Trang Chủ TRANG CHỦ Giăng Báp-tít

Giăng Báp-tít

1510
0
SHARE

“Lúc ấy, Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng xứ Giu-đê, rằng: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.” Ma-thi-ơ 3: 1-2

Nghe bài giảng:

Sự xuất hiện thình lình của Giăng Báp-tít làm dân sự hoang mang và gây khó hiểu cho giới lãnh đạo Do Thái (Giăng 1:14-28). Nếu các thầy tế lễ nhớ những gì mà các tiên tri đã nói, họ sẽ biết được Giăng là ai và ông đến để làm điều gì (Ê-sai 40:3-5; Ma-la-chi 3:3; 4:5-6). Chúa Jesus phán về Giăng Báp-tít, “trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít” (Ma-thi-ơ 11:7-15). Chắc chắn sứ điệp của Giăng Báp-tít là vĩ đại nhất vào thời đó, vì ông rao giảng Đấng Mê-si được hứa sắp đến và vương quốc của Ngài. Ông kêu gọi mọi người ăn năn vì tội lỗi của họ và chào đón Đấng cứu rỗi. Giăng là một gương mẫu tốt cho chúng ta về một đầy tớ trung tín.

Giăng xuất hiện vì ông được sai đến từ Chúa. “Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng” (Giăng 1:6). Từ được dịch là “sai đến” cho chúng ta một từ khác liên quan “sứ đồ” có nghĩa là “người được ủy thác bởi vua và được uy quyền để phát ngôn cho vua”. Công tác của Giăng là chuẩn bị con người cho chức vụ của Chúa Jesus. Tình trạng thuộc linh của người Do Thái lúc bấy giờ thì suy thoái và Giăng kêu gọi họ phải ăn năn về tội mình và trở lại với Chúa. Bởi vì Giăng là một tôi tớ dũng cảm của Chúa, ông không hề sợ hãi về những gì con người có thể chống nghịch ông. Ông có một đời sống cầu nguyện và khắc khổ trong đồng vắng. Ông giống như tiên tri Ê-li can đảm đối đầu với vua A-háp, các tiên tri Ba-anh và đã chiến thắng họ trên núi Cạt-mên (1 Các vua 17-18).  Điều duy nhất để có uy quyền và chiến thắng là được sai đến bởi Đức Chúa Trời và làm công tác Ngài đã chỉ định cho chúng ta.

Giăng chia sẻ sứ điệp mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông. Có nhiều từ trong Tân Ước chỉ về  rao giảng, và một trong những từ được dùng có nghĩa là: “thông báo một sứ điệp chính thức.” Ngày nay, các viên chức chính quyền có nhiều cách để truyền thông với người dân, nhưng trong thời của Giăng, người loan tin sẽ phát ngôn các sứ điệp. Vì người Do Thái bị mù lòa thuộc linh với ánh sáng của Chúa, nên Giăng là chứng nhân về sự sáng của Chúa Jesus (Giăng 1:7-8). Vào lúc này dân sự đang lang thang trong đồng vắng tôn giáo giống như người Do Thái thời Cựu Ước, và Giăng đã chọn bối cảnh trong đồng vắng gần sông Giô-đanh để làm chứng nhân cho Chúa. Nhưng một trong những điểm đặc biệt nhất về Giăng Báp-tít đó là ông không làm bất kỳ phép lạ nào (Giăng10: 40-42). Công tác của Giăng được hoàn tất bởi việc rao giảng Lời, giống như công tác của chúng ta ngày nay. Đừng bao giờ đánh giá thấp quyền năng của việc công bố Lời Đức Chúa Trời.

Chức vụ chủ yếu của Giăng là tôn cao Chúa Jesus Christ. Ông nói, “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30). Ông tôn thờ Chúa Jesus và từ chối chính mình. “Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jesus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Đức Chúa Jesus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em” (2 Cô-rin-tô 4:5). Chúa Jesus Christ là Lời hằng sống (Giăng 1:1-2, 14), và Giăng Báp-tít công bố ông chỉ là “tiếng của người kêu trong đồng vắng” (Giăng 1:19-24). Bạn có thể nghe âm thanh, nhưng bạn không thể thấy nó nếu bạn không có những dụng cụ đặc biệt. Giăng chỉ là “đuốc đã thắp và sáng” (Giăng 5:35), nhưng Chúa Jesus là sự sáng ( Giăng 1:6-9; 8:12). Giăng giảng về Chúa Jesus như là chàng rể, còn Giăng chỉ là người dự lễ cưới ( Giăng 3:29). Thiên sứ đã phán với cha của Giăng rằng con ngươi sẽ là lớn (Lu-ca 1:15), nhưng Giăng nhận biết rằng Chúa Jesus là Đấng lớn hơn.

Khi chúng ta tìm kiếm đường lối để phụng sự Chúa, chúng ta phải chắc rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi và sai chúng ta đi. Chúng ta hãy rao truyền sứ điệp mà Ngài đã ban và bảo đảm rằng sứ điệp đó tôn cao Chúa Jesus Christ. Chúa Jesus khen ngợi Giăng vì ông không phải là cây sậy bị gió rung hay là người mặc áo tốt đẹp nhưng là một đầy tớ hết lòng của Chúa (Ma-thi-ơ 11:7-15). Ngài có thể phán như thế về chúng ta? Phao-lô viết,

“Hầu cho cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng.” Cô-lô-se 1:18

 

 

GIĂNG BÁP-TÍT

Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống.

Giăng 3:30

Giăng Báp-tít là một người được sinh ra khi cha mẹ ông tuổi đã cao không còn có khả năng sinh sản. Điều này là một phép lạ. Ông là một tiên tri của Đức Chúa Trời, được Ngài chọn làm người dọn đường cho Chúa Giê-su Christ. Thông qua công tác giảng dạy và làm báp-tem Giăng chuẩn bị cho chức vụ của Chúa Giê-su và công bố “sự khởi đầu của phúc âm” (Mác 1:1; Công vụ. 1:21-22). Giăng giảng cho đám đông đến từ các sắc dân, và ngay cả các nhà lãnh đạo của Do thái giáo cũng cử người đến nghe để điều tra về ông. Họ muốn biết ông là ai. Lúc đó Giăng giảng về Chúa Giê-su nhiều hơn tự giới thiệu về bản thân. Khi một số môn đồ của Giăng trở nên lo lắng vì đám đông đi theo Chúa Giê-su đông hơn những người đi theo Giăng. Giăng đã không bối rối, ông giải thích với các môn đồ: “Ví chẳng từ trên trời ban cho, thì không một người nào có thể lãnh chi được. Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Đấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài.  Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó.  Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng3: 27-30).

1.MỤC TIÊU CỦA CHỨC VỤ – NGÀI PHẢI DẤY LÊN

Tòa Công Luận của người Do Thái có quyền gởi các phái viên đến gặp Giăng Báp-tít để phỏng vấn, bởi vì họ là những người trông coi và bảo vệ luật pháp Do Thái. Họ điều tra xem Giăng Báp-tít là tiên tri giả hay là tiên tri thật đến từ Đức Chúa Trời (Phục truyền. 13). Giăng đã vượt qua thử nghiệm này, và sau đó Tòa công luận không còn gây khó khăn cho ông thêm nữa. Tuy nhiên những người lãnh đạo của họ không sẵn sàng vâng phục các sứ điệp của ông. Còn những người thường thì tin rằng chức vụ của Giăng đến từ Đức Chúa Trời (Lu-ca 20:1-8).

Giăng biết rằng chức vụ của ông chỉ là người tiền trạm trong một thời gian ngắn, vì vậy ông chỉ cho mọi người đến với Chúa Giê-su, và ông không xây dựng đội ngũ của mình. Lúc đầu Anh-rê và Giăng là những môn đồ của Giăng Báp-tít, nhưng sau đó hai người này đã đi theo Chúa Giê-su. Như vậy có khả năng là Giăng đã làm phép báp-tem cho mỗi người thuộc nhóm mười hai sứ đồ (Công vụ 1:21-22). Giăng Báp-tít đã rất cẩn thận chỉ ra tính ưu việt thần thượng của Chúa Giê-su và hướng dẫn mọi người đến Ngài.

Chúa Giê-su là Ngôi Lời, Giăng chỉ là một người phát ngôn cho Ngài (Giăng 1:1, 14, 23). Một phát ngôn nhân (một tiếng kêu) mà không có lời có thể gây ồn ào, gây chú ý nhưng không đưa ra được một hướng dẫn nào. Lời nói của chúng ta chỉ biểu lộ ra những gì có trong tâm trí và tấm lòng của chúng ta, nhưng Chúa Giê-su là Lời bày tỏ ra tâm trí và tấm lòng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Ngài là, “Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng” (Khải. 1:18; 21:6; 22:13), và Ngài công bố cho chúng ta những gì chúng ta cần biết về Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phán với Phi-líp, “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi?” (Giăng 14:9). Giăng nhận biết ông là một tiếng kêu trong đồng vắng, là chứng nhân đến từ Đức Chúa Trời và sứ vụ chia sẻ thông điệp của Chúa ban cho ông là điều quan trọng nhất. Ông hướng về Giê-su và gọi Ngài là “Chúa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, và Con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:23, 29, 34).

Chúa Giê-su là chàng rể, Giăng chỉ là người bạn của chàng rể.

“25 Vả, môn đồ của Giăng có cãi lẫy với một người Giu-đa về lễ tinh sạch. 26 Họ đến cùng Giăng và nói rằng: Thưa thầy, kìa, người ở cùng thầy bên kia sông Giô-đanh, mà thầy đã làm chứng cho, bây giờ đương làm phép báp-têm, và ai nấy đều đến cùng người. 27 Giăng trả lời rằng: Ví chẳng từ trên trời ban cho, thì không một người nào có thể lãnh chi được. 28 Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Đấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài.(u) 29 Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể,nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó. 30 Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống”  (Giăng 3:25-30).

Trong các đám cưới của người Do Thái, bạn của chàng rể sắp xếp các chi tiết trong đám cưới và chuẩn bị đem cô dâu đến với chàng rể. Chàng rể đến nhà của cô dâu và rước nàng về một ngôi nhà mới của họ, và khi bạn của chàng rể nghe tiếng của chàng rể từ đằng xa, anh ta sẽ vui mừng vì biết rằng chuyện hợp hôn sắp xảy ra. Trung tâm của sự chú ý là chàng rể đang đến với người yêu dấu của mình. Bạn của chàng rể không phải là đối tượng để mọi người quan tâm. Giăng là người tập trung các khách mời của đám cưới và ông muốn các học trò của ông đi theo Chúa Giê-su. Giăng là người giúp đỡ chuẩn bị cô dâu cho chàng rể.

Chúa Giê-su là sự sáng, Giăng chỉ là đuốc đã thắp sáng (Giăng 5:31-35). Kinh Thánh nói về Giăng, “Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng” (Giăng 1:8). Sự sáng của Giăng chiếu sáng trong một không gian giới hạn ở vùng thung lũng sông Giô-đanh, nhưng Chúa Giê-su là “sự sáng của thế gian” (Giăng 8:12). Khi Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ, tuyển dân Israel đang ở trong sự tối tăm (Mác 4:13-16). Lúc bấy giờ Giăng là “đuốc đã thắp sáng” và tuyển dân “bằng lòng vui tạm nơi ánh sáng của Giăng” (Giăng 5:35). Một ngọn đuốc để thắp lên ánh sáng, và tất cả con cái Đức Chúa Trời là người chiếu soi ánh sáng ra cho thế giới tối tăm (Ma-thi-ơ 5:14-16). Khi bước đi trong một ngôi nhà tối tăm vào buối tối, chỉ cần một ánh sáng nhỏ lóe lên sẽ tạo nên sự khác biệt lớn. Vì vậy một tín hữu có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong thế giới hôm nay.

Tất cả các hình ảnh trên đây về Giăng truyền tải một sứ điệp: Chúa Giê-su Christ là Người trổi cao hơn cả mọi người khác. Mục tiêu chức vụ của Giăng: “Ngài (Chúa Giê-su) phải dấy lên.” Một đầy tớ nhắm mục đích này sẽ hạ thấp chính mình để Con Đức Chúa Trời được tôn cao. Khi lớn lên trong ân điển và trong sự thông biết Chúa, chúng ta sẽ tập chú ngày càng nhiều hơn về Đức Chúa Trời, không phải tập chú vào các đầy tớ của Ngài.

2.CÁI GIÁ CỦA CHỨC VỤ – “TÔI PHẢI HẠ XUỐNG.”

Giăng không chỉ biết bản thân là ai, ông còn biết ông không phải là ai. Sự trung thực và khiêm tốn của ông xứng đáng để chúng ta bắt chước. Nếu sách Phúc âm Giăng 3:31-36 được tiếp tục ghi lại các lời của Giăng Báp-tít, thì nhiều nhà bình luận Kinh Thánh cho rằng Giăng Báp-tít sẽ công bố rõ ràng ông đến từ đất, không phải đến từ trời. Còn Chúa Giê-su đến từ thiên đàng đã trở thành Người trên trái đất, vì vậy Ngài cao trọng hơn tất cả mọi chủ thể khác. “Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi” (2 Cô-rin-tô 4:7). Giăng là người được Đức Chúa Trời sai đến (Giăng 1:6) và ông biết điều đó.

Giăng không phải là Đấng Christ, cũng không phải là tiên tri vĩ đại mà Đức Chúa Trời gởi đến cho tuyển dân (Giăng 1:19-21; Phục. 18:14-18). Con người có khuynh hướng tôn cao các người lãnh đạo thuộc linh như những vị thần – điều này đã xảy ra với Phi-e-rơ (Công vụ. 10:24-26), Phao-lô và Ba-na-ba (Công vụ. 14:8-20). Nếu làm như vậy là sa vào bẫy thờ hình tượng, và phải chịu sự phán xét của Chúa. Mặc dù Giăng đến trong “tâm thần và quyền phép của Ê-li” (Lu-ca 1:17), nhưng ông cũng giải thích rõ ông không phải là Ê-li (Giăng 1:21; Ma-la-chi 4:5; Ma-thi-ơ 11:1-19; 17:10-13). Chúa Giê-su đã gọi Giăng là người được tôn trọng hơn tiên tri, bởi vì ông có đặc ân giới thiệu Cứu Chúa cho tuyển dân.

Giăng đến từ đất và ông không phải là Đấng Cứu thế, là tiên tri vĩ đại hay là Ê-li.  Ông cũng không phải “cây sậy bị gió rung” (Ma-thi-ơ 11:7) và cố gắng làm vừa lòng mọi người. Văn hóa ngày nay được đánh dấu bằng “sống theo hiến pháp” trong đó nêu qui chuẩn: chúng ta không được xúc phạm mọi người bằng cách thách thức niềm tin cơ bản của họ. Giăng không biết gì về sự thỏa hiệp như vậy. Ông đến với “cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm.” Và Giăng giới thiệu một Đấng đầy quyền phép đến sau ông, tay Ngài sẽ “cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình, và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt” (Ma-thi-ơ 3:1-12). Từ tiếng Anh radical của chúng ta có nguồn gốc từ tiếng Latin radix, có nghĩa là “gốc rễ.” Với cái búa trong tay, Giăng là một người cấp tiến, người đã tìm ra gốc rễ của vấn đề tội lỗi.

Giăng không phải là người mặc áo quần đẹp trong cung vua (Ma-thi-ơ 11:8), nhưng là một tù nhân trong ngục tối của vua (Ma-thi-ơ 14:1-12). Ông đã can đảm cảnh cáo vua Hê-rốt An-ti-pa về việc lấy vợ của Phi-líp là anh em của mình. Đây là một việc làm trái luật pháp, vì vậy nhà vua đã tống giam ông vào ngục. Ông bị mất tự do và cuối cùng mất luôn mạng sống – nhưng điều này không làm cho chức vụ của ông bị suy giảm. Ông đã hoàn thành tốt mục vụ của mình và công tác đó sẽ vẫn được tiếp tục. Giăng không có một cuộc sống và một mục vụ dễ dàng – điều này làm cho ông khác biệt với những người khác đang phục vụ Chúa Giê-su.

Cuối cùng, Giăng không phải là một người làm phép lạ. “Giăng chưa làm một phép lạ nào” (Giăng 10:40-42). Điều này khiến tôi lấy làm lạ, vì bản thân Giăng là một phép lạ khi được sinh ra, và được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn nằm trong lòng mẹ. Ông xuất hiện trong “tâm thần và quyền phép của Ê-li” (Lu-ca 1:17), và Ê-li thì thực hiện nhiều phép lạ. Chức vụ của Giăng chủ yếu là dành cho tuyển dân Israel, và “người Giu-đa đòi phép lạ” (1 Cô-rin-tô 1:22), nhưng Giăng lại không làm phép lạ! Nếu đầy tớ của Đức Chúa Trời phải làm phép lạ, thì người đó phải là Giăng Báp-tít, nhưng ông đã không làm bất kỳ phép lạ nào. Tuy nhiên những gì ông giảng về Chúa Giê-su đã đem sự cứu rỗi đến cho những linh hồn hư mất, ngay cả khi ông đã chết đi. “Tại đó có nhiều người tin Chúa Giê-su” (Giăng 10:42). Giăng thật sự là một chứng nhân được đổ đầy quyền năng của Đức Thánh Linh!

3.PHẦN THƯỞNG CỦA CHỨC VỤ – “SỰ VUI MỪNG TRỌN VẸN CỦA TA” (Giăng 3:29)

Cuộc sống của Giăng không hề dễ dàng. Có thể cha mẹ già của Giăng đã chết khi ông còn trong tuổi thiếu niên, nhưng họ đã trung tín dạy cho ông Lời của Đức Chúa Trời và làm thế nào để cầu nguyện (Lu-ca 11:1). Ông sống một cuộc sống cá biệt trong đồng vắng, tương giao với Đức Chúa Trời và chờ đợi thời điểm bước ra thi hành chức vụ. Sống ẩn dật, “không ăn bánh, không uống rượu” (Lu-ca 7:33), ông là một tiên tri can đảm đã công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời về sự ăn năn và sự cứu rỗi. Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, Giăng vẫn vui mừng.

Giăng mang niềm vui đến cho cha mẹ, những người bà con và các bạn hữu (Lu-ca 1:14, 58). Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét rất vui khi thấy Giăng sẵn lòng học tập Lời Đức Chúa Trời, và họ cũng vui mừng khi nhìn thấy con trai trưởng thành thuộc linh (Lu-ca 1:80). Khi còn trong bụng mẹ, Giăng đã vui mừng khi nghe giọng nói của Ma-ri (Lu-ca 1:39-45), và sau đó ông cũng vui mừng khi nghe tiếng nói của Cứu Chúa (Giăng 3:29). Chắc chắn Giăng rất hạnh phúc với đặc ân mà Chúa đã ban cho ông: giới thiệu Đấng Cứu chuộc là Chiên Con của Đức Chúa Trời cho mọi người. Giăng đã rất vui mừng khi nghe giọng nói của Chúa Giê-su và ông biết rằng sứ vụ mà Đức Chúa Trời ban cho ông đã hoàn tất.

Theo Kinh Thánh, lần duy nhất Giăng mất niềm vui là khi ông ở trong nhà tù của Hê-rốt và tự hỏi liệu Chúa Giê-su có thực sự là Đấng cứu thế đã hứa hay không (Ma-thi-ơ 11:1-19). Giăng là một người sống tự do ngoài trời, rồi bị giam cầm trong một nhà tù chật hẹp chắc chắn gây khó khăn cho ông, đặc biệt là ông phải ở đó vì vâng lời Chúa. Giăng được sinh ra để làm một thầy tế lễ theo gót người cha Xa-cha-ri, và giống như Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và Xa-cha-ri ông còn được gọi là một tiên tri. Công tác của ông sẽ nhiều nguy hiểm và khó khăn hơn. Giăng đã rao giảng sứ điệp về sự phán xét, nhưng Chúa Giê-su đến bày tỏ ra lòng thương xót. “Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng:  Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi đấng khác chăng?” (Ma-thi-ơ 11:2-3). Từ “đấng khác” ở đây có nghĩa là một “hạng người khác.” Giăng đang trông đợi một Đấng phán xét quyền năng, nhưng Chúa Giê-su tỏ mình ra như một Người chăn bầy đầy lòng thương xót. Giăng đã quên tiếng phán từ thiên đàng và sự ngự xuống của chim bồ câu khi ông làm báp-tem cho Chúa Giê-su.

Giăng và môn đồ của mình đã không nghe những lời của Chúa Giê-su nói về ông trong Ma-thi-ơ 11:7-19. Tuy nhiên những lời này được ghi lại trong Kinh Thánh và chúng còn đến đời đời. Những gì Chúa Giê-su nhận xét về chúng ta thì quan trọng hơn đánh giá của bất cứ người nào, hay của chính chúng ta. Có lẽ Giăng nghĩ rằng ông đã thất bại trong chức vụ, nhưng điều đó không đúng chút nào. Ông đã thành công. Và sau đó Chúa Giê-su tiếp tục mục vụ của ông.

Trong những thời khắc ảm đạm và chán nản, một số người hầu việc Chúa nghĩ rằng họ đã thất bại, họ đánh mất niềm vui và muốn bỏ cuộc, trong số đó có Môi-se, Đa-vít, Ê-li, Giê-rê-mi. Nhưng rồi những người này đã quay trở về với Chúa và lấy lại sự vui mừng. Nhà truyền giảng Phúc âm George Morrison nói, “Đức Chúa Trời hiếm khi cho phép các đầy tớ Ngài thấy những gì họ đang làm là tốt đẹp.”  Sẽ là không tốt cho bất cứ ai tự hào về mục vụ của mình. Chúng ta hãy tập chú đôi mắt của mình vào Chúa Giê-su và tin cậy Ngài.

Chúng ta biết rằng, giới lãnh đạo Do Thái giáo muốn cứu Giăng thoát khỏi bàn tay độc ác của Hê-rốt, nhưng vua đã chém đầu Giăng vì lời thề ngu muội của mình (Ma-thi-ơ 14:1-12). Một tiên tri tin kính bị giết, và một nhà vua gian ác tiếp tục sống! Thi sĩ James Russell Lowell viết, “Chân lý mãi mãi phải lên giàn giáo / Sự gian ác ngự trị trên ngai vàng mãi mãi.”

Không phải như vậy, khi đến thời điểm của Chúa, sự gian ác sẽ bị đánh bại và Chân Lý sẽ lên ngôi vĩnh viễn. Hãy nghe thiên sứ thông báo, “Từ nay nước của thế gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời.” (Khải. 11:15). Chúa Giê-su Christ sẽ trở lại và đánh bại Hê-rốt của thế giới này. Ngài sẽ thành lập vương quốc vinh hiển của Ngài!

Đó là tương lai của chúng ta – xứng đáng cho chúng ta sống và chết vì Christ.

admin

sách tham khảo: LIFE SENTENCES, Warren W. Wiersbe

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên