Trang Chủ THƠ THƠ Hồ Ga-li-lê

THƠ Hồ Ga-li-lê

985
0
SHARE

Xuân Cảm Tạ 
1. Phong lan nở trắng một trời
Ô hay! Xuân đã đến rồi sao em?
Nàng xuân len lén qua thềm
Hương xuân ngào ngạt êm đềm rừng mai

2. Việc gì sẽ đến tương lai?
Giê-xu nắm giữ bởi Ngài toàn năng
Hỡi ơi! Bạn hữu thân bằng!
Rằng xuân đã đến nên chăng an bài?

3. Câu rằng: “Phúc bất trùng lai
Họa vô đơn chí” mấy ai lạ gì?
Ngày xuân ta hãy ca thi
Phúc lành ân huệ thiếu gì trong ta

4. Ta vui vì ở trong nhà
Nhà Cha: Đức Giê-hô-va vĩnh hằng.”
Phong lan nở trắng một trời
Ô hay! Xuân đã đến rồi đó em!

5. Ở trong Đấng Christ được thêm
Người dựng nên mới…cũ đem xa rồi…”
Nàng Xuân e ấp trên môi
Hoa Xuân ngào ngạt núi đồi hoan ca

6. Mừng Xuân…Xuân đến nhà nhà
Lòng vui rộn rã âu ca một bài
Chúa Xuân nắm giữ tương lai
Bài thơ dâng Chúa Thiên đài…Mừng Xuân.

 

 

Hồ Galilê
_______________________________

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BÌNH MỘT BÀI THƠ?
Về căn bản, có thể nói như thế này:
– Phải biết thưởng thức thơ – đồng nghĩa với việc có kiến thức về thơ.
– Có khả năng lý luận, phân tích và đánh giá bài thơ trong cái nhìn của một người làm công tác văn học.
– Dù bình như thế nào thì cũng không thể thoát khỏi cái nhìn chủ quan của người bình luận.
– Trước đây tôi đã giới thiệu một bài viết của Xuân Vũ Trần Đình Ngọc trong chủ đề THẾ NÀO LÀ MỘT BÀI THƠ HAY trên trang facebook VCNT, cũng có thể đọc tại:

GIỚI THIỆU VÀ PHÊ BÌNH THƠ XUÂN

Nhìn chung bài phân tích về thơ của tác giả Xuân Vũ Trần Đình Ngọc khá súc tích và đầy đủ, nếu không nói là rất hay.
– Một bài thơ hay phải là một bài thơ mà nhiều người thích đọc, chia sẻ nó ra với người khác.
– Nếu viết thơ hoặc nhạc để ca ngợi Chúa thì lời thơ và ca từ phải rất trong sáng, sâu sắc, thâm thúy mới để lại những ấn tượng cho người đọc.
– Một bài thơ hay nên là một bài thơ với ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Khi đó bài thơ tự nó sẽ đến với đông đảo bạn đọc.
– Nếu nói rằng tôi làm thơ chỉ để ca ngợi Chúa và tôi không cần người khác phê bình thì những bài thơ như vậy sẽ không có trong chuyên mục bình thơ này.

Bây giờ tôi nói đến thơ của Hồ Gali lê có những đặc trưng gì?
a) Tuân thủ đúng luật bằng trắc, vần theo đuôi nhau (câu sau theo câu trước rất chuẩn).
Mừng Xuân…Xuân đến nhà nhÀ
Lòng vui rộn rã âu cA một bài
Chúa Xuân nắm giữ tương LAI
Bài thơ dâng Chúa Thiên đÀI .. Mừng Xuân.
Khổ thơ cuối cùng mở đầu và kết thúc với điệp khúc “Mừng Xuân”.

b) Việc gì sẽ đến tương lai?
Giê-xu nắm giữ bởi Ngài toàn năng
Hỡi ơi! Bạn hữu thân bằng!
Rằng xuân đã đến nên chăng an bài?
Người làm thơ ca ngợi Chúa phải có kiến thức căn bản về Thần học. Ở đây tôi sẽ phân tích 2 câu: Việc gì sẽ đến tương lai?
Giê-xu nắm giữ bởi Ngài toàn năng

Ngài toàn năng có nghĩa là Ngài có khả năng làm được mọi sự. Còn những việc sẽ xảy đến trong tương lai, Chúa nắm giữ bởi vì Ngài nắm quyền: kiểm soát, cai trị, tể trị mọi biến cố xảy ra. Cho nên nếu viết câu đầu là: Việc gì sẽ đến tương lai? Thì ý tưởng hợp lý để viết câu tiếp theo sẽ là: Giê-xu nắm giữ bởi vì Ngài là Đấng nắm quyền tể trị (chứ không phải Ngài là Đấng Toàn năng). Ý tưởng phải đúng thì sau đó anh mới có thể sử dụng câu từ, con chữ để diễn đạt ý tưởng đó. Hai câu thơ này tôi cho là khiên cưỡng không hợp lý về mặt lô-gíc của Thần học.
Hỡi ơi! Bạn hữu thân bằng!
Rằng xuân đã đến nên chăng an bài?
“Hỡi ơi” hàm ý một sự thất vọng bẽ bàng. Nhưng tại sao các bằng hữu lại phải cất lên tiếng “hỡi ơi”. Tôi không rõ lắm tác giả muốn truyền đạt thông điệp gì ở đây?
Rằng xuân đã đến nên chăng an bài? – câu này có phải chăng tác giả muốn nói: Mùa xuân đã được an bài rồi, nếu là ý đó thì đâu có gì sai, nhưng ý tưởng đó có làm cho người đọc phấn khích hay không lại là một chuyện khác. Vì vậy riêng khổ thơ này có vẻ không hợp lý và trở nên khó hiểu. Có thể là chỉ có tác giả hiểu thôi còn người đọc thì muốn hiểu sao cũng được….. 🙂

c) Bài thơ là một cảm xúc chân thật của Hồ Ga-li-lê, chúng ta trân trọng và yêu mến anh về điều này. Đọc xong bài thơ người đọc có thể nhớ được các ý chính nào?
Khổ thơ thứ 1: Hoa phong lan và mai nở, mùa xuân và hương xuân đã đến.
Khổ thơ thứ 2: Những việc tương lai Chúa tể trị, kiểm soát.
Khổ thơ thứ 3: Phúc không đến 2 lần (bất trùng lai) họa không đến chỉ 1 lần (vô đơn chí). Nhưng Cơ đốc nhân hãy ca ngợi Chúa vì chúng ta được hưởng nhiều ơn phước Chúa ban nhân mùa Xuân về.
Khổ thơ thứ 4: Vui vì ở trong nhà Chúa, nhắc lại: hoa phong lan đã nở cho một cô em nào đó.
Khổ thơ thứ 5: Ở trong Đấng Christ được đổi mới, được trải nghiệm mùa Xuân.
Khổ thơ thứ 6: Ca mừng xuân vì Chúa nắm giữ tương lai.
Bố cục của bài thơ: Dàn trải giống như các trước giả viết Thi Thiên trong Kinh Thánh – viết theo luồng suy nghĩ như một cây rồi vươn ra hoa lá cành….
Cảm xúc của tác giả: Yêu Chúa yêu người… và yêu một em.. nào đó mà đố ai biết được…? 🙂
Câu thăng hoa nhất trong bài thơ: Nàng Xuân e ấp trên môi
Hoa Xuân ngào ngạt núi đồi hoan ca (trong bản chính chỗ này viết là hoang ca. Hoang ca khác với hoan ca. Hoang ca: Khúc ca hoang dã. Hoan ca: Bài ca hoan lạc, vui tươi). Tôi không biết tác giả muốn dùng chữ hoang ca nào, có G hay không có G.
Điểm nhấn của bài thơ: Bài thơ dâng Chúa Thiên đài…Mừng Xuân.
Câu chìa khóa của bài thơ: Phong lan nở trắng một trời
Ô hay! Xuân đã đến rồi đó em!
KẾT LUẬN GÌ Ở ĐÂY? Xin Chúa ban ơn Hồ Ga-li-lê trong các sáng tác văn thơ tiếp theo. Viết nhiều là tốt, nhưng nếu viết nhiều mà hay nữa là trên cả tuyệt vời. Tôi không muốn trở thành nhà phê bình thơ, nhưng nếu anh muốn tôi như thế, sợ rằng anh sẽ thất vọng? Dĩ nhiên sự phê bình của tôi chỉ là một ý kiến cá nhân chủ quan. Hy vọng sẽ có thêm các bạn hữu khác sẵn sàng comment các bài thơ của anh.
Rất quí mến trong Christ!

 

Tường Vi

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên