Trang Chủ DƯỠNG LINH SA-RA

SA-RA

1825
0
SHARE

 

abraham-sarah-and-isaac-e1434294446850

 

Hãy nghĩ đến tổ ngươi là Áp-ra-ham, cùng Sa-ra, là người đã sanh sản các ngươi;”   (Ê-sai 51:2)

Khi Đức Chúa Trời đổi tên Áp-ram thành Áp-ra-ham, Ngài cũng đổi tên Sa-rai thành Sa-ra. Sa-ra có nghĩa là công chúa (Sáng 17:15-16). Cái tên này xuất hiện bốn mươi mốt lần trong Cựu Ước, và xuất hiện năm mươi tám lần trong toàn bộ Kinh Thánh. Tên của sứ đồ Giăng không được nhắc đến nhiều như thế. Đức Chúa Trời hứa rằng Sa-ra sẽ trở nên mẹ của các vua trên đất, vì vậy Ngài gọi tên bà là công chúa. Chỉ có một lần duy nhất tên của Sa-ra được nhắc đến trong Cựu Ước bên ngoài sách Sáng thế ký là Ê-sai 51:2. Tôi chọn câu Kinh Thánh này làm câu gốc cho bài viết sau đây.

Chúng ta thấy gì khi nhìn vào đời sống Sa-ra?

ÁP-RA-HAM NHÌN SA-RA VÀ BẮT GẶP MỘT TÌNH YÊU

Áp-ra-ham và Sa-ra lớn lên tại U-rơ thuộc Cha-ran, một thành phố thờ hình tượng. Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng Áp-ra-ham, khi ông còn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi (Công 7:1) và phán bảo ông phải đi ra khỏi quê hương, đến một vùng đất mới mà Ngài sẽ chỉ cho. Đức Chúa Trời đã bỏ qua những người khác trong một thành phố rộng lớn, nhưng Ngài bày tỏ chính Ngài cho Áp-ra-ham. Đây quả thật là ân điển diệu kỳ!

Sa-ra đã trả lời Áp-ra-ham như thế nào khi Áp-ra-ham thông báo cho bà biết các hình tượng mà cư dân thành phố đang thờ phượng là sai lầm, và ông chuẩn bị ra khỏi thành phố quê hương? Sa-ra có lẽ đã hỏi chồng mình: “Chúng ta sẽ đi đâu?” Áp-ra-ham trả lời: “ta cũng không biết, vì Đức Chúa Trời không cho biết rõ ràng nơi sẽ đến.” Phản ứng của Sa-ra trước tình huống này? Kinh Thánh cho chúng ta biết Sa-ra là một phụ nữ có đức tin (Hê-bơ-rơ 11:1), vì vậy bà đã từ bỏ các hình tượng, đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời và đi theo Áp-ra-ham. Bà thuận phục chồng mình giống như thuận phục Chúa (Ê-phê-sô 5:21-33), trong khi Áp-ra-ham yêu thương, che chở vợ như chính bản thân mình. Sa-ra bước theo Áp-ra-ham, từ bỏ quê hương thực hiện một chuyến đi rủi ro, nguy hiểm đến một nơi chưa biết trước.

Vợ chồng Áp-ra-ham lên đường ra khỏi U-rơ. Tha-rê, cha của Áp-ra-ham và Lót người cháu trai đi cùng họ. Tha-rê qua đời tại Cha-ran (Sáng 11:31-32). Lót là người sau này gây ra lắm nan đề tiếp tục cuộc hành trình với Áp-ra-ham về miền đất hứa. Áp-ra-ham và Sa-ra có thể đã nói cho những người bà con của mình về một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, và rồi họ đã ra đi ra khỏi quê hương bỏ lại  phía sau những mối quan hệ họ hàng thân thiết. Ông nổi bật là người dẫn đường có đức tin, không cần bản đồ, la bàn hay bất cứ dụng cụ nào. Nhưng Áp-ra-ham cần Sa-ra, và ông biết điều đó. Tác giả James Strahan đã viết trong sách Hebrwe Ideals, “Sa-ra là công chúa – mẹ của nhiều vua. Bà hiểu sự kêu gọi thiên thượng của chồng mình, cùng chia sẻ khát vọng của ông, và song hành với ông trên mọi nẻo đường.” Không có gì ngạc nhiên khi sứ đồ Phi-e-rơ nói về Sa-ra, “Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình; nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy.” (1 Phi-e-rơ 3:1-6). Sa-ra là một tấm gương tốt cho những người nữ theo Chúa trong suốt mọi thời đại.

Bởi vì Sa-ra yêu mến chồng mình, bà cùng chịu trách nhiệm với Áp-ra-ham về lời nói dối được ghi trong Sáng thế ký 20:11-13. Áp-ra-ham đã nói rằng Sa-ra là em gái trong họ hàng thay vì nói cô ấy vừa là em gái vừa là vợ của tôi. Lời nói một nửa sự thật này của Áp-ra-ham đã che chở cho ông và gia đình, nhưng nó chắc chắn đem nguy hiểm đến cho sự thuần khiết của Sa-ra, một người nữ mà qua đời sống của bà đứa con trai của lời hứa sẽ đến.

Lời nói một nửa sự thật này của Áp-ra-ham đã che chở cho ông và gia đình, nhưng nó chắc chắn đem nguy hiểm đến cho sự thuần khiết của Sa-ra, một người nữ mà qua đời sống của bà đứa con trai của lời hứa sẽ đến.

Đức tin chân thật không nên gắn kết với mưu đồ riêng. Áp-ra-ham đã hai lần không nói rõ về thân phận của Sa-ra. Điều này đã làm cho ông và người vợ gặp rắc rối sau đó.

Y-SÁC NHÌN VÀO SA-RA VÀ THẤY ĐỨC TIN

Đức tin của Áp-ra-ham và Sa-ra đã đem Y-sác, đứa con của lời hứa thành hiện thực. Bản Kinh Thánh NIV dịch câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 11:11, “Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín.” Sa-ra đã vượt qua giới hạn của tuổi sinh con, vì vậy khi nghe tin một đứa con trai theo lời hứa sẽ được sinh ra từ chính mình, Sa-ra và Áp-ra-ham đã cười. Nhưng Đức Chúa Trời của sự trông cậy ban cho họ “đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an” (Rô-ma 15:13), và không bao lâu sau đó nụ cười hoài nghi của họ đổi thành nụ cười thánh thiện khi mà những gì bất khả thi trong chuyện sinh nở của Sa-ra lại trở thành hiện thực. Họ đã vui hưởng món quà Chúa ban cho và qui tất cả vinh hiển về cho Ngài. Bạn có thể giải thích những gì đã xảy ra chỉ là sự tình cờ và không có bàn tay của Chúa trong đó? Hay là bạn không thể giải thích những gì đã xảy ra và thừa nhận là Chúa đã làm như vậy, khi ấy tất cả chúng ta sẽ vui mừng ca ngợi Chúa và cười thỏa vui trước ân ban của Ngài.

Ê-SAI NHÌN VÀO SA-RA VÀ THẤY HY VỌNG

Bây giờ chúng ta tập chú vào những câu Kinh Thánh chỉ ra tính cách đặc trưng của đời sống Sa-ra. Những câu này nằm ở phần thứ hai của sách Ê-sai (từ chương 40 đến chương 66). Ê-sai đề cập đến khoảng thời gian người Israel bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Họ chịu cảnh phu tù trong bảy mươi năm (Giê-rê-mi 25:8-14; Đa-ni-ên 9:1-3) rồi được phép về lại quê hương, nhưng không có nhiều người trở về. Đế quốc Ba-by-lôn đã khiến cho dân tộc Israel suy tàn, thành phố Giê-ru-sa-lem và đền thờ tại đó bị phá hủy. Tổng số dân Do Thái giảm xuống không còn như trước. Không có gì dễ chịu khi tuyển dân trở về từ Ba-by-lôn trong một cuộc hành trình gian khổ. Chỉ còn lại một ít người trở về khôi phục thành phố và đền thờ. Nhóm người Do Thái lưu đày trở về đối diện với muôn vàn khó khăn khi phải thực hiện những công việc bất khả thi.

Nhưng Ê-sai biết cách khích lệ tuyển dân. Đầu tiên ông bảo họ hãy nhìn chung quanh và vui hưởng sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 40). Đời sống con người trên đất chóng qua như hoa sớm nở tối tàn, nhưng các công trình sáng tạo của Chúa vẫn được bảo tồn theo thời gian bằng một quyền năng siêu việt. Không người nào có thể lớn hơn Đức Chúa Trời. Tuyển dân Israel đã nhiều lần quay lưng lại với Đức Chúa Trời và đi theo các thần tượng khác. Và đó là lý do mà họ bị trừng phạt tại Ba-by-lôn. Mặc dù tuyển dân phản bội giao ước nhưng Đức Chúa Trời vẫn là Chúa của họ và Ngài sẽ hoàn thành mục đích đời đời của Ngài trên cuộc đời họ.

Đức Chúa Trời vẫn còn yêu thương tuyển dân bất luận họ thế nào? Họ đã bất tuân ý chỉ của Chúa và làm cho tấm lòng Ngài tan vỡ. Tiên tri Ê-sai khích lệ tuyển dân hãy nhìn lên để thấy cánh tay yêu thương của Đức Chúa Trời vẫn đang chăm sóc họ, “Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đương cho bú.” (Ê-sai 40:11). Ông nhắc lại điệp khúc: “Đừng sợ” (41:10, 13, 14; 43:1-2) cho tuyển dân vốn luôn có tâm lý bất an. Đức Chúa Trời sẽ thay mặt họ để chinh chiến với kẻ thù, vì vậy hãy lắng nghe lời Ngài, và công bố những lời hứa của Chúa. Hãy nhìn lên!

Trong Ê-sai 51:2, tiên tri của Đức Chúa Trời khích lệ tuyển dân hãy nhìn lui về đời sống của Áp-ra-ham và Sa-ra. Tuyển dân Israel không phải xuất phát từ thiên đàng rồi đi xuống trần gian trên những đám mây, nhưng họ đã được sinh ra từ một người nam đã bảy mươi lăm tuổi và vợ của ông ta đã sáu mươi lăm tuổi. Theo lẽ thông thường, đôi vợ chồng này không còn khả năng sinh đẻ nữa. Họ đã già rồi khó có thể có con! Nhưng Đức Chúa Trời ban cho họ một lời hứa kỳ diệu, đó là dòng dõi họ sẽ đông như sao trên trời, như cát bờ biển (Sáng 13:14-17; 15:5). Nếu Đức Chúa Trời có thể xây dựng một quốc gia từ đôi vợ chồng già Áp-ra-ham, thì tại sao Ngài không thể tái lập quốc gia Israel từ những người yếu đuối mất hết tinh thần sau một thời gian dài chịu cảnh lưu đày? Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa với Áp-ra-ham và bây giờ Ngài cũng sẽ làm như vậy với dòng dõi của ông.

Khi tuyển dân ra khỏi cảnh phu tù trở về xây dựng lại đền thờ. Đền thờ này dường như không bằng đền thờ nguy nga tráng lệ mà Sa-lô-môn đã xây dựng trước đó. “Nhiều thầy tế lễ, người Lê-vi, trưởng tộc, tức là những người già cả đã thấy đền thờ trước, bèn khóc tiếng lớn trong khi người ta xây nền của đền mới …” (E-xơ-ra 3:11-13; A-ghê 2:3). Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Xa-cha-ri đến hỏi họ: “ai là kẻ khinh dể ngày của những điều nhỏ mọn?” (Xa-cha-ri 4:10). Hãy nhìn về quá khứ để thấy Áp-ra-ham và Sa-ra là những người đầu tiên đặt nền tảng cho tuyển dân. Đức Chúa Trời có thể làm những điều kỳ diệu bất chấp những nghĩ suy “bất khả thi” của con người. Từ một đôi vợ chồng già đã sản sinh ra một dân tộc lớn mạnh hùng cường để qui vinh hiển về cho Ngài. Những lời này dành cho những ai đã mất hết hy vọng: “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” (Xa-cha-ri 4:6). Lời tuyên hứa này của Chúa vẫn còn có hiệu lực đến hôm nay!

 

(Còn nữa)

Translated by Tuong Vi

 

   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên