Trang Chủ MỤC VỤ Giô-na-than

Giô-na-than

1641
0
SHARE

 

Nghe bài chia sẻ, click vào nút tam giác trên.

Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn;

Và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn.

Châm ngôn 17:17

và 1 Sam. 18:1-4, Đa-vít vừa tâu xong cùng Sau-lơ, thì lòng của Giô-na-than khế hiệp cùng lòng Đa-vít, đến đỗi Giô-na-than yêu mến Đa-vít như mạng sống mình. 2 Từ ngày đó, Sau-lơ rước Đa-vít về đền mình, không cho trở về nhà cha người nữa. 3 Giô-na-than khế hiệp cùng Đa-vít, bởi vì yêu mến người như mạng sống mình. 4 Người cổi áo mình mặc mà trao cho Đa-vít, luôn với áo xống khác, cho đến gươm, cung, và đai của mình nữa.

🙂

Chuyên gia tâm thần học Paul Tournier viết, “Không ai trên thế giới này có thể tự phát triển và tìm thấy một cuộc sống trọn vẹn mà không cần được một ai đó hiểu mình,” Mục sư  Charles Spurgeon nói, “Tình bạn là niềm vui ngọt ngào nhất của cuộc sống. Qua những thử thách, chắc hẳn nhiều người đã thất bại vì đắng cay nếu họ không tìm được một người bạn.”

Bằng hữu rất cần thiết cho mỗi một chúng ta, đặc biệt đối với những người Đức Chúa Trời đặt để trong vị trí lãnh đạo. Chỉ những người lãnh đạo mới hiểu được sự cô đơn khi đứng trong vị trí này. Nhưng tình bạn đem lại sức mạnh và sự yên ủi giúp  người lãnh đạo tiếp tục vượt qua những khó khăn. Dù vị trí của chúng ta trong cuộc sống là gì, nếu có thể chia sẻ nỗi lòng với một người bạn và cùng nhau cầu nguyện thì chúng ta sẽ có được cái nhìn về vấn đề của mình dựa trên những điều Đức Chúa Trời đã ban sẵn cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Christ.

Tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than được đánh giá cao hơn mọi tình bạn khác trong văn học và lịch sử. Vua Sau-lơ có bốn người con trai, trong đó Giô-na-than là con cả nên có quyền thừa kế ngôi vua (1 Sử ký 8:33). Tại Do Thái, người nam ít nhất phải trên hai mươi tuổi mới được nhập ngũ (Dân 1:3), còn Giô-na-than thì chịu trách nhiệm cai quản một trăm binh lính (1 Sa-mu-ên 13:2), vì vậy rất có thể ông lớn hơn Đa-vít mười tuổi. Song sợi dây gắn kết họ với nhau vững chắc hơn cả tuổi tác hoặc cấp bậc, và thậm chí hơn cả sự chết.

1.HỌ YÊU THƯƠNG NHAU

Giô-na-than và Đa-vít gặp nhau sau khi Gô-li-át bại trận, và hai người lập tức trở nên “lòng của Giô-na-than khế hiệp cùng lòng Đa-vít” (1 Sa-mu-ên 18:1-2). Khi chiến thắng kẻ khổng lồ, Đa-vít đã thể hiện những phẩm chất mà Giô-na-than ngưỡng mộ và chia sẻ: đức tin nơi Đức Chúa Trời, sự can đảm, sự khiêm nhường, một khao khát tôn vinh Chúa, và sự sẵn sàng mạo hiểm. Giô-na-than không hề tìm thấy một phẩm chất nào kể trên ở nơi cha mình, và chúng ta cũng không thấy rằng các anh của Giô-na-than có những phẩm chất ấy. Một hoàng tử không thể kết bạn với tất cả mọi người, nhưng Đa-vít là người mà Giô-na-than có thể gắn bó và yêu thương một cách chân thành. Tấm lòng của họ được gắn kết với nhau.

Song kết bạn với Đa-vít là một bước đi mạo hiểm đối với Giô-na-than. Trước đó Sa-mu-ên đã xức dầu cho Đa-vít trở thành vị vua tiếp theo của Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 16), và Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động trong đời sống ông. Cha và các anh đã chứng kiến lễ xức dầu cho Đa-vít, nhưng chúng ta không biết bao nhiêu người hiểu ý nghĩa của lễ ấy. Ba người anh của Đa-vít đều phục vụ trong quân đội của Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 17:13-15), nhưng dường như các anh không hề khoe khoang gì về người em út của họ. Ê-li-áp, anh cả của Đa-vít còn nói sai về Đa-vít “có tánh kiêu ngạo và sự độc ác” (1 Sa-mu-ên 17:28). Về sau, Sau-lơ trở nên ganh tị với tài năng quân sự và sự nổi tiếng của Đa-vít nên tìm nhiều cách để giết ông.

Chắc chắn trong những cuộc trò chuyện thầm kín với nhau, Đa-vít đã giãi bày lòng mình cho Giô-na-than và khiến cho Giô-na-than hiểu rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng dẫn dắt cuộc đời Đa-vít. Tuy nhiên điều này chỉ có thể làm tình bạn của họ thêm sâu sắc và một trong hai người sẽ không bị đe dọa. “Tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo” (1 Cô-rinh-tô 13:4). Các binh sĩ khác dường như rất ủng hộ Giô-na-than và nhận ra ông không hề giống cha mình. Thậm chí người vác binh khí cho Giô-na-than đã sẵn lòng chết cùng ông (1 Sa-mu-ên 14:7).

Trong bài điếu văn tiễn biệt Sau-lơ và Giô-na-than (2 Sa-mu-ên 1:17-27), Đa-vít công khai thừa nhận: “Hỡi Giô-na-than, anh tôi! Lòng tôi quặn thắt vì anh. Anh làm cho tôi khoái dạ; nghĩa bầu bạn của anh lấy làm quí hơn tình thương người nữ” (2 Sa-mu-ên 1:26). Wow! Sau-lơ đã cố tìm cách giết cả Đa-vít lẫn Giô-na-than, và nếu vua nghi ngờ tình bạn này đang vi phạm luật pháp Chúa, chắc hẳn vua đã tìm ra chứng cứ cần thiết để giết họ. Không, tình bạn giữa Giô-na-than và Đa-vít hoàn toàn trong sáng và lành mạnh, giống như sự hiến dâng mà một người vợ khi rời cha mẹ trung thành với chồng.

2.HỌ GẮN BÓ VỚI NHAU BẰNG MỘT GIAO ƯỚC

Giô-na-than bí mật kết ước cùng Đa-vít rằng trọn đời họ sẽ là những người bạn trung thành với nhau, và Giô-na-than ấn chứng cho giao ước ấy bằng việc tặng cho Đa-vít áo bào hoàng gia và vũ khí của mình (1 Sa-mu-ên 18:3-4). Về sau, giao ước giữa họ bao gồm hai vấn đề quan trọng: khi Đa-vít lên làm vua, ông sẽ không tiêu diệt gia đình Giô-na-than (1 Sa-mu-ên 20:14-17, 23, 42), và Giô-na-than sẽ trị vì cùng Đa-vít và sẽ trở thành tể tướng của Đa-vít (1 Sa-mu-ên 23:17). Đa-vít bày tỏ lòng nhân từ phi thường đối với Mê-phi-bô-sết, người con bị bại liệt của Giô-na-than (2 Sa-mu-ên 9), nhưng Đa-vít không thể ban cho Giô-na-than chức vụ nào bởi vì Giô-na-than đã hy sinh trên chiến trường cùng với cha mình và ba người anh trai (1 Sa-mu-ên 31:1-6).

Khi nghĩ về giao ước tình bạn đẹp đẽ này, chúng ta suy ngẫm về giao ước mà Đức Chúa Giê-su đã lập với những ai tin cậy Ngài. Đa-vít và Giô-na-than là hai người ngang hàng với nhau, một người là hoàng tử, còn người kia là vị vua tương lai, nhưng khi Đức Chúa Giê-su mời chúng ta bước vào giao ước với Ngài, chúng ta là một người thất bại, một tội nhân bị lên án. Dù vậy, Ngài yêu chúng ta, và tình yêu đó lớn hơn bất cứ tình yêu nào của con người, thậm chí tình yêu vợ chồng. Giô-na-than cho Đa-vít áo choàng hoàng gia của mình, nhưng Đức Chúa Giê-su đã ban cho tôi chiếc áo của sự công chính và Ngài tha thứ mọi tội lỗi của tôi. Hơn thế nữa, Đức Chúa Giê-su chịu chết vì chúng tai và trả cái giá của tội lỗi. Ngài không khiến chúng tai ngồi ghế “tể tướng” nhưng mời  đồng ngồi trên ngai cùng với Ngài và “trị vì đời đời” (Rô-ma 5:17; Ê-phê-sô 2:6). Giô-na-than cầu xin cha mình  ban cho Đa-vít ân huệ, nhưng Sau-lơ chưa từng giữ lời hứa. Đức Chúa Giê-su chính là Thầy Cả Thượng Phẩm và là Đấng bênh vực cho chúng ta, Ngài sẽ đại diện cho chúng ta ở trước ngôi và ban cho chúng ta những ơn phước từ Đức Chúa Cha. Khi Giô-na-than chết, giao ước giữa ông và Đa-vít chấm dứt, song giao ước cứu rỗi trong Đức Chúa Giê-su với chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt, bởi vì Ngài sống lại “theo quyền phép của sự sống chẳng hay hư hay hết” (Hê-bơ-rơ 7:16). Đa-vít và Giô-na-than là bằng hữu trong một thời gian ngắn, nhưng Đức Chúa Giê-su khiến chúng ta trở nên bằng hữu với Ngài mãi mãi (Giăng 15:13-15).

Giô-na-than không từ bỏ cha mình, cũng không từ bỏ đội quân của mình khi ông lập giao ước với Đa-vít, nhưng nhiều lần ông đã giúp đem lại chiến thắng cho Y-sơ-ra-ên. Vua Sau-lơ đã không làm gì để tấn công kẻ thù, chính vì thế Giô-na-than đã tấn công một đồn quân Phi-li-tin và tiêu diệt tướng chỉ huy. Điều này khiến cho người Phi-li-tin thêm phần giận dữ nên họ đã điều binh vào lãnh thổ Y-sơ-ra-ên và đe dọa tuyển dân. Đây chính là điều Giô-na-than mong muốn, bởi vì ông có cơ hội tấn công kẻ thù, và ông đã thành công, Đức Chúa Trời ban cho Y-sơ-ra-ên thắng lớn (1 Sa-mu-ên 13-14). Khi nghe lời Giô-na-than nói với người vác binh khí của mình, không ai không ngưỡng mộ đức tin của ông: “Đức Giê-hô-va khiến cho số ít người được thắng cũng như số đông người vậy” (1 Sa-mu-ên 14:6). Giô-na-than có nhận thức thuộc linh và biết điều Chúa muốn ông hành động. Khi ấy Sau-lơ đang ngồi dưới một cái cây để lên kế hoạch cầu hỏi Chúa muốn ông làm gì. Dù Giô-na-than được xếp thứ hai nhưng ông đã làm công tác của một đại tướng hàng đầu, còn Sau-lơ thì được Y-sơ-ra-ên tán thưởng.

3.HỌ KHÍCH LỆ LẪN NHAU

Có phải Giô-na-than đã dạy Đa-vít tài dùng gươm và bắn cung hay không? Trước khi gặp Giô-na-than, Đa-vít biết sử dụng trành ném đá và đã giết được sư tử, gấu và một kẻ khổng lồ. Còn Giô-na-than, là một người thuộc chi phái Bên-gia-min, chắc hẳn rất ngưỡng mộ tài sử dụng trành ném đá của Đa-vít (1 Sử ký 12:1-2). Song chúng ta không tìm thấy bằng chứng nào thể hiện Đa-vít được huấn luyện sử dụng cung và gươm. Dĩ nhiên, chính Đức Chúa Trời đã huấn luyện đôi tay của Đa-vít cho chiến trận, và Ngài ban cho ông cánh tay khỏe mạnh để dùng gươm và giương cung (Thi thiên 18:34). 1 Sa-mu-ên 20 nói rằng Đa-vít và Giô-na-than thường luyện tập bắn cung với nhau, và có lẽ họ cũng đã luyện kiếm chung với nhau.

Tình bạn của họ vượt qua bao thử thách bởi vì họ yêu kính và tin cậy Chúa cũng như yêu mến và tin cậy lẫn nhau. Chắc hẳn Đa-vít đã rất đau lòng khi phải bất đồng với người bạn của mình về những dự định của Sau-lơ, nhưng Giô-na-than còn cảm thấy đau đớn hơn nữa khi biết điều Đa-vít nói là đúng, rằng Sau-lơ đang tìm giết Đa-vít và ngăn không cho Đa-vít lên ngôi vua Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 20). Thậm chí Sau-lơ đã từng cố giết Giô-na-than! Khi đứng về phía Đa-vít thì những người trong nhà của Giô-na-than sẽ trở thành kẻ thù của Sau-lơ.

Khi phải lẩn trốn vào đồng vắng, Đa-vít có hai người bạn không thể thiếu được chính là Giô-na-than và Sa-mu-ên (1 Sa-mu-ên 19:18-22), và ông đã học được rằng “anh em sinh ra để giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn” (Châm ngôn 17:17). Khi Đa-vít đang ở trong đồng vắng Xíp, Giô-na-than đã liều mạng sống mình mà đến với Đa-vít và “làm cho người vững lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời” (1 Sa-mu-ên 23:16). Một người bạn thật không chỉ nói với chúng ta rằng “hãy vững vàng” hoặc “hãy cố gắng” nhưng cũng phải hướng chúng ta đến với Chúa và khích lệ chúng ta tin cậy nơi lời hứa Ngài. Đây có lẽ là lần cuối cùng Đa-vít và Giô-na-than gặp nhau trên đất. Sau này, Đa-vít gặp hoạn nạn lớn tại Xiếc-lác và dân sự muốn ném đá ông, “nhưng Đa-vít được sức mạnh nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình” (1 Sa-mu-ên 30:6). Đây là điều mà Giô-na-than đã giúp đỡ Đa-vít. Chúng ta không biết đâu là lần cuối cùng chúng ta gặp mặt những người bạn của mình, vậy hãy đem lại sự khích lệ cho họ.

4.HỌ QUÝ TRỌNG NHAU

Giô-na-than tử trận trên núi Ghinh-bô-a cùng với vua cha và ba người anh của mình (1 Sa-mu-ên 31). Sa-mu-ên đã bảo Sau-lơ rằng điều này sẽ xảy ra (1 Sa-mu-ên 28:16-19). Phải chăng hai người đi cùng với Sau-lơ đến nhà bà bóng cũng đã lắng nghe những lời ấy? Nếu vậy, liệu họ đã truyền tai nhau tin tức ấy? Sau-lơ có kể cho các con trai của mình không? Vậy tại sao họ lại ra trận? Tại sao Sau-lơ không đầu hàng để cứu mạng sống mình và mạng sống của các con trai mình?

Y-sơ-ra-ên đã cầu xin một vị vua để ra trận (1 Sa-mu-ên 8:19-20), chính vì thế Sau-lơ không dám thoái lui, ông cũng không dám cho con của mình đi nơi khác. Làm sao có thể lãnh đạo một đạo binh ra trận khi bạn đã biết trước mình sẽ bại trận? Làm thế nào để thể hiện sự dũng cảm khi bạn biết một mũi tên sẽ bắn trúng bạn?

Tuy nhiên tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép một Giô-na-than có lòng tin kính phải chịu chết cùng một người cha bội đạo? Không phải bởi vì ông là một tội nhân vĩ đại, nhưng bởi vì Đức Chúa Trời không định cho dân Y-sơ-ra-ên phải có hai vua từ hai chi phái khác nhau. Giô-na-than sẵn lòng là người đứng sau Đa-vít, và Đa-vít bằng lòng với cách sắp xếp này, song đó không phải là điều Chúa muốn. Vị vua phải đến từ chi phái Giu-đa (Sáng 49:10), và Đa-vít chính là vị vua đó.

Đa-vít không chỉ tôn kính Sau-lơ và Giô-na than qua bài điếu văn của mình, nhưng ông cũng an táng xác họ một cách trọng thể. Người Phi-li-tin đã cắt đầu Sau-lơ và treo bốn xác con trai ông trên tường thành Bết-san và rồi họ đem đầu của Sau-lơ mà đi diễu hành khắp xứ, khoe khoang về thành tích vĩ đại của họ. Những người dõng sĩ tại Gia-be trong xứ Ga-la-át đã liều mình đến gỡ lấy xác của Sau-lơ và các con trai ông, thiêu đốt các thây đó và chôn tro cốt tại Gia-be. Đa-vít đã dời tro cốt của họ đến mộ của gia tộc tại Bên-gia-min (2 Sa-mu-ên 21:12-14).

Bài ca thương trong 2 Sa-mu-ên 1:17-27 là sự bày tỏ tấm lòng của Đa-vít dành cho cả Sau-lơ lẫn Giô-na-than. Ông đã không đề cập gì đến sáu lần Sau-lơ đã cố giết mình, ông cũng không nói Sau-lơ là một bạo chúa hoang tưởng, một người áp bức dân sự, hay Đa-vít cũng không nói rằng Sau-lơ thậm chí đã muốn giết chết Giô-na-than bởi vì Giô-na-than là bạn của Đa-vít. Ông gọi họ là “Kẻ danh vọng [của Chúa]” (c. 19), “kẻ anh hùng” (c. 19, 25, 27), “yêu nhau đẹp nhau… lẹ hơn chim ưng… mạnh hơn con sư tử” (c. 23). Đa-vít có thể chọn trở thành kẻ thù của Sau-lơ, nhưng ông không xem Sau-lơ là kẻ thù. Đa-vít có một tấm lòng vị tha cao cả!

Chúng ta tự hỏi Giô-na-than nghĩ gì trước khi ngã xuống trong trận chiến tại núi Ghinh-bô-a. Có lẽ ông đã nói rằng: “Lạy Chúa, con đã trung thành với Ngài, với cha của con, với Y-sơ-ra-ên, và với Đa-vít. Con cảm ơn Ngài vì đây vẫn chưa phải là kết thúc. Kẻ tôi tớ Ngài là Đa-vít sẽ chiến thắng kẻ thù, thống nhất dân tộc và cai trị vì sự vinh quang của Ngài. Lạy Chúa, với hơi thở cuối cùng này, con cầu nguyện xin Ngài hãy ban phước cho Đa-vít, bạn con, một người con yêu quý, và dẫn dắt người đến chiến thắng.”

Tên Giô-na-than nghĩa là “Đức Giê-hô-va đã ban cho.”

“Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va (Gióp 1:21). Trong mọi việc, Giô-na-than không phạm tội nghịch cùng Chúa.

admin

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên