Trang Chủ MỤC VỤ Ra-chên

Ra-chên

880
0
SHARE

Nghe Bài chia sẻ click vào hình tam giác trên.

Hãy cho tôi có con, bằng không, tôi sẽ chết.

Sáng thế ký 30:1

Sáng.29  chép:

Đoạn, La-ban nói cùng Gia-cốp rằng: Vì cớ cháu là bà con của cậu,cháu giúp công không cho cậu thôi sao? Tiền công bao nhiêu hãy nói cho cậu biết. 16 Vả, La-ban có hai con gái, con lớn tên là Lê-a; con nhỏ tên là Ra-chên. 17 Mắt Lê-a yếu, còn Ra-chên hình dung đẹp đẽ, vẻ mặt tốt tươi. 18 Gia-cốp yêu Ra-chên nên nói rằng:Vì nàng Ra-chên, con út cậu, tôi sẽ giúp việc trong bảy năm. 19 La-ban trả lời rằng: Thà cậu gả nó cho cháu hơn là gả cho một người khác; hãy ở với cậu. 20 Vậy, Gia-cốp vì Ra-chên, phải giúp việc trong bảy năm: Nhưng bởi yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa.

21 Kế đó, Gia-cốp nói cùng La-ban rằng: Hạn tôi đã mãn rồi. Đâu! Xin cậu hãy giao vợ tôi lại đặng tôi đến gần cùng nàng. 22 La-ban bèn mời các người trong xóm, bày một bữa tiệc; 23 đến chiều tối, bắt Lê-a, con gái mình, đưa cho Gia-cốp, rồi chàng đến cùng nàng. 24 La-ban lại cắt con đòi Xinh-ba theo hầu Lê-a, con gái mình. 25 Sáng bữa sau, mới biết là nàng Lê-a, thì Gia-cốp hỏi La-ban rằng: Cậu đã đãi tôi cách chi vậy? Có phải vì Ra-chên mà tôi mới giúp việc cho nhà cậu chăng? Sao cậu lừa gạt tôi? 26 La-ban đáp rằng: Phong tục ở đây chẳng phải được gả em út trước, rồi chị cả sau. 27 Hãy ở với đứa nầy trọn một tuần đi, rồi ta sẽ gả luôn đứa kia cho; về đứa kia cháu phải giúp công cho cậu thêm bảy năm nữa. 28 Gia-cốp theo lời, ở cùng Lê-a trọn một tuần, rồi La-ban gả Ra-chên, con gái mình, cho chàng, 29 và cắt con đòi Bi-la theo hầu Ra-chên con gái mình. 30 Gia-cốp đi lại cùng Ra-chên, thương yêu nàng hơn Lê-a. Vậy, người ở giúp việc nhà La-ban thêm bảy năm nữa.

🙂

 

Khi Gia-cốp nhìn thấy Ra-chên dẫn bầy sức vật của La-ban đến bên giếng nước, ông đã yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông muốn nói chuyện với Ra-chên cách riêng tư,  và làm hết sức mình để thuyết phục những người chăn cừu đang chờ đợi lấy nước cho cừu của họ và di chuyển đi, nhưng họ quan tâm đến người lạ và hiếu kỳ muốn xem những gì sắp xảy ra. Gia-cốp có nhớ lại người hầu của ông nội Áp-ra-ham cũng đã gặp mẹ Rê-be-ca ở giếng không? Lịch sử luôn luôn tái diễn!

Vâng, Ra-chên sẽ chuẩn bị kết hôn với Gia-cốp, nhưng cô sẽ không được như Rê-be-ca là người vui hưởng đời sống của một người vợ giàu có và quyền lực.

Trong suốt bảy năm Gia-cốp phải lao tác vất vả trong gia đình của người cậu La-ban để mong lấy được nàng Ra-chên xinh đẹp. Nhưng điều diễn ra sau đó lại là những nỗi thất vọng của Ra-chên.

1.RA-CHÊN THẤT VỌNG VỚI CHA CỦA MÌNH

Lần đầu tiên khi gặp Ra-chên, Gia-cốp đã bày tỏ ra danh tính của mình là anh em họ với Ra-chên. Ra-chên thuật lại điều này với cha La-ban, và người nhanh chóng đi ra gặp Gia-cốp. La-ban biết rằng mẹ của Gia-cốp đã kết hôn với một người giàu có, và vì vậy có thể ông ta cũng trông mong nhìn thấy một đàn lạc đà với những lễ vật quí giá của gia đình Gia-cốp khi đi cưới vợ cho chàng trai này, giống như ông đã nhìn thấy trước đây trong trường hợp của cô em gái Rê-be-ca. Nhưng điều đó không xảy ra. Gia-cốp không sở hữu gia tài giàu có của cha, và tất cả những gì ông có hiện giờ là “chỉ có cây gậy” (Sáng thế ký 32:10) thế thôi! Một chàng trai đang  đi lánh nạn để tránh sự trả thù của Ê-sau thì có thể mang theo được gì? Có lẽ chúng ta muốn nhìn xem biểu hiện của La-ban như thế nào vào lúc đó! La-ban chuyển sang kế hoạch B.

La-ban là người nhiều mưu mẹo. Trong suốt những tháng đầu tiên khi Gia-cốp là khách ở trong nhà, mọi người chú ý đến các biểu cảm và sự liên hệ thân mật của cặp đôi Gia-cốp/ Ra-chên. Vì vậy La-ban quyết định tận dụng ưu thế mà ông có. Ông ta biết rằng Gia-cốp hiện giờ chỉ là một chàng trai với hai bàn tay trắng không thể có bất cứ lễ vật truyền thống quí giá nào để cưới Ra-chên. Vì vậy cách tốt nhất là yêu cầu Gia-cốp làm việc cho ông xem như là cái giá phải trả để lấy vợ. La-ban đã rất khôn ngoan. La-ban cho rằng ông ta sẽ nhận Gia-cốp làm công với một giá rất hời. Ông ta có thể điều chỉnh tiền lương trả cho Gia-cốp theo ý muốn, và đó là một thỏa thuận làm ăn cũng không tệ. La-ban sẽ không cần phải chia sẻ tiền bạc với con gái của mình khi có được Gia-cốp làm công. Gia-cốp chấp nhận làm việc cho La-ban để có thể lấy được Ra-chên. Và cũng để cho người anh Ê-sau có thời gian phôi phai dần mối căm hờn với đứa em xảo trá.

Đó là một hợp đồng lao động giữa La-ban và Gia-cốp, nhưng nó có một lỗ hổng. Sau đám cưới, Gia-cốp sẽ đưa vợ về nhà mình, nơi mà sự giàu có của cha Y-sác đang chờ ông,  vì vậy La-ban phải nghĩ ra cách để giữ con rể lâu hơn. Chúng ta không biết rõ các chi tiết về việc La-ban đánh tráo Lê-a thay cho Ra-chên như thế nào trong ngày hôn lễ, nhưng Lê-a chắc chắn biết rõ kế hoạch của cha mình. Lúc đó Ra-chên ở đâu trong trò chơi ú tim này? Có phải La-ban đã hứa hẹn và thỏa thuận với hai cô con gái của mình? Chúng ta không biết hết các chi tiết này. Và vì vậy mọi suy đoán cũng chỉ là suy đoán. Nàng dâu phải che mặt trong ngày cưới và Gia-cốp rõ ràng là không biết chuyện gì đang xảy ra với cô dâu của mình. Lê-a có thể đã giả giọng nói giống như của Ra-chên khi đôi vợ chồng mới đến với nhau trong ngày cưới. Dù thế nào đi nữa kế hoạch hôn nhân được La-ban đạo diễn đã thành công. Gia-cốp không chạy đi đâu được.

Hai mươi năm sau đó, Lê-a và Ra-chên đã nói lên suy nghĩ của mình về người cha La-ban của họ. Kinh Thánh ghi: “Ra-chên và Lê-a đáp cùng Gia-cốp mà rằng: Chúng tôi còn một phần chi hay là cơ nghiệp chi nơi nhà cha chúng tôi chăng?  Vì người đã gả bán chúng tôi và ăn xài hết tiền bạc bán nữa, há người chẳng đãi chúng tôi như người dưng ư?  Các tài vật mà Đức Chúa Trời đoạt nơi tay cha chúng tôi tức là của chúng tôi và của con cái chúng tôi. Vậy bây giờ, chàng hãy làm theo mọi lời Đức Chúa Trời đã phán dạy” (Sáng thế ký 31:14-16).  Và đây là lời giải bày của Gia-cốp với La-ban: “Kìa, đã hai mươi năm tôi ăn ở nơi nhà cậu, chiên cùng dê cậu nào có sảo thai, và tôi chẳng hề ăn thịt chiên đực của bầy cậu bao giờ;  cũng chẳng hề đem về cho cậu một con nào bị xé; bằng có, chính tôi chịu đền đó thôi. Cậu cứ đòi luôn những con bị ăn cắp ban ngày và ăn trộm ban đêm.  Ban ngày tôi chịu nắng nồng, ban đêm chịu lạnh lùng, ngủ nào có an giấc được đâu.  Đó trong hai mươi năm tôi ở tại nhà cậu là thế; trong mười bốn năm giúp việc, để được hai con gái cậu, và sáu năm đặng lãnh lấy bầy súc vật của cậu, mà cậu lại còn thay đổi mười lần công giá tôi.  Nếu Đức Chúa Trời của cha tôi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, là Đấng mà Y-sác kính sợ, không phù hộ tôi, chắc bây giờ cậu đuổi tôi ra tay không. Đức Chúa Trời đã xem thấy nỗi đau khổ tôi cùng công việc hai tay tôi làm, nên đêm qua Ngài đã xét công bình rồi đó” (Sáng. 31:38-42). Lưu ý rằng La-ban không phải là người giàu có khi Gia-cốp vào ở trong nhà của ông, nhưng Đức Chúa Trời của Gia-cốp đã chúc phước cho chàng trai này khi làm việc cho người cậu vợ. Kết quả là La-ban trở nên thịnh vượng, và chính ông đã thừa nhận điều này với Gia-cốp: “Ước gì cậu được nhờ ơn cháu! Cậu cũng đoán rõ ràng Đức Giê-hô-va đã vì cháu mà ban phước cho cậu vậy” (Sáng. 30:27). La-ban không phải là người thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, nhưng ông sẵn lòng để cho Gia-cốp là một thanh niên tin kính vào làm việc cho mình, và mang phước lành của Đức Chúa Trời vào trong gia đình ông.

Khi Ra-chên tháp tùng theo Gia-cốp thẳng tiến về xứ Ca-na-an, bà đã bí mật lấy đi “các pho tượng thờ trong nhà của cha mình” (Sáng. 31:30-35) và nói dối với La-ban về điều đó. Suy cho cùng La-ban cũng là người lấy đi các phúc lợi vật chất từ Ra-chên, vậy thì tại sao Ra-chên không tìm cách lấy lại?  Theo tôn giáo của La-ban thì một người thờ nhiều thần tượng sẽ thành công trong cuộc sống và thừa hưởng được tài sản của gia đình. Gia-cốp đã làm cho La-ban trở nên giàu có, sở hữu một tài sản lớn. Lẽ ra tài sản này phải được chia sẻ với Lê-a và Ra-chên nữa. Ra-chên tin cậy Đức Chúa Trời hay các hình tượng? Việc đánh cắp các pho tượng vàng nói lên điều gì, hay đơn giản chỉ là một hành động trả thù?

2.RA-CHÊN THẤT VỌNG VỚI GIA-CỐP

Khi Gia-cốp khám phá điều mà La-ban và Lê-a đã làm trong ngày cưới, tại sao ông không làm lớn chuyện?  Tại sao ông chấp nhận đề nghị của La-ban, khi ông có thể mặc cả về điều đó? Gia-cốp chỉ có một mình ở nhờ nhà cậu vợ, vì vậy không có ai đứng ra bênh vực ông trong câu chuyện bi hài này. Gia-cốp không phải là người kém thông minh, và ông phải đấu trí với La-ban. Cho dù điều gì sẽ xảy ra, Gia-cốp không muốn đánh mất Ra-chên vì đã phải lòng nàng. Tuy nhiên tương lai của Ra-chên nằm trong tay của một người cha lắm mưu mẹo. Gia-cốp yêu Ra-chên hơn bất cứ điều gì khác trong đời, vì vậy ông chấp nhận trước đề nghị của La-ban đó là phải làm việc thêm cho cha vợ thêm bảy năm nữa để lấy được nàng Ra-chên (khoảng thời gian dài như vậy đủ để cho Ê-sau quên đi nỗi uất hận với người em trai ranh mãnh). Ra-chên biết rằng Gia-cốp yêu nàng hơn Lê-a, và vì vậy Gia-cốp kiên nhẫn chịu đựng người cha vợ xảo trá.

Có thể còn một yếu tố thứ hai nên xét đến trong câu chuyện này. Lương tâm của Gia-cốp đã nhắc nhở ông rằng ông đã lừa dối cha mình bảy năm trước?  Lê-a là con đầu lòng đã đóng giả là đứa con thứ hai, và Gia-cốp là đứa con thứ hai đã hóa trang thành đứa con đầu lòng. Gia-cốp là kẻ lừa dối cha mình bây giờ bị cha vợ lừa dối lại. Kẻ cắp gặp bà già! Tội lỗi của Gia-cốp trước đây bị chỉ ra? Và giờ đây Gia-cốp phải chấp nhận kỷ luật từ Đức Chúa Trời. Gia-cốp trưởng thành qua phương cách mà Đấng Kiểm Soát mọi hoàn cảnh dạy dỗ ông.

Nhưng sự thất vọng lớn nhất của Ra-chên không phải là bà chưa sinh ra được đứa con nào vào lúc gia đình trông đợi. Và vì điều này bà đổ lỗi cho Gia-cốp: “Hãy cho tôi có con, hoặc là tôi sẽ chết”. Ra-chên biết rằng Gia-cốp yêu nàng hơn Lê-a, nhưng tình yêu ấy cũng không thể bù đắp cho sự thiếu hụt những đứa trẻ mà chính nàng sinh ra (xem 1 Sa-mu-ên 1:8). Lúc bấy giờ Lê-a đã có bốn đứa con trai, còn Ra-chên chưa có đứa nào, vì vậy bà yêu cầu với Gia-cốp: “Nầy con đòi Bi-la của tôi, hãy lại cùng nó, hầu cho nó sanh đẻ thay cho tôi, đặng phần tôi bởi nó cũng có con nữa.  Vậy, Ra-chên đưa Bi-la làm hầu Gia-cốp, và người đi lại cùng nàng.  Bi-la thọ thai, sanh một con trai cho Gia-cốp.  Ra-chên rằng: Đức Chúa Trời đã xét tôi công bình, nhậm lời tôi, nên cho tôi một con trai; vì cớ ấy, nàng đặt tên đứa trai đó là Đan.  Bi-la, con đòi của Ra-chên, thọ thai nữa, và sanh một con trai thứ nhì cho Gia-cốp.  Ra-chên rằng: Tôi đã hết sức chống cự với chị tôi, và tôi được thắng; vì cớ ấy, nàng đặt tên đứa trai nầy là Nép-ta-li” (Sáng thế ký 30:3-8).

Chúng ta đọc Sáng thế ký 30 ghi lại các việc sinh đẻ của Lê-a và Ra-chên:

 “Nhằm mùa gặt lúa mì, Ru-bên đi ra đồng gặp được những trái phong già, đem về dâng cho Lê-a, mẹ mình. Ra-chên bèn nói cùng Lê-a rằng: Xin chị hãy cho tôi những trái phong già của con chị đó.  Đáp rằng: Cướp chồng tao há là một việc nhỏ sao, nên mầy còn muốn lấy trái phong già của con trai tao nữa? Ra-chên rằng: Ừ thôi! Chồng ta hãy ở cùng chị tối đêm nay, đổi cho trái phong già của con chị đó.  Đến chiều, Gia-cốp ở ngoài đồng về, thì Lê-a đến trước mặt người mà nói rằng: Chàng hãy lại cùng tôi, vì tôi đã dùng trái phong già của con tôi chịu thuê được chàng; vậy, đêm đó người lại nằm cùng nàng.  Đức Chúa Trời nhậm lời Lê-a, nàng thọ thai và sanh cho Gia-cốp một con trai thứ năm.  Nàng rằng: Đức Chúa Trời đã đền công tôi, vì cớ tôi đã trao con đòi cho chồng; vậy, nàng đặt tên đứa con trai đó là Y-sa-ca….

 Đức Chúa Trời nhớ lại Ra-chên, bèn nhậm lời và cho nàng sanh sản.  Nàng thọ thai, sanh một con trai, mà rằng: Đức Chúa Trời đã rửa sự xấu hổ cho tôi rồi; bèn đặt tên đứa trai đó là Giô-sép (Giô-sép, nghĩa là rửa hay là thêm); lại nói rằng: Cầu xin Đức Giê-hô-va thêm cho một con trai nữa!” (Sáng. 30:14-24). Sau khi Giô-sép chào đời, Ra-chên còn sinh thêm được Bên-gia-min (Sáng. 35:18) rồi qua đời.

3.RA-CHÊN THẤT VỌNG VỚI GIA ĐÌNH CỦA MÌNH 

Ra-chên và Lê-a đều biết rằng cha La-ban là một kẻ mưu mô và đối xử với họ như những tôi tớ,  sử dụng hai chị em cho mục đích ích kỷ của ông. Ước muốn của hai chị em là được kết hôn và rời khỏi gia đình sớm nhất có thể. Nhưng luôn luôn có một số trở ngại. Mười bốn năm hai chị em và Gia-cốp phải ở lại trong nhà của cha mình. Chưa hết Gia-cốp phải làm việc thêm sáu năm nữa để tạo lập riêng cho mình một bầy gia súc. Trong hai mươi năm đó, Ra-chên thất vọng với cha của mình, cả hai chị em Ra-chên mơ ước được về sống trong gia đình của chồng để vui hưởng sự giàu có của Y-sác và Rê-be-ca.

Thật khó khăn để hình dung ra không khí trong gia đình gồm một ông cha, bốn bà mẹ và mười một đứa con. Đặc biệt hơn nữa khi hai bà mẹ là hai chị em, và hai cô hầu gái của hai chị em cũng được xem là vợ của Gia-cốp. Trong ngữ cảnh đó làm thế nào để tránh những xung đột (Châm ngôn 30:21-23)! Tất cả bọn họ đều ở dưới quyền lực của một La-ban vô tâm, người có tham vọng chính là làm giàu – bằng bất cứ giá nào. Những dòng chảy ngầm của những mưu mô, đố kị và ganh đua liên quan đến bốn người phụ nữ chắc sẽ rất mạnh mẽ, và rõ ràng tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến con cái của họ. Trong bối cảnh đó, không có gì lạ khi Gia-cốp phải ở lại với bầy gia súc trên thảo nguyên ngày và đêm (Sáng. 31:40).

4.RA-CHÊN THẤT VỌNG VỚI CUỘC SỐNG

Cuối cùng Gia-cốp và La-ban đã đi tới một thỏa thuận. “Nước sông không còn phạm đến nước giếng”. Gia-cốp được trở về quê hương Ca-na-an của mình cùng với các người vợ và đàn gia súc. Trong cuộc hành trình đó Ra-chên đã qua đời gần Bết lê-hem sau khi sinh được Bên-gia-min trong sự đau đớn (Sáng. 35:16-20). Điều này làm tấm lòng Gia-cốp tan vỡ, vì ông rất yêu thương Ra-chên. Nhiều năm sau đó, chúng ta đọc thấy Gia-cốp nói với Giô-sép trước khi qua đời, “Khi cha ở Pha-đan trở về xứ Ca-na-an, thì Ra-chên chết dọc đường có mặt cha, gần Ê-phơ-rát; cha đã chôn người ở bên con đường đi về Ê-phơ-rát (tức là Bết-lê-hem)” (Sáng. 48:7). Nếu Ra-chên không chết, bà có thể đã sinh thêm các con trai khác, vì vậy Gia-cốp đã thu nhận hai cậu con trai của Giô-sép để bù đắp cho sự mất mát này. Trong Sáng thế ký 48:5 Gia-cốp bảo Giô-sép, “Bây giờ, hai đứa con trai đã sanh cho con tại xứ Ê-díp-tô trước khi cha đến, là Ép-ra-im và Ma-na-se, cũng sẽ thuộc về cha như Ru-bên và Si-mê-ôn vậy.” Trong sáng thế ký chương 49 ghi lại lời chúc tiên tri của Gia-cốp dành cho các con trai mình, trong đó Giô-sép là con trai đầu của Ra-chên nhận được phước lành đầy trọn từ cha (câu 22-26).

Có một vài điều cần suy nghĩ về lời nói cuối cùng của Ra-chên trước khi qua đời. Khi bà đặt tên cho đứa con trai thứ hai là Bê-nô-ni có nghĩa là đứa con trai của sự đau khổ hay đứa con của những rắc rối. Hãy thử hình dung nếu như đứa trẻ này lớn lên với cái tên như vậy, thì điều gì sẽ xảy ra? Mỗi khi có ai đó gọi tên nó như vậy nó sẽ nhớ lại câu chuyện sinh nở của mẹ nó, vì khi hạ sinh Bê-nô-ni /Bên-gia-min, Ra-chên phải chịu nhiều đau đớn. Và sau khi sinh thì Ra-chên trút linh hồn. Ra-chên đã trải nghiệm bảy năm vui mừng khi cô dự định kết hôn với Gia-cốp, nhưng những năm đó đã kéo theo mười ba năm rắc rối trước khi Gia-cốp trở thành một người hành hương trở về lại Bê-tên. Họ đã vượt thoát khỏi sự trả thù của Ê-sau, nhưng Đi-na bị hãm hiếp tại Si-chem. Điều này dẫn đến hậu quả là Si-mê-ôn và Lê-vi dùng gươm tàn sát những người đàn ông của thành phố đó.

Ra-chên muốn có một đứa con trai khác sau khi sinh Giô-sép, và Đức Chúa Trời đã ban cho, nhưng bà phải trả một giá rất cao. “Hãy cho tôi có con, nếu không tôi sẽ chết.” (Sáng. 30:1) là một yêu cầu khẩn thiết. Chúng ta tự hỏi liệu những lời cuối cùng của Ra-chên trước khi qua đời phản ánh tương lai của bản thân – rắc rối và đau khổ, khi bà đặt tên cho đứa con thứ hai tên là Bê-nô-ni (tên này có nghĩa là rắc rối và đau khổ). Gia-cốp khôn ngoan đã đổi tên Bê-nô-ni thành Bên-gia-min. Tên này mang ý nghĩa “con trai của cánh tay phải tôi”. Trong văn hóa thời đó, cánh tay phải tượng trưng cho sự tôn trọng và quyền lực. Gia-cốp bấy giờ đã có mười hai người con. Tất cả họ trở thành tộc trưởng của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên. Bên-gia-min là đứa con duy nhất của Gia-cốp được sinh ra trong vùng đất thánh.

Người Do Thái tôn kính Ra-chên và Lê-a là “hai người nữ đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!” (Ru-tơ 4:11). Tiên tri Giê-rê-mi nói đến Ra-chên: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Tại Ra-ma nghe có tiếng than thở, khóc lóc đắng cay. Ra-chên khóc con cái mình, mà không chịu yên ủi về con cái mình, vì chúng nó không còn nữa!” (Giê-rê-mi 31:15). “Những đứa con trai và con gái của sự đau khổ tôi” được tái hiện khi vua Hê-rốt truyền lệnh “giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt” (Ma-thi-ơ 2:16-18) trong thời điểm Chúa Giê-su Christ giáng sinh. Bên-gia-min hay Bê-nô-ni nhắc chúng ta nhớ đến Chúa Giê-su trong sự thống khổ  (Bê-nô-ni) và sự vinh hiển của Ngài (Bên-gia-min). Trước tiên là đau khổ rồi mới vào trong vinh hiển. Thứ nhất là thập tự giá, thứ hai mới là vương miện. Chúng ta nên ghi nhớ lẽ thật này trong lần tới khi chúng ta đi đến kết luận rằng cuộc sống chỉ là một chuỗi các trận chiến đau đớn.

Điều an ủi lớn nhất dành cho Ra-chên: Hai người con trai Giô-sép và Bên-gia-min được Đức Chúa Trời sử dụng để hoàn thành mục đích lớn lao của Ngài cho thế giới. Giô-sép trở thành người cứu sống cho cả một dân tộc Y-sơ-ra-ên khi đem họ đến định cư và che chở họ trong vùng đất màu mỡ của Ai-cập. Giô-sép cũng thêm lên cho Y-sơ-ra-ên các chi phái Ép-ra-im và Ma-na-se. Từ chi phái Bên-gia-min đã cho ra đời sứ đồ Phao-lô, người đã thiết lập nền thần học của Tân Ước.

Vậy thì Ra-chên, tại sao bà phải khóc?

admin

 

 

 

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên