Trang Chủ BIỆN GIÁO Cái Dằm Của Phao-lô?

Cái Dằm Của Phao-lô?

1007
0
SHARE

Nguồn: hoithanhtinlanh.net

Bạn sẽ phải mất một ít thời gian để đọc xong tài liệu này, nhưng bù lại, Lời Chúa sẽ giải phóng tâm trí bạn khỏi những sự trói buộc tinh vi để bạn có thể công bố với tất cả niềm tin quyết và tự hào rằng: “Chúa Jesus là Giê-hô-va Ra-pha, Đấng Chữa Lành của tôi!”)

Các bạn thân mến!
Nhà truyền giáo thế giới, một trong những giáo sĩ tiền phong lừng danh tại Ấn Độ, Tiến sĩ T.L.Osborn, đã từng thất bại nặng nề trong đời sống và chức vụ cho đến khi ông được Chúa bày tỏ những lẽ thật tuyệt vời như thế này. Chúng tôi thách thức các bạn gạt bỏ mọi thành kiến và định kiến để đọc và suy ngẫm một cách nghiêm túc những gì mà người của Đức Chúa Trời đã thật sự hiểu biết và kinh nghiệm nhé! Cầu xin Chúa Thánh Linh soi sáng cho các bạn trong khi đọc!

************************************************

“Để giữ tôi khỏi kiêu ngạo về những điều mặc khải diệu kỳ này, một CÁI DẰM/GIẰM đã đâm vào xác thịt tôi, một SỨ GIẢ CỦA SATAN đã đánh tôi để tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu xin Chúa cho nó lìa xa tôi, nhưng Chúa phán: ‘Ân điển Ta đủ cho con rồi đó, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.’ Vì vậy, tôi rất vui mừng, tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:7-9)

Một trong những sự chống đối rõ ràng nhất đối với chức vụ chữa lành ngày nay là “CÁI DẰM” của Phao-lô. Có một sự dạy dỗ lan truyền rằng Đức Chúa Trời là nguyên do của bệnh tật, điều này đã dẫn đến một quan điểm là có những bệnh mà Đức Chúa Trời không muốn chữa lành. Nếu bạn để thì giờ đọc tất cả Lời Chúa về đề tài chữa lành, chúng tôi không tin rằng bạn sẽ kết luận như thế.

Với một ước ao chân thật để giúp đỡ mỗi độc giả thành tâm, chúng tôi đưa ra phần nghiên cứu sau đây về “CÁI DẰM” của Phao-lô. Hàng ngàn người không cần thiết phải mang bệnh trong nhiều năm vì tin rằng họ đang làm đẹp lòng Chúa. Để có một sự hiểu biết đúng đắn hơn về vấn đề này, chúng ta hãy xem xét những gì Kinh Thánh nói về “CÁI DẰM” nhé!

I. “CÁI DẰM” CỦA PHAO-LÔ LÀ GÌ?

Từ “CÁI DẰM” được dùng trong cả Tân Ước lẫn Cựu Ước như một hình ảnh minh họa. “CÁI DẰM” không hề ám chỉ về bệnh tật mỗi khi nó được nhắc đến trong Kinh Thánh.

– Trong Dân Số Ký 33:55, “CÁI DẰM” hay “gai” và “chông” ám chỉ cư dân Ca-na-an.

– Trong Giô-suê 23:13, “CÁI DẰM” hay “gai” nói về các dân trong xứ Ca-na-an mà người Y-sơ-ra-ên phải đánh đuổi.

Kinh Thánh đã cho chúng ta biết chính xác “CÁI DẰM” là gì. Trong cả Tân Ước lẫn Cựu Ước, “CÁI DẰM” hay “gai” đều chỉ về NHỮNG CON NGƯỜI.

Phao-lô đã nói rõ ràng “CÁI DẰM” của ông là gì. Đó chính là SỨ GIẢ CỦA SATAN. Từ “sứ giả” này được dịch từ chữ “angelos” trong tiếng Hy Lạp, xuất hiện 188 lần trong Kinh Thánh. Nó được dịch là “thiên sứ” 181 lần và “sứ giả” 7 lần. Trong cả 188 lần, không có trường hợp ngoại lệ, đều đề cập đến CON NGƯỜI, chứ không phải “sự vật” hay “sự việc”.

Một số người giảng dạy đã cho rằng “CÁI DẰM” của Phao-lô chính là chứng bệnh về mắt ở Trung Đông. Theo tôi, điều này không hợp lý chút nào, vì Phao-lô đã nói rõ: đó là “SỨ GIẢ CỦA SATAN”.

II. MỤC ĐÍCH “CÁI DẰM” CỦA PHAO-LÔ LÀ GÌ?
Phao-lô cho chúng ta biết rằng “CÁI DẰM”, hay “SỨ GIẢ CỦA SATAN”, đến để “đánh” ông. Từ “đánh” trong ngữ cảnh này có nghĩa là “đánh hết roi này đến roi khác” như cách người ta đánh đập Đấng Christ, dồn dập như những cơn sóng đập vào thuyền. (Ma-thi-ơ 26:67; Mác 14:65; I Cô-rinh-tô 4:11; I Phi-e-rơ 2:20)

Trong II Cô-rinh-tô 12:7, từ “đánh” được dùng để mô tả sự chịu khổ của Phao-lô do sự tấn công của một sứ giả được satan sai phái. Cùng một từ này đã được dùng trong các đoạn Kinh Thánh khác, và không hề có ý nghĩa liên quan gì đến bệnh tật, đau yếu.

Sứ giả, hay quỷ sứ của satan, được sai đến để đánh Phao-lô liên tục, đánh hết roi này đến roi khác vào đầy tớ trung tín của Đức Chúa Trời. Từ “đánh” trong I Cô-rinh-tô 4:11 cũng được dịch trong bản Kinh Thánh tiếng Tây Ban Nha là “đánh nhiều đòn”. Không ai lại nói rằng bệnh tật đánh đòn cả. Rõ ràng, đây là công việc quấy nhiễu của quỷ sứ.

Những mô tả sau đây về sự chịu khổ của Phao-lô trong suốt chức vụ của ông sẽ cho chúng ta thấy quỷ sứ của satan đã “đánh” vào đời sống của ông như thế nào. Sau khi Phao-lô (Sau-lơ) tin Chúa Jesus, Đức Chúa Trời đã sai A-na-nia đến với ông và cho ông biết “phải chịu khổ vì danh Ta đến mực nào” (Công Vụ 9:16). Điều này đã ứng nghiệm trong những cách sau đây:

1. Những người Do Thái định giết Phao-lô (Sau-lơ) ngay sau khi ông tin Chúa Jesus. (Công Vụ 9:23)

2. Ông đã gặp trở ngại khi gia nhập với các Cơ Đốc nhân. (Công Vụ 9:26)

3. Ông bị tay sai của satan chống đối. (Công Vụ 13:6-8)

4. Ông bị những người Do Thái chống đối trong đám đông. (Công Vụ 13:44,45)

5. Ông bị đuổi ra khỏi thành An-ti-ốt, xứ Pi-si-đi. (Công Vụ 13:50)

6. Ông bị sách nhiễu và bị đuổi ra khỏi I-cô-ni. (Công Vụ 14:1-5)

7. Ông phải chạy trốn khỏi Lít-trơ, thành Đẹt-bơ, nơi mà ông đã bị ném đá và bỏ cho chết. (Công Vụ 14:6-19)

8. Ông bị chống đối liên tục bởi anh em giả dối. (II Cô-rinh-tô 11:26)

9. Ông bị đánh đập và bị bỏ tù ở Phi-líp. (Công Vụ 16:19-24)

10. Ông bị sách nhiễu và bị đuổi ra khỏi thành Tê-sa-lô-ni-ca. (Công Vụ 17:5-10)

11. Ông bị sách nhiễu và bị đuổi ra khỏi Bê-rê. (Công Vụ 17:13,14)

12. Ông bị sách nhiễu và bị đuổi ra khỏi Cô-rinh-tô. (Công Vụ 18:6-17)

13. Ông bị chống đối dữ dội tại Ê-phê-sô. (Công Vụ 19:23-41)

14. Người Do Thái âm mưu hãm hại ông. (Công Vụ 20:3)

Trong II Cô-rinh-tô 6:4-10, Phao-lô đã liệt kê ra hàng loạt những khó khăn mà ông đã phải trải qua – hoạn nạn, gian khổ, tai ương, đòn vọt, tù đày, loạn lạc, nhọc nhằn, mất ngủ, nhịn đói… Ông nói: “…bị xem như gần chết, nhưng thật chúng tôi vẫn sống; xem như bị hình phạt, nhưng không bị giết chết…” (câu 9).

Trong II Cô-rinh-tô 11:23-27, ông nói: “Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù tội nhiều hơn, đòn vọt vô kể, nhiều lần suýt bỏ mạng; năm lần bị người Do Thái đánh bằng roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đòn, một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu, một đêm một ngày trôi giạt trên biển. Trong nhiều cuộc hành trình, gặp nguy hiểm trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong thành phố, nguy ngoài hoang mạc, nguy trên biển cả, nguy với những kẻ giả danh anh em, chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói chịu khát, bao lần nhịn ăn, chịu rét mướt, trần truồng.”

Chẳng phải tất cả những gian khổ này đã đến từ quỷ sứ của satan hay sao? Hãy để ý! Trong khi liệt kê hàng loạt những điều này, Phao-lô không hề mảy may đề cập đến bệnh tật hay bệnh đau mắt gì đó mà người ta nói.

Rõ ràng, “CÁI DẰM” của Phao-lô không phải là một chứng bệnh về mắt, bởi vì mắt của ông đã được chữa lành khỏi sự mù lòa và sáng trở lại bình thường (Công Vụ 9:18). Kinh Thánh chắc chắn sẽ không nói điều này nếu mắt Phao-lô thật sự bị yếu như một số nhà thần học đã khiến nhiều người tin.

Lập trường của chúng tôi dựa trên những gì mà Phao-lô thật sự đã nói: “CÁI DẰM” của ông là “SỨ GIẢ CỦA SATAN”, và sứ giả này được sai đến để “đánh” ông (hay để tát vào mặt ông).

Thường thì khi nói đến “CÁI DẰM” của Phao-lô, người ta chỉ đưa ra những quan điểm dựa trên những gì mà họ nghe người giảng dạy nào đó nói, chứ không hề dựa trên việc đích thân nghiên cứu Kinh Thánh một cách nghiêm túc và khách quan. Họ an ủi những người bệnh bằng những lời này: “Phao-lô đã bị bệnh và ba lần cầu xin Chúa chữa lành, nhưng Chúa đã từ chối qua việc Ngài bảo ông rằng ân điển của Ngài đủ cho ông rồi. Vậy, hãy học tấm gương của Phao-lô, mang “CÁI DẰM” bệnh tật của mình một cách trung tín vì sự vinh hiển của Chúa.”

Kinh Thánh chẳng hề nói gì về việc Phao-lô bị bệnh, việc ông cầu xin Chúa chữa lành, hay việc Đức Chúa Trời đòi hỏi ông phải tiếp tục mang bệnh. Do đó, đừng nói những gì Kinh Thánh không nói, mà hãy nói những gì Kinh Thánh thật sự nói. Trong II Cô-rinh-tô 12:7-9, Phao-lô không hề giải thích rằng “CÁI DẰM” là bệnh tật, mà ông nói đó là một “SỨ GIẢ CỦA SATAN”. Ông không nói đã cầu xin Chúa ba lần để được chữa lành, mà ông chỉ nói: “Đã ba lần tôi cầu xin Chúa cho nó lìa xa tôi.” Và Chúa cũng không hề nói với Phao-lô rằng Ngài muốn ông cứ tiếp tục mang bệnh. Điều Ngài thật sự phán là: ‘Ân điển Ta đủ cho con rồi đó…’”

III. TẠI SAO PHAO-LÔ LẠI NHẬN “CÁI DẰM”?

Bây giờ, hãy xem xét câu hỏi thứ ba này. Câu trả lời cũng rõ ràng như hai câu đầu. Tại sao sứ giả của satan được sai đến để đánh đập Phao-lô? Câu trả lời là: “Để giữ tôi khỏi kiêu ngạo về những điều mặc khải diệu kỳ này…” (II Cô-rinh-tô 12:7)

Có phải là vì nhận được vô số những khải thị mà người bệnh ngày nay đã được dạy rằng bệnh tật của họ là một “CÁI DẰM” mà họ phải mang để khỏi kiêu căng chăng? Khi nói về “CÁI DẰM”, Phao-lô chỉ nói về chính mình chứ không đề cập đến bất cứ ai khác. Bạn không nên tuyên bố rằng bệnh tật của bạn là một “CÁI DẰM” giống như của Phao-lô, trừ khi bạn cũng nhận được vô số những khải thị, nhiều đến nỗi cần phải có “CÁI DẰM” để giữ cho bạn khỏi kiêu ngạo.

Nếu bạn tuyên bố rằng bạn có “CÁI DẰM” giống như Phao-lô thì bạn cần làm theo phần Kinh Thánh còn lại về “CÁI DẰM”. Phao-lô đã tôn vinh Đức Chúa Trời trong những lúc ông bị sứ giả của satan đánh đập. Nếu những đòn vọt mà Phao-lô đã chịu chính là bệnh tật, và nếu bạn đang chịu khổ vì bệnh tật như cách mà bạn tin rằng Phao-lô đã chịu thì bạn cũng nên tôn vinh Chúa trong thân thể của bạn thay vì cố gắng loại bỏ bệnh tật. Nếu bạn muốn khoe khoang về “CÁI DẰM” của mình thì tốt hơn hết là đừng đi tìm kiếm bác sĩ giỏi để lấy nó ra!

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét những câu Kinh Thánh mà người ta dùng để chứng minh rằng “CÁI DẰM” của Phao-lô là một số bệnh tật nào đó nhé!

NHỮNG ĐAU YẾU

– “Vì vậy, tôi rất vui mừng, tự hào về những yếu đuối của tôi…” (II Cô-rinh-tô 12:9)

– “Cho nên, vì cớ Đấng Christ, tôi vui chịu sự yếu đuối…” (II Cô-rinh-tô 12:10)

– “Anh em biết rằng lần đầu tiên tôi đến truyền giảng Tin Lành cho anh em với một thể xác đau yếu…” (Ga-la-ti 4:13)

– “Chính tôi đã ở giữa anh em trong sự yếu đuối…” (I Cô-rinh-tô 2:3)

– “…nhưng khi có mặt thì lại yếu mềm…” (II Cô-rinh-tô 10:10)

– “Ân điển Ta đủ cho con rồi đó, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối…” (II Cô-rinh-tô 12:9)

Từ “yếu đuối” được dịch từ một từ Hy Lạp mà Phao-lô dùng khi ông viết: “Cũng vậy, Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện điều gì cho đúng; nhưng chính Thánh Linh dùng những sự thở than không thể diễn tả bằng lời mà cầu thay cho chúng ta.” (Rô-ma 8:26) Từ này cũng được dùng trong thư Hê-bơ-rơ để mô tả các tiên tri đang yếu đuối trở nên mạnh mẽ. (Hê-bơ-rơ 11:34) Nó cũng được dùng để diễn tả tình trạng của Đấng Christ khi bị đóng đinh: “Mặc dù Ngài đã chịu đóng đinh vào thập tự giá trong tình trạng yếu đuối, nhưng Ngài đang sống với quyền năng của Đức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 13:4)

Từ “yếu đuối” (hay “yếu ớt”) chính là từ được dùng khi Phao-lô nói: “…vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ.” (II Cô-rinh-tô 12:10) Nếu từ “yếu đuối” có nghĩa là ông bị bệnh thì từ “mạnh mẽ” có nghĩa là ông đã khỏe mạnh! Từ “yếu đuối” trong những ngữ cảnh liên quan đến đời sống của Phao-lô không bao giờ hàm ý là bệnh tật hay bệnh đau mắt hột gì cả. Hãy để ý cách dùng từ này (được dịch từ một từ gốc Hy Lạp như những từ ở trên) trong những câu Kinh Thánh sau đây, mà nếu thay thế những từ “bệnh tật” hay “đau yếu” vào, bạn sẽ thấy thật sai trật: Rô-ma 4:19; 8:3; 14:2; I Cô-rinh-tô 8:9; 9:22; 15:43; II Cô-rinh-tô 13:4; Hê-bơ-rơ 5:2; 7:28.

Trong những câu Kinh Thánh này, từ “yếu đuối” là từ trái nghĩa với các từ “quyền năng” hay “mạnh mẽ”, và không hề mang bất cứ ý nghĩa nào về sự đau yếu hay bệnh tật!

Khi Phao-lô nói về sự “yếu đuối” của mình trước Hội Thánh, ông đang bày tỏ rằng mình không làm được gì với sức mạnh riêng, mà ông lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Thánh Linh và quyền năng của Đức Chúa Trời. Ông nói: “Ngôn từ và sứ điệp của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo để thuyết phục, nhưng chính là sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh, để đức tin anh em không dựa trên sự khôn ngoan của loài người, mà trên quyền năng của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 2:4,5)

SỰ CÁM DỖ (HAY THỬ THÁCH)

“Dù thể xác của tôi là một thử thách cho anh em, anh em cũng chẳng khinh khi hay miệt thị tôi…” (Ga-la-ti 4:14) Từ “thử thách” hay “cám dỗ” (mà người ta giải thích đó là bệnh tật) được dịch từ cùng một từ Hy Lạp được dùng để diễn tả sự thách thức của satan đối với Đấng Christ tại đồng vắng: “Sau khi dùng hết cách cám dỗ Ngài, ma quỷ bỏ đi…” (Lu-ca 4:13). Từ này cũng được Chúa Jesus dùng khi Ngài phán: “Hãy cầu nguyện để các con khỏi sa vào sự cám dỗ.” (Lu-ca 22:40) Cả hai trường hợp này đều không đề cập đến bệnh tật hay đau yếu gì cả!

CHỮ VIẾT LỚN CỦA PHAO-LÔ

“Hãy xem những dòng chữ thật lớn mà chính tay tôi đã viết cho anh em.” (Ga-la-ti 6:11)

Nhiều người đã được dạy rằng Phao-lô sắp bị mù nên ông phải viết những nét chữ rất lớn, nhưng chúng ta hãy cùng xem xét những điều sau đây:

– Từ “chữ” mà Phao-lô dùng ở đây được dịch từ cùng một từ Hy Lạp khi ông nói: “…vì văn tự (chữ viết) đem lại sự chết, nhưng Thánh Linh ban cho sự sống.” (II Cô-rinh-tô 3:6) Rõ ràng, ở đây không có ý nói về những chữ cái viết.

– Từ “lớn” trong bản Kinh Thánh tiếng Anh được dịch từ một từ Hy Lạp có nghĩa là “hình thức mang tính chất lượng”, “nhiều cỡ nào”, chứ không phải là lớn cỡ nào. Ngoài ra, từ “lớn” trong ngữ cảnh này không mang ý nghĩa lớn về kích thước như từ “lớn” để mô tả căn phòng trong Lu-ca 22:12. Chữ của Phao-lô lớn về chất lượng. Các mẫu tự A, B, C chỉ lớn về kích thước chứ không thể lớn về chất lượng. Tôi tin ý Phao-lô muốn nói rằng thư tín của ông lớn (về chất lượng) chỉ vì ông vốn không có thói quen tự viết.

“CŨNG MÓC MẮT MÌNH MÀ CHO”

“Vì tôi làm chứng cho anh em rằng nếu có thể được thì anh em cũng móc mắt mình mà cho tôi.” (Ga-la-ti 4:15)
Câu Kinh Thánh này được dùng để chứng minh Phao-lô bị bệnh về mắt. Theo phỏng đoán của một số nhà thần học thì Phao-lô mang một chứng bệnh về mắt ở phương đông, và người ta sẵn sàng dâng hiến đôi mắt của họ để thay thế cho đôi mắt của ông. Nhưng thật ra, lối nói này của người Ga-la-ti chỉ là cách họ bày tỏ lòng yêu mến đối với Phao-lô vì những gì ông đã tận tụy làm cho họ mà thôi.

Lúc kết thúc chiến dịch của chúng tôi ở hải ngoại, trong đó có khoảng hơn 100 người điếc và trên 90 người mù được chữa lành hoàn toàn, một trong các mục sư đã nói khi chào từ biệt chúng tôi: “Ông Osborn, dân tộc chúng tôi yêu quý ông. Họ vô cùng cảm ơn Chúa về việc ông đến với chúng tôi. Họ muốn ông biết rằng họ có thể cắt cánh tay phải của họ mà dâng hiến cho ông nếu có thể được.”

Rõ ràng, không phải vì cánh tay phải của tôi bị bệnh hay trở nên vô dụng mà họ nói như vậy, mà đó chỉ là một cách nói để bày tỏ tấm lòng yêu quý, biết ơn của họ đối với tôi mà thôi!

Bạn thấy không, khi thật sự đối chiếu với Lời Chúa trong Kinh Thánh và bỏ qua các định kiến thần học, chúng ta không tìm thấy cơ sở nào để có thể kết luận rằng “CÁI DẰM” của Phao-lô là bệnh tật hay đau yếu gì cả!

IV. NHỮNG Ý TƯỞNG QUAN TRỌNG VỀ CÁI DẰM CỦA PHAO-LÔ

1. Sự chữa lành là yếu tố quan trọng của Phúc Âm. Vậy thì làm sao Phao-lô có thể hưởng được “ân phước dồi dào của Đấng Christ” (Rô-ma 15:29) như ông đã nói, trong khi vẫn còn mang bệnh? Vậy thì có phải sự chữa lành là một phần của Phúc Âm không?

2. Nếu Phao-lô bị bệnh thì làm sao những người được nghe ông giảng tại Ê-phê-sô lại có thể nhận lãnh đức tin một cách mạnh mẽ để kinh nghiệm “các phép lạ phi thường” (phép lạ chữa lành và giải cứu) như thế? (Công Vụ 19:11,12)

3. Nếu Phao-lô bị bệnh thì làm sao sứ điệp đầu tiên ông rao giảng tại Lít-trơ lại tạo ra một đức tin như thế trong tấm lòng của một người “bị què từ lúc lọt lòng mẹ” (Công Vụ 14:8), và khiến người này được chữa lành một cách kỳ diệu ngay tức thì? Nếu Phao-lô bị bệnh thì làm sao người đó có thể dễ dàng được thuyết phục bởi sứ điệp đầu tiên của ông để rồi tin và được chữa lành một cách kỳ diệu như vậy? Các nhà phê bình thường nói: “Nếu bạn bị bệnh thì sứ điệp của bạn là gì?” Lẽ nào một người được cho là bị bệnh, yếu sức, và bị mờ mắt như Phao-lô mà lại có thể tạo đủ đức tin nơi một người chưa tin Chúa để rồi người đó nhận được một sự chữa lành kỳ diệu như thế?

4. Nếu Phao-lô bị bệnh hay đau yếu thì làm sao ông có thể khiến dân ngoại vâng phục Chúa qua những dấu lạ, phép mầu đầy uy lực của Thánh Linh? (Rô-ma 15:18,19). Tôi để ý thấy rằng những người bệnh nào tuyên bố mình có “CÁI DẰM” giống như Phao-lô thì thường thiếu năng lực trong chức vụ, đừng nói gì đến việc thực hiện các dấu kỳ, phép lạ trong quyền năng Thánh Linh!

5. Nếu Phao-lô bị bệnh hay đau yếu thì sau khi thoát khỏi nạn đắm tàu, làm sao ông đủ sức đến thăm, đặt tay cầu nguyện, đem lại sự chữa lành cho cha của Púp-li-u, và sau đó là cho tất cả những người bệnh từ khắp nơi trên đảo Man-tơ kéo đến?

6. Nếu “CÁI DẰM” của Phao-lô không hề ngăn trở đức tin của những người tại Ê-phê-sô, Man-ta, Lít-trơ, và hầu hết những nơi mà ông rao giảng, mà ngược lại, khiến họ thêm đức tin để kinh nghiệm sự chữa lành siêu nhiên, thì tại sao chính “CÁI DẰM” này lại trở thành một chướng ngại vật ngăn trở đức tin để nhận sự chữa lành của nhiều người trong thời đại ngày nay?

7. Trong thời Kinh Thánh, đức tin đến bởi nghe Lời Đức Chúa Trời, trong khi ngày nay, đức tin đi khỏi do nghe lời của ai đó nói với chúng ta rằng: “Phao-lô bị bệnh, và Đức Chúa Trời không muốn chữa lành ông dù ông đã cầu nguyện ba lần. Vậy, có lẽ Ngài cũng không muốn chữa lành bạn.”

Lối lý luận này khiến người ta từ bỏ những lời hứa tuyệt vời của Đức Chúa Trời về sự chữa lành để rồi mất công tìm kiếm những “khải thị đặc biệt” chỉ nhằm xác định xem Chúa có muốn chữa lành cho mình hay không. Như vậy chẳng khác nào tuyên bố rằng đức tin không đến từ việc nghe Lời Chúa như Phao-lô đã nói, mà chỉ đến sau khi một người cầu nguyện và nhận được một “khải thị đặc biệt” rằng Chúa muốn chữa lành cho mình.

Có điều mâu thuẫn đến mức buồn cười là những người tuyên bố rằng Phao-lô bị bệnh mà không được chữa lành lại thích thay thế việc cầu nguyện bằng cách tìm kiếm, lựa chọn những bác sĩ giỏi và thuốc “xịn” để loại trừ “CÁI DẰM” ra khỏi thân thể mình mà không cần “hỏi ý kiến” Chúa!

Lại có một điều mâu thuẫn khác là trong khi giảng dạy rằng “CÁI DẰM” của Phao-lô là bệnh tật, một số người lại “chuyên” giới thiệu tín đồ của họ đến các bệnh viện và bác sĩ “uy tín” để được chữa lành thay vì cầu nguyện cho đến khi Chúa trả lời rằng Ngài không muốn chữa lành họ, theo cách mà họ tin rằng Phao-lô đã kinh nghiệm. Tốt hơn hết, họ nên khuyến khích tín đồ của họ “vui mừng” và “tự hào” về bệnh tật theo cách mà họ tin rằng Kinh Thánh dạy, thay vì cuống cuồng tìm đủ mọi cách để trục xuất “cái dằm đáng yêu” này!

8. “Trái lại, tôi làm việc nhiều hơn tất cả những người khác…” (I Cô-rinh-tô 15:10) Có thể nào một người được cho là bị bệnh như Phao-lô mà lại có thể làm việc nhiều hơn tất cả những người khỏe mạnh khác???

Những người tuyên bố “CÁI DẰM” của Phao-lô là bệnh tật thì thường không đủ sức lực để làm việc, kết quả là các phụ tá của họ phải làm việc nhiều hơn, còn họ thì phải dành nhiều thì giờ hơn để nghỉ ngơi “lấy lại sức’!

Chắc chắn, Phao-lô đã thực hiện tất cả những điều mà ông nói, bao gồm: “sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 2:21), “toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:17), “sốt sắng làm các việc lành” (Tít 2:14), “chú tâm vào việc lành” (Tít 3:8), “cung ứng cho anh em mọi ơn lành để làm theo ý muốn Ngài” (Hê-bơ-rơ 13:21), “dư dật để làm mọi việc lành” (II Cô-rinh-tô 9:8) Một người bệnh không bao giờ có thể làm như vậy!!!

9. Nếu câu nói “Ân điển Ta đủ cho con rồi…” thật sự có nghĩa là Đức Chúa Trời muốn Phao-lô cứ tiếp tục mang bệnh thì đó là trường hợp duy nhất và đầy mâu thuẫn trong Kinh Thánh, đi ngược lại với rất nhiều lời hứa của Ngài về sự chữa lành. Chẳng lẽ Lời Chúa lại tự mâu thuẫn với nhau sao???

(Tiến sĩ T.L.Osborn)

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên