Trang Chủ TRANG CHỦ Vị Sứ Đồ Của Tình Yêu

Vị Sứ Đồ Của Tình Yêu

998
0
SHARE

Sứ Đồ Giăng

Vả, có một môn đồ dựa vào ngực Đức Chúa Giê-su, tức là người mà Ngài yêu.

Giăng 13:23

Sách Phúc âm Giăng bày tỏ Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng muốn mọi người biết rõ sự thật này: đặt đức tin vào Chúa Giê-su và nhận món quà cứu rỗi miễn phí là sự sống đời đời (Giăng 20:30-31). Tên của sứ đồ Giăng không xuất hiện trong sách này, nhưng chúng ta biết rằng ông là một chứng nhân đáng tin cậy qua những gì ông ghi lại.

Giăng là một trong hai môn đồ không nêu rõ tên, đã chia tay với Giăng Báp-tít để theo Chúa Giê-su. Một môn đồ khác tên là Anh-rê đã đem anh của mình đến với Chúa Giê-su (Giăng 1:35-42). Và Giăng cũng đã đem người anh em của mình là Gia-cơ đến với Chúa. Trong Phúc âm Giăng, khi đề cập đến sứ đồ Giăng trước giả thường viết câu này, “người mà Chúa yêu” (Giăng 13:23; 19:26; 20:2; 21:7, 20). Từ yêu được dùng sáu lần trong mười hai chương đầu của Phúc âm Giăng, nhưng trong cuộc đàm thoại và cầu nguyện trên phòng cao của các môn đồ với Chúa từ này xuất hiện đến ba mươi mốt lần (Giăng 13-17).

Sứ đồ Giăng dạy chúng ta bốn lẽ thật quan trọng sau đây về tình yêu Cơ đốc.

ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU THƯƠNG CHÚNG TA

Giăng 3:16 bày tỏ rằng Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, nhưng Giăng đặc biệt nói cho chúng ta biết Ngài cũng yêu thương từng cá nhân. “Đức Chúa Giê-su yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ” (Giăng 11:5). Chúa Giê-su được nhiều người đi theo, nhưng chỉ có mười hai môn đồ được Ngài gọi làm sứ đồ. Và trong nhóm sứ đồ, có ba người gần gũi với Chúa nhiều hơn cả là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng. Và trong ba vị này, thì Giăng là người được Chúa yêu.

Lưu ý là Giăng không viết, “chỉ có một môn đồ được Chúa yêu.” Nếu viết như vậy là không đúng bởi vì, “Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1). Chúa Giê-su yêu tất cả các sứ đồ cũng giống Cha thiên thượng yêu Ngài: “Cha đã yêu thương họ cũng như Cha đã yêu thương Con” (Giăng 17:23). Vì vậy Giăng không vui hưởng một đặc ân độc quyền là được Chúa yêu. Giăng không có ý viết, “môn đồ được Chúa yêu” hàm ý rằng không có ai khác trong nhóm được hưởng đặc ân này. Sẽ là kiêu ngạo khi cho rằng chỉ có bản thân được Chúa yêu. Giăng yêu mến Chúa Giê-su, và Phi-e-rơ cũng vậy (Giăng 21:15-19). Các sứ đồ khác cũng yêu mến Chúa Giê-su, và họ là những người được Chúa yêu ngoại trừ Giu-đa.

Đức Chúa Trời có quyền bày tỏ tình yêu Ngài đến với con dân Ngài bằng bất cứ cách nào miễn là trong mọi cách Ngài đẹp lòng và vinh hiển qui về Ngài. Chỉ có hai sứ đồ là Giăng và Ma-thi-ơ được chọn để ghi lại đời sống và chức vụ của Chúa Giê-su. Giăng và Phi-e-rơ viết các thư tín trong Tân Ước. Điều này có nghĩa là các sứ đồ khác không có gì để viết hay là họ không xứng đáng với đặc ân này? Dĩ nhiên là không. Đức Chúa Trời nắm quyền tể trị và Ngài phân phát các ân tứ và ban phước cho từng cá nhân theo cách Ngài đẹp lòng. Ngài bày tỏ tình yêu của Ngài cho từng cá nhân, và không một tín hữu nào phải ghen tị về những gì Chúa ban cho người khác (Ma-thi-ơ 20:1-16).

Có thể Giăng là người trẻ tuổi nhất trong nhóm mười hai sứ đồ, và Chúa Giê-su có một tình cảm đặc biệt dành cho ông. Giăng có tâm hồn của một nhà thơ và là một người suy tư chìm đắm vào những lẽ thật sâu nhiệm. Ông thuộc mẫu người mà các sách của ông đặc biệt mô tả những góc khuất của đời sống Cơ đốc. Và Chúa Giê-su đã chuẩn bị ông cho chức vụ này.  Nếu Phao-lô là sứ đồ của đức tin, và Phi-e-rơ là sứ đồ của hy vọng, thì Giăng là sứ đồ của tình yêu, một tình yêu mà ông đã học được từ Người Thầy Vĩ Đại. Chúa Giê-su đã để cho Giăng ngồi ở một trí đặc biệt tại bữa ăn cuối cùng của Ngài, và tại đó Giăng dựa vào ngực của Ngài. Trên thập tự giá, Chúa Giê-su chỉ cho ông một món quà quí giá – đó là mẹ Ma-ri. Bà Ma-ri trở thành mẹ của Giăng từ sự ủy thác của Chúa.

Chúa Giê-su không có sự thiên vị với các sứ đồ, nhưng Ngài có sự thân mật với Giăng. Có một số người được kéo đến tấm lòng của Chúa – đặc biệt là người mà Ngài chia sẻ cho họ một tình yêu đặc biệt. Đức Chúa Trời chăm sóc tất cả các tiên tri, nhưng Đa-ni-ên là người “được yêu quí lắm” (Đa-ni-ên 9:23; 10:11, 19). Một bản dịch khác NIV chú thích về Đa-ni-ên là người được “đánh giá cao” hàm ý “người quí giá.” Tuy nhiên những người như Đa-ni-ên hay Giăng phải chịu đựng những sự khó khăn và thử thách vì cớ Chúa. Càng gần với tấm lòng của Chúa, thế giới sẽ đối đãi với chúng ta theo cách mà nó đối đãi với Chúa.

Bất luận những đặc ân mà Chúa Giê-su ban cho những người khác là gì, chúng ta là những người tin cậy Ngài, phải nói như Phao-lô, “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20).

CHÚNG TA PHẢI YÊU MẾN CHÚA GIÊ-SU   

Sứ đồ Giăng viết, “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước“ (1 Giăng 4:19). Chúa Giê-su chia sẻ tình yêu Ngài với Giăng. Giăng tiếp nhận và trưởng thành trong tình yêu mà ông dành cho Chúa. Sự thúc đẩy trong tình yêu phải đến từ Đức Chúa Trời, và chúng ta cẩn thận để nhận ra và phô bày tình yêu này. Chúng ta không sản xuất ra tình yêu bằng cách cố gắng tạo nên những cảm xúc thánh thiện. “Sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5). Đức Thánh Linh yêu mến Chúa Giê-su và dâng vinh hiển về cho Chúa Giê-su thông qua đời sống chúng ta. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể trưởng thành trong tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giê-su? Đây là những lời mà Giăng đã nghe Chúa Giê-su dạy trên phòng cao và ông đã ghi lại để chúng ta học tập: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta…..Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người” (Giăng 14:15, 23).

Để tuân giữ các điều răn của Ngài, chúng ta phải học biết các điều răn đó là gì. Điều này có nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải dành thì giờ để nghe Ngài dạy qua Lời. “Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy” (Thi thiên 119:97). Cách chúng ta đối xử với Kinh Thánh cũng là cách chúng ta đối xử với Chúa Giê-su. Biết Chúa trong Lời là để yêu mến Ngài. Và yêu Ngài sẽ dẫn đến vâng phục Ngài. Khi vâng phục Ngài là chúng ta đang sửa soạn chính mình để bước sâu hơn vào trong lẽ thật, trong tình yêu với Ngài. Sự tương giao thân mật thầm lặng này với Chúa Giê-su có thể hoàn thành được nhiều điều trong lòng chúng ta hơn là “tập thể dục tôn giáo” diễn ra ồn ào trong một số buổi nhóm được gọi là “thờ phượng ca ngợi.”

Nhưng chúng ta có thể nói như thế nào nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa Giê-su? Giăng sẽ giúp trả lời câu hỏi đó. Khi yêu mến Chúa Giê-su, chúng ta muốn gần Ngài và được ở với Ngài. “Các môn đồ ngó nhau, không biết Ngài nói về ai đó.  Vả, có một môn đồ dựa vào ngực Đức Chúa Giê-su, tức là người mà Ngài yêu” (Giăng 13:22-23). Dĩ nhiên ngày hôm nay chúng ta không thể dựa vào ngực Chúa Giê-su giống như Giăng đã làm, nhưng Gia-cơ 4:8 nhắc chúng ta, “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em.” A. W. Tozer viết, “trong lĩnh vực thuộc linh sự gần gũi là sự giống nhau.” Sự tin kính chân thật là trở nên giống như Đức Chúa Trời. Và khi con người làm và thờ những hình tượng khác, họ sẽ trở nên giống như chúng (Thi thiên 115:1-8). Nếu thành tâm thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài trong những thuộc tính của Ngài.

Chúng ta cũng sẽ giống như Giăng là người biết sự kín nhiệm của Ngài (Giăng 13:21-27). “Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính sợ Ngài. Tỏ cho người ấy biết giao ước của Ngài” (Thi thiên 25:14). Giăng biết những gì sắp xảy ra cho Thầy của mình, bởi vì ông gần gũi với Chúa Giê-su để có thể nghe được tiếng của Ngài. “Ai có tai mà nghe, hãy nghe!” (Mác 4:9).

Yêu mến Chúa Giê-su có nghĩa là đồng hành với Ngài trong sự đau khổ của Ngài. Giăng là sứ đồ duy nhất có mặt dưới chân thập tự khi Chúa bị đóng đinh (Giăng 19:26). Ông cũng là sứ đồ đầu tiên nhanh chân hơn Phi-e-rơ đến ngôi mộ trống sau khi Chúa phục sinh (Giăng 20:1-9). Tình yêu làm cho Giăng mong đợi nhìn thấy một Đấng Christ hằng sống. Tình yêu không khiến ông e ngại chạy thật nhanh đến ngôi mộ trống khi mục tiêu phía trước là Chúa Giê-su. Và tình yêu thật thì nhận ra Chúa Giê-su trong bất luận tình huống nào (Giăng 21:7). Khi Chúa Giê-su kêu gọi, Giăng – sứ đồ của tình yêu thương chạy theo Ngài (Giăng 21:20), và bất cứ ai yêu mến Chúa Giê-su sẽ làm chứng về Ngài cho người khác (Giăng 21:24).

Tình yêu mến dành cho Đấng Christ sẽ tạo nên sự khác biệt trong đời sống chúng ta!

CHÚNG TA PHẢI YÊU MẾN CÁC TÍN HỮU KHÁC

Gia-cơ và Giăng có biệt danh, Mác ghi lại: “Gia-cơ con Xê-bê-đê, và Giăng em Gia-cơ, Chúa Giê-su đặt tên hai người là Bô-a-nẹt , nghĩa là con trai của sấm sét” (Mác 3:17). Biệt danh này cho thấy hai anh em biết cách nổi giận và khuấy động một cơn bão. Một ngày kia họ nhìn thấy một người mà họ không biết nhân danh Chúa Giê-su đuổi quỉ, Giăng thưa với Chúa bảo người này dừng lại vì người này “không thuộc về nhóm của chúng ta.” (Lu-ca 9:49-50). Nhưng Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Đừng cấm họ, vì ai không nghịch cùng các ngươi, là thuận với các ngươi.” Điều này có nghĩa Chúa truyền bảo họ chớ có xen vào việc của những tín nhân khác. Hai môn đồ này cần yêu thương những tín hữu khác bất luận là họ thuộc về nhóm nào. Đức Chúa Trời có nhiều người phục vụ ở những nơi khác nhau, và chúng ta cũng phải khích lệ những người đó.

Trong Ma-thi-ơ 20:20-28, mẹ của Gia-cơ và Giăng đã xin Chúa Giê-su đặc ân cho hai con trai bà “một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, ở trong nước Ngài.” Lời cầu xin này đã gây nên sóng gió. “Mười môn đồ kia nghe sự xin đó, thì giận hai anh em.” Mười môn đồ còn lại phẫn nộ với Giăng và Gia-cơ trước lời cầu xin của Salome là mẹ của hai anh em này. Có thể mười môn đồ đã không nghĩ đến đặc ân ngồi bên hữu hay bên tả của Chúa. Về điều này chúng ta không biết chắc. Nhưng mẹ của Giăng và Gia-cơ muốn các con trai mình ngồi trên ngôi với Chúa. Ba mẹ con này đã quên đi một luật vàng trong Kinh Thánh: “yêu người lân cận như bản thân mình” (Gia-cơ 2:8). Sống để bày tỏ ra tình yêu thì quan trọng hơn là ngồi trên ngai cai trị.

Sau này Gia-cơ viết, “Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao?” (Gia-cơ 4:1). Sở dĩ chúng ta ở trong sự xung đột với người khác, vì có một cuộc chiến bên trong của chúng ta. Xác thịt tranh chiến với Thánh Linh. Chúng ta cũng chiến đấu với chính mình, bởi vì chúng ta cũng ở trong một cuộc chiến với Đức Chúa Trời. Chúa yêu chúng ta, và nếu chúng ta yêu mến Ngài, chúng ta cũng sẽ yêu mến người khác.

Giăng đã học được tầm quan trọng của bài học về tình yêu, bởi vì trong các thư tín mà Giăng viết, ông đã nhắc chúng ta mười lần cụm từ “Hãy yêu mến lẫn nhau.” (Giăng 13:34-35; 15:12, 17; 1 Giăng 3:11, 23; 4:7, 11, 12; 2 Giăng 5). Truyền thuyết kể lại rằng, khi đã già yếu, Giăng được đem tới một buổi nhóm của Hội thánh ở Ê-phê-sô, và ông khuyên bảo mọi người: “Hỡi các con cái bé mọn, hãy yêu thương lẫn nhau.”

Tôi rất ấn tượng với chức vụ của Giăng và Phi-e-rơ khi họ cùng làm việc với nhau, mặc dù hai người này khác biệt với nhau về tính cách. Phi-e-rơ nổi bật bốc đồng, còn Giăng trầm lắng. Nhưng họ cùng yêu mến Chúa Giê-su, yêu thương lẫn nhau, và yêu thương những linh hồn hư mất. Những điều này khiến họ hiệp nhất trong các mục vụ.

Giăng và Phi-e-rơ có thể là hai môn đồ được Chúa Giê-su ủy thác chuẩn bị lừa con cho Ngài trên hành trình vào Giê-ru-sa-lem được dân chúng tôn vinh (Mác 11:1-10). Và họ cũng được bổ nhiệm chuẩn bị Lễ Vượt qua cho Chúa và nhóm sứ đồ trên một phòng cao (Lu-ca 22:8). Cùng với nhau họ là hai người chứng kiến về những thử thách khó khăn đầu tiên của Chúa Giê-su (Giăng 18:15-16). Họ là hai môn đồ chạy đến ngôi một trống sau khi được các phụ nữ báo tin vào buổi sáng phục sinh (Giăng 20:1-9). Họ đã ăn chung với Chúa Giê-su sau khi Ngài sống lại, và rồi Chúa Giê-su khôi phục chức vụ của Phi-e-rơ (Giăng 21). Giăng và Phi-e-rơ cùng lên đền thờ cầu nguyện, chữa lành một người què tại đó, rồi cùng bị giam vào ngục tù. Tại đó họ làm chứng về sự phục sinh của Chúa (Công vụ 3-4). Sau khi Phi-líp đem Phúc âm đến Sa-ma-ri, hội thánh tại Giê-ru-sa-lem cử Giăng và Phi-e-rơ đến đó để dạy dỗ những người mới qui đạo. Họ đã giảng Tin lành trong những làng của người Sa-ma-ri trên đường trở lại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 8:1-25). Không còn lời đe dọa nào về lửa từ thiên đàng đổ xuống người Sa-ma-ri!

CHÚNG TA PHẢI YÊU MẾN NHỮNG LINH HỒN HƯ MẤT

Trên đường đến Giê-ru-sa-lem chuẩn bị hoàn thành chức vụ trên đất, chúa Giê-su muốn dừng lại nghỉ đêm tại một ngôi làng của người Sa-ma-ri, nhưng cư dân ở đây từ chối đón tiếp Ngài. Gia-cơ và Giăng đã rất giận và xin phép Chúa Giê-su cho họ đem lửa từ trời xuống thiêu đốt những người ở đó (Lu-ca 9:54). Hai sứ đồ này đã từng chứng kiến sự vinh hóa của Chúa trên núi hóa hình trước đó. Họ cũng thấy Môi-se và Ê-li hiện ra đứng bên Chúa (Lu-ca 9:28-36). Chúa Giê-su quở trách hai sứ đồ, “’Các ngươi không biết tâm thần nào xui giục mình.” Thông điệp tình yêu của Chúa có cho phép thiêu đốt những người không đồng ý đón tiếp chúng ta?

Có những lúc thế giới ngoại bang khiêu khích và làm chúng ta tức giận, và chúng ta muốn gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt họ, Nhưng đây không phải là cách Chúa Giê-su làm cho vương quốc của Ngài. Nhiều năm trước đây, trong một chiến dịch truyền giảng tại Omaha, Nebraska một sinh viên (sau này là mục sư R. R. Brown)  hỏi mục sư  A. B. Simpson, hội trưởng Hội truyền giáo Phước âm Liên Hiệp: “Người chinh phục linh hồn tội nhân cần có những phẩm chất nào?” Tiến sĩ Simpson trả lời: “Để trở nên một tay đánh lưới người hiệu quả, trước tiên bạn phải có một tình yêu lớn dành cho Đức Chúa Trời và tội nhân.” R. Brown đã nhận lấy bài học đó, và ông đã đi ra mở nhiều hội thánh đầy lòng thương xót dành cho những linh hồn hư mất trên khắp thế giới.

Khi những người hư mất có những hành động không phải lẽ khiến chúng ta bối rối, đó là lúc cần phải bày tỏ tình yêu của Chúa với họ. Khi những tín hữu trong hội thánh làm chúng ta nổi giận, hãy tưởng tượng sứ đồ Giăng có mặt tại bục giảng của nhà thờ và khuyên: “Hỡi các con cái bé mọn, hãy yêu thương lẫn nhau.” Tất cả chúng ta hãy tập chú vào Chúa Giê-su, và để Đức Thánh Linh đổ đầy tình yêu Ngài vào lòng chúng ta. “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:35).

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên