Trang Chủ THƠ Mặc Lâm Giới Thiệu Thơ Xuân

Mặc Lâm Giới Thiệu Thơ Xuân

1033
0
SHARE

Mỗi mùa Xuân đến cũng đồng nghĩa với sự đâm chồi nảy lộc của tạo hóa, tái sinh thêm một vòng tròn nữa của sự sống và tạo cho thi nhân nguồn hứng khởi bất tận khi cảm nhận từng cái mơn trớn của gió Xuân của nắng hanh vàng hay tiếng thì thầm rạo rực của mầm sống căng tràn.

Mùa Xuân cũng mang đến cho tha nhân biết bao hy vọng. Người ta gọi nhau khẽ khàng như sợ rơi mất chiếc trâm vàng đính ước. Tình nhân thì chải vội những sợi tóc mai làm dáng để nhanh chân chạy theo nàng Xuân vừa mới lướt qua. Thi sĩ cảm thấy cần viết hơn lúc nào hết để những sợi giây rung cảm kia chưa kịp tan vào ký ức thì trang giấy đã lấp đầy những ngọt ngào mà thượng đế vừa mang xuống cho con người.

Viết về mùa Xuân, về Tết không một giai đoạn nào mà nhiều thi sĩ viết nhiều như giai đoạn của các nhà thơ tiền chiến. Có lẽ trong bước đầu khai phóng, thơ mới là phương tiện khá thuận lợi để các nhà thơ trong giai đoạn này tung hoành trên thi đàn với những bài thơ ca tụng mùa Xuân diễm lệ và thanh tú chưa từng có trong thời hán học. Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Bính, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương…tất cả như tranh nhau để viết về mùa Xuân, chừng như sợ Xuân thì giận dỗi bỏ đi để nguồn thi tứ không lối thoát thì uổng phí lắm cho những căng tràn khó thể dằn lòng.

Mùa Xuân, dưới ngòi bút của Xuân Diệu người ta có thể cảm nhận được mạch chảy của nhựa Xuân trong cơ thể bởi những hình tượng tác động rõ rệt lên từng thớ thịt. Cũng nắng như mọi ngày nhưng nắng Xuân hôm nay hình như mỏng hơn, dịu dàng hơn và mơn trớn hơn. Đó là nắng chớm Xuân, là ánh sáng từ trời cao tìm xuống thế gian để báo cho con người biết rằng, a! ta là Xuân, Xuân là nắng…mùa Xuân đến đầu tiên là nắng. Màu nắng vàng hanh nhưng không nóng như những mùa khác. Nắng mùa Xuân được gọi là nắng đẹp. Đẹp là biểu tượng của mùa Xuân! Vậy là mùa Xuân tới.

🙂

Xuân Diệu, Xuân Không Mùa

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,

Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.

Thế là Xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.

Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.

Nguyễn Bính thì báo Xuân về trong một tình huống khác. Người thơ lưu lạc này lại nghe trong gió cuối Đông tuy không còn gợn cái se sắt của những ngày đầu buốt giá nhưng khe khẽ mang chút ấm áp đầu Xuân đang tới. Trong tiếng gió mơn man ấy người con gái có thấy lòng run lên chăng khi tạo vật chuyển tiếp rộn ràng niềm hạnh phúc?

 

Đã thấy Xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng,

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong. 

Cái ấm áp của Nguyễn Bính đủ để làm má cô gái bên song cửa ửng lên màu nắng. Đôi mắt trong của cô lai láng biết bao nhiêu nỗi mong ước về một cuộc đổi thay của tạo vật. Lá sẽ trổ chồi non, hoa sẽ vươn ra ánh sáng và cô, người con gái 16 sẽ thoát ra ngoài kia như con ngài thoát kén thành bướm tung tăng trong mùa Xuân phơi phới.

Đối với Hàn Mặc Tử thì mùa Xuân không những đẹp cái đẹp của kiều nữ, của tuổi thơ, của những hân hoan rung động… mà ông còn đẩy mùa Xuân lên một cung bậc mới của thi ca, ông cho mùa Xuân chín. Ông không cảm nhận mùa Xuân hời hợt như chúng ta. Ông chạy a vào mùa Xuân, tung tóe những tế vi của trời đất như những vật thể và ông cảm nhận sự chín muồi của Xuân thì. Ông quan sát từng chi tiết của mùa Xuân qua hành vi bình thường của người đời và thi sĩ nhận ra rằng trong cái Xuân xanh hơ hớ kia rồi ra sẽ có kẻ bỏ cuộc chơi sau khi mùa Xuân kết thúc. Rồi ông va vấp với tiếc rẻ với thẫn thờ….

 

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

Trên giàn thiên lý Bóng Xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

Ngày mai trong đám Xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây,

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa, gặp lúc mùa Xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

“Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?” 

Không cực lực như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính có cái trầm tĩnh đến ngạc nhiên khi ông như một anh hàng rong nhẹ nhàng rao những thứ mà chỉ người nhà quê mới có. Cái gánh hàng Tết ấy là con trẻ tung tăng trong Xuân sớm, là lá nõn, ngành non, lúa con gái, là gậy trúc, là khăn thâm… cái gánh hàng rong này dễ gì tìm thấy trên những trang thơ khác, của những thi sĩ khác?

Nguyễn Bính, Xuân Về

🙂

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe

Lá nõn, ngành non, ai tráng bạc?

Gió về từng trận, gió bay đi…

Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng.

Trên đường cát mịn một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Lần lần tràng hạt niệm nam vô.

 

Đinh Hùng, với phong thái u trầm khác hẳn với Nguyễn Bính đã đành, ngay cả Xuân Diệu, một người được tiếng là sắc sảo trong cách thổi cái không khí tươi tắn của chữ nghĩa vào mảnh vườn mang tên Thơ Mới thì Đinh Hùng cũng tỏ ra không hề thiếu sự lãng mạn cần thiết của những nhà thơ mới. Đinh Hùng khao khát một chút tình tuyệt đẹp, nguyên sơ và khi cảm nhận sức hấp dẫn của mùa Xuân đang phân hóa từng cuộc chơi của nhân thế thì ông lại van vỉ người yêu xin đừng mau quá úa tàn đời Xuân con gái. Trong bài thơ Thanh Sắc Đinh Hùng viết:

 

Đầu Xuân có rừng Xuân đẹp,

Suối bạc, ngấn vàng long lanh.

Con hươu sao quỳ khép nép,

Uống ngọc bên hòn đá xanh.

Đầu Xuân có dòng sông trắng,

Thuyền ai chờ khách nằm đây.

Con chim nhạn biếc theo mây

Trên bến cát hồng xa vắng.

Đầu Xuân có hội đua hồng,

Có cuộc thi tà áo lá.

Đầu Xuân này cỏ thêu nhung,

Bướm với hoa đồng lơi lả.

Đầu Xuân có tiệc Xuân tình,

Núi xanh và trời xanh biếc.

Mây đào có má đào xinh,

Em chớ để tình xưa chết.

Nếu Đinh Hùng lãng tử, Nguyễn Bính trầm mặc, Xuân Diệu cháy bỏng với Xuân thì bên bờ sông Đuống có lẽ Hoàng Cầm là người chung thủy với mùa Xuân hơn ai hết. Hoàng Cầm không những nếm trải mùa Xuân bằng chất thơ thời niên thiếu mà qua bao vật vã của đời thực, ông chợt nhận ra rằng mùa Xuân chỉ còn trong ước mơ, trong mộng mị.

Vẫn là bống bang ngày cũ nhưng tiếng vọng hạnh phúc mỗi ngày một xa, xa hiu xa hắt và khó nắm bắt biết bao…mùa Xuân bây giờ đối với Hoàng Cầm như một thứ xa xỉ. Ông không còn mùa Xuân đích thực nữa từ khi mùa Xuân của Giai Phẩm đã đóng lại vĩnh viễn niềm hy vọng…trong bài Ứơc vọng mùa Xuân, Hoàng Cầm viết:

 

Tôi đã im rồi thôi không nói năng

Mưa chiều chưa đọng, nóng càng tăng

Mồ hôi sắp lụt phòng oi ả

Đôi vợ chồng son khó chỗ nằm

Gió bống bang em về cõi ấy

Tôi còn hứng chịu trận mưa chan

Ví chăng đến lúc tôi thành đá

Chắc vẫn thầm thương khóc hợp tan

Xin người chớ rót lôi phong vũ

Bão gấp trăm lần ngọn gió nam

Chỉ muốn hứng mưa vừa tỉ lệ

Nắng tung hoành xin bớt chói chang

Giả sử người em như lụa nõn

Tôi đi theo bất kể ôn hàn

Đến đâu cũng thấy em hiền dịu

Mây bốn phương trời xanh chứa chan

Khí tượng đầy tin nắng đẹp tươi

Bụi mưa nhàn nhã thả chim trời

Mong em ấm lạnh vừa phong độ

Anh cứ tầm Xuân lấm tấm vui.

 

Một trong những bài thơ Xuân đậm chất chuyện kể nhất phải kể đến bài Xuân Tha Hương của Nguyễn Bính. Có lẽ khó ai qua mặt được nhà thơ về cách kể chuyện chân phương nhưng lôi cuốn như Nguyễn Bính. Nhà thơ nói về nỗi niềm của kẻ xa nhà, xa quê như nhấp chung rượu đắng. Đắng của men hòa với đắng của ngậm ngùi nhung nhớ trong lòng khiến cái đắng lây sang cả người đọc thơ ông:

 

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Ôi, chị một em, em một chị

Trời làm xa cách mấy con sông

Em đi trăng gió đời sương gió

Chị ở vuông tròn phận lãnh cung

Chén rượu tha hương, trời: đắng lắm

Trăm hờn nghìn giận một mùa đông

Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống

Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng…

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở

Chị vẫn môi son vẫn má hồng?

 

Áo rét ai đen mà ngóng đợi

Còn vài hôm nữa hết mùa đông!

Cột nhà hàng xóm lên câu đối

Em đọc tương tư giữa giấy hồng

Gạo nếp nơi đây sao trắng quá

Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông

Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết

Một mình em vẫn cứ tay không

Vườn nhà Tết đến hoa còn nở

Chị gửi cho em một cánh hồng

Tha hương chẳng gặp người tri kỷ

Một cánh hoa tươi đủ ấm lòng

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng…

Chao ơi, Tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng

Ai bảo mắc duyên vào bút mực

Sòng đời mang lấy số long đong

Người ta đi kiếm giàu sang cả

Mình chỉ mơ hoài chuyện viễn vông

Em biết giàu sang đâu đến lượt

Nợ đời nặng quá gỡ sao xong?

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng

Tết này, ô thế mà vui chán

Rượu cay nhớ chị hồi con gái

Thương chị từ khi chị lấy chồng

Cố nhân chẳng biết làm sao ấy

Rặt những tin đồn chuyện bướm ong

Thôi, em chẳng dám đa mang nữa

Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc

Chấp nối nhau hoài cũng uổng công!

(Một trăm con gái đời nay ấy

Đừng nói ân tình với thủy chung!)

Người ấy Xuân già chê gối lẻ

Nên càng nôn nả chuyện sang sông

Đò ngang bến dọc tha hồ đấy

Quý hoá gì đâu một chữ đồng!

Vâng, em trẻ dại, em đâu dám

Thôi, để người ta được kén chồng

Tết này chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng…

Bài thơ dài nhưng không tài nào ngưng ngang cho được. Ngưng lại thì có lỗi với nhà thơ, có lỗi với người chị của ông mặc dù nhiều người cho rằng bà chị kia chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của Nguyễn Bính. Thì thôi, ngày Xuân cũng xin một lần để nhà thơ mát dạ…

Sau thời của Thơ Mới, Nguyên Sa từ Pháp về mang theo hơi hướm của Paris, đến nỗi mùa Xuân trong thơ ông lạo rạo tiếng xe đạp và dòn tang thanh mía đường ngọt lịm mùa Xuân trên đường phố Sài Gòn. Nguyên Sa mang một mùa Xuân trong veo và nguyên trinh những bụi bậm, cùng tiếng còi xe, chiếc biển số nhà trở nên yêu dấu của chàng trai si tình trong mùa Xuân chói chang nắng phương Nam.

🙂

Mùa Xuân buồn lắm em ơi

Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ

Đạp xe qua nhà em

Nhìn vào ngưỡng cửa

Nhà số 20 

Anh nhớ má em hồng…

Anh nhớ nhà em có cửa sơn xanh

Có một hàng rào, có thầy, có mẹ…

Có ngựa chạy trong trường đua, người đi ngoài phố

Nên anh đạp xe đi

Rồi đạp xe về

Mà chẳng có đôi ta…

Mùa Xuân buồn lắm em ơi

Mỗi lần đạp xe về anh vẫn nghe lòng bỡ ngỡ

Chiếc xe còn nguyên màu sơn xanh

Nhưng tâm hồn đã ngả sang màu sắt dỉ

Bởi vì từ Saigon lên tận trường đua Phú Thọ

Hết cả tiền uống một ly nước mía

Mà cũng không gặp em

Nên khát đắng linh hồn

Không phải anh ngại đường xá xa xôi

Anh cần gì đường dài

Anh cần gì nước mía

Anh cần gì hoa thơm và chim cười trong lá biếc

Cũng chẳng cần cỏ thêu xanh cánh đồng xa

biền biệt

Nhưng làm sao không có bóng hai người đè lên cỏ úa

Để anh nghe em cười mà thấy cả mùa Xuân…

Làm sao chỉ có một mình anh

Vừa đạp xe,vừa ngâm thơ, mà đường vẫn dài…

Ngửa mặt lên cao,trời xanh biêng biếc

Làm sao em không ngó xuống linh hồn?…

Sao mùa Xuân mà chẳng có mưa bay

Chẳng có người đi bên cạnh cầm tay

Anh chẳng được hôn lên trán ân tình

Và nói năng những lời vô nghĩa…

 

Nguyên Sa vừa thèm ly nước mía vừa làm thơ, cô gái nào mà không bật cười trước cái duyên mặn mà của chàng trai này? Mùa Xuân dù ở đâu cũng chỉ tươi tắn khi mình yêu và được yêu, Nguyên Sa nói vậy nhưng trong lời lẽ của chàng người nghe đánh hơi được cái hạnh phúc bất ngờ phía sau ly nước mía dễ thương kia. Mùa Xuân vì thế cùng với Nguyên Sa dạo phố, và mùa Xuân làm sao có thể từ chối một cử chỉ tỏ tình lạ lẫm và tội nghiệp đến vậy?

Mùa Xuân đến đây bất giác mỉm cười và chúng ta, những người đang nghe thi sĩ ca tụng mùa Xuân chắc có lẽ cũng lây sang niềm hạnh phúc này chăng?

Mặc Lâm
RFA

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên