Trang Chủ BIỆN GIÁO Dùng Của Bất Nghĩa Mà Kết Bạn

Dùng Của Bất Nghĩa Mà Kết Bạn

599
0
SHARE

 

Dùng của bất nghĩa mà kết bạn?

 

Lu-ca 16:9:

“Còn ta nói cho các ngươi: Hãy dùng của bất nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời.”

Câu hỏi:

Tại sao Chúa Jesus dạy các môn đồ của Ngài phải dùng của cải bất nghĩa để kết bạn? Những người bạn đó sẽ tiếp các môn đồ vào nhà đời đời có nghĩa gì?

Giải đáp:

Để hiểu được Lu-ca 16:9, cần phải nắm vững vài nguyên tắc thông giải ẩn dụ như sau:

+ Cần đặt ẩn dụ trong bối cảnh: Ẩn dụ “người quản gia bất trung” (16:1-9) là phần nối tiếp các ẩn dụ “con chiên đi lạc”, “đồng bạc bị mất” và “người con phá của” của đoạn 15. Chúng ta đọc những câu đầu của đoạn 15:1-3, là phần mở đầu cho các ẩn dụ: “Hết thảy các người thâu thuế và người có tội đến gần Đức Chúa Jêsus đặng nghe Ngài giảng. Các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo lằm bằm mà nói rằng: Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ! Ngài bèn phán cho họ lời thí dụ nầy: …”

Như vậy, dù Chúa Jesus kể ẩn dụ “người quản gia bất trung” cho các môn đồ (16:1), nhưng Chúa cũng hướng sự dạy dỗ của Ngài đến người Pha-ri-si và các thầy thông giáo, vì họ đang đứng chung quanh đó và đang theo dõi sự dạy dỗ của Ngài.

Ngoài ra, 16:14 cho thấy thái độ của người Pha-ri-si sau khi nghe Chúa kể ẩn dụ: “Người Pha-ri-si là kẻ ham tiền tài, nghe mọi điều đó, bèn chê cười Ngài.” Từ đây, chúng ta có thể thấy bài học Chúa muốn dạy có liên quan đến vấn đề sử dụng tiền của.

+ Các ẩn dụ chỉ chứa đựng một bài học chủ yếu mà thôi, mặc dù có thể có nhiều chi tiết trong câu chuyện, nhưng tất cả hướng về một chủ đích, là trọng tâm của sự dạy dỗ. Trọng tâm của sự dạy dỗ nằm ở câu 9, là phần kết luận của ẩn dụ: “Hãy dùng của bất nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời.”

Lưu ý quan trọng: Câu 9 là bài học Chúa Jesus dạy, được rút ra từ ẩn dụ. Do đó, để hiểu được câu 9, cần phải hiểu các chi tiết trong ẩn dụ, từ câu 1 đến 8.

Câu 1: Người quản gia là người được chủ giao cho của cải để quản lý, có trách nhiệm sử dụng của cải của chủ như thế nào để sinh lợi cho chủ. Người quản gia trong ẩn dụ nầy không đáng tin cậy, vì làm thiệt hại cho chủ.

Câu 2: Người chủ quyết định đuổi việc người quản gia nầy.

Câu 3,4: Sau khi được thông báo sẽ bị đuổi việc, người quản gia toan tính thực hiện một kế hoạch nhằm mục đích: sau khi bị đuổi, sẽ có người mở cửa tiếp nhận mình.

Dù là người quản gia bất trung, nhưng lại là người biết lo xa.

Câu 5,6,7: Với một bản chất thiếu ngay thẳng từ đầu, người quản gia thực hiện một việc gian dối: “làm ơn” cho những người mắc nợ chủ của mình bằng cách bảo họ khai gian lận số nợ. Với sự gian lận nầy, người quản gia nghĩ rằng những người mắc nợ sẽ “chịu ơn” mình và họ sẽ “đền ơn” lại qua sự tiếp đón mình sau nầy.

Câu 8a: “Chủ bèn khen quản gia bất nghĩa ấy về việc người đã làm khôn khéo như vậy.”

Người chủ biết được việc làm gian lận của người quản gia nhưng cũng phải khen, không phải khen về điều gì tốt, nhưng khen về sự khôn lanh, về mánh lới của người quản gia.

Câu 8b: “Vì con đời nầy (children of this world) trong việc thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng (children of light).” Đây là nhận định của Chúa Jesus khi so sánh giữa người không tin Chúa (con cái đời nầy) với người tin nhận Chúa (con cái sự sáng) trên lĩnh vực “mưu mô toan tính, mánh lới”.

Câu 9: Là bài học được Chúa Jesus rút ra từ ẩn dụ vừa kể.

  1. “của bất nghĩa”: (unrighteous mammon) Chỉ về tiền tài, của cải vật chất, tài sản v.v… mà chúng ta sở hữu ngày nay. Tại sao Chúa lại dùng hình ảnh“của bất nghĩa”? Vì lối ám chỉ nầy được rút ra từ ẩn dụ mà Chúa kể trước đó: người quản gia đã dùng “của bất nghĩa”, vì tài sản ông ta có không phải của chính ông ta, nhưng do chủ giao cho, ông ta chỉ là người quản lý của cải cho chủ.
  2. “để kết bạn”:Tương tự như trên, Chúa Jesus rút ra từ ẩn dụ. Người quản gia đã mưu tính dùng tài sản của chủ để “kết bạn”, nhằm mục đích thu xếp cho tương lai của mình. Chúa Jesus muốn dạy chúng ta, là những người quản gia của Đức Chúa Trời, hãy dùng của cải vật chất mà chúng ta có cho mục đích đời đời, trong đó có sự chinh phục linh hồn của những người chung quanh ta.
  3. “để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời.”: Một lần nữa, Chúa Jesus lại rút ra bài học từ câu chuyện ẩn dụ: người quản gia hy vọng những người mà ông ta đã “giúp đỡ” trước đó sẽ tiếp nhận ông khi ông bị đuổi việc. Cũng vậy, những người mà chúng ta giúp họ cho sự sống đời đời qua việc sử dụng của cải của chúng ta, họ sẽ vui mừng chào đón chúng ta trong cõi đời đời sau nầy.

Nên nhớ rằng Chúa Jesus không hề dạy chúng ta bắt chước sự gian lận hay mưu mô của người quản gia. Chúa muốn dạy rằng: người quản gia bất trung mà còn biết dùng của cải bất chính để kết bạn, lo cho hậu sự, huống chi là con cái Chúa, lại không biết sử dụng của cải vật chất một cách thích hợp để đầu tư cho những gì còn lại đến đời đời hay sao?

Tóm lại, sở dĩ câu 9 khó hiểu là vì phương pháp giảng dạy đặc biệt của Chúa Jesus: Chúa Jesus kể ẩn dụ, rồi từ các chi tiết trong câu chuyện ẩn dụ đó, Chúa dẩn đến chân lý. Người Do Thái hiểu được cách giảng dạy đó của Chúa Jesus. Người Việt Nam không có cách giảng dạy như vậy trong phương pháp sư phạm, do đó chúng ta thấy lời dạy của Chúa Jesus rất khó hiểu.

Trần Đình Tâm

nguồn:

https://gianggiaithanhkinh.net 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên