Kien Lu, “những con đường nhòa nhạt bóng trăng” nên tấm hình màu trở thành nhạt nhòa như thế này đây!
🙂
Buổi trưa ngày 11 tháng 3 năm 2022, chúng tôi gặp nhau tại Little Du Mien Cafe, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn.
từ trái sang: Diễm Phúc, Kien Lu, Ngọc Hoàng, Linh Ân và Tường Vi.
Chàng Quá Cần Thiết Cho Tôi
tôi muốn nghe những thông tin về chàng
sáng nay tôi đọc những tin tức buồn
chẳng có điều gì làm tôi vui cả
trái tim tôi non yếu và tổn thương
tôi mở sách ra tôi muốn gặp chàng
những giòng cổ thư như cây vườn hoang
những câu hỏi không bao giờ giải đáp
như nhánh sông trôi về mãi cuối ngàn
tôi nhìn vào tôi tôi lại thấy chàng
chiếc lá vàng rơi trong ánh nắng vàng
có những vẻ đẹp người không thấy hết
trôi về đâu hỡi giòng sông ly tan
chàng ở trong tôi, tôi ở trong chàng
nói những lời yêu không hề muộn màng
tôi thở những mùi hương trong tóc ấm
nghe lời thì thầm xanh xao đêm tan
tôi đang hát những bài ca cho chàng
những giòng nhạc xanh không có tiếng đàn
chiều đưa mây tan về xa biên giới
nơi những con đường nhòa nhạt bóng trăng
Kien Lu
🙂
DƯỠNG LINH
“Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”
Ma-thi-ơ 3:17
Đức Chúa Cha xác nhận tình yêu của Ngài đối với Đức Chúa Con. Khi Chúa Jesus đến sông Giô-đanh để chịu Giăng Báp-tít làm phép báp-tem, Giăng đã nhận ra Ngài. Ông biết rằng Chúa Jesus không có tội để phải chịu phép báp-tem, vì thế Giăng từ chối, nhưng Chúa Jesus khẳng định phải vâng theo ý chỉ của Cha. Hầu hết các học giả Tân Ước đều đồng ý rằng báp-tem trong Tân Ước là dìm mình vào nước, minh họa cho sự chết, chôn, và phục sinh. Từ “chúng ta” trong câu 15 không hàm ý chỉ về Chúa Jesus và Giăng, nhưng về Đức Chúa Cha, Đức Chúa Jesus và ĐứcThánh Linh là Đấng sẽ “làm trọn mọi việc công bình” trong sự chết, chôn, và sự phục sinh của Con Đức Chúa Trời. Chúa Jesus phán về báp-tem này trong Lu-ca 12:50, “Có một phép báp-têm mà ta phải chịu, ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành!” Đây là lần đầu tiên trong ba lần mà Đức Chúa Cha xác nhận tình yêu đối với Con Ngài (tình yêu gắn liền với sự chịu khổ), và cả ba lần đều liên quan đến thập tự giá. Lần thứ hai tại Núi hóa hình (Ma-thi-ơ 17: 1-7) và lần thứ ba sau khi Chúa Jesus vào thành Giê-ru-sa-lem (Giăng 12: 12-32). Khi chúng ta đối mặt với đồi Calvary, Cha của chúng ta bày tỏ tình yêu Ngài với chúng ta.
Satan đặt câu hỏi về tình yêu của Đức Chúa Cha. Sau khi Chúa Jesus chịu báp-tem, Ngài được Thánh Linh dẫn vào đồng vắng để chịu ma quỉ cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:1-11). Chúa Jesus kiêng ăn bốn mươi ngày đêm, và khi thân thể vật lý Ngài đã suy yếu Satan đến tấn công Ngài qua ba lần đề nghị. Trước hết, Satan trưng dẫn lời mà Đức Chúa Cha đã phán từ trời trước đó trong Ma-thi-ơ 3:17, nó đặt vấn đề: “Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi” (Ma-thi-ơ 4:3). Khi cám dỗ chúng ta, một trong những chiến lược của Satan là làm cho chúng ta nghi ngờ về tình yêu của Cha thiên thượng. Khi Satan khiến chúng ta nghi ngờ về điều này, nó sẽ dễ dàng phá hủy đức tin, hi vọng và tình yêu của chúng ta. Satan có ý nói, “Jesus, tại sao ngươi phải chết trên thập tự giá? Đức Chúa Trời há yêu ngươi sao? Hãy thờ phượng ta, ta sẽ cho ngươi các vương quốc của thế gian và ngươi sẽ không phải chịu khổ” (câu 9). Bất cứ khi nào bạn bị cám dỗ, đừng bao giờ chất vấn tình yêu của Đức Chúa Cha. Nếu Chúa Jesus là Đấng cứu rỗi của bạn, thì bạn được “chấp nhận trong Con yêu dấu” (Ê-phê-sô 1:6).
Đức Chúa Con bày tỏ tình yêu thần thượng tại đồi Calvary. “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Thập tự giá là bằng chứng lớn nhất về tình yêu của Đức Chúa Trời. Chúng ta biết Đức Chúa Trời yêu chúng ta, không phải bởi vì chúng ta khỏe mạnh, giàu có, và vui hưởng một đời sống dễ dàng, nhưng bởi vì Ngài phán như vậy trong Kinh Thánh. Sự thật là Chúa Cha yêu chúng ta cũng như Ngài yêu chính Con Ngài. Chúa Jesus cầu nguyện với Cha, “và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương họ cũng như Cha đã yêu thương Con” (Giăng 17:23). Là người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, bạn là con yêu dấu của Đức Chúa Cha (Cô-lô-se 3:12). Chúng ta thảy đều là con cái của Đức Chúa Trời, là “anh em yêu dấu của Chúa” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13), điều này không dựa vào cảm giác của chúng ta đau đớn như thế nào, hay cảm thấy khó chịu với hoàn cảnh. Khi chúng ta nghi ngờ về tình yêu của Đức Chúa Trời, hãy nhìn lên thập tự giá.
Tình yêu của chúng ta đối với người khác chứng minh tình yêu của Đức Chúa Trời đối với họ. Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu qua dân sự của Ngài. Thế giới hư mất này sẽ không thể tin vào Giăng 3:16 nếu các Cơ đốc nhân không chịu vâng theo 1 Giăng 3:16 – “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy.” Cơ đốc nhân là những ống dẫn, không phải trũng chứa nước. Khi Đức Thánh Linh hành động trong và qua chúng ta, chúng ta dễ dàng chia sẻ tình yêu của Đức Chúa Trời với người khác. “Nhưng trái của Thánh Linh ấy là tình yêu” (Ga-la-ti 5:22). Tình yêu không phải là một vở kịch mà chúng ta có thể diễn như các nghệ sĩ sân khấu. Tình yêu là kết quả của công tác Thánh Linh bên trong chúng ta, nó sống động, tỏa hương, nuôi dưỡng mọi người và tái sản sinh những bông trái khác.
“Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.”
1 Cô-rin-tô 13:8
Warren W. Wiersbe
translated by tuong vi