm mẹ của họ trong nhiều thế kỷ tiếp theo và mãi đến hôm nay. Hội thánh ban đầu đã phản ánh nhân cách và giảng dạy các lời của Ngài. Trong đó phụ nữ được tôn trọng ở khắp mọi nơi, thông điệp của Ngài được mọi người biết đến và làm theo. Có thể nói rằng đồng minh lớn nhất của phụ nữ ngày nay chính là công tác truyền bá phúc âm.
Chúa Giê-su coi phụ nữ là đối tượng nhận sự cứu rỗi. Chúa Giê-xu đến để cứu phụ nữ cũng như nam giới. Chẳng hạn, Ngài đã trò chuyện với một phụ nữ Sa-ma-ri về sự ơn cứu rỗi (Giăng 4), điều mà không có một giáo sĩ Do Thái nào làm được. Danh tính các phụ nữ cũng được liệt kê trong gia phả của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 1:1-17), điều này chứng minh rằng Chúa Giê-su đến như một vị cứu tinh của tất cả mọi người, cả nam và nữ.
Chúa Giê-su xem phụ nữ là tấm gương tốt. Mặc dù nền văn hóa thế kỷ thứ nhất đã giảm thiểu tầm quan trọng của phụ nữ, Chúa Giê-su đã miêu tả phụ nữ như những tấm gương ngang hàng với nam giới. Phụ nữ là một trong số các môn đồ của Ngài: Ma-ri, hai chị em Ma-ri và Ma-thê, và Ma-ri Ma-đơ-len được coi là những tấm gương xuất sắc trong các môn đồ (Ma-thi-ơ 1:18-25; Lu-ca 8:1-3, Ma-thi-ơ 12:46-50).
Alvin Schmidt, giáo sư về xã hội học người Mỹ tại Đại học Illinois đã nghỉ hưu, đưa ra một câu hỏi trong cuốn sách Làm Thế Nào Cơ-đốc-giáo Đã Thay Đổi Thế Giới: “Địa vị của phụ nữ ở thế giới phương Tây ngày nay sẽ như thế nào nếu Chúa Giê-su Christ chưa bao giờ bước vào thế giới loài người?” Ông trả lời:
“Một cách để trả lời câu hỏi này là xem xét địa vị của phụ nữ ở hầu hết các quốc gia Hồi giáo ngày nay. Ở đây, phụ nữ vẫn bị từ chối nhiều quyền mà đàn ông có được, và khi xuất hiện trước công chúng, họ phải che kín mặt. Ví dụ, ở Ả-rập Xê-út, phụ nữ thậm chí còn bị cấm lái ô tô. Cho dù ở nơi đó hay ở nhiều quốc gia Hồi giáo khác, đàn ông có quyền đánh đập và bỏ rơi vợ mình, tất cả đều có sự ủng hộ hoàn toàn của kinh Koran (Schmidt, chương 4).
Chúa Giê-su không đối xử với phụ nữ theo cách này. Phúc âm của Ngài dạy những người chồng phải yêu thương, trân trọng, nuôi dưỡng và hy sinh cho vợ (Ê-phê-sô 5:25-28). Bằng lời nói và việc làm, Chúa Giê-su đã đi ngược lại với những niềm tin và tập quán cổ xưa, vốn được cho là đã định nghĩa phụ nữ là người thấp kém về phương diện xã hội, trí tuệ và tâm linh so với nam giới.”
Lịch sử của phụ nữ bắt đầu từ thời cổ đại trong bóng tối của sợ hãi và áp bức, nhưng qua ảnh hưởng của Chúa Giê-su, điều này đã dần dần được cải thiện. Cuối cùng vấn nạn này sẽ kết thúc khi phụ nữ hội họp với Đấng Christ quanh bàn tiệc cưới của Ngài (Khải Huyền 19:7, 9).
–
Tường Vi biên soạn