Trang Chủ BIỆN GIÁO Ai Đang Kiểm Soát?

Ai Đang Kiểm Soát?

455
0
SHARE

AI ĐIỀU KHIỂN CUỘC ĐỜI CHÚNG TA?

Nếu cuộc đời là một chuyến bay xuyên thời gian, ai là phi công trong buồng lái? Nếu cuộc sống là một niềm vui, ai là người đứng phía sau sau điều khiển? Nếu cuộc đời là một chuyến hải trình, ai sẽ là người cầm lái?

Sự lựa chọn sẽ quyết định hướng đi. “Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15). Hướng đi quyết định vận mệnh. “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều.  Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít” (Ma-thi-ơ 7:13-14).

Chúng ta sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục sau khi chết? Tất cả phụ thuộc vào người đưa ra quyết định cho cuộc đời chúng ta, hoặc do chính bản thân ta tự quyết định.

Có một câu hỏi quan trọng: triết lý sống của bạn là gì?

Triết lý là những điều được rút tỉa bởi trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi trên cơ sở nhìn nhận điều gì là (đâu là nguồn cội / giá trị tinh thần / phong cách ứng xử) được phát biểu ngắn gọn, súc tích. Nó như một tín điều, làm kim chỉ nam cho cách xử thế, hành động hay lối sống của một cá nhân, một cộng đồng.

Tôi làm chủ đời tôi

Có một bài thơ nổi tiếng tựa đề “Invictus” thường được các thủ khoa tốt nghiệp trung học trên khắp nước Mỹ trích dẫn và nó đúc kết triết lý của nhiều thanh niên khi bắt đầu cuộc sống trưởng thành. William Ernest Henley (1849-1903) đã viết bài thơ này.

Triết lý của tác giả trong bài thơ dường như đi trước thời đại.

Từ Invictus trong tiếng Latin có nghĩa bất khả chiến bại và bài thơ nói về sự can đảm trước sự chết chóc, và đề cao phẩm giá con người.


Invictus (Bất khuất / bất khả chiến bại)


Màn đêm tối bao trùm lấy thân ta,
Hố đen sâu thẳm nuốt trọn cả đời người,
Cảm ơn các thần linh dù là ai đi nữa
Đã ban cho ta một linh hồn bất khuất.

Trong những gian nan đầy khó khăn tủi nhục
Ta không nhíu mày cũng không rơi  lệ.
Dưới những đòn đánh phủ đầu cho số phận
Dù nhuốm máu, nhưng ta sẽ không gục ngã

Vượt khỏi nơi đầy thịnh nộ và nước mắt
Bóng tối rình rập cùng nỗi sợ kinh hoàng,
Dù cho tai họa kéo dài theo năm tháng
Sẽ không điều gì làm ta sợ hãi.

Đường đời có thể đầy chông gai thử thách
Những bất công, cạm bẫy vẫn còn đây

Ta chính là người làm chủ cuộc đời mình
Ta là thuyền trưởng của linh hồn ta

Từ khi bắt đầu cuộc sống trưởng thành cho đến khi kết thúc cuộc đời, nhiều người nói, “Tôi tự lựa chọn con đường tôi đi – không cần ai bảo tôi phải làm gì.”

Kinh Thánh có rất nhiều ví dụ về những người đã tự chọn con đường mình đi. Có người còn tự hào về tài sản, sự nghiệp của mình. Chúa Giê-su đã kể một câu chuyện ẩn dụ: “Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm, người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật.  Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: Ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó;  rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ.  Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?  Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (Lu-ca 12: 16-21).

Đức Chúa Trời gọi người này là “kẻ dại” (Lu-ca 12:20). Một người đàn ông giàu có khác có triết lý “tôi làm chủ cuộc đời tôi” là một người giàu sau khi chết đi vào âm phủ “đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ” (Lu-ca 16:23).

Sự kiêu ngạo đã đẩy Nê-bu-cát-nết-sa ra khỏi ngai vàng. Ông nói, “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao?  Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi vua Nê-bu-cát-nết-sa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi.  Ngươi sẽ bị đuổi khỏi giữa loài người, sẽ ở với thú đồng; sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, rồi bảy kỳ sẽ trải qua trên ngươi, cho đến khi ngươi nhận biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý” (Đa-ni-ên 4:30-32).

Vì không vâng lời Chúa Môi-se không được vào miền đất hứa Ca-na-an. Kinh Thánh ký thuật, “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy cầm lấy cây gậy ngươi, rồi với A-rôn anh ngươi, hãy truyền nhóm hội chúng và hai ngươi phải nói cùng hòn đá trước mặt hội chúng, thì hòn đá sẽ chảy nước ra; ngươi sẽ khiến nước từ hòn đá chảy ra cho hội chúng và súc vật của họ uống.  Vậy, Môi-se cầm lấy cây gậy ở trước mặt Đức Giê-hô-va, như Ngài đã phán dặn.  Môi-se và A-rôn truyền nhóm hội chúng đến trước hòn đá mà nói rằng: Hỡi dân phản nghịch! hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao?  Môi-se giơ tay lên, đập hòn đá hai lần bằng cây gậy mình” (Dân số ký 20:7-11). Thay vì nói cùng hòn đá theo lời Chúa truyền bảo, Môi-se đã dùng gậy đập hòn đá hai lần!

Tổng đốc Phê-lít run sợ khi nghĩ đến sự phán xét tương lai của Đấng Christ. “Nhưng khi Phao-lô nói về sự công bình, sự tiết độ và sự phán xét ngày sau, thì Phê-lít run sợ, nói rằng: Bây giờ ngươi hãy lui; đợi khi nào ta rảnh, sẽ gọi lại” (Công vụ 24:25). Trong phân đoạn kế tiếp Phao-lô biện luận với vua Ạc-ríp-ba, “vua có tin các đấng tiên tri chăng? Tôi biết thật vua tin đó! Vua Ạc-ríp-ba phán cùng Phao-lô rằng: Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!” (Công vụ 26:27-28). Ạc-ríp-ba có thể tin các đấng tiên tri trong Kinh Thánh, nhưng ông tránh né điều này.

Đứa con hoang đàng không phải là cậu thanh niên duy nhất muốn tự mình điều khiển bản thân (Lu-ca 15), và rồi dẫn đến một kết quả thảm hại. Rất may là trong bước đường cùng, nó đã ăn năn quay về cùng Cha. Ngày hôm nay vẫn còn nhiều đứa con hoang đàng, nhưng từ chối không quay về nhà cha!

Triết lý sống của Phao-lô: “hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu” (1 Cô-rinh-tô 10:33). Ông cũng nói thêm, “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

Sự kiêu ngạo sẽ loại một người ra khỏi chức vụ giám mục của hội thánh. “Người giám mục làm kẻ quản lý nhà Đức Chúa Trời thì phải cho không chỗ trách được. Chẳng nên kiêu ngạo, giận dữ, nghiền rượu, hung tàn, tham lợi” (Tít 1:7).

Nhiều người ngày hôm nay cũng giống như người Do Thái mà Phao-lô đề cập trong sách Rô-ma. Họ không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời, mặc dù họ rất nhiệt thành tôn giáo. “Vì tôi làm chứng cho dân Y-sơ-ra-ên rằng họ có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn. Bởi họ không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 10:2-3).

Nhiều người lập sự công bình riêng bằng cách tự mình vươn ra khỏi vũng bùn lấm của tội lỗi (thực tế đã chứng minh rằng không có ai thành công). Một người nói rằng anh ta điều khiển cuộc sống của mình là một lời nói sai lầm. Ma quỷ cho phép anh ta nghĩ như vậy, nhưng phục vụ bản thân chính là hy sinh cuộc đời cho Satan. Không có người nào bơi lội trong tội lỗi, mà lại cho rằng mình đang tự do (Rô-ma 6:17, 23). Khi còn nhỏ, cha của chúng ta có thể đã cho phép chúng ta “lái xe” khi ngồi trong lòng của ông. Chúng ta cảm thấy dường như mình đã kiểm soát được chiếc xe, nhưng khi bị lạc tay lái, ông bố đã cầm tay chúng ta bẻ lái đi đúng hướng.

Triết lý “Tôi là thuyền trưởng chiếc tàu của tôi” không phải là người hướng dẫn an toàn cho cuộc sống.

KẾT LUẬN

“Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người, nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết” (Châm-ngôn 14:12)

“Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23).
Vậy thì ai là vị thuyền trưởng điều khiển con tàu của bạn?

tường vi

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên