Trang Chủ DƯỠNG LINH Vì Danh Đấng Christ Chịu Sỉ Nhục

Vì Danh Đấng Christ Chịu Sỉ Nhục

1191
0
SHARE

Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót.  Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.

1 Phi-e-rơ 4:13-14
“Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước.” Lời này ai có thể mang nổi? Khi mà những người Tin lành có thể bị vu khống và bị chửi mắng, làm nhục trong suốt chiều dài lịch sử. Bất cứ ai trong chúng ta là những Ki-tô hữu/Cơ-đốc nhân đều có thể rơi vào hoàn cảnh này.

Dietrich Bonhoeffer là mục sư và nhà văn đã can đảm chống lại sự bách hại của Hitler đối với người Do Thái. Sau đó ông bị Đức quốc xã bắt, bị tống giam vào trại tập trung và bị xử tử. Trước khi chết, ông đã viết những lời này cho một người anh em trong gia tộc vào tháng 4 năm 1943.

“Hoàn toàn không có một chút trách móc hay cay đắng nào trong tôi về những gì tôi đã trải qua …Những bách hại này cùng nhiều sự kiện khác đều đến từ Đức Chúa Trời và chỉ từ một mình Ngài…. Trước mặt Ngài, chúng ta chỉ có thể là đầu phục, kiên trì, nhẫn nại … Chúng ta đã có thể cùng nhau tận hưởng nhiều điều tốt đẹp đến mức gần như tự phụ nếu không sẵn sàng chấp nhận gian khổ một cách lặng lẽ, dũng cảm – và cũng thực sự biết ơn.”

Bonhoeffer đã chịu đau khổ vì đức tin của mình. Ông xem sự khổ nạn ấy đến từ Đức Chúa Trời và vui mừng chấp nhận với lòng biết ơn. Chúng ta có thể áp dụng triết lý này và phản ánh tấm gương của ông.

BẤT LUẬN TÌNH HUỐNG NÀO XẢY RA, TÔI CẢM NHẬN SỰ THỎA LÒNG BÊN TRONG VÀ HIỂU MỤC ĐÍCH CỦA CHÚA CHO ĐỜI SỐNG TÔI

Bài sau đây được mục sư Phạm Hơn chia sẻ với Hội thánh Giê-rê-mi trên Zoom (hội thánh được MS Võ Đức Hòa quản nhiệm) vào tháng 4 năm 2021.
CHỊU KHỔ VÌ DANH CHÚA

Chúng ta suy nghĩ đến một câu hỏi lớn:
Có phải chịu khổ cho (vì) Đấng Christ luôn luôn là một phần của việc trở thành một Cơ đốc nhân?

Trả lời:
1. Các sứ đồ trong hội thánh đầu tiên đã chịu khổ vì danh Chúa:
Kinh Thánh nói rất nhiều về sự chịu khổ vì Đấng Christ. Trong kỷ nguyên Tân Ước đã được viết ra, những người theo Chúa Giê-su thường bị gia đình và cộng đồng tẩy chay họ. Một số cuộc bách hại tồi tệ nhất đến từ các nhà lãnh đạo tôn giáo (Công-vụ 4:1-3).

Công. 4:1-3
Phi-e-rơ và Giăng đương nói với dân chúng, thì các thầy tế lễ, quan coi đền thờ, và người Sa-đu-sê thoạt đến,  tức mình vì hai người dạy dân chúng và rao truyền, nhân Đức Chúa Jêsus, sự từ kẻ chết sống lại.  Họ bắt hai người giam vào ngục cho đến bữa sau, vì bấy giờ đã tối rồi.


Chúa Giê-su đã phán với những người theo Ngài, “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy” (Ma-thi-ơ 5:10). Ngài nhắc nhở các môn đồ của Ngài rằng: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi” (Giăng 15:18).

II Ti-mô-thê 3:12, “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-sus Christ, thì sẽ bị bắt bớ”. Cũng như trong thời Kinh Thánh, nhiều Cơ Đốc Nhân ngày nay đã nhận thấy rằng việc tuyên xưng đức tin nơi Đấng Christ có thể dẫn đến hình phạt tù, đánh đập, tra tấn hoặc chết chóc (Hê-bơ-rơ 11:32-38, 2 Cô-rinh-tô 12:10, Phi-líp 3:8; Công Vụ 5:40).


Đọc Hêb 11:32-38

Ta còn nói chi nữa? Vì nếu ta muốn nói về Ghê-đê-ôn, Ba-rác,Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các đấng tiên tri, thì không đủ thì giờ.(i) 33 Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, được những lời hứa, bịt mồm sư tử, 34 tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn. 35 Có người đàn bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn. 36 Có kẻ khác chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích lao tù nữa. 37 Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, 38 thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất.
2 Cor. 12:10
Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, -túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Phi-líp 3:7-8

Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy.  Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.


Công vụ 5:40
Chúng nghe theo lời người,  đòi các sứ đồ trở vào, sai đánh đòn, rồi cấm không được lấy danh Đức Chúa Jêsus mà giảng dạy; đoạn tha ra.
2. Chịu khổ vì danh Chúa hiện nay.
Thường thì những người trong chúng ta ở các quốc gia tự do phải run bắn lên khi nghĩ đến nó, nhưng chúng ta cảm thấy tương đối được an toàn. Chúng ta hiểu rằng có hàng ngàn người chịu khổ hàng ngày vì Đấng Christ và chúng ta biết ơn vì chúng ta không phải chịu như vậy. Nhưng liệu chỉ có một loại bách hại mà thôi?

Chúa Giê-su đã tuyên bố rõ ràng điều đó có ý nghĩa gì để bước đi theo Ngài: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu. Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì? “(Luca 9:23-25). Sự hiểu biết hiện nay của chúng ta về cụm từ “vác thập tự giá mình mà theo ta” thường không đầy đủ. Trong thời Chúa Giê-su thập tự giá luôn tượng trưng cho cái chết, khi một người đã vác thập tự giá, anh ta đã bị kết án phải bị chết trên nó, để theo Ngài, người ta phải sẵn lòng chết. Không phải tất cả chúng ta sẽ bị giam, đánh đập, hoặc bị tra tấn vì đức tin của chúng ta. Như vậy loại cái chết nào Chúa Jesus đã có ý nói đến?

Phao lô giải thích trong Ga-la-ti 2:20: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”. Bước theo Đấng Christ có nghĩa là chúng ta làm chết đi con người cũ với những việc làm. Chúng ta để ý chí của chúng ta, các quyền của chúng ta, niềm đam mê của chúng ta và mục tiêu của chúng ta phải bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài. Quyền tự quyết định cuộc đời của chúng ta đã chết trong chúng ta (Phi-líp 3:7-8). Sự chết liên quan đến sự chịu khổ. Xác thịt không muốn chết. Chết bản ngã gây đau đớn và đi ngược với xu hướng tự nhiên của chúng ta để tìm kiếm niềm vui thỏa riêng cho chính mình. Nhưng chúng ta không thể bước theo cả hai — Đấng Christ và xác thịt (Lu-ca 16:13, Ma-thi-ơ 6:24, Rô-ma 8: 8).


Lu-ca 16:13

Không có đầy tớ nào làm tôi hai chủ được; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hay là hiệp với chủ nầy mà khinh dể chủ kia. Các ngươi không có thể đã làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn nữa.


Chúa Giê-su đã phán: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 9:62).

Phao-lô phải chịu khổ nhiều hơn hết vì Chúa Giê-su. Ông nói điều này với các Cơ Đốc Nhân tại thành Phi-líp: “Vì nhờ Chúa Cứu Thế anh chị em đã được ban ân sủng không những để tin Ngài mà thôi nhưng cũng chịu khổ vì Ngài nữa.” (Phi-líp 1:29). Từ “ân sủng” ở đây có nghĩa là “bày tỏ lòng khoan dung, ban cho vô điều kiện như một món quà.” Phao lô không phải là chịu khổ như một sự nguyền rủa, nhưng như là một lợi ích.

Chịu khổ có thể có nhiều hình thức. Bằng việc chọn vâng theo Chúa Giê-su Christ, chúng ta đang đặt mình vào cuộc chiến (sự xung đột) với thế gian. Ga-la-ti 1:10 nói, “Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.” Bằng cách bám chặt vào những lời dạy của Kinh Thánh, chúng ta tự loại bỏ chính mình, sự nhạo báng, cô đơn, hoặc sự phản bội. Thông thường, sự bách hại tàn độc đến từ những người tự coi mình là thuộc linh, nhưng có cái nhìn lệch lạc về Phúc âm. Nếu chúng ta chọn cách đứng về sự công bình và chân lý theo Kinh thánh, hãy tin chắc rằng chúng ta sẽ chịu sự hiểu lầm, chịu sự nhạo báng, hoặc tồi tệ hơn. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng không có mối đe dọa nào của sự chịu khổ đã ngăn cản các sứ đồ không giảng dạy về Đấng Christ. Thật vậy, Phao-lô nói rằng đánh mất đi mọi thứ thật đáng giá “tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3:10). Công-Vụ Các Sứ Đồ 5:40-41 miêu tả phản ứng của các sứ đồ sau khi họ bị đánh đập vì rao giảng về Chúa Giê-su: “Các sứ đồ từ tòa công luận ra, đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Giê-su.”

Chịu khổ dưới một hình thức nào đó luôn luôn là một phần của việc trở thành một người chân thật bước theo Đấng Christ. Chúa Giê-su nói rằng con đường dẫn đến sự sống thì hẹp (Ma-thi-ơ 7:14).
Ma-thi-ơ 7:14
Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.


Sự chịu đựng gian khổ của chúng ta cũng là một cách xác định với sự chịu khổ của Ngài theo một cách thu nhỏ.

Chúa Giê-su đã phán rằng nếu chúng ta chối Ngài trước mặt người ta, Ngài sẽ chối bỏ chúng ta trước mặt Cha của Ngài ở trên trời (Ma-thi-ơ 10:33, Lu-ca 12:9).


Có nhiều cách tinh vi để chối bỏ Đấng Christ. Nếu những hành động, lời nói, cách sống của chúng ta, hoặc những lựa chọn giải trí không phản ánh ý muốn của Ngài, chúng ta đang chối bỏ Đấng Christ. Nếu chúng ta tuyên bố nhận biết Ngài nhưng sống như thể chúng ta đã không làm, thì chúng ta đang chối bỏ Đấng Christ (1 Giăng 3:6-10).

Nhiều người chọn những hình thức đó để chối bỏ Đấng Christ vì họ không muốn chịu khổ cho Ngài.

Thường thì sự chịu khổ lớn nhất của chúng ta đến từ bên trong khi chúng ta chiến đấu để giữ vững đối với một tấm lòng mà nó phải chết đi bản ngã của mình và đầu phục vào sự chiếm hữu của Đấng Christ (Rôma 7:15-25).

Rô-ma 7:15-25
Vì tôi không hiểu điều mình làm: Tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. 16 Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn, thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành. 17 Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi. 18 Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; 19 vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. 20 Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy.
21 Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. 22 Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; 23 nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. 24 Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? 25 Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!
Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi.

Trong bất kỳ hình thức nào của sự chịu khổ vì cớ tin lành, chúng ta nên tiếp nhận lấy nó như là một huy hiệu danh dự và một đặc ân mà chúng ta, giống như các sứ đồ, “đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh của Ngài.”
3. Minh họa những hình thức chịu khổ vì cớ tin lành hôm nay:
– Tại Việt Nam, một số anh chị em sau khi tin Chúa thì bị gia đình từ bỏ hoặc bị cô lập. Ở Ấn Độ có Sadhu Sundar Singh (born: September 1889), bị gia đình bỏ thuộc độc vào thức ăn để giết chết ông sau khi ông quyết định tin Chúa, nhưng Chúa đã giải cứu ông trong câu chuyện này. Thuốc độc mà gia đình bỏ vào thức ăn đã trở nên vô tác dụng.
– Vì các anh chị em trong hội thánh: các anh em trong nhà thờ có thể gây khó khăn hoặc thậm chí khủng bố chúng ta vì những mục vụ mà chúng ta đang theo đuổi.
– Vì những mục vụ mà Chúa ủy thác: có thể bị các anh em Cơ đốc hiểu lầm, và chúng ta bị chế giễu hoặc bị làm nhục. Nếu chúng ta thực sự nhận được sự ủy thác – sự kêu gọi từ Chúa, thì lời này luôn đem đến sự khích lệ:
Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu. 1 Côr. 15:58

– Covid-19 đang lây lan tại Sài Gòn và các tỉnh phụ cận làm cho nhiều Cơ đốc nhân bị thế giới chung quanh ghét bỏ, xa lánh  trong sự kiện bệnh dịch lây ra từ Gò Vấp (bị qui kết là từ một hội thánh tư gia của Tin lành).

KẾT LUẬN
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su dạy, “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
11 Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.”
(Ma-thi-ơ 5:10-12).

CẦU NGUYỆN
Thưa Cha thiên thượng là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Xin gia tăng ân điển để chúng con tiếp nhận sức mạnh, quyền năng từ nơi Chúa để dự phần trong sự thương khó với Đấng Christ.

Cầu xin sự thương xót và ân điển Ngài bao phủ chúng con từ bây giờ cho đến khi Chúa Giê-su Christ trở lại. Chúng con cầu nguyện nhân danh thánh Chúa Cứu thế Giê-su. Amen.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên