Ơn thần hựu chỉ về việc Đức Chúa Trời bao phủ, tể trị, kiểm soát, và chi phối tất cả mọi thứ trong vũ trụ. Giáo lý về ơn thần hựu khẳng định rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn điều khiển mọi vật bao gồm cả vũ trụ này (Thi thiên 103:19), thế giới thuộc thể (Ma-thi-ơ 5:45), công việc của các quốc gia (Thi thiên 66:7), sự ra đời và số phận của con người (Ga-la-ti 1:15), sự thành công và sự thất bại của con người (Lu-ca 1:52), sự bảo vệ con dân Ngài (Thi thiên 4:8). Giáo lý này trực tiếp chống lại quan điểm cho rằng vũ trụ này được chi phối bởi sự tình cờ hay định mệnh.
Ý định của ơn thần hựu là làm trọn ý muốn của Đức Chúa Trời. Để đảm bảo mục đích của Ngài được hoàn thành, thì Đức Chúa Trời điều khiển các công việc của loài người và hành động thông qua quy luật tự nhiên. Quy luật tự nhiên thật ra là một bức tranh miêu tả công việc của Đức Chúa Trời trong vũ trụ. Quy luật tự nhiên vốn không có quyền năng cũng không làm việc độc lập. Quy luật tự nhiên là những luật lệ và nguyên tắc mà Đức Chúa Trời đã thiết lập để điều khiển mọi việc diễn ra như thế nào.
Đối với sự lựa chọn của con người cũng vậy. Trong một ý nghĩa thật sự thì chúng ta không có sự tự do để lựa chọn hay hành động ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời. Mọi việc chúng ta làm và mọi điều chúng ta lựa chọn phải phù hợp trọn vẹn với ý muốn của Đức Chúa Trời ngay cả những sự lựa chọn tội lỗi của chúng ta (Sáng thứ ký 50:20). Điểm mấu chốt là Đức Chúa Trời điều khiển những sự lựa chọn và hành động của chúng ta (Sáng thế ký 45:5, Phục truyền 8:18, Châm ngôn 21:1), nhưng Ngài làm việc đó trong một cách thức mà nó không xâm phạm đến trách nhiệm của chúng ta là những hữu thể tự do (ý chí tự do của chúng ta), cũng không triệt tiêu sự lựa chọn của chúng ta.
Giáo lý về ơn thần hựu có thể được tóm tắt một cách ngắn gọn như sau: “Đức Chúa Trời từ đời trước vô cùng, trong ý chỉ của Ngài, định mọi việc sẽ xảy ra, nhưng hoàn toàn không có nghĩa Ngài là tác giả của tội lỗi, cũng không triệt tiêu ý chí tự do của con người.” Phương tiện chủ yếu mà Đức Chúa Trời sử dụng để thi hành ý muốn của Ngài là thông qua những tác nhân thứ yếu (như là quy luật tự nhiên, sự lựa chọn của con người). Nói một cách khác, Đức Chúa Trời làm việc gián tiếp qua những tác nhân thứ yếu này để thực hiện ý muốn của Ngài
Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời cũng hành động trực tiếp để thực hiện ý muốn của Ngài. Đó là những việc mà chúng ta gọi là phép lạ (những sự việc siêu nhiên trái với quy luật tự nhiên). Phép lạ là sự can thiệp vào quy luật tự nhiêu của Đức Chúa Trời trong một khoảng thời gian ngắn để thực hiện ý muốn và mục đích của Ngài. Hai ví dụ trong sách Công vụ các sứ đồ sẽ cho chúng ta biết rõ việc Đức Chúa Trời trực tiếp và gián tiếp hành động để thực hiện ý muốn của Ngài. Trong sách Công vụ các sứ đồ đoạn 9 ghi chép lại sự cải đạo của Sau-lơ xứ Tạt-sơ. Trong ánh sáng chói lòa và trong tiếng nói mà chỉ có Sau-lơ/Phao-lô mới nghe được, Đức Chúa Trời đã thay đổi cuộc đời của ông mãi mãi. Đây chính là ý muốn của Đức Chúa Trời sử dụng Phao-lô để ý muốn của Ngài được thực hiện nhanh hơn, và Ngài đã trực tiếp thay đổi Phao-lô. Khi nói chuyện với bất cứ người nào đã được biến đổi để trở thành Cơ Đốc nhân, có thể bạn sẽ không bao giờ được nghe một câu chuyện hoàn toàn giống như vậy. Hầu hết chúng ta đến với Chúa thông qua việc nghe một bài giảng hoặc đọc một quyển sách hay sự làm chứng bền lòng của một người bạn hay thành viên trong gia đình. Ngoài ra, hoàn cảnh sống cũng là một phương tiện đưa chúng ta đến với Chúa như mất việc, mất mát người thân trong gia đình, hôn nhân tan vỡ, nghiện ngập. Sự cải đạo của Phao-lô là trực tiếp và siêu nhiên.
Trong Công vụ 16:6-10 cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời thực hiện ý muốn của Ngài cách gián tiếp. Điều này xảy ra trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai của Phao-lô. Đức Chúa Trời muốn Phao-lô và bạn đồng hành của ông đi đến thành Trô-ách, nhưng khi Phao-lô rời khỏi thành An-ti-ốt xứ Phi-ri-gi thì ông muốn đi đến phía đông để vào cõi A-si. Kinh Thánh chép rằng Đức Thánh Linh đã cấm truyền đạo trong cõi A-si. Sau đó, họ muốn đi đến vùng phía tây để vào xứ Bi-thi-ni nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Trời không cho phép nên cuối cùng họ đi xuống thành Trô-ách. Câu chuyện này được viết lại trong sự hồi tưởng, nhưng lúc đó có thể có một số lời giải thích hợp lý tại sao họ không thể đi đến hai vùng đó. Tuy nhiên, sau sự việc đó, họ nhận ra rằng Đức Chúa Trời đang hướng dẫn họ đi đến nơi mà Ngài muốn, đây chính là ơn thần hựu. Châm ngôn 16:9 cũng đề cập đến điều này: “Lòng người toan định đường lối mình. Song Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người.”
Mặc khác, có một số người lại cho rằng việc Đức Chúa Trời trực tiếp hay gián tiếp sắp đặt mọi việc sẽ triệt tiêu ý chí tự do của con người. Nếu Đức Chúa Trời hoàn toàn điều khiển, thì làm thế nào chúng ta có thể thực sự tự do trong những quyết định của chúng ta? Nói một cách khác, ý chí tự do có nghĩa là phải có một điều gì đó nằm ngoài sự điều khiển tối cao của Đức Chúa Trời ví dụ như sự lựa chọn bất ngờ hay ngẫu nhiên của con người. Chúng ta giả sử cứ cho rằng tranh luận này là đúng. Rồi sao đó thì sao? Nếu Đức Chúa Trời không hoàn toàn điều khiển mọi sự bất ngờ hay ngẫn nhiên, thì làm thế nào Ngài có thể đảm bảo sự cứu rỗi cho chúng ta? Trong Phi-líp 1:6 Phao-lô nói rằng “Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ.” Nếu Đức Chúa Trời không điều khiển mọi thứ, thì lời hứa này và tất cả những lời hứa khác trong Kinh thánh sẽ không có giá trị. Chúng ta không thể có được sự đảm bảo hoàn toàn rằng công việc tốt lành của sự cứu rỗi đã bắt đầu trong chúng ta sẽ được làm trọn hết.
Hơn nữa, nếu Đức Chúa Trời không điều khiển mọi vật, thì Ngài không phải là Đấng tối cao và nếu Ngài không phải là Đấng tối cao, thì Ngài không phải là Đức Chúa Trời. Vì vậy, cái giá của việc duy trì sự bất ngờ hay ngẫu nhiên ngoài sự điều khiển của Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến kết quả là Đức Chúa Trời hoàn toàn không phải là Đức Chúa Trời. Và nếu “sự tự do” của chúng ta có thể thay thế ơn thần hựu thì rốt cuộc ai là Đức Chúa Trời? Chúng ta là Đức Chúa Trời. Rõ ràng điều này là không thể chấp nhận được đối với bất kỳ ai ủng hộ Cơ Đốc nhân hay quan điểm Kinh thánh. Ơn thần hựu không triệt tiêu sự tự do của chúng ta. Đúng hơn, ơn thần hựu là điều cho phép chúng ta sử dụng một cách đúng đắn sự tự do đó.