Trang Chủ DƯỠNG LINH Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét

Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét

1082
0
SHARE

Nhấp chuột máy tính vào nút hình tam giác để nghe sứ điệp và bài thánh ca NƯƠNG TRÊN JESUS NHƯ TẢNG ĐÁ KHỐI

XA-CHA-RI VÀ Ê-LI-SA-BÉT

 

Trong đời Hê-rốt, vua nước Giu-đê, có một thầy tế lễ, về ban A-bi-a, tên là Xa-cha-ri; vợ người là Ê-li-sa-bét, thuộc về chi phái A-rôn.  Cả hai đều là công bình trước mặt Đức Chúa Trời, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa một cách không chỗ trách được.

Lu-ca 1:5-6

 

Phải thừa nhận rằng đôi khi chúng ta đau buồn vì xã hội  tôn vinh người trẻ và có xu hướng phân loại người cao niên ra khỏi cuộc sống. Khi đọc Kinh Thánh chúng ta thấy rằng thế hệ trẻ của tuyển dân Israel dành một sự tôn kính và tìm kiếm lời tư vấn từ người lớn tuổi. Ước gì cộng đồng chúng ta cũng sẽ giống như thế.

Hãy lấy Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét minh họa cho điều chúng ta đang nói. Họ là những người được bác sĩ Lu-ca ghi, “cả hai đều cao tuổi” (Lu-ca 1:7). Người Lê-vi phục vụ Đức Chúa Trời từ năm hai mươi lăm tuổi cho đến năm mươi tuổi. Nhưng luật Do Thái không đề cập cụ thể đến tuổi của thầy tế lễ khi bắt đầu và kết thúc chức vụ. Và chúng ta cũng lưu ý là “tuổi già” trong Kinh Thánh có thể khác với tuổi già trong thời đại hôm nay. Không thành vấn đề, Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét là những thánh đồ cao niên. Nếu bạn chưa phải là những người cao tuổi, thì một ngày kia bạn cũng sẽ đi tới đó, vì vậy hãy suy nghĩ đến hai người đặc biệt ưu tú này.

1.CHÚNG TA KHÔNG BAO GIỜ QUÁ GIÀ ĐẾN NỖI ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG THỂ SỬ DỤNG

Thiên sứ Gáp-ri-ên thu hẹp “khoảng cách thế hệ” khi viếng thăm người cao tuổi Xa-cha-ri ở Giê-ru-sa-lem rồi sau đó đến thăm trinh nữ Ma-ri trẻ tuổi ở Na-xa-rét. Thông điệp của Đức Chúa Trời đồng thời đến với người lớn tuổi và người trẻ tuổi. Giống như Áp-ra-ham và Sa-ra, thầy tế lễ Xa-cha-ri và vợ của ông đã vượt quá khả năng để có con, nhưng Chúa đã bỏ qua nan đề lớn tuổi của họ, thực hiện một phép lạ và ban cho họ một đứa con trai. Một đứa con trai kỳ diệu! Chúa Giê-su đã nói về Giăng Báp-tít là “trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít” (Ma-thi-ơ 11:11). Giăng Báp-tít là niềm vui mừng lớn cho cha mẹ khi trưởng thành (Lu-ca 1:14), nhưng cha mẹ của Giăng có thể đã qua đời trước khi nhìn thấy chức vụ công khai của con trai mình.

Trở lại trong Cựu Ước, chúng ta thấy khi thụ thai chuẩn bị sanh Y-sác, Sa-ra đã tám mươi chín tuổi còn Áp-ra-ham chín mươi chín tuổi. Đây là một phép lạ. Khi Đức Chúa Trời chuẩn bị hoàn thành những điều kỳ diệu, Ngài thường bắt đầu với những điêù “bất khả thi” của con người. Đức Chúa Trời hỏi Áp-ra-ham, “Có điều chi khó quá cho Ta chăng?” (Sáng thế ký 18:14). Và thiên sứ Gáp-ri-ên truyền bảo Ma-ri, “không việc chi mà Đức Chúa Trời không làm được.” (Lu-ca 1:37). Những lời này luôn nhắc nhở chúng ta, bất luận tuổi tác của chúng ta như thế nào.

Dân sự Chúa thường có khuynh hướng cho rằng các thánh đồ cao tuổi không nên tham gia vào các mục vụ quan trọng và thường xuyên của hội thánh như hướng dẫn cầu nguyện, tổ chức tang lễ, nấu các bữa ăn….Một số mục sư còn thậm chí phớt lờ những thành viên lớn tuổi và quên rằng Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho các môn đồ phải chăm sóc hội chúng như một bầy chiên (Giăng 21:16-17). Trong hầu hết các nhà thờ, người cao tuổi được đưa vào một lớp học Trường chủ nhật chuyên biệt. Mặc dù họ được cung cấp chỗ đậu xe gần lối vào nhà thờ, nhưng không phải lúc nào họ cũng cảm thấy gần với tấm lòng của hội chúng. Họ mong muốn được hát một số bài thánh ca vĩ đại của đức tin, và khao khát lắng nghe loại bài giảng tôn cao Chúa Giê-su và ân sủng của Ngài. Rốt cuộc, đối với người cao niên, thời gian không còn nhiều, họ muốn tận dụng tối đa để có thể dâng vinh hiển về cho Chúa và vui hưởng Ngài.
MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI NGƯỜI LÀ LÀM VINH HIỂN DANH CHÚA VÀ VUI HƯỞNG CHÍNH NGÀI MÃI MÃI.
Những người lớn tuổi không bao giờ quá già đến nỗi Chúa không thể sử dụng, cho dù những người trẻ tuổi có đánh giá cao họ hay không. Trong hội thánh thời các sứ đồ, những thánh đồ lớn tuổi dạy cho các thánh đồ trẻ tuổi hơn, cách làm việc nhà và cư xử trong giáo đoàn (Tít 2:1-8). Những người lãnh đạo hội thánh được gọi là các trưởng lão bởi vì rõ ràng là họ lớn tuổi hơn. Những người trẻ tuổi phải tôn trọng họ, học từ họ sự khôn ngoan và những bài học kinh nghiệm xương máu.  Nếu những người lãnh đạo trẻ tuổi của hội thánh biết phối hợp với các thánh đồ cao tuổi thay vì thương hại hay chịu đựng họ, hội thánh sẽ khám phá một nguồn năng lượng lớn của quyền năng thuộc linh.

Một trong những mục vụ dành cho người cao tuổi là dạy cho thế hệ kế tiếp – những người trẻ hơn, những gì Đức Chúa Trời  đã làm trong quá khứ.

“Hỡi Đức Chúa Trời, dầu khi tôi đã già và tóc bạc rồi,

Xin chớ bỏ tôi,

Cho đến chừng tôi đã truyền ra cho dòng dõi sau sức lực của Chúa,

Và quyền thế Chúa cho mỗi người sẽ đến” (Thi thiên 71:18), ngay cả khi thế hệ trẻ nghĩ rằng những gì thuộc về quá khứ không quan trọng. Giới trẻ học các bài học từ những người lớn tuổi trong một đường lối dễ dàng hoặc họ sẽ học các bài học đó qua những trải nghiệm khó khăn. Người cao niên “đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái. Được thạnh mậu và xanh tươi” (Thi thiên 92:14). Chúng ta biết chắc sự chăm sóc đặc biệt của Đức Chúa Trời dành cho con dân Ngài luôn kéo dài từ lúc họ ấu thơ cho đến cuối cuộc đời, “cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng ẵm và giải cứu các ngươi” (Ê-sai 46:4). Người cao niên không phải yếu đuối hay hèn nhát, họ vẫn còn được Chúa sử dụng. Sẽ không có chuyện nghỉ hưu đối với người cao tuổi.

2.CHÚNG TA KHÔNG BAO GIỜ QUÁ GIÀ ĐẾN NỖI KHÔNG THỂ CẦU NGUYỆN VÀ NHÌN THẤY ĐỨC CHÚA TRỜI HÀNH ĐỘNG

Trong ngữ cảnh của câu chuyện trên đây, Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét đã cầu nguyện xin Chúa ban cho họ có con. Nhưng câu trả lời chưa đến. Các cặp vợ chồng người Do Thái trông đợi Đức Chúa Trời ban cho họ con cái, đặc biệt là những thầy tế lễ khao khát có con trai để tiếp tục chức vụ tế lễ của họ. Đường lối của Chúa thì khác biệt với đường lối của con người. “Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta.  Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai 55:8-9). Nhưng khi Ngài hành động để trả lời sự cầu nguyện, Ngài thường làm trỗi hơn những gì chúng ta cầu xin và suy tưởng.

Dâng hương tại bàn thờ trong nơi thánh là một kinh nghiệm tuyệt vời trong đời đối với thầy tế lễ,  và ngày đó có nhiều ý nghĩa cho Xa-cha-ri. Cánh tay của Đức Chúa Trời làm việc trong một đường lối đặc biệt. Ngài sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thông báo cho Xa-cha-ri rằng lời cầu nguyện của ông đã được nhậm và vợ ông sẽ hạ sinh một con trai. Đứa trẻ này sẽ được Đức Chúa Trời ban phước cách đặc biệt. Nó sẽ hầu việc Chúa trong vị trí của một tiên tri, và trở thành người dọn đường cho Đấng Mê-si sẽ đến! Đức Chúa Trời chuẩn bị hoàn thành lời hứa của Ngài, Ngài sẽ sai Đấng Cứu chuộc đến trần gian. Chức vụ của Giăng, con trai Xa-cha-ri là: “chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” (Lu-ca 1:17).

🙂

Mục sư Warren W. Wiersbe làm chứng:

“Vợ tôi và tôi có nhiều lý do để tạ ơn Đức Chúa Trời về những thánh đồ cao tuổi đã thường cầu thay cho chúng tôi. Người tôi chưa bao giờ gặp là ông nội của tôi, ông ấy đã cầu nguyện xin Chúa cho dấy lên một thầy giảng Phúc âm trong mỗi thế hệ của gia đình chúng tôi. Và Chúa đã nhậm lời.

Tôi có thể đã chết vào năm hai tuổi, nhưng lời cầu nguyện của ông tôi đã cứu tôi thoát chết. Tôi cũng được cứu thoát khỏi một tai nạn xe hơi nghiêm trọng khi một người lái xe say rượu tông vào xe tôi với tốc độ 80 miles/1 giờ. Nhiều thánh đồ đã cầu thay cho chúng tôi trong khoảng thời gian trên năm mươi năm thi hành chức vụ của tôi. Và bây giờ vợ tôi và tôi cầu thay cho những thế hệ trẻ hơn – là những người đang phục vụ Chúa trên khắp các lĩnh vực. Và họ cũng cầu thay cho chúng tôi!”

🙂
Phao-lô viết,
Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, hầu cho tôi được rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ. Cô-lô-se 4:3

3.CHÚNG TA KHÔNG BAO GIỜ QUÁ GIÀ ĐẾN NỖI THẤT BẠI TRONG MỤC VỤ

“Người Giu-đa đòi phép lạ” (1 Cô-rin-tô 1:22) và Xa-cha-ri cũng không ngoại lệ. Đức Chúa Trời nhân từ xử lý với sự nghi ngờ của Xa-cha-ri và cuối cùng mang sự bảo đảm đến. Chúng ta có thể đọc lại câu chuyện của Ghê-đê-ôn trong Các quan xét 6:36-40. Nhưng hãy nhớ rằng sự vô tín cũng là tội lỗi. Khi không tin vào Lời Chúa, chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối.

Một thầy tế lễ đầy dẫy Lời Chúa trong tâm trí sẽ có đức tin lớn? Trước khi đề cập đến Xa-cha-ri, hãy nhìn vào chính chúng ta. Có bao nhiêu lần Lời Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta biết về ý chỉ của Ngài, rồi sau đó chúng ta nhìn vào chính mình thay vì đặt đức tin nơi Chúa? Xa-cha-ri là một người cao tuổi và vợ của ông cũng đã vượt qua lứa tuổi có khả năng sinh sản. Cũng giống như Áp-ra-ham và Sa-ra trong sách Sáng thế ký, nghĩ đến việc có con khiến cho Sa-ra phải cười thầm (Sáng thế ký 18). Nhưng khi Đức Chúa Trời phán rằng việc đó phải xảy ra, thì nó sẽ xảy ra.

Chúng ta biết về nhiều người lãnh đạo trong Kinh Thánh gặp thất bại trong một số lĩnh vực của đời sống. Sức mạnh của Áp-ra-ham phát xuất từ đức tin của ông, nhưng khi đối mặt với nạn đói tại Ca-na-an, ông phải di chuyển xuống Ai-cập để tìm kiếm sự trợ giúp (Sáng thế ký 12:10-20) và rồi tại đó ông đã phạm lỗi lầm. Môi-se là một người khiêm hòa, nhưng ông đã đánh mất đi phẩm chất này khi dùng cây gậy đập vào hòn đá trong sa mạc – một hành động để Lời Chúa qua một bên. Và vì điều này ông mất đi đặc ân đặt chân vào vùng đất hứa với Israel (Dân số ký 20). Đa-vít là một người chính trực, nhưng đã đánh mất phẩm chất này khi ông nói dối về tội lỗi của mình và tìm cách che giấu nó (2 Sa-mu-ên 11-12). Phi-e-rơ được biết là một sứ đồ can đảm, nhưng đã sợ hãi trong thời khắc khó khăn và chối Thầy mình đến ba lần (Ma-thi-ơ 26:69-75).

Xa-cha-ri đã lớn lên trong bối cảnh chung quanh ông có những người nam và nữ học biết về Lời Đức Chúa Trời và sống theo Lời ấy, và chế độ ăn kiêng ổn định của ông theo lẽ thật chắc chắn tạo ra đức tin trong ông (Rô-ma 10:17). Nhưng khi trực diện với cơ hội chuẩn bị nhìn thấy một phép lạ, ông đã không tin thông báo đến từ Chúa, và vì vậy ông bị câm không nói được cho đến khi đứa con trai của ông được sinh ra. Đức tin làm chúng ta mở miệng ra ngợi khen Chúa (2 Cô-rin-tô 4:13), nhưng sự vô tín khiến chúng ta mở miệng ra đặt câu hỏi với Chúa. Trường hợp của Xa-cha-ri là miệng ông phải đóng lại khi ông không tin. Khi đã câm thì làm sao hát lời ngợi khen? Trong khi Ê-li-sa-bét, Ma-ri và những người bà con vui mừng ngợi khen Chúa về những sự kiện vinh diệu sắp diễn ra, Xa-cha-ri vẫn yên lặng, nhưng ông viết một bài ca tụng tôn vinh Chúa trong tấm lòng của mình, và đến một ngày nào đó ông sẽ công bố nó.

Tiến sĩ William Cullertson, một trong những cựu chủ tịch của Học Viện Kinh Thánh Moody ở Chicago, đã từng cầu nguyện, “Xin Chúa cho con có một kết thúc tốt.” Khi trưởng thành theo năm tháng bước đi với Chúa, tôi cũng thường cầu nguyện như vậy. Giới trẻ phạm tội là một điều không vui, nhưng khi những người lớn tuổi đã trải qua các kinh nghiệm tuyệt vời với Chúa mà phạm tội sẽ là một thảm kịch. Nó sẽ hủy hoại nhiều điều mà người đó có được trong quá khứ. F. B. Meyer, thầy giảng Tin Lành Anh Quốc có lần nói với một người bạn, “Tôi hy vọng Cha thiên thượng cứ tuôn chảy dòng sông sự sống trong tôi cho đến khi cuộc sống trên đất của tôi kết thúc. Tôi không muốn nó bị tắt nghẽn giữa đường.”

Lạy Chúa, xin giúp đỡ chúng con có một kết thúc tốt đẹp.

4.CHÚNG TA KHÔNG BAO GIỜ QUÁ GIÀ ĐẾN NỖI KHÔNG THỂ LÀM MỘT ĐIỀU GÌ MỚI

Nếu có người nào đó bám chặt vào truyền thống, thì đó là người Do Thái chính thống, và điều này áp dụng ngay cả với việc đặt tên cho trẻ em. Tên của một đứa trẻ gợi nhớ đến một sự kiện nào đó trong quá khứ hoặc với một số hành động hay thuộc tính đặc biệt của Thiên Chúa, và mối liên kết này cực kỳ quan trọng đối với một số người sống trong một quốc gia thường xuyên gặp nguy hiểm. Đôi khi một vài kinh nghiệm của người mẹ trong thời gian mang thai sẽ xác định tên của đứa bé (như trong trường hợp tên các con trai của Gia-cốp). Theo truyền thống, việc đặt tên cho con trai đầu lòng sẽ theo tên của cha mình, vì nếu cha chết, con trai sẽ giữ tên cha và ký ức về cha trong gia đình (Lu-ca 1:57-66).

Những người bà con và láng giềng với Ê-li-sa-bét và Xa-cha-ri đều trông đợi tên đứa con được sinh ra cho gia đình này sẽ là Xa-cha-ri (Lu-ca 1:59). Nhưng họ rất ngạc nhiên sau khi biết rằng tên đứa bé là Giăng theo sự đồng thuận của cha mẹ nó. Đây là cái tên mà thiên sứ Gáp-ri-ên đã thông báo cho Xa-cha-ri trước đó. “Nhưng thiên sứ nói cùng người rằng: Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ, vì lời cầu nguyện ngươi đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng” (Lu-ca 1:13). Tên Giăng có nghĩa “Chúa là nhân từ.”

Thế hệ trẻ thường chỉ trích thế hệ già vì những người lớn tuổi thường tôn vinh những gì đã cũ, từ chối những gì mới và muốn tìm lại “những ngày xưa tốt đẹp.” Những người trẻ nói với chúng ta rằng “những ngày xưa tốt đẹp” chỉ là sự kết hợp giữa trí nhớ tồi và trí tưởng tượng phong phú. Đây có vẻ là một tuyên bố rất thông minh nhưng không phải luôn luôn đúng. Vua Sa-lô-môn đã giải quyết vấn đề này khi viết, “Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời.  Nếu có một vật chi mà người ta nói rằng: Hãy xem, cái nầy mới, vật ấy thật đã có rồi trong các thời đời trước ta.  Người ta chẳng nhớ các đời trước, và các đời sau những người đến sau cũng sẽ chẳng nhớ đến nữa” (Truyền đạo 1:9-11). Sa-lô-môn chỉ ra rằng thế hệ trẻ có một trí nhớ tồi. Họ nói: “hãy nhìn kìa, ở đây có một vài điều mới” chỉ bởi vì họ không biết nhiều điều trong quá khứ. Những gì họ xem là mới thực ra chỉ là một sự tái hợp những gì đã cũ. Sa-lô-môn giải thích rằng chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời. Tin tức trên các kênh truyền thông có thể tốt hơn và thú vị hơn, nhưng về bản chất chúng không thay đổi nhiều.

Mặc dù tuổi cao và theo truyền thống như Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét, nhưng họ đã can đảm đem một tên mới vào trong gia đình. Cái mới có thể là “hướng đến thời đại nhưng được neo vào Vầng Đá.” Đây là phương châm của “Tuổi Trẻ Vì Christ” một tổ chức đã có từ lâu phát biểu. Bởi vì ân điển của Đức Chúa Trời là một thuộc tính bất biến của Ngài, tên Giăng rất xưa cũ nhưng nó cũng rất mới. (Thực tế, các trẻ em là một hữu thể xưa cũ, nhưng chúng cũng có một vài điều mới.) Chấp nhận mà không cần hỏi về tất cả mọi điều mà thế hệ trẻ nói và làm là nguy hiểm, nhưng từ chối những gì tốt và không khuyến khích điều đó là ngu ngốc. Phước cho sự cân bằng – và tư duy phân biệt đúng lẽ!

5.CHÚNG TA KHÔNG BAO GIỜ QUÁ GIÀ ĐẾN NỖI KHÔNG THỂ NGỢI KHEN CHÚA

Nếu bạn bị câm trong chín tháng rồi sau đó nói được, bạn sẽ nói gì? Được Thần cảm Xa-cha-ri đã công bố một bài ca tụng Chúa! Hầu hết mọi người không ai muốn nghe những người cao tuổi và một vài ca sĩ nổi danh đã nghỉ hưu hát đơn ca. Nhưng tôi muốn được ở trong ngôi nhà đó để nghe những lời ca ngợi của Xa-cha-ri. Trong sự vui mừng hoan hỉ, ông chắc chắn ca ngợi Chúa về phép lạ Chúa đã làm trong gia đình ông. Một phép lạ nối kết với lời hứa về Đấng Mê-si sẽ đến.

Bài ca ngợi của Xa-cha-ri trong Lu-ca 1 là một bài ca về sự cứu chuộc, vì Đứa Chúa Trời sẽ cứu dân Ngài thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi như Ngài đã cứu chuộc họ ra khỏi xích xiềng của Ai-cập (câu 68-70). Đây cũng là một bài ca chiến thắng vì Chúa sẽ phù trợ dân Ngài chinh phục kẻ thù và giữ vững sự phục vụ Chúa (câu 77-79). Nhưng sâu sắc hơn, đó là bài ca về sự tha tội, vì các món nợ của tuyển dân sẽ bị hủy bỏ (câu 76-77). Năm hân hỉ – kỳ lễ kỷ niệm đặc biệt của tuyển dân đang đến (Lê-vi-ký 25:8-55; Lu-ca 4:14-21). Xa-cha-ri ca ngợi Con của Đức Chúa Trời nhiều hơn là con trai của ông! Thầy tế lễ cao niên này đã nhìn thấy một bình minh mới cho Israel (câu 78-79), bóng tối tăm và sự chết sẽ lùi xa, những tội nhân được tha thứ sẽ bước đi với Chúa trong sự bình an.

Chúng ta nhớ rằng Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét vui hưởng ân huệ và sự chúc phước của Đức Chúa Trời, vì Ngài bày tỏ sự thành tín và thương xót trên gia đình họ. “Cả hai đều là công bình trước mặt Đức Chúa Trời.” Xa-cha-ri có thể hòa lòng với trước giả Thi thiên ngợi khen Chúa, “Hỡi người công bình, hãy vui vẻ và hớn hở nơi Đức Giê-hô-va! Ớ các người có lòng ngay thẳng, hãy reo mừng!” (Thi thiên 32:11)

 

admin

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên