
Khi trận cháy ở Los Angeles thiêu rụi khu biệt thự của nhiều sao Hollywood, nhiều người nói đây là Chúa trừng phạt những lời nhạo báng Ngài ở giải Quả Cầu Vàng vài hôm trước. Nhưng trận cháy này cũng thiêu rụi hàng chục nhà thờ, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người, làm hàng chục người chết. Thay vì nói Chúa trừng phạt Hollywood, có lẽ sẽ chính xác hơn khi ta nghĩ đến Ân Điển Chung và Ân Điển Đặc Biệt của Ngài để hiểu và phản ứng hiệu quả hơn.
I. Ân Điển Chung (Common Grace)
Ân điển chung là những điều Đức Chúa Trời ban cho toàn thể loài người dù họ có tin nhận Ngài hay không, là người công chính hay tội lỗi. Nó bao gồm các điểm như sau [1] [2]:
1. Chúa ban nắng mưa và lương thực cho tất cả, kể cả kẻ tội lỗi.
Người Việt Nam có câu “nắng mưa là chuyện của Trời”. Kinh Thánh nói nắng mưa và mùa màng là bằng chứng về sự tồn tại của Đức Chúa Trời và lòng nhân từ của Ngài (Công vụ 14:17). Ân điển này là chung cho tất cả muôn vật, cho cả những người gian ác bất chính.
“Dù vậy, Ngài luôn làm chứng về chính mình bằng cách ban phước lành, làm mưa từ trời xuống, ban cho mùa màng nhiều kết quả, thực phẩm dư dật, khiến lòng anh em tràn ngập niềm vui.” (Công vụ 14:17)
“Hãy thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con để các con được trở nên con của Cha các con ở trên trời, vì Ngài khiến mặt trời mọc lên chiếu sáng kẻ gian ác lẫn người lương thiện, ban mưa cho người công chính lẫn người bất chính.” (Ma-thi-ơ 5:44-45)
2. Chúa ban lương tâm và kiềm chế tội lỗi bên trong con người, giúp họ nói chung không gian ác quá mức đến nỗi xã hội hư nát.
Đức Chúa Trời khắc ghi luật pháp Ngài vào lòng con người, đây là lý do tại sao con người có lương tâm. Nó khiến họ cảm thấy bị cáo buộc và phải tự biện hộ khi làm trái.
“Dân ngoại vốn không có luật pháp (của Chúa), nhưng tự nhiên làm những việc luật pháp dạy bảo thì mặc dù không có luật pháp, họ là luật pháp cho chính mình rồi. Họ cho thấy rằng những gì luật pháp (của Chúa) đòi hỏi đã được khắc ghi trong lòng họ; chính lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, còn tư tưởng họ khi thì cáo buộc, khi thì biện hộ cho họ.” (Rô-ma 2:14-15)
Kinh Thánh cũng ghi chép nhiều lần Chúa can thiệp vào đời sống của một cá nhân hay cả cộng đồng, tin Chúa hay không tin, để ngăn cản họ làm ác như:
“Đức Chúa Trời lại phán với vua trong chiêm bao: “Ta biết ngươi làm điều đó với lòng trung thực. Vì vậy, chính Ta đã ngăn cản ngươi phạm tội với Ta, và không cho ngươi động đến nàng.” (Sáng Thế 20:6)
“Vì Ta sẽ đuổi các dân khỏi trước mặt con và mở rộng bờ cõi con; sẽ chẳng một ai tham muốn xứ sở của con khi con lên trình diện Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con mỗi năm ba lần.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:24)
3. Đức Chúa Trời cho con người năng lực và giúp đỡ để họ làm điều tốt cho xã hội và cho ý Chúa, cả khi họ không biết Ngài.
“Nầy, Ta đã chọn cho người một phụ tá tên là Ô-hô-li-áp, con trai của A-hi-sa-mạc, thuộc bộ tộc Đan. Ta cũng đã ban sự khôn ngoan cho những người khéo tay để họ có thể làm được mọi việc Ta đã truyền dạy con” (Xuất Ai Cập 31:6)
“Đức Giê-hô-va phán về Si-ru, người được xức dầu của Ngài, như thế nầy: Ta đã nắm lấy tay phải của người, Để người chinh phục các nước trước mặt mình…Vì Gia-cốp, đầy tớ Ta, Và vì Y-sơ-ra-ên, người mà Ta đã chọn, Nên Ta đã gọi đích danh ngươi, Ta đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta.” (Ê-sai 45:1,4) (Si-ru là vua Cyrus Đại Đế)
Vì sao Chúa ban ân điển chung?
Chúa kiên nhẫn với tội lỗi của con người, ban ân điển chung cho tất cả mọi người để họ duy trì xã hội, giúp kế hoạch cứu chuộc của Ngài trên lịch sử nhân loại được hoàn thiện, có thêm nhiều người được cứu chuộc.
“Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người nghĩ đâu, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn.” (II Phi-e-rơ 3:9)
II. Sự Cắt Giảm Ân Điển Chung

Hạn hán, một dấu hiệu của sự mất ân điển chung
Ân điển chung là những gì Chúa ban cho, nên Ngài có thể cắt giảm theo ý định tể trị của mình. Tôi từng nghe một chú nói với con là nếu ba biết con làm những điều ba cấm, ba sẽ cắt giảm tiền chu cấp cho con. Cũng vậy, Chúa có thể cắt giảm ân điển chung để thể hiện sự bất bình trước đời sống tội lỗi của người dân trong xứ, hoặc để thực hiện các ý định của Ngài.
1. Chúa ngừng ban mưa nắng, gây ra hạn hán đói kém
“Ta đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời hằng sống của Y-sơ-ra-ên mà thề rằng: Những năm sắp tới đây, nếu không có lời của ta thì sẽ không có sương, cũng chẳng có mưa.” (1 Các Vua 17:1)
2. Chúa thả lỏng sự kiềm giữ tội lỗi, giao con người cho tội lỗi đang chất chứa trong lòng họ hay cho kẻ thù nghịch họ
Khi Chúa trừng phạt người Y-sơ-ra-ên về sự nổi loạn của họ, Ngài “phó họ cho sự cứng lòng của họ, để họ đi theo mưu kế của riêng mình.” (Thi Thiên 81:11-12). Với những kẻ chối bỏ lẽ thật trong sự gian ác của mình, “vì họ không lo nhận biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho một tâm trí bại hoại để làm những điều bất xứng.” (Rô-ma 1:28)
3. Chúa không giúp đỡ hay ban năng lực, khiến con người trở nên kém cỏi, dễ thất bại trong công việc mình làm dù họ có cố gắng đến mấy:
“Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà thì thợ xây có lao nhọc cũng luống công. Nếu Đức Giê-hô-va không canh giữ thành, thì người lính canh có thức đêm cũng vô ích. Thật uổng công cho những ai thức khuya dậy sớm, và ăn bánh lao khổ. Chúa cũng ban giấc ngủ Cho người Ngài yêu mến như vậy.” (Thi Thiên 127:1-2)
Những gì đang xảy ra trong trận cháy ở Los Angeles là những dấu hiệu kinh điển của việc bị Chúa cắt giảm ân điển chung:
1. Hạn hán lớn: Nam California có dưới 10% lượng mưa bình quân từ 1/10/2024 [3]. Thời tiết cực kỳ khô hạn này kết hợp với gió lớn khiến ngọn lửa bùng lên và lan rộng nhanh chóng.
2. Con người cứng lòng, đi theo ý riêng của mình, tâm trí bại hoại làm những điều bất xứng: Những lời mỉa mai Chúa ở lễ Quả Cầu Vàng chỉ là phần nổi nhất của việc này. Thật không thể kể hết những điều bại hoại bất xứng nghịch Lời Chúa trong cả xứ.
3. Con người trở nên yếu kém, bất lực: như thống đốc bang đã cắt giảm hơn 100 triệu USD ngân sách chống cháy rừng [4], hay lính cứu hỏa bất lực dù có các công nghệ hiện đại nhất.
Bởi ân điển chung là chung cho cả muôn loài, từ người công chính, kẻ tội lỗi, tới cả loài vật, nên khi Chúa cắt giảm, tất cả đều chịu tổn hại. Vậy nên không chỉ có nhà của các sao Hollywood nhạo báng Chúa bị cháy, mà cả nhà thờ, nhà dân thường, hang chim thú cũng bị cháy. Mất đi sự chu cấp gìn giữ của Chúa thì tai họa ngẫu nhiên xảy ra, chẳng chừa một ai.

Muốn Chúa ở ngoài California? Mất ân điển chung của Ngài thì sao?
Trong hoàn cảnh này, ta phải làm sao? Cơ Đốc nhân hãy nhớ tới ân điển đặc biệt của mình.
III. Ân Điển Đặc Biệt (Special Grace)
“Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hóa và không chỗ chê trách trước mặt Ngài. Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài” (Ê-phê-sô 1:4-5)
Ân điển đặc biệt [5] là các điều đặc biệt Chúa ban riêng cho những người được Ngài chọn, như đức tin cứu rỗi (1 Ti-mô-thê 1:14), sự tha thứ cứu chuộc khỏi tội lỗi và sự sống đời đời (Giăng 3:16,36), được Chúa nhận làm con nuôi (Ê-phê-sô 1:5), được sửa phạt khi làm sai (Hê-bơ-rơ 12:6), được làm thầy tế lễ của Ngài (1 Phi-e-rơ 2:9), được Chúa nghe lời cầu nguyện (1 Giăng 5:14) v.v… Thật không thể nói hết những đặc ân Chúa ban cho con cái Ngài, nhưng liên quan đến trận cháy ở Los Angeles, tôi nghĩ có 4 điều quan trọng ta có thể làm:
1. Cầu nguyện xin Chúa thương xót cho xứ thêm thời gian và cơ hội ăn năn.
“Vì vậy, Chúa phán rằng Ngài sẽ hủy diệt họ. Nhưng Môi-se là người được Chúa chọn, Đứng nơi sứt mẻ trước mặt Ngài, Để xin Ngài đừng giận mà hủy diệt họ.” (Thi Thiên 106:23)
“Chúa Giê-hô-va cho tôi xem thấy như sau: Kìa, Chúa Giê-hô-va khiến lửa đến để trừng phạt; nó làm khô cạn vực sâu và ăn nuốt đất đai. Bấy giờ tôi nói rằng: “Lạy Chúa Giê-hô-va, con cầu xin Ngài hãy dừng tay! Gia-cốp có thể đứng nổi sao? Vì nó là quá nhỏ bé!” Đức Giê-hô-va đã đổi ý về việc nầy. Chúa Giê-hô-va phán: “Điều đó cũng sẽ không xảy đến đâu.” (A-mốt 7:4-6)
Như Môi-sê và các tiên tri cầu xin Chúa tha thứ cho dân mình, ta cũng hãy cầu xin Chúa thương xót. Đẹp lòng Ngài sẽ dừng tay và cho xứ thêm thời gian và cơ hội.
2. Kêu gọi mọi người ăn năn quay về với Chúa.
“Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng phải ngắn mà không cứu được; Tai Ngài cũng chẳng phải nặng mà không nghe được đâu. Nhưng chính vì sự gian ác của các ngươi đã phân cách các ngươi với Đức Chúa Trời mình, và tội lỗi các ngươi đã che khuất Ngài khỏi các ngươi đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:1-2)
“Nếu dân Ta, là dân được gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta và từ bỏ con đường gian ác, thì từ trên trời Ta sẽ lắng nghe, tha thứ tội lỗi họ và chữa lành đất nước họ.” (II Sử Ký 7:14)
Những thảm họa này là do xứ bị mất đi sự chu cấp ân điển chung của Chúa, nên giải pháp gốc rễ là ăn năn xưng tội và quay về với Ngài. Ma quỷ luôn nói Chúa không có thật vì nếu Ngài có thật tại sao lại để những chuyện này xảy ra? Nhưng sự thật là vì tội lỗi của dân chúng ngăn cách họ với Ngài, khiến Ngài xa lánh và cắt giảm chu cấp gìn giữ, cho nên những điều này mới xảy ra. “Chúa thì thầm trong vui sướng của ta, nói trong lương tâm của ta, nhưng la hét trong nỗi đau của ta: nó là cái loa phóng thanh của Ngài để đánh thức thế giới bị điếc” (C.S. Lewis). Đau khổ và mất mát do tai họa nhắc nhở con người rằng họ cần sự chu cấp gìn giữ của Đức Chúa Trời. Vậy nên ta hãy kêu gọi và thúc đẩy họ quay về với Ngài, vì Chúa là đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, và chỉ có Ngài mới có thể phục hồi chữa lành cho đất nước.
3. Làm điều lành cho người khó khăn.
Khi tai họa xảy ra trong xứ, người quyền lực giàu có như sao Hollywood thường có điều kiện chống chọi hay di tản, chỉ người thấp bé nghèo khổ là lãnh đủ. Ta hãy làm việc lành giúp đỡ người khó khăn, bày tỏ tình yêu thương của Chúa, để nhiều người quay về với Ngài.
“Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Jêsus để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:10)
“Nếu ngươi dốc lòng lo cho người đói, Và đáp ứng nhu cầu kẻ khốn cùng, Thì ánh sáng của ngươi sẽ chiếu ra trong bóng tối, Và sự tối tăm của ngươi sẽ sáng ngời như giữa trưa. Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi, Làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn; Làm vững mạnh các xương cốt ngươi; Ngươi sẽ như vườn năng tưới, Như suối nước chẳng hề khô cạn.” (Ê-sai 58:10-11)
4. Lánh sang vùng đất khác để tránh gặp tai họa

Hình minh họa cảnh gia đình Lót trốn chạy khỏi Sô-đôm và Gô-mô-ra
Ta có thể kêu gọi mọi người quay trở lại với Chúa, nhưng các nhà tiên tri của Y-sơ-ra-ên đã kêu gọi hết lòng mà dân sự họ chẳng nghe. Ta có thể cầu xin Chúa thương xót dừng tay, nhưng nếu tội lỗi đã của dân trong xứ quá lớn thì Ngài sẽ không nghe:
“Còn con, Giê-rê-mi, con đừng cầu nguyện cho dân nầy, đừng cất tiếng kêu xin, cầu khẩn cho chúng, cũng đừng nài nỉ với Ta, vì Ta sẽ không nghe con đâu. Con không thấy điều chúng làm trong các thành của Giu-đa và trên các đường phố Giê-ru-sa-lem sao?” (Giê-rê-mi 7:16-17).
Khi đó, tai họa sẽ xảy ra ngày một thường xuyên hơn. Để tránh chịu chung, Kinh Thánh dạy ta lánh sang nơi khác:
“Khi các con thấy điều gớm ghiếc gây nên cảnh hoang tàn cho Nơi Thánh, như lời nhà tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải hiểu), thì ai ở trong miền Giu-đê, hãy trốn lên núi;” (Ma-thi-ơ 24:15-16)
“Rồi tôi nghe một tiếng khác đến từ trời, bảo rằng: “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn! Kẻo các con tham gia vào tội lỗi của nó, Và cùng chịu chung tai họa với nó chăng” (Khải Huyền 18:4)
Việc rời bỏ nơi mình đang sống để sang vùng đất mới xa lạ là điều ai cũng sợ. Nhưng Chúa hứa là sẽ bảo vệ và chu cấp cho con dân Ngài dù họ đi đến nơi nào.
“Còn ngươi, ngươi tìm cho mình những việc to tát hay sao? Đừng tìm kiếm nữa, vì nầy, Ta sắp giáng tai ương trên mọi loài xác thịt. Nhưng về phần ngươi, dù ngươi đi đến nơi nào, Ta cũng sẽ cho ngươi được an toàn tính mạng.’” Đức Giê-hô-va phán vậy.” (Giê-rê-mi 4:5)
“Hãy tìm cầu sự thịnh vượng cho thành mà Ta đày các con đến. Hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va cho thành ấy, vì sự thịnh vượng của nó là sự thịnh vượng của các con.” (Giê-rê-mi 29:7)
Áp dụng cho trận cháy ở Los Angeles, thay vì nói Chúa trừng phạt Hollywood, ta hãy cầu nguyện xin Chúa thương xót dừng tay, cho xứ thêm thời gian cơ hội. Ta cũng hãy kêu gọi mọi người quay về với Chúa. Trận cháy này, trận hạn hán này, khí hậu thất thường này, những điều bại hoại tội lỗi này, sự bất lực này… tất cả là dấu hiệu của việc Chúa cắt giảm ân điển chung của xứ. Hãy ăn năn xưng tội và quay lại với Chúa, vì Ngài là đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, và cũng chỉ có Ngài mới có thể phục hồi xứ. Và ta hãy làm việc lành, giúp đỡ những người bị ảnh hưởng trong danh Chúa để bày tỏ tình yêu thương của Ngài.
Về lâu dài, nếu mọi chuyện cứ ngày một tệ đi, khí hậu ngày một thất thường, tai họa xảy ra ngày một nhiều, con người không quay về với Chúa mà ngày một tội lỗi, gian ác, và bất lực… có lẽ ta cần nghĩ chuyện lánh đi nơi khác. Hãy nương cậy sự bảo vệ chu cấp của Chúa mà tìm sự thịnh vượng bình an ở đất mới, nơi người dân sống đẹp lòng Ngài hơn. Người dân từ bang California di cư sang Texas nhiều hơn bất kỳ bang nào khác [6], có vẻ đó là một lựa chọn tốt.
Tổng Kết
Trận cháy ở Los Angeles nhắc nhở ta về ân điển chung của Đức Chúa Trời và những gì xảy ra khi nó bị cắt giảm. Chúa cho nắng cho mưa, cho lương thực mùa màng. Ngài ban lương tâm và kiềm giữ cái ác trong lòng con người. Ngài cho họ năng lực để làm việc tốt và xây dựng xã hội. Chúa ban cho mọi người, cả khi họ không biết Ngài hay là kẻ bất chính. Xã hội con người tồn tại và phát triển được là nhờ Chúa.
Nhưng nếu một xứ cứ làm những điều tội lỗi bại hoại, thì Ngài sẽ cắt giảm ân điển chung. Mất đi sự chu cấp gìn giữ của Chúa, hạn hán đói kém dễ xảy ra, tội ác dễ lan tràn, thảm họa dễ bùng phát, và con người trở nên bất lực. Người tốt lẫn kẻ xấu đều chịu chung. Khi đó, Cơ Đốc nhân, là con cái Chúa, người được hưởng ân điển đặc biệt của Ngài, hãy ra sức cầu nguyện xin Chúa thương xót, kêu gọi mọi người quay về với Ngài, và giúp đỡ người khó khăn.
Nếu thành công, xứ ta sẽ được Ngài chữa lành như xưa. Còn nếu không, ta hãy nương cậy sự bảo vệ chu cấp của Chúa mà lánh sang nơi người dân sống hợp ý Chúa hơn. Người không biết Chúa mà sống theo lương tâm là luật Ngài khắc trong tim (Rô-ma 2:14-15) thì sẽ sống tốt đẹp hơn người biết Chúa mà sống nghịch Lời Ngài. Hãy cầu nguyện cho sự thịnh vượng nơi ta ở, vì sự thịnh vượng của nó cũng là sự thịnh vượng của ta (Giê-rê-mi 29:7).
Richard Huynh
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về [email protected]
Bài Tham Khảo
[1] Ân Điển Chung
https://www.gotquestions.org/common-grace.html
[2] Common Grace [Wiki]
https://en.wikipedia.org/wiki/Common_grace
[3] California wildfires: What we know about L.A.-area fires, what caused them, who is affected and more
https://www.nbcnews.com/news/us-news/california-wildfires-what-we-know-palisades-eaton-los-angeles-rcna188239
[4] Fact-check: Did Gavin Newsom cut $100m in fire prevention funding?
https://www.aljazeera.com/news/2025/1/16/fact-check-did-gavin-newsom-cut-100m-in-fire-prevention-funding
[5] Ân Điển Đặc Biệt
https://www.gotquestions.org/special-grace.html
[6] More people move to Texas from California than any other state, report says. Here’s why
https://www.statesman.com/story/news/state/2024/04/18/texas-to-california-moving-relocation-2022-us-census-bureau-population/73367615007/