Trang Chủ ENGLISH Sắc lệnh của Đức Chúa Trời

Sắc lệnh của Đức Chúa Trời

574
0
SHARE

ĐẶC ĐIỂM CHÍNH YẾU CỦA SẮC LỆNH ĐỨC CHÚA TRỜI

(listening Dec. 2023)

Có thể nói gì về sắc lệnh của Đức Chúa Trời qua một bản tóm tắt có hệ thống? Năm điểm sau đây cần được lưu ý.

Thứ nhất, sắc lệnh của Đức Chúa Trời đã được ấn định trong cõi đời đời nhưng được thi hành đúng thời điểm. Như đã lưu ý trước đó, Giê-rê-mi đã dùng từ “đời đời” để mô tả sắc lệnh của Đức Chúa Trời (Giê. 5:22), và Phao-lô viết rằng những người tin Chúa đã được Đức Chúa Trời chọn “trước khi sáng thế” (Êph. 1:4). có nghĩa là “từ muôn đời” kể cả đến quá khứ đời đời. Phi-e-rơ đã dùng chính cụm từ này để chỉ Chúa Giê-su, người đã được “chọn trước khi sáng thế.” Sau đó, Phi-e-rơ nói thêm “Ngài được bày tỏ trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em” (1 Phi. 1:20). Kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho Đấng Christ đã được ấn định trong cõi đời đời nhưng được thực hiện vào một thời điểm cụ thể. Điều này cũng đúng với sự kêu gọi và sự cứu rỗi của các tín đồ: Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta “trước buổi sáng thế” nhưng “đã cứu chúng ta” vào một thời điểm cụ thể (2 Ti. 1:9).

Thứ hai, sắc lệnh của Đức Chúa Trời là toàn diện. Một trong những điều tôi phát hiện ra trong kỳ nghỉ hè năm 1994 ở Y-sơ-ra-ên là trong khi kế hoạch của tôi là toàn diện, nhưng nó không bao gồm toàn bộ. Có một số vấn đề quan trọng mà tôi đã bỏ qua khi lập kế hoạch. Đối với kế hoạch của Đức Chúa Trời thì không phải như vậy. Theo Kinh Thánh, không có gì nằm ngoài kế hoạch của Đức Chúa Trời. Khi Phao-lô viết rằng Đức Chúa Trời “làm mọi sự theo ý muốn Ngài” (Êph. 1:11, NASB), ông ngụ ý rõ ràng không có gì bị bỏ sót hoặc để lại ngẫu nhiên. Không có gì xảy đến với đời sống của chúng ta mà không nằm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Thứ ba, sắc lệnh của Đức Chúa Trời là một kế hoạch tốt lành và khôn ngoan. Bởi vì Đức Chúa Trời là tốt lành (Na. 1:7), chúng ta tin chắc rằng Đức Chúa Trời làm mọi việc “vì sự tốt lành” theo ý Ngài (Rô. 8:28). Bởi vì Đức Chúa Trời là khôn ngoan (16:27), kế hoạch của Ngài là đan kết những sự kiện khá xa vời và dường như không liên quan lại với nhau thành một tổng thể hài hòa. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời được thể hiện rõ qua việc Chúa Giê-su Christ bị đóng đinh. (1 Cô. 1:23-24) và trong việc hợp nhất những người Do Thái và dân ngoại tin vào trong một thân thể Đấng Christ (Êph. 3:6-10). Sau khi suy ngẫm về sự mầu nhiệm sâu xa trong kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên (Rô. 9-11), Phao-lô đã kết thúc bài luận bằng một câu nói đầy sự ca ngợi về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong mọi sự: “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Ðức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (11:33).

Thứ tư, sắc lệnh của Đức Chúa Trời là ý định tối hậu để mang lại vinh quang cho Ngài. Tất cả những gì Đức Chúa Trời tạo ra và làm ra đều nhằm mục đích tôn vinh các thuộc tính của Ngài để mọi người ca tụng Ngài. Vũ trụ vật chất được tạo ra để bày tỏ sự vinh hiển của Ngài (Thi. 19:1), và loài người được tạo ra để làm vinh hiển Ngài (Êsai. 43:7). Sự lựa chọn và tiền định của Ngài đối với các tín đồ nhằm ca ngợi ân điển vinh hiển Ngài “(Êph. 1:4-6). Các tín đồ được hướng dẫn để sống đời sống của họ sao cho họ được vinh hiển Đức Chúa Trời (Mat. 5:16; 1 Cô. 10:31). Ngay cả việc sử dụng các ân tứ thuộc linh của bạn với tư cách là tín đồ để “trong mọi sự Đức Chúa Trời được tôn vinh” (1 Phi. 4:11, NASB). Khải tượng của Giăng về hàng ngàn hàng vạn sinh vật sống xung quanh ngai của Đức Chúa Trời cho thấy rằng mục đích của sự thờ phượng là vì sự vinh hiển của Ngài, “Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!” (Khải. 5:12). Kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho sự sáng tạo của Ngài là vinh quang và mang lại sự vinh hiển cho Ngài.

Thứ năm, sắc lệnh của Đức Chúa Trời không bãi bỏ trách nhiệm của con người. Mặc dù Đức Chúa Trời có một kế hoạch tối thượng sẽ được hoàn thành, nhưng điều này không đánh mất trách nhiệm cá nhân đối với hành động của mình. Điều này đặc biệt quan trọng vì sắc lệnh của Đức Chúa Trời liên quan đến những hành động tội lỗi của con người. Mặc dù Đức Chúa Trời có quyền tối cao đối với các hành động của chúng ta, nhưng Ngài không thể bị đổ lỗi như vậy vì cớ hành động của chúng ta. Sự thật này được minh họa trong cuộc đời của Giô-sép. Sau khi cha của Giô-sép là Gia-cốp qua đời, các anh của Giô-sép sợ rằng ông sẽ trừng phạt họ vì những điều họ đã làm với ông. Nhưng Giô-sép đáp lại: “Các anh toan hại tôi, nhưng Ðức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo.” (Sáng. 50:20). Anh em của Giô-sép đã làm một điều xấu xa khi bán em mình làm nô lệ. Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng hành động tội lỗi đó để thực hiện một điều tốt đẹp cho gia đình Gia-cốp. Vì Giô-sép bị bán làm nô lệ ở Ai Cập, mà sau này ông có thể chu cấp cho gia đình Gia-cốp trong thời kỳ đói kém. Các anh trai của Giô-sép phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của họ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã sử dụng những hành động đó để hoàn thành một điều gì đó tốt đẹp.

Một minh họa khác cho lẽ thật này là việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Trong Công Vụ 2:23 Phi-e-rơ giải thích rằng Chúa Giê-su chết “bởi ý định và sự biết trước của Đức Chúa Trời.” Những gì đã xảy ra trong sự phản bội, xử án và đóng đinh của Đấng Christ đều là việc thực hiện kế hoạch đã định trước của Đức Chúa Trời (4:27-28). Nhưng kế hoạch tối thượng của Đức Chúa Trời có bãi bỏ trách nhiệm con người của Giu-đa, Phi-lát, và những kẻ đã giết Chúa Giê-su Christ không? Phi-e-rơ nói thêm rằng Chúa Giê-su đã bị “những kẻ gian ác” đóng đinh vào cây thập tự (2:23). Klooster lưu ý, “Việc đóng đinh là một phần trong sắc lệnh đời đời của Đức Chúa Trời, và hành động tội lỗi của con người có liên quan; nhưng tội lỗi của hành động đó không được giảm bớt ngay cả khi nó hoạt động như một phương tiện để thực hiện sắc lệnh của Đức Chúa Trời.”4 Chúa Giê-su lưu ý đến sự cân bằng quan trọng này giữa quyền tể trị thiêng liêng của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người khi Ngài nói, “Con người đi, theo như điều đã chỉ định; nhưng khốn cho người nầy phản Ngài!” (Lu. 22:22).

Ngoài ra, sắc lệnh của Đức Chúa Trời thì không miễn trừ trách nhiệm về hành động của con người. Đức Chúa Trời sẽ cứu những người mà Ngài đã chọn. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể lơ là trách nhiệm truyền giáo (Mat. 28:19-20; Giăng 15:16). Đức Chúa Trời sẽ đưa những người được Ngài chọn đến với đức tin nơi chính Ngài, nhưng điều này đòi hỏi sự làm chứng của những Cơ đốc nhân vâng lời (Rô. 10:14). Một lần nữa, Đức Chúa Trời sẽ cứu những người Ngài đã chọn, nhưng không sẽ ai được cứu ngoài niềm tin cá nhân vào Đấng Christ. Lu-ca đã chỉ ra lẽ thật này khi ông viết, “Phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo” (Công. 13:48).Thứ sáu, sắc lệnh của Đức Chúa Trời là không thể thay đổi. Vì Đức Chúa Trời là hoàn hảo (Mat. 5:48), nên kế hoạch của Ngài là hoàn hảo. Ngài không bao giờ cần phải thay đổi ý định của mình vì một số hoàn cảnh bất ngờ hoặc để vạch ra kế hoạch của mình theo một cách khác vì ai đó không hợp tác. Đức Chúa Trời không thay đổi (Mal. 3:6); với Ngài, “không có sự thay đổi hay bóng của sự biến đổi” (Gia. 1:17, NASH). “Đức Chúa Trời không phải là con người, để mà nói dối, và cũng không phải là con loài người, để có thể thay đổi ý định của mình. (Dân. 23:19). Tuy nhiên, có phải một số câu cho rằng Đức Chúa Trời thay đổi ý định của Ngài không? (Để thảo luận về câu hỏi này, hãy xem phần “Đức Chúa Trời bất biến” trong chương 7.)

SẮC LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ SỰ CỨU RỖI CÁ NHÂN

Một khía cạnh trong sắc lệnh của Đức Chúa Trời được các tín đồ đặc biệt quan tâm là chương trình của Đức Chúa Trời liên quan đến sự cứu rỗi cá nhân của chúng ta như thế nào. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu một số thuật ngữ quan trọng trong kinh thánh— sự tiền định, sự lựa chọn và sự biết trước thiêng thượng. Sau khi xem xét Kinh Thánh nói gì về những vấn đề này, chúng ta sẽ đưa ra tuyên bố thần học về sắc lệnh của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi cá nhân.

Kinh Thánh dạy rõ ràng về khái niệm tiền định. Vì Ngài đã định trước sự chết của Đấng Christ (Công. 4:28), nên Đức Chúa Trời đã định trước về sự cứu rỗi cho những người tin (Rô. 8:29-30; Êph. 1:5). Nhưng tiền định vượt ra ngoài sự cứu rỗi của chúng ta. Ê-phê-sô 1:11 cho biết rằng Đức Chúa Trời đã định trước không chỉ sự cứu rỗi của chúng ta, mà còn cả cuộc đời của chúng ta! Để thực hiện sắc lệnh thiêng liêng của Ngài, Đức Chúa Trời đã định đoạt tất cả những gì sẽ xảy ra. Từ tiền định dịch từ nguyên ngữ tiếng Hy Lạp là proorizo, “vạch ra ranh giới từ trước.”

 Tiền định liên quan đến sự lựa chọn của Đức Chúa Trời (Êph. 1:4), được thực hiện trong tình yêu thương (1:4), là theo niềm vui tốt lành của Ngài (1:5), và cuối cùng là tôn vinh Đức Chúa Trời (1:14). Thật an ủi biết bao khi biết rằng trong tình yêu lớn lao của Ngài dành cho chúng ta, Đức Chúa Trời đã “vạch rõ ranh giới” của cuộc đời chúng ta theo nhiều cách để cuối cùng là làm vinh hiển Ngài!Một từ quan trọng khác mà Kinh Thánh sử dụng để đề cập đến sắc lệnh của Đức Chúa Trời với sự cứu rỗi cá nhân là lựa chọn, từ eklektos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “được gọi ra, được chọn ra hoặc được chọn từ”. Từ này được dùng cho Đấng Christ, Đấng được Đức Chúa Trời lựa chọn (Lu. 23:35; 1 Phi. 2:4), cho các thiên sứ (1 Ti. 5:21), cho các tín đồ Do Thái trong Đại nạn (Mat. 24:22, 24), và cho những người được chọn trong hội thánh (Rô. 8:33; 1 Phi. 1:1; 2:9). Động từ dạng eklegomai (“chọn lựa hoặc lựa chọn”) được dùng để chỉ các sứ đồ mà Đấng Christ đã chọn (Giăng 13:18; Công. 1:2) và những người tin đã được Chúa chọn (1 Cô. 1:27-28). Danh từ ekloge biểu thị một “sự chọn lọc”, “sự lựa chọn” hay “sự chọn lựa” và được Phao-lô sử dụng như một “công cụ được chọn” (Công. 9:15) và đặc biệt là sự lựa chọn thiêng liêng của các tín đồ (Rô. 11:5, 7; 1 Tê. 1:4; 2 Phi. 1:10). Mỗi từ quan trọng này chuyển tải khái niệm về sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Trong mối quan hệ với hội thánh, lựa chọn là hành động của Đức Chúa Trời chọn những người sẽ tin và được cứu để làm chi thể trong thân thể của Đấng Christ.Tín lý về sự lựa chọn là một trong những tín lý khó chấp nhận nhất đối với các tín đồ bởi vì có vẻ như không công bằng khi Đức Chúa Trời chỉ chọn một số người này mà không chọn những người khác. Phao-lô giải thích rằng với tư cách là một người thợ gốm, Đức Chúa Trời có quyền “tạo ra từ cùng một cục đất sét một số đồ gốm cho mục đích cao cả và một số đồ dùng thông thường” (Rô. 9:21). Tôi không bao giờ nghĩ đến việc lựa chọn mà không nhắc nhở bản thân rằng tín lý này phải được hiểu theo thực tế là Đức Chúa Trời yêu thương, tể trị và công bình. Mặc dù tín lý về sự lựa chọn trong kinh Thánh khó hiểu và khó đánh giá đúng, nhưng thật an ủi khi biết rằng nó sẽ không mâu thuẫn với bất kỳ sự thật nào về Đức Chúa Trời.Một từ khóa khác phải được hiểu đúng khi luận về sắc lệnh của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi cá nhân là biết trước, bản dịch nguyên ngữ là prognosis, bắt nguồn từ pro (“trước”) và gnosis (“hiểu biết”). Từ này chỉ được dùng cho Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Sự biết trước thiên thượng là một khía cạnh của sự toàn tri của Đức Chúa Trời. Đấng Christ đã bị hành hình, như đã được ghi nhận, theo “sự biết trước…. của Đức Chúa Trời” (Công. 2:23). Những người tin Chúa “được chọn theo sự biết trước của Đức Chúa Trời là Cha” (1 Phi. 1:2). Hình thức động từ proginosko (“biết trước”) được sử dụng trong Rô-ma 8:29 để chỉ những người tin vào Đấng Christ và trong Rô. 11:2 liên quan đến Y-sơ-ra-ên.

Theo cách giải thích phổ biến về sự biết trước thiên thượng, Đức Chúa Trời “biết trước” đáp ứng của chúng ta đối với phúc âm và do đó đã chọn những người tin dựa trên sự biết trước đó. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ lưỡng về proginosko không ủng hộ quan điểm này. Ginosko không chỉ đơn giản là một kiến thức về một số sự việc nhất định. Nó được dùng trong Kinh Thánh để chỉ sự hiểu biết sâu sắc, cá nhân, với hình thức hiểu biết của một người đàn ông về vợ mình. Khái niệm kinh thánh về sự biết trước thiên thượng liên quan đến sự cứu rỗi của từng cá nhân có khuynh hướng “tiền định”. Đức Chúa Trời đã chọn trước trong tình yêu thương và mối quan hệ với những người mà Ngài sẽ ân cần gọi đến với chính Ngài bởi đức tin cá nhân. Việc gợi ý rằng “sự biết trước” chỉ đơn thuần là Đức Chúa Trời biết trước về hành động của con người bị khước từ bởi sự lựa chọn của Ngài đối với Y-sơ-ra-ên. Nếu Đức Chúa Trời biết trước dân Y-sơ-ra-ên có sự đáp ứng thiện chí vì sự hiểu biết siêu việt của Ngài, thì Ngài đã sai! Nhưng Y-sơ-ra-ên đã nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời và khước từ Đấng Mê-si của họ. Đức Chúa Trời “biết trước” về dân Y-sơ-ra-ên (Rô. 11:2) theo ý định là Ngài chọn họ làm dân sự của Ngài trong sự tể trị bất chấp sự vô tín mà Ngài biết đó là tính cách của quốc gia đó (10:21).

Trong cuộc bàn luận kinh điển về sự lựa chọn dân Y-sơ-ra-ên, Phao-lô viết rằng Đức Chúa Trời “thương xót người mà Ngài muốn thương xót” (9:18). Câu hỏi quan trọng trong cuộc thảo luận này là, “Lòng thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho trên cơ sở nào?” Có thể có ba câu trả lời. Thứ nhất, Đức Chúa Trời ban lòng thương xót dựa trên sự biết trước của Ngài về quyết định của những người sẽ chọn tin vào Đấng Christ. Thứ hai. Đức Chúa Trời ban lòng thương xót dựa trên công đức và việc lành. Thứ ba, Đức Chúa Trời ban lòng thương xót theo sự lựa chọn tối thượng của Ngài vì những lý do mà chỉ Ngài mới biết.

Quan điểm thứ nhất, cho rằng Đức Chúa Trời ban cho lòng thương xót dựa trên sự biết trước, cho con người quyền quyết định cuối cùng về số phận của chính họ. Theo quan điểm này, Đức Chúa Trời đáp lại sự quyết định tin cậy của một người. Nhưng điều này làm suy giảm quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời và sự hiểu biết đúng đắn về sự biết trước thiêng thượng hay gọi là “tiền định.” sẽ bị loại bỏ. Khi Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời “biết trước chúng ta” (Rô. 8:29). Thì có nghĩa là Ngài thực sự “tiền định” chúng ta một cách thân mật và riêng tư.

Quan điểm thứ hai, cho rằng Đức Chúa Trời ban lòng thương xót dựa trên những việc lành, nhấn mạnh đến khả năng của con người có thể đạt được sự cứu rỗi. Quan điểm này rõ ràng đã bị Kinh Thánh bác bỏ. Trong Rô-ma 3:12, Phao-lô ám chỉ sách Thi Thiên để chứng minh rằng con người hoàn toàn không thể đạt được công đức đối với Đức Chúa Trời. “Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế; chẳng có ai làm điều lành, Dầu một người cũng không.” (Thi. 14:3; xem thêm 53:3). Sứ đồ nhấn mạnh trong Ga-la-ti rằng người ta không được xưng công bình bởi việc làm của luật pháp (Ga. 2:16), và ông viết cho người Ê-phê-sô rằng sự cứu rỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời—không phải bởi việc làm, để không ai có thể khoe khoang. (Êph. 2:8-9).

Chúng ta còn lại với quan điểm thứ ba, Đức Chúa Trời ban lòng thương xót trên cơ sở lựa chọn tối thượng của Ngài vì những lý do chỉ Ngài mới biết. Theo quan điểm này, chỉ bằng sự can thiệp tối thượng và sự lựa chọn nhân từ của Đức Chúa Trời, các cá nhân mới có thể trở thành “đối tượng của lòng thương xót Ngài, người mà Ngài đã chuẩn bị trước vì sự vinh hiển” (Rô. 9:23). Quan điểm này có sự ủng hộ mạnh mẽ nhất trong Kinh Thánh và phản ánh sự hiểu biết đúng đắn về các học thuyết về tiền định, sự biết trước và sự lựa chọn.

Một câu hỏi nữa phải được trả lời khi chúng ta xem xét sắc lệnh của Đức Chúa Trời vì nó liên quan đến sự cứu rỗi cá nhân.

“Tiền định kép” có phải là một khái niệm trong Kinh Thánh? Những người theo học thuyết lựa chọn nói chung đồng ý rằng khi thực hiện quyền tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời đã chọn một số cá nhân nhất định để tin và được cứu. Câu hỏi đặt ra là liệu khi chọn một số người để tin, Đức Chúa Trời cũng đã chọn những người khác không tin và bị kết án. Quan niệm về việc Đức Chúa Trời chọn một số người để không tin và bị kết án có vẻ không công bằng và trái với lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Câu hỏi cuối cùng đối với những người nghiên cứu Kinh Thánh là liệu học thuyết này có trong Kinh Thánh hay không.

Một số đoạn Kinh thánh dường như ủng hộ học thuyết này, bao gồm Xuất Ai Cập Ký 4:21; Châm Ngôn 16:4; Ê-sai 6: 9-10; Rô-ma 9:22; 1 Phi-e-rơ 2:8; và Giu-đe 4. Nhưng chúng ta phải cẩn thận ở đây. Kinh Thánh dạy rõ ràng rằng cuối cùng Đức Chúa Trời đứng sau mọi hành động (Êph. 1:11). Nhưng mặc dù Đức Chúa Trời đứng sau số phận của cả những người được chọn và những người không được chọn, thì Ngài có thể không làm theo cách giống hệt như vậy, điều này có lẽ rất quan trọng khi Phao-lô sử dụng phân từ katertiomena (“được chuẩn bị”) để nói đến người không được chọn trong Rô-ma 9:22, ông không chỉ rõ Đức Chúa Trời là chủ thể như khi viết về số phận của người được lựa chọn trong 9:23. Sự khác biệt là nhỏ, nhưng quan trọng. Trong khi Đức Chúa Trời có quyền tối cao đối với số phận của cả những người được chọn và không được chọn, Ngài không đứng sau số phận của những người không được chọn giống như cách mà Ngài đứng sau số phận của những người được chọn. Vấn đề đối với tiền định kép là nó đưa ra ý tưởng rằng cả hai tiền định này có tính chất ngang nhau, nhưng điều này không xuất hiện trong trường hợp này. Sự khác biệt quan trọng này được hỗ trợ trong Rô-ma 6:23, nơi hình phạt được coi là “tiền công” kiếm được, trong khi sự sống đời đời là “món quà miễn phí”. Ngoài ra, chúng ta cần nhớ rằng mọi người đều đáng bị địa ngục vì tội lỗi của mình, nhưng Đức Chúa Trời đã quyết định cứu một số người bởi ân điển của Ngài và để những người khác đi theo con đường của họ. Ngài đã không định trước hoặc quyết định cho một số người trung lập về thuộc linh xuống địa ngục thay vào đó Ngài để họ đi theo con đường tội lỗi của chính họ, vì Đức Chúa Trời là công bình, nên hậu quả đã dẫn đến việc họ bị kết án đời đời. Để biết thêm về vấn đề này, hãy xem chương 20, “Câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa về Đức Chúa Trời.”

Nguồn: Understanding Christian Theology DTS (Dallas Theological Seminary)

Translated by Hon Pham

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên