Trang Chủ TRANG CHỦ Ý Nghĩa Của Tình Yêu

Ý Nghĩa Của Tình Yêu

944
0
SHARE

Sự ghen ghét xui điều cãi lộn;
Song lòng thương yêu lấp hết các tội phạm.

Châm ngôn 10:12

 

Tình yêu thương là một ý niệm rất tuyệt vời. Tuy nhiên có một số điều mà tình yêu thương không thể làm. Nó không thể tha thứ hay bỏ qua tội lỗi, bởi vì tội lỗi đối nghịch với một Đức Chúa Trời yêu thương thánh khiết.  Nhưng tình yêu thương (thể hiện qua sự hy sinh của Chiên Con) có thể thanh tẩy tội lỗi, bởi vì, “huyết của Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội chúng ta” (1 Giăng 1:7). Tình yêu thương có thể bao phủ tội lỗi, và chúng ta không nên thày lay chuyện người khác và đem điều sỉ nhục đến cho danh Chúa. Chúng ta hãy là những người chiến thắng.

 

 

Chúng ta phải lấy điều thiện thắng điều ác. “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12:21). Sem và Gia-phết đã áp dụng điều này khi họ che phủ thân thể của Nô-ê đang khi cha của họ say rượu và ở trong tình trạng lõa thể. Còn Cham thì nhìn thấy sự lõa thể của cha và đi thuật lại (buôn chuyện) câu chuyện của cha với các anh em khác (Sáng thế ký 9). Anh ta đã không làm điều gì để giữ gìn sự tôn trọng dành cho cha mình. “Sự giận dữ của kẻ ngu muội liền lộ ra tức thì; Còn người khôn khéo che lấp sỉ nhục mình” (Châm ngôn 12:16). Luật pháp của Môi-se lúc bấy giờ chưa có, nhưng chắc chắn là có một điều gì đó trong tấm lòng của Cham có thể thúc đẩy anh ta làm điều đúng. Tuy nhiên Cham đã làm điều ngược lại. Khi thuật lại hành động xấu hổ của Nô-ê với các anh em mình, anh ta than khóc hay giễu cợt? Edmund Burke đã viết, “tất cả những gì cần thiết để điều ác ngự trị là những người tốt không làm gì cả,” và Gia-cơ đã viết, “Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội” (Gia-cơ 4:17).

 

Chúng ta phải chiến thắng sự dối trá bằng lẽ thật. Ví dụ điển hình để minh họa cho điều này là Giô-sép đã đối xử với các anh em của mình bằng sự nhân hậu, tha thứ mặc dù họ đã từng dùng thủ đoạn để tiêu diệt Giô-sép (Sáng thế ký 37:12-35). Đức Chúa Trời của Giô-sép đã đưa ông lên chiếc ghế quyền lực thứ hai tại Ai-cập sau một chặng đường dài gian truân. Trong cơn đói kém các anh em của Giô-sép đã đến Ai-cập tìm kiếm nguồn lương thực. Họ không thể ngờ rằng Giô-sép, người mà họ đã vớt từ dưới hố lên bán cho thương lái làm nô lệ lại trở thành người thi ân cho họ. Giô-sép đã đối xử cách hào hiệp và rộng lượng với những người đã phản bội mình bằng một tình yêu vô đối. Trong cái nhìn của Giô-sép, ông thấy bàn tay của Đức Chúa Trời dùng hoạn nạn để chuyên chở phước hạnh đến cho ông, “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo” (Sáng thế ký 50:20). Giô-sép đã nói ra lẽ thật trong tình yêu (Ê-phê-sô 4:15). Lẽ thật mà không có tình yêu sẽ là sự tàn bạo, còn tình yêu mà không có lẽ thật chỉ là sự giả hình. Giô-sép đã trả một giá cao để trở nên thủ tướng Ai-cập, vì vậy sự giải cứu dành cho các anh em và gia đình của ông là không rẻ chút nào. Anh em của ông đã phải cảm nhận hậu quả đau đớn từ tội lỗi của chính mình trước khi có thể tận hưởng sự tha thứ nơi Giô-sép.

 

Chúng ta phải chiến thắng sự thù hận bằng tình yêu. Một lần nữa hãy nghĩ về Giô-sép, là người bị các anh em mình căm ghét (Sáng thế ký 37:1-11). Nhưng Giô-sép đã không nuôi dưỡng ý tưởng trả đũa họ theo cách thường tình, ông đã làm điều ngược lại. Tôi cũng nhớ đến Đa-vít, là người bị vua Sau-lơ truy sát. Ông có cơ hội để giết chết Sau-lơ nhưng không làm, và còn ngăn cản người khác thực hiện hành động đó. “Kẻ nào lấp giấu tội lỗi tìm cầu điều tình ái”  (Châm ngôn 17:9). Sứ đồ Phi-e-rơ viết, “trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi” (1 Phi-e-rơ 4:8). Khi chúng ta đọc bài ai ca của Đa-vít viết về Sau-lơ, chúng ta thấy tác giả ca ngợi Sau-lơ và không kể tội vị vua gian ác này (2 Sa-mu-ên 1:17-27).

 

Dĩ nhiên, gương mẫu lớn nhất minh họa cho tình yêu thương khỏa lấp tội lỗi là Chúa Giê-su Christ. Hãy suy nghĩ thấu đáo về cách mà Chúa Giê-su muốn “khỏa lấp” tội lỗi của Giu-đa và ban cho ông những cơ hội để thay đổi (Nếu Phi-e-rơ biết kế hoạch của Giu-đa, vị sứ đồ này có thể đã rút kiếm ra!) Sau khi phục sinh, Chúa Giê-su đã gặp riêng Phi-e-rơ và tha thứ tội lỗi của ông (Lu-ca 24:34; 1 Cô-rin-tô 15:5) và sau đó Chúa Cứu thế đã phục hồi chức vụ của ông cách công khai (Giăng 21:15-19). Trong ngày Lễ ngũ tuần, ông đã rao giảng một sứ điệp khiến ba ngàn người tin Chúa.

 

Chúa Giê-su dạy, “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13:34). Và Phao-lô viết, “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình ấy là đã làm trọn luật pháp” (Rô-ma 13:8). Tình yêu thương không chỉ là mạng lệnh lớn nhất, nó còn là sự bao phủ lớn nhất. Chúng ta sẽ đến gần hơn với Đức Chúa Trời khi yêu thương người khác và thực hành sự tha thứ.

 

Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương,

Ga-la-ti 5:22

admin

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên