Trang Chủ TRANG CHỦ Làm Thế Nào Để Yêu Thương Kẻ Thù?

Làm Thế Nào Để Yêu Thương Kẻ Thù?

596
0
SHARE

Những gì bạn nên biết về Taliban.

Cách đây 20 năm (tháng 9 năm 2001), Hoa Kỳ đã lật đổ chính quyền Taliban ở Afghanistan vì đã dung túng Osama bin Laden và cung cấp các cơ sở huấn luyện cho những kẻ khủng bố Al-Qaeda. Trong tháng 8/2021, Taliban đã trở lại nắm quyền sau khi lực lượng quân đội Mỹ rời đi  và chính phủ Afghanistan sụp đổ.

Dưới đây là những gì bạn nên biết về Taliban, một chế độ Hồi giáo cực đoan.

1. Tên Taliban có nghĩa là sinh viên.
Taliban là một thuật ngữ từ tiếng Pashto có nghĩa là “sinh viên” hoặc “người tìm kiếm”. Taliban ban đầu là một phong trào gồm các sinh viên tôn giáo (talibs) từ các khu vực Pashtun ở miền đông và miền nam Afghanistan, những người này đã được giáo dục trong các trường Hồi giáo truyền thống ở Pakistan.

Ở trường, học sinh Taliban được đào tạo về Kinh Qur’an và kỹ thuật chiến tranh. Các trường học mà các học sinh Taliban ban đầu theo học đã tổ chức họ thành các nhóm chiến binh được đào tạo về cách sử dụng vũ lực để khuất phục các đối thủ của họ. Các sinh viên được chia thành hai nhóm: một nhóm chỉ tham gia học tập và nhóm khác tổ chức và chuẩn bị tham gia vào cuộc chiến tôn giáo. Những người từ 18 tuổi trở lên sẽ chiến đấu chống lại Liên Xô và sau đó trở lại học tập khi họ trở về từ chiến trường.

2. Taliban lên nắm quyền trong cuộc nội chiến Afghanistan.
Tháng 12 năm 1979, 30.000 quân Liên Xô xâm lược Afghanistan để hỗ trợ chính phủ cộng sản Afghanistan. Liên Xô tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ trong thập kỷ tiếp theo trước khi rút quân vào năm 1988. Sau khi Liên Xô rút quân, xung đột dân sự tiếp tục cho đến khi chính quyền ở Afghanistan rơi vào tay Taliban vào năm 1996. Liên minh phương Bắc Afghanistan, chính thức được gọi là Mặt trận Hồi giáo thống nhất  được thành lập vào cuối năm 1996 để chống lại Taliban. Liên minh phương Bắc đã chiến đấu trong một cuộc chiến phòng thủ chống lại chính quyền Taliban cho đến tháng 9 năm 2001, khi quân đội Hoa Kỳ lật đổ chế độ Hồi giáo tàn bạo này.

3. Chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện một thỏa thuận hòa bình với Taliban.
Vào tháng 2 năm 2020, chính quyền Trump đã ký một thỏa thuận với Taliban với nội dung: Hoa Kỳ rút quân và trả tự do cho 5.000 “tù nhân chiến binh” của Taliban. Đổi lại, Taliban đồng ý “ngăn chặn việc sử dụng đất của Afghanistan bởi bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào chống lại an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh”. Tổng thống Biden đã đồng ý tôn trọng thỏa thuận này. Ông nói, “Có lẽ đó không phải là những gì tôi sẽ tự thương lượng, nhưng đó là một thỏa thuận do chính phủ Mỹ đưa ra, và điều đó có ý nghĩa.”

4. Taliban tham gia buôn người và  buôn bán nô lệ tình dục.
Trong khi nắm quyền, Taliban thường xuyên bắt cóc phụ nữ để ép buộc kết hôn và phục vụ tình dục. Theo chính phủ Afghanistan, Taliban cũng thường xuyên bán phụ nữ làm nô lệ tình dục để tài trợ cho chế độ của mình.

Taliban bắt trẻ em vào lực lượng vũ trang chiến đấu cho lý tưởng của mình.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Taliban tuyển dụng và đào tạo trẻ em theo từng độ tuổi cụ thể. HRW cho biết: “Các bé trai bắt đầu học giáo lý khi còn trẻ lúc 6 tuổi và tiếp tục học các môn tôn giáo dưới sự chỉ đạo của các giáo viên Taliban trong vòng 7 năm.” Theo người thân của những cậu bé được Taliban tuyển mộ, khi được 13 tuổi, những đứa trẻ được Taliban giáo dục đã học các kỹ năng quân sự bao gồm sử dụng súng, sản xuất và phát triển các loại bom đơn giản. Các giáo viên Taliban sau đó giới thiệu những binh sĩ nhí được huấn luyện này cho các nhóm Taliban ở địa phương.”

5. Taliban có hồ sơ vi phạm nhân quyền.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban có một trong những hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Tổ chức này kiểm soát xã hội thể hiện ở các quan chức “sùng đạo” – được gọi là cảnh sát  khi Taliban nắm quyền vào những năm 1990 –  họ  hoạt động ở các quận dưới sự kiểm soát của Taliban. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lưu ý: Các quan chức này tuần tra cộng đồng để giám sát việc cư dân tuân thủ các quy tắc xã hội do Taliban quy định về cách ăn mặc và mọi sinh hoạt khác.

6. Taliban có một lịch sử đàn áp trẻ em gái và phụ nữ.
Ngay sau khi Taliban lên nắm quyền vào những năm 1990, họ đã đóng cửa trường đại học dành cho phụ nữ và buộc gần như tất cả phụ nữ phải nghỉ việc. Chính phủ cũng hạn chế quyền tiếp cận chăm sóc y tế đối với phụ nữ, họ thực thi một cách nghiêm khắc quy định về trang phục và hạn chế khả năng di chuyển của phụ nữ trong thành phố. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có tới 50.000 phụ nữ đã mất chồng và những người thân là nam giới khác trong cuộc nội chiến kéo dài ở Afghanistan. Không có nguồn thu nhập, nhiều người Afghanistan đã phải bán tài sản của họ và ăn xin trên đường phố để nuôi sống gia đình của họ. Phụ nữ cũng được yêu cầu mặc một chiếc áo choàng dài phủ kín toàn thân với mạng che mặt. Chiếc áo này dày đến mức người mặc cảm thấy khó thở; mạng che mặt cho phép nhìn thấy một tầm nhìn hạn chế đến mức người phụ nữ khó băng qua đường một cách an toàn.

7. Taliban có lịch sử đàn áp các tín đồ Cơ đốc giáo ở Afghanistan.
Một số ít Cơ đốc nhân còn lại ở Afghanistan (số lượng của họ dao động từ 1.000 đến 20.000) đang lo sợ về sự trở lại của Taliban. Taliban có thể sẽ giết những Cơ đốc nhân  và  gieo rắc nỗi sợ hãi. Đã có những tấm áp phích xuất hiện rằng nếu bạn có những cô con gái độc thân 15 tuổi, bạn phải gả chúng cho binh lính Taliban. Những người theo Cơ đốc giáo lo sợ con gái của họ sẽ bị bắt đi  và buộc phải kết hôn với Taliban. Còn họ sẽ được gửi đến trại tập trung để tẩy não.  Taliban sẽ lấy tài sản  của những người theo đạo Chúa  bao gồm cả vợ và con cái của họ.

 CHÚNG TA PHẢI CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG KẺ BẮT BỚ ĐẠO CHÚA

Mục sư  Joe Carter chia sẻ sau đây:

Đức Chúa Giê-su phán trong bài giảng trên núi: “Các con có nghe lời dạy rằng: ‘Hãy thương yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch.’ Nhưng Ta bảo các con: Hãy thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con để các con được trở nên con của Cha các con ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:43-45).

Khi Đức Chúa Giê-su dạy phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù, Ngài biết một ngày nào đó sẽ chúng ta sẽ phải cầu nguyện cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, như Taliban, kẻ đã sát hại hội thánh là cô dâu của Ngài. Cầu nguyện cho Taliban không phải là điều chúng ta muốn. Nhưng đó là điều Chúa  đã truyền cho chúng ta.

Dưới đây là ba cách cụ thể để cầu nguyện cho những kẻ đã giết anh chị em người Afghanistan của chúng ta:

Cầu nguyện cho sự cải đạo của các thành viên Taliban

Có hai lý do chính khiến chúng ta không muốn cầu nguyện cho sự cải đạo của những phần tử Hồi giáo cực đoan như Taliban. Lý do đầu tiên: thật vô lý khi nghĩ rằng họ sẽ trở thành tín đồ Đấng Christ. Lý do thứ hai: chúng ta sợ rằng họ có thể thực sự cải đạo.

Lý do đầu tiên phổ biến hơn, vì việc cầu nguyện cho kẻ cực đoan cải đạo dường như chỉ là lời cầu xin vô ích. Mặc dù biết lẽ thật  rằng Chúa có thể làm cho họ những gì Ngài đã làm cho chúng ta: ban cho món quà ân điển để họ được cứu (Ê-phê-sô 2:8), nhưng chúng ta lại xem xét tình huống thực tế và tự nhủ rằng xác suất cải đạo của họ thật sự chỉ bằng zero. Vậy nên, chúng ta không muốn lãng phí thời gian cầu nguyện của mình và Chúa.

Sự cải đạo như vậy đúng là là khó xảy ra và hiếm thấy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên cầu nguyện cho sự cải đạo của họ bất luận thế nào đi nữa. Nếu thực sự yêu kẻ thù mình, chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời thay đổi tấm lòng họ.

“Chúa không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9).
Một lý do khác ít thấy hơn: chúng ta không cầu nguyện cho sự cải đạo của họ vì sợ rằng họ có thể thực sự ăn năn. Giống như Giô-na ở xứ Ni-ni-ve, chúng ta muốn kẻ thù mình nhận lãnh sự hủy diệt chứ không phải lòng thương xót và tha thứ.

Ví dụ, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, có thể rất nhiều Cơ Đốc nhân đã tuân theo mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su và cầu nguyện cho Đức quốc xã. Nhiều người sẽ cảm thấy khó khăn, như thể Đức Chúa Trời không công bằng khi tha thứ cho những kẻ độc ác khủng khiếp như vậy. Có thể họ sẽ phàn nàn như Giô-na khi Đức Chúa Trời tha cho dân Ni-ni-ve: “Bởi con biết Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn và đổi ý không giáng tai vạ” (Giô-na 4:2).

Nhưng chính vì Ngài là một Đức Chúa Trời nhân từ và giàu ơn, chúng ta càng phải cầu xin Ngài biến đổi kẻ thù mình. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho kẻ thù ân điển giống như Ngài đã ban cho chúng ta, vì chúng ta vốn đã từng là kẻ thù của Ngài!


Cầu nguyện để Chúa xem xét những hành động tàn ác của Taliban và ban cho các Cơ đốc nhân  ở Afghanistan tiếp tục công bố phúc âm cho dù họ phải tử vì đạo. 

“Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ,  giơ tay Ngài ra, để nhờ danh đầy tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Giê-su,mà làm những phép chữa lành bịnh, phép lạ và dấu kỳ”
Công. 4:29-30.

Không có gì mâu thuẫn khi chúng ta vừa cầu nguyện vì lợi ích kẻ thù, vừa cầu xin cho những hành động xấu xa của họ bị hạn chế. Vì lợi ích của những kẻ khủng bố Taliban và những Cơ Đốc nhân đang bị bức hại, những hành động tội ác của Taliban cần được ngăn chặn. Đối với những người cứng lòng chống lại Đức Chúa Trời, thà rằng sự sống của họ bị rút ngắn còn hơn là tiếp tục bắt bớ con cái Ngài.

Trong 20 năm qua, việc bảo vệ những người vô tội đòi hỏi các chính phủ trên khắp thế giới phải hành động quân sự và sử dụng vũ lực để ngăn chặn quân Taliban bức hại đàn ông, phụ nữ và trẻ em Afghanistan. Giờ đây, chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa bảo vệ dân sự của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cẩn thận về động cơ cầu xin của mình. Mặc dù sự thất bại của lực lượng Taliban là cách hiệu quả duy nhất để kiềm chế cảnh chết chóc và đau khổ mà họ gây ra, chúng ta cũng không nên vui mừng trước sự đau khổ hoặc cái chết của họ (nếu có). “Khi kẻ thù nghịch con sa ngã, chớ vui mừng; Lúc nó bị đánh đổ, lòng con đừng hớn hở” (Châm ngôn 24:17).


Cầu nguyện để Taliban nhận lãnh công lý của Đức Chúa Trời.

Giống như việc kiến ​​nghị các cơ quan chính quyền thực thi công lý trần thế, chúng ta cũng có thể cầu xin Đức Chúa Trời ban cho công lý thiên thượng. Như một nhà truyền giáo đã nói: “Trong khi tình yêu thương và sự chúc phước là đức tính đặc trưng của tín đồ, thì việc  cầu xin sự báo thù thiêng liêng cũng cần được công bố trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, để chống lại sự cứng lòng, lừa dối, bạo lực, và những tội nhân vô đạo đức.”

Trong khi cầu xin công lý thiêng liêng được thực hiện, chúng ta nên cẩn thận suy xét động cơ của mình. Việc cầu xin sự công bình của Đức Chúa Trời rất dễ bị biến thành cách để tránh nghĩa vụ yêu thương kẻ thù. Trong khi trao sự báo thù vào tay Chúa, xin đừng quên những gì đã được truyền cho chúng ta. Như Phao-lô viết trong Rô-ma 12: 19–21:

“Thưa anh em yêu dấu, đừng tự tay mình báo thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có lời Chúa phán: “Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng. Nhưng, “nếu kẻ thù anh em đang đói, hãy cho họ ăn; nếu đang khát, hãy cho họ uống; vì làm như vậy khác nào anh em đặt than lửa hồng trên đầu họ. Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”.

Đã từng là những người chống nghịch Đức Chúa Trời, chúng ta nên biết ơn vì giờ đây mình được quyền cầu nguyện cho kẻ thù, và tin chắc rằng Đức Chúa Giê-su sẽ nghe lời khẩn cầu ấy. Chúng ta nên biết ơn, và cầu xin để ngay cả phe Taliban tàn ác cũng sẽ nhận được lòng thương xót và ân điển Chúa, như chúng ta đã từng nhận được.

Nhưng nếu họ từ chối và cứng lòng chống lại Đấng tha thứ cho họ, thì chúng ta phải cầu xin công lý thiên thượng được thực thi trên tất cả những ai đánh mất sự công bình của Đấng Christ.

Admin tổng hợp

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên