Mùa Xuân Về Trong Mắt Em
–
Đã mấy mùa xuân về trên quê hương
Xuân xưa nắng ấm nhuộm phố phường
Xuân về mang theo hơi ấm áp
Xuân về chan chứa phút yêu đương
–
Đã mấy lần anh ghé thăm em
Đường xưa rộn rã bước chân dồn
Phố Quang Trung nhờ ai thêm hương sắc
Đường về Sông Đào rợp nón lá nghiêng nghiêng
–
Em ơi! Bao năm qua!
Anh hằng mơ đêm ba mươi
Đêm diệu kỳ em trao ánh mắt
Chút nồng nàn em gói ghém trao anh
Anh bồi hồi ngây ngất chút men say
–
Cà-phê Ngã Năm tóc em nồng hương lúa
Phố Chu Trinh sao thấy ấm tình gần
Em lặng nhìn anh khe khẽ nói
Có bao giờ mình mãi mãi bên nhau
–
Có bao giờ em nhớ đến xuân xưa
Vai chung vai mình sánh bước đi về
Trên đường xưa tình đầy chan chứa
Em có chạnh lòng nhớ chốn xưa
–
Xuân lại về đây trên quê hương
Xuân nay chắc nắng ấy thêm vàng
Trên tóc em tôi thơm mùi cỏ
Trong mắt em người em gái tôi mơ!
Trần Đình Diệp
BÌNH THƠ
Sau Chiều Trên Bến Tam Thương, Trần Đình Diệp cho chúng ta thấy một Mùa Xuân Về Trong Mắt Em.
Cảm ơn Lê Hữu Trịnh đã phổ nhạc bài thơ này.
–
gọi em về giữa mộng thường
tàn thu lá đổ cung đường ta đi
ngàn năm những vết chim di
mùa xuân còn mãi trong ta dại khờ
–
Thời còn học Trần Quốc Tuấn, Diệp chỉ biết làm bạn với những con số, học giỏi Toán và được bạn bè “khiếp sợ” vì năm nào cũng xếp vị trí đầu lớp. Tưởng rằng người học ban C chuyên Toán khô khan, nhưng bên trong tâm hồn Diệp là những ưu tư, suy nghĩ về quê hương, về tình yêu… và tác giả bày tỏ những điều đó qua những vần thơ làm quyến rũ bạn bè – đặc biệt là những người yêu thơ.
Mùa Xuân Về Trong Mắt Em là một nỗi nhớ về “người em gái tôi mơ” khi tác giả đã rời xa quê hương nửa vòng trái đất. Từ Texas, Diệp Trần gọi người yêu dấu:
Em ơi! Bao năm qua!
Anh hằng mơ đêm ba mươi
Đêm diệu kỳ em trao ánh mắt
Chút nồng nàn em gói ghém trao anh
Anh bồi hồi ngây ngất chút men say
Rất có thể khi “anh bồi hồi ngây ngất chút men say” là mối tình đầu của một gã si tình dại khờ mà “đã mấy lần anh ghé thăm em/ đường xưa rộn rã bước chân dồn.” Mối tình xinh đẹp quá đến độ làm cho tác giả ngây ngất men say. Wow!
Là người Quảng Ngãi, ai mà không biết Cafe Ngã Năm, phố Chu Trinh, đường Quang Trung, lối về Sông Đào? Những địa danh này đi vào memory của tác giả với những kỷ niệm không thể phai mờ. Chế Lan Viên đã từng viết, “khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” Một người xa quê hương luôn “nhớ ngày anh đi/nhớ quá nơi này” cũng chỉ vì nơi ấy in dấu bóng hình em gái tôi mơ – mà đã bao năm rồi tác giả không thể nào quên được đóa hoa hồng ấy.
Cafe Ngã Năm tóc em nồng hương lúa
Phố Chu Trinh sao thấy ấm tình gần
Em lặng nhìn anh khe khẽ nói
Có bao giờ mình mãi mãi bên nhau?
Là một nghi vấn hay nỗi lo sợ, khi em hỏi: Có bao giờ mình mãi mãi bên nhau?
Trả lời cho câu hỏi này là một câu hỏi khác của tác giả:
Có bao giờ em nhớ đến xuân xưa
Vai chung vai mình sánh bước đi về
Trên đường xưa tình đầy chan chứa
Em có chạnh lòng nhớ chốn xưa?
Vậy là em đã qua sông/sáo đã sang sông. Người đi còn nhớ, người về nhớ không! Tình yêu luôn chứa những nhiệm màu và có thể làm cho cả hai người suốt đời không quên nhau, cho dù có cố gắng quên.
Các mùa cứ xoay vần theo con nước trôi, mùa xuân rồi sẽ đến trên quê hương hay mùa xuân về trong mắt em. Bất luận thế nào, tác giả cầu chúc người em gái vui hưởng một mùa xuân trên quê hương với nắng thêm vàng, còn ở phương trời xa này cái nắng thêm vàng ấy chỉ hiện về trong giấc mơ!
Xuân lại về đây trên quê hương
Xuân nay chắc nắng ấy thêm vàng
Trên tóc em tôi thơm mùi cỏ
Trong mắt em người em gái tôi mơ!
–
Nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh đã phổ nhạc bài thơ này. Với giai điệu nồng nàn, tha thiết bài hát đã gây ấn tượng trên thính giả. Ca sĩ Diệu Hiền, Lê Hữu Trịnh và Trần Đình Diệp chưa hề gặp nhau trực tiếp – chỉ nói chuyện qua phone, nhưng bộ ba này đã có một phối hợp rất nhịp nhàng. Mời bạn nghe bài hát:
–
Chúc bình an bạn tôi.
TÌNH BẠN LÀ VIÊN ĐÁ XÂY NÊN CUỘC SỐNG
Triệu người quen có mấy người thân/khi lìa trần có mấy người đưa?
Có lẽ sẽ không ai phủ nhận những câu nói trên đây!Khi nhắc đến cái tên Trần Đình Diệp, memory của tôi quay về thời niên thiếu. Đó là một thằng bạn với nụ cười hiền như cục đất, dáng gầy gò mảnh khảnh đến độ một cơn gió lớn thể xô ngã nó bất cứ lúc nào. Niên khóa 1973-1974, nó và tôi cùng khối lớp 8 TQT, nó học 8/1, còn tôi 8/10. Kết thúc khóa học những thằng đứng đầu lớp được lãnh phần thưởng của phu nhân tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Nếu tôi nhớ không sai thì ngày đó tôi cùng với Trần Đình Diệp, Đặng Hoài Tịnh và những đứa khác tôi không nhớ hết tên được thầy Nguyễn Khoa Phương trao phần thưởng.
–
Mùa hè năm ấy, tôi đi học hè ở số 93 Phan Đình Phùng. Gặp lại Diệp và một số bạn tại ngôi nhà này của thầy Nguyễn Kia. Ngày ấy tôi còn nhớ Nguyễn Tú, sau này tôi biết Tú trồng cây si Phượng – cô tiểu thư của thầy Kia. Cái tuổi hoa niên ấy, Diệp và tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm. Chỉ biết làm bạn với những con số của môn Toán, trong khi những thằng khác thì đã viết thư tình giấu trong tập vở. Wow!
–
Sau biến cố 1975, chúng tôi tan đàn xẻ nghé. Diệp bám trụ lại thị xã Quảng Ngãi, tôi trôi dạt về Mộ Đức học Trường Nam Đàn. Từ đây cái tên Trần Đình Diệp có lẽ chỉ còn trong ký ức của một thời áo trắng sân trường phượng đỏ rụng rơi.
Từ 1975 đến 2023 là bao nhiêu năm nhỉ? Biển dâu biến thành ruộng nương. Thương hải tang điền! Một ngày đầu năm 2023, tôi gọi cho Diệp từ Oregon nhờ nó mua cho một vé đi Texas. Vị mục sư cố vấn của tôi đang ở Texas, ông mời tôi qua. Vậy là có cơ hội gặp lại Diệp, vì nó cũng đang ở đây. Tôi bay qua Dallas rồi từ đó lái xe xuống Houston gặp Diệp. Diệp đón tôi tại một Vietnamese Baptist Church và đưa tôi về nhà nó.
Trái đất tròn nên chúng tôi được gặp nhau. This is a nice surprise!
–
Chúng tôi đã đi qua một thời trai trẻ
Áo trắng sân trường phượng đỏ rụng rơi
Tuổi hoa niên đã hết tự bao giờ
Nhưng kỷ niệm chưa phai trong tiềm thức
CHÚC CÁC BẠN MỘT MÙA XUÂN AN LÀNH HẠNH PHÚC
phạm hơn, viết từ Oregon. Tháng 2/2023