Trang Chủ THƠ Phê Bình Thơ Kim Mai

Phê Bình Thơ Kim Mai

1949
0
SHARE
ANH GỬI Gì TRONG GIÓ
 
Anh gửi gì trong gió thoảng sáng nay
Mà sao nắng rộn ràng ngây ngất lạ
Cây hồng lộc ngẩn ngơ nhìn duyên quá
Cỏ ven đường lúng liếng giọt sương mai
Anh gửi gì trong gió thoảng sáng nay
Có phải mùa xuân về từ đầu ngõ
Bên đám cải, đám ngò, hàng vạn thọ
Cội mai già ba tỉa lá hôm qua
Anh gửi gì mà gió nói thiết tha
Kéo sợi nhớ muôn trùng xa gần lại
Để ta về thời ta còn ngần ngại
Bỏ lưng trời gió cuốn nửa hồn hoa
Gió ngọt ngào thổi khô ráp môi ta
Héo cả làn da xạm màu năm tháng
Nhưng sâu thẳm gió làm ta choáng váng
Nụ ưu phiền bỗng chốc nở yêu thương
Anh gửi gì trong gió phải tơ vương
 
Nguyễn Thị Kim Mai
Cũng chẳng phải gió mùa hạ bỏng, cũng chẳng ngọn thu phong với “trời lắng u buồn”, không hoàn toàn lạnh lẽo như đông phong, nên khi đọc “Anh Gửi Gì Trong Gió”, độc giả như đang được sống trong ngọn gió giao mùa: Đông – Xuân phong. Xuân phong mang đến cho chúng ta nhiều nỗi hân hoan, rạng rỡ niềm tin, tình yêu và hy vọng. Một ngọn gió được mô tả là có khả năng chuyển hóa một cách thông minh thành sương mai sáng sớm, nắng ấm ban trưa, hoặc những áng mây lãng đãng phiêu bạt cuối chiều.
– Xuân đang đến! Đúng vậy :
“Có phải mùa xuân về từ đầu ngõ
Bên đám cải, đám ngò, hàng vạn thọ
Cội mai già ba tỉa lá hôm qua”
“Hôm qua”, chỉ “hôm qua” thôi, mà đã là quá khứ, thuộc đông!
Cùng cách rung cảm ấy, thi sĩ Nguyễn Bính đã viết:
“Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng.”
Để rồi con “gió” điệp từ ấy cứ thổi mãi qua tâm hồn trong vắt của tác giả , có khi nó đánh thức một hoài niệm biết đau, biết khóc không thành tiếng thì nguồn thơ rung lên trách nhẹ:
“Để ta về thời ta còn ngần ngại
Bỏ lưng trời gió cuốn nửa hồn hoa”
Thật vậy, “ngần ngại”: rụt rè, e thẹn, chưa dám hé môi yêu, ở cái tuổi thần tiên nào mà chẳng vậy nhưng đó cũng là nguyên nhân đã làm hiu hắt một thời!
🙂
Hồi tưởng một lúc … , “gió cuốn nửa hồn hoa” là một mất mát, một dấu lặng, một dấu chấm đậm trong lòng, tưởng chừng đôi cánh của mộng tình đã xếp lại với thi ảnh “bỏ lưng trời”! Nhưng sau mỗi dấu chấm lại sống lên một nguồn cảm hứng, một ý tưởng tiếp theo, một hành trình mới .
Những giọt đắng chảy ngược vào đời sống nội tâm của một thời “nụ ưu phiền” đã “nở yêu thương” khác gì những giọt mật sóng sánh hạnh phúc trao cho những cuộc tình biết đợi, hôm nay
“Anh Gửi Gì Trong Gió” tiêu đề cùng điệp khúc “Anh gửi gì trong gió thoảng sáng nay”, tôi đọc! Nhưng ô hay, giữa ban ngày mơ màng, tôi hát đi hát lại, hát như hát cho chính tâm trạng của mình, có lẽ độc giả cũng có người sẽ đồng cảm về một thời với những nội dung riêng như thế!
🙂
Bằng nghệ thuật tu từ câu hỏi, không ai ngoài và dành riêng cho tác giả – Người trả lời chính xác cho kho tàng đầy bí mật thiêng liêng nầy, để đạt đến mức: “nắng rộn ràng”, “ngất ngây”, “ngẩn ngơ”, “duyên quá”, “lúng liếng”, trong:
“Anh gởi gì trong gió thoảng sáng nay
Mà sao nắng rộn ràng ngây ngất lạ
Cây hồng lộc ngẫn ngơ nhìn duyên quá
Cỏ ven đường lúng liếng giọt sương mai.”
Đọc xong khổ thơ, độc giả sẽ gật đầu, vui nhận ra ngay sự khéo léo dung hợp giữa phong vị của trường phái thơ tượng trưng dựa trên trực giác xen lẫn với khuynh hướng lãng mạn qua cảm xúc cùng phảng phất hương vị của trào lưu cổ điển dựa trên sự thông đạt của mỹ từ pháp ẩn dụ xen nhân hóa, khác gì một họa sĩ đã đi tới bố cục của một bức tranh nghệ thuật với những gam màu sáng tạo!
Qua các thi cảnh tiêu biểu đầy mỹ cảm nêu trên với nhãn quang “vật ngã đồng nhất” từ giác độ nhất nguyên, theo cách nói của Trang Châu thì cảnh vật bên ngoài vui buồn là do trạng thái của nội tâm, tâm trong sáng vui thì ngoại giới cũng thế và ngược lại . Có thể thi hào Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng tư tưởng nầy nên trong Truyện Kiều, thi sĩ đã viết :
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Ở đây, sau lần ”bỏ lưng trời gió cuốn nửa hồn hoa” và bây giờ được “Anh gửi gì trong gió thoảng sáng nay”, dù chỉ vậy, nhưng tâm hồn của tác giả hưng phấn đến vậy! Nên nhãn quang, tâm cảnh cũng vậy!
Không biết nhà thơ lĩnh hội được quan niệm của Trang Châu, của Nguyễn Du đến đâu để có được những ý thơ tâm đắc như thế!
Sau hai khổ thơ từ:
“Anh gửi gì trong gió thoảng sáng nay
….
Cội mai già ba tỉa lá hôm qua”
Cấp độ đột ngột thay đổi. Từ “gió thoảng” đến “gió nói” mà “nói thiết tha”, rồi “gió ngọt ngào thổi” là một diễn trình cấp tiến làm thay đổi đời sống nội tâm, ngọn gió ấy đã chạm đến ước mong:
“Kéo sợi nhớ muôn trùng xa gần lại”, chạm đến nơi “sâu thẳm” của tâm thức, là lúc tác giả cảm thấy mất thăng bằng, chao đảo nên “choáng váng” trước sức mạnh của ngọn gió ngôn tình.
_
Những con gió như vậy chỉ có Thần Gió của Hy Lạp, của Phương Đông mới soi thấu được tâm hồn của tác giả. Nhưng ít ra kho tàng bí ẩn trong chốn thầm kín, ẩn mật sâu xa đó cũng đã được thi nhân hé mở cùng độc giả.
“Anh gửi gì mà gió nói thiết tha
Kéo sợi nhớ muôn trùng xa gần lại”
Hay:
“Những sâu thẳm gió làm ta choáng váng
Nụ ưu phiền bỗng chốc nở yêu thương”
Để rồi:
“Anh gửi gì trong gió phải tơ vương”
Câu thơ như một khúc hát đến lúc người ca sĩ thả hồn phiêu linh đến thăng hoa. Cũng từ đó, để rồi khiến độc giả tha thiết muốn mang theo nó trong đời.
Nếu bài thơ chưa phản ảnh hết được cuộc đời thì một phần ở mặt trái của những câu thơ từ hữu hình đến vô hình; từ cụ thể đến trừu tượng với thần hồn và không thiếu phần tư duy đã là huê dạng!
Bài thơ không dụng công, không vuốt ve, không chải chuốt . Với thi tâm trong veo, thi ảnh lung linh, thi tứ vượng nằm sâu trong lòng cảnh vật, kết thúc có hậu, bố cục chặt chẽ theo phương pháp tương hợp nhất đề, điêu luyện trong thể thơ bát ngôn.
Nét nhân văn bàng bạc trong tất cả cái mênh mông của từng thi cảnh. Tôi có cảm giác rằng nhà thơ đang thấu thị cái vô thường biến dịch của cuộc đời , – qua “gió” – nhà thơ đã tới cõi thơ!
Và nói như thi sĩ Chế Lan Viên:
“Câu thơ hay như người con gái đẹp
Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng.”
🙂
 
 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên