Trang Chủ DƯỠNG LINH Các Bài Dưỡng Linh Của Randy

Các Bài Dưỡng Linh Của Randy

829
0
SHARE

NGÀY 145

TẬP CHÚ ĐẾN MỤC TIÊU

 

Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ.

 

Công vụ 5:42

 

Họ nhanh chóng đưa nó lên facebook sau khi kết quả thử thai là dương tính! Liz và Sam đã cố gắng có em bé để có được cảm giác tốt đẹp cho hôn nhân của họ. Trải qua khoảng thời gian chờ đợi và thử thách cho đến khi Liz biết mình có thai. Đôi vợ chồng này vẫn nuôi hy vọng, và bây giờ một em bé sắp chào đời. Họ muốn cả thế giới biết điều này và chia sẻ sự vui mừng với họ! Tin vui của cặp đôi này đã được tweet, gởi đi trên các tin nhắn, gọi điện thoại, thông báo trên instagram, facebook cho bạn bè và người thân.

 

Chúng ta có hào hứng – hoặc ít hơn là có một chút hào hứng – về việc chia sẻ tin tức mang lại niềm vui hiện tại và vĩnh viễn?  Phải chăng chúng ta đã để nhiều thứ khiến chúng ta phân tâm không thể chia sẻ với người khác về tin tức tốt lành của Chúa Giê-su: Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta, và đã phục sinh đánh bại tội lỗi và sự chết. Nhờ đó chúng ta có thể phục hòa với Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúng ta có thể sống trong niềm hy vọng nhận lãnh sự sống vĩnh cửu. Và mọi người sẽ nói về chúng ta, “ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, họ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ.”

 

Chúa Giê-su đã làm cho tôi trở nên dạn dĩ và tràn đầy năng lực để công bố cho người khác về một Cứu Chúa đã sống lại, Ngài là Chúa của tôi.

 

“TÔI TẬP CHÚ VÀO ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ NHỮNG ƯU TIÊN CỦA NGÀI CHO ĐỜI SỐNG TÔI.”

 

NGÀY 146

 

ĐẦU PHỤC HOÀN TOÀN

Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất.  Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời ghen tuông.

You shall not make for yourself an image in the form of anything in heaven above or on the earth beneath or in the waters below.  You shall not bow down to them or worship them; for I, the Lord your God, am a jealous God.

Xuất. 20:4-5

 

Trong những năm đầu tiên sau khi kết hôn, chúng tôi nhìn thấy hai cặp đôi khác trong nhà thờ bị tan vỡ hôn nhân. Chúng tôi cho rằng những cặp đôi này không bao giờ có ý không chung thủy, nhưng họ đã không đề phòng cẩn thận để ngăn chặn điều đó. Randy đề nghị chúng tôi xây dựng bộ qui tắc hướng dẫn để bảo vệ mối quan hệ của chúng tôi và tránh đưa chính mình vào trong các tình huống dễ bị tổn thương. Chúng tôi đã cam kết chia sẻ tất cả mật khẩu máy tính và điện thoại với nhau, và không bao giờ đi một mình ăn chung với một người khác phái. Randy cũng lắp đặt thêm một cửa sổ nhỏ thêm vào của chính trong văn phòng làm việc của anh ấy tại nhà thờ để người bên ngoài có thể quan sát bên trong có những ai.

Hôn nhân được hiểu là một mối quan hệ duy nhất, độc quyền. Đức Chúa Trời cũng muốn thiết lập mối quan hệ này với tuyển dân của Ngài. Ngài tự giới thiệu Ngài là “Đức Chúa Trời ghen tuông.” Từ điển Webster định nghĩa từ ghen tuông là: “không khoan dung với sự kình địch hoặc không chung thủy và cảnh giác trong việc bảo vệ những gì mình quản lý.”  Sự miêu tả này tạo ra một ngôn ngữ tình yêu tương tự như giao ước hôn nhân. Đức Chúa Trời hoàn toàn cam kết với chúng ta và đòi hỏi sự cam kết 100%  từ phía chúng ta trong mối quan hệ với Ngài. Ngài sẽ không chia sẻ sự phục tùng của chúng ta với ai khác.

 

Điều gì đe dọa sự độc quyền trong mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời? Hãy thực hiện các bước để loại bỏ nó.

 

“TÔI DÂNG HIẾN ĐỜI SỐNG TÔI CHO MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 147

CỘNG ĐỒNG HỘI THÁNH

Chúa Giê-su đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình.  Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho.

Giăng 13:4-5

Đó là vòng chung kết của cuộc thi đấu chạy bộ. Kara Oberer, sinh viên năm thứ hai của Đại học Eckerd, chiến thắng cuộc đua chạy bộ tranh cúp vàng để chuẩn bị nhận giải thưởng. Nhưng khi cố gắng đi vòng qua khán đài, cô ấy đã bị rạn nứt đầu gối. Ngay lập tức các vận động viên điền kinh của Đại học Florida Southern là Chelsea Oglevic và Leah Pemberton dìu Kara – đối thủ cạnh tranh đang gặp khó khăn

 

bước đi trên tay của họ, đi đến khán đài để nhận giải thưởng.

 

Vào ngày Lễ Vượt Qua, người thầy mong muốn được chia sẻ bữa ăn đặc biệt với những người thân cận nhất của mình. Hãy hình dung các môn đồ đã ngạc nhiên như thế nào khi Chúa Giê-su đứng dậy rời khỏi bàn và bắt đầu rửa chân cho họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu các người lãnh đạo hội thánh hay mục sư quản nhiệm rửa chân cho bạn?

Điều bất ngờ tạo nên một bài học đầy sức mạnh. Chelsea và Leah đã giúp đỡ một đối thủ cạnh tranh. Chúa Giê-su đã rửa chân cho các bạn hữu của Ngài – là những người sẽ rời bỏ Ngài, từ chối và thậm chí là phản bội chính Ngài. Chúa Giê-su đến trần gian để phục vụ người khác. Và cũng giống như Ngài, những ai tự nhận là môn đồ Ngài ngày hôm nay sống trong cộng đồng hội thánh phải tìm kiếm cách để phục vụ người khác, chứ không phải để được phục vụ.

Nơi nào bạn đang phục vụ?  Bạn cho rằng Chúa muốn bạn phục vụ ở đâu? Nói một cách hình bóng, Chúa Giê-su muốn bạn rửa chân cho ai?

 

“TÔI THÔNG CÔNG VỚI CÁC CƠ ĐỐC NHÂN ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA CHÚA TRÊN ĐỜI SỐNG TÔI, TRÊN ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI KHÁC VÀ TRÊN THẾ GIỚI.”

 

NGÀY 148

CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH

Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.

Ê-phê-sô 4:16

John Wooden, huấn luyện viên bóng rổ huyền thoại của UCLA (University of California, Los Angeles) người đã dẫn dắt trường đại học này đến bảy chức vô địch liên tiếp, với ba mùa giải bất bại và tám mươi trận thắng trong suốt một chặng đường dài đã nói, “Nhiều chiến công chỉ  gặt hái được bằng tinh thần đồng đội, khi mà không thành viên nào quan tâm đến việc ai sẽ nhận được sự tưởng thưởng.”

Các thành tích này có được từ các sinh viên đại học – những người tập chú đến sự tài hướng dẫn khôn ngoan của huấn luyện viên và chơi gắn kết chặt chẽ trong một đội bóng.

Hội thánh cũng có thể học bài học của huấn luyện viên Wooden. Cũng giống như Wooden có trung phong, hậu vệ và tiền đạo, thì hội thánh có mục sư, giáo sư, thầy giảng Tin Lành. Cũng giống như Wooden đã làm việc dựa trên các nguyên tắc cơ bản của bóng rổ như chuyền, bắn và lừa bóng, thì thân thể Christ cũng tập trung vào sự cầu nguyện, rao giảng Lời và các mục vụ. Và khi mọi người cùng phối hợp với nhau cách nhịp nhàng, UCLA giành được chiến thắng. Cũng vậy, hội thánh sẽ chiếu ra ánh sáng của Chúa với tình yêu và hy vọng trong chiến thắng khải hoàn.

 

Dù bạn có bất kỳ ân tứ nào, hãy nhớ rằng Chúa đã ban cho bạn ân tứ đó để phục vụ chung trong cộng đồng hội thánh. Mỗi một chi thể trong thân thể Christ phải hoạt động. Chúa Giê-su cho phép thực hành cả việc mài giũa và sử dụng những ân tứ đó trong tình yêu thương, đem lại niềm vui cho thân thể Ngài, và hội thánh trở thành chứng nhân cho thế giới dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời.

 

“TÔI BIẾT CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH CỦA TÔI, VÀ SỬ DỤNG CHÚNG TRONG CỘNG ĐỒNG HỘI THÁNH ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 149

DÂNG HIẾN THÌ GIỜ CỦA TÔI

Hãy cẩn thận theo cách anh em sống, chớ như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan.  Hãy tận dụng mọi cơ hội…

Be very careful, then, how you live—not as unwise but as wise, making the most of every opportunity…

Ê-phê-sô 5:15-16

Chronos và kairos là hai từ trong Kinh thánh được dịch là “thời gian.” Chronos là thời gian được tính bằng phút và giờ. Thời gian trôi đi, và chúng ta phải đi theo nó. Kairos thì mang ý nghĩa khác: thời gian là một món quà hay cơ hội. Sống theo chronos, chúng ta sẽ hỏi, “bây giờ là mấy giờ?”. Còn sống theo kairos, câu hỏi của chúng ta sẽ khác đi: “Lúc này phải làm gì?” Từ được dịch là “cơ hội” trong Ê-phê-sô 5 đến từ chữ “kairos.”

Thời gian là một huyền nhiệm, phải không? Chúng ta đi qua ngày và đêm một cách chậm rãi, nhưng khi nhìn lại chúng ta thấy thời gian trôi nhanh như tên bắn, và rồi tự hỏi, “tất cả thời gian đã đi đâu?” Thời gian như con nước lững lờ vô tình đi qua không chờ đợi ai. Nhưng thời gian là một món quà quý giá từ Đấng tạo hóa. Mỗi ngày là một món quà mà chúng ta sẽ mở ra, trong đó đầy ắp những cơ hội để làm việc, vui chơi, học tập, phục vụ Cha thiên thượng và…

Thời gian thực sự là một kho báu và ngày của chúng ta trên đất này đã được thiết định theo chương trình của Đấng tạo dựng chúng ta. Vì vậy đừng lo lắng chúng ta còn lại bao nhiêu thời gian, và băn khoăn không biết khi nào sẽ là ngày cuối cùng của mình trên đất, nhưng hãy hỏi Đấng ban cho thời gian, “lúc này là thời gian dành cho điều gì?”

 

“TÔI DÂNG HIẾN THỜI GIAN CỦA TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 150

DÂNG HIẾN CÁC NGUỒN LỰC CỦA TÔI

Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.

Ma-thi-ơ 6:21

Jane và Michael Banks đã rất bối rối khi những người đàn ông có vẻ bề ngoài lịch lãm rất muốn tiền của Jane và Michael để đầu tư vào ngân hàng của họ. Jane và Michael vẫn chưa sẵn sàng để làm theo sự đề nghị này. Thay vào đó, họ muốn đầu tư tiền bạc của mình trong một lĩnh vực khác.

 

Bạn đã sẵn sàng đến mức nào để buông bỏ những báu vật mà bạn đang nắm giữ? Nếu bạn lưỡng lự, hãy nhớ lời Chúa Giê-su, “Các ngươi đang phục vụ Đức Chúa Trời hay Ma-môn? Các ngươi không thể đồng thời phục vụ cả hai.”

 

Của cải trên đất có thể làm cho con người vui hưởng trong một khoảng thời gian tạm thời. Sâu bọ có thể phá hủy chúng hay kẻ trộm đột nhập vào nhà lấy đi. Các ngân hàng có thể tăng  giảm lãi suất, và đôi khi bị phá sản vì những lý do bất ngờ. Khoản tiết kiệm hưu trí có thể không kéo dài như bạn mong đợi hoặc cần đến.

 

Chúng ta cần sẵn sàng cho đi những đồng tiền trên đất của mình,  đầu tư chúng vào các mục đích và hoạt động vĩnh cửu của Đức Chúa Trời. Kho báu của chúng ta – cũng như nỗ lực của chúng ta để tích lũy hoặc bảo vệ chúng – hãy kiểm soát tấm lòng của chúng ta.

Hãy cầu xin Đức Chúa Trời  giúp bạn nhìn thấy tấm lòng của bạn đang theo đuổi điều gì – theo đuổi những điều tạm thời hay những điều còn lại đời đời – và sau đó, nếu cần, hãy yêu cầu Ngài biến đổi nó.

 

“TÔI DÂNG HIẾN CÁC NGUỒN LỰC CỦA TÔI ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 151

CHIA SẺ ĐỨC TIN CỦA TÔI

Na-a-man với hết thảy người đi theo, bèn trở lại cùng người của Đức Chúa Trời; người đến đứng trước mặt Ê-li-sê, mà nói rằng: Bây giờ, tôi nhìn biết rằng trên khắp thế gian chẳng có chúa nào khác hơn Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên.

2 Các vua 5:15

 

Trước đây Lee Strobel là một người vô thần nghĩ rằng đã đến lúc phải thoát khỏi cuộc hôn nhân với vợ của mình. Vợ ông là một người mới qui đạo Chúa. Ông nói, “Tôi cảm thấy mình trở thành  một nạn nhân từ sự cải đạo của vợ tôi.. Tôi đã kết hôn với Leslie vui tính, thích mạo hiểm – và giờ đây cô ấy đang được biến đổi thành một người khác ….. Đây không phải là những gì tôi đã nhìn thấy ở cô ấy từ ban đầu khi đăng ký kết hôn.”

Sau này khi đến với Chúa Giê-su, Lee nói: Leslie đã học cách sống đức tin của mình theo cách bắt đầu thu hút tôi hơn là xua đuổi tôi. Leslie học cách để tăng trưởng và sinh bông trái trong nếp sống đạo hàng ngày nhờ vào mối liên hệ với Đấng Christ, bất chấp sự ngăn cản của tôi. Leslie đã phản chiếu ra đời sống tận hiến của mình với Chúa Cứu thế, và rồi Lee đã nhìn thấy bằng chứng rõ ràng  từ vợ của mình và anh đi đến kết luận: Theo Chúa Giê-su là cách tốt nhất để có một đời sống ý nghĩa và anh đã  trở thành một Cơ đốc nhân.

Bạn có thể kể tên một số người đã kích thích bạn quan tâm đến Cơ đốc giáo. Cảm tạ Chúa về những người đó. Và bây giờ nghĩ về cách bạn có thể trở thành một người như vậy trong cuộc sống của người khác.

Câu Kinh Thánh trên đây nói đến lời công bố mạnh mẽ của Na-a-man về Đức Chúa Trời, sau khi ông nghe theo lời của một tớ gái nhỏ. Lee đã đến với Chúa vì nếp sống đạo của Leslie đã thuyết phục anh. Một người nào đó có thể nhận thấy cách bạn sống và tìm kiếm Đức Chúa Trời, Đấng đang bày tỏ chính Ngài qua bạn.

 

“TÔI CHIA SẺ ĐỨC TIN CỦA TÔI VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 152

THỜ  PHƯỢNG.

Người đề lao bèn kêu lấy đèn, chạy lại, run sợ lắm, gieo mình nơi chân Phao-lô và Si-la.  Đoạn, đưa hai người ra ngoài, mà hỏi rằng: Các chúa ơi, tôi phải làm chi cho được cứu rỗi?  Hai người trả lời rằng: Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Công vụ 16:29-31

 

Thật là một câu hỏi ngẫu nhiên của người đề lao hỏi hai người tù. Tuy nhiên những người bị giam này không chỉ là hai tù nhân.

Phao-lô và Si-la đã bị các chủ của đứa đầy tớ gái mắc quỉ ám bắt, họ bị đưa “đến các thượng quan, mà thưa rằng: Những người nầy làm rối loạn thành ta; ấy là người Giu-đa,  dạy dỗ các thói tục mà chúng ta chẳng nên nhận lấy, hoặc vâng theo, vì chúng ta là người Rô-ma.  Đoàn dân cũng nổi lên nghịch cùng hai người, và khi các thượng quan khiến xé áo hai người ra rồi, bèn truyền đánh đòn.  Sau khi người ta đánh nhiều đòn rồi, thì bỏ vào ngục, dặn người đề lao phải canh giờ cho nghiêm nhặt” (Công. 16:20-23).

Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm khác đều nghe (câu 25). Hành động lạ lùng này của hai sứ đồ đã làm cho một trận động đất xảy ra, các xiềng xích của tù nhân bị phá hủy, nhưng họ không vì thế mà chạy trốn khỏi ngục. Và cuối cùng người đề lao chạy đến với Phao-lô và Si-la trong tình trạng sợ hãi, và thưa rằng: Các chúa ôi, tôi phải làm gì cho được cứu rỗi?

Khi chúng ta thờ phượng, hát ngợi khen Chúa như Phao-lô và Si-la ở giữa những  đau đớn, mất mát, sợ hãi, không chắc chắn, bệnh tật, hoặc cái chết – mọi người nhận thấy. Khi chúng ta chúc tụng Chúa vì Ngài ban cho những gì lòng chúng ta ao ước hoặc thậm chí lấy đi một vài điều quí giá từ chúng ta – người khác ghi nhận điều này.

 

 

Đức Chúa Trời có thể khiến lời khen ngợi của chúng ta lay động trong lòng của những người khác, và chúng ta có thể tìm thấy tiếng nói của họ hòa cùng với sự thờ phượng chân thành của chúng ta đối với một Đức Chúa Trời chân thật.

“TÔI THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ NGÀI LÀ AI VÀ NHỮNG GÌ NGÀI ĐÃ LÀM CHO TÔI.”

 

NGÀY 153

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!

Lu-ca 22:42

Sự cầu nguyện dường như không có ích lợi gì cho bạn? Có lẽ bạn thấy những lời cầu nguyện của người khác được Chúa trả lời hết lần này đến lần khác trong khi lời cầu nguyện của bạn vẫn chưa được Chúa trả lời. Có thể bạn thấy mình đang nghĩ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt mọi thứ để hoàn thành kế hoạch của Ngài, vậy tôi cầu nguyện có ích lợi gì? Nó sẽ không thay đổi ý định của Ngài.

 

Chúa Giê-su đã cảm nhận nỗi đau đớn. Lời cầu nguyện của Ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê không thay đổi được ý định của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã biết chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Ngài trước khi Ngài cầu nguyện, nhưng điều này không cản trở Ngài giãi bày nỗi lòng của mình cho đến khi mồ hôi Ngài đổ ra như những giọt máu. Qua việc hạ mình trong lời cầu nguyện, Chúa Giê-su đầu phục với ý muốn của Cha. Đến lượt mình, tôi tin rằng Cha đã truyền cho Chúa Giê-su sự can đảm và sức mạnh cần thiết để Ngài chấp nhận cái chết kinh hoàng trên thập giá.

 

Hãy tiếp tục nhiệt thành cầu nguyện và xin Chúa nhậm lời cầu nguyện của bạn. Ngay cả khi Ngài không trả lời sự cầu nguyện của bạn theo cách bạn mong đợi, Ngài sẽ ban cho bạn sự can đảm và sức mạnh để đối mặt với bất cứ thách thức nào ở phía trước.

“TÔI CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỂ NHẬN BIẾT NGÀI, ĐỂ TÌM THẤY SỰ HƯỚNG DẪN CHO ĐỜI SỐNG, VÀ TÔI ĐẶT CÁC NHU CẦU CỦA TÔI TRƯỚC MẶT NGÀI.”

NGÀY 154

 

NGHIÊN CỨU KINH THÁNH

Sự bày giãi lời Chúa, soi sáng cho,
Ban sự thông hiểu cho người thật thà.

Thi thiên 119:130

Một người bạn của tôi chia sẻ sự thất vọng của cô ấy vào tuần trước. Cô ấy thức dậy lúc 5 giờ trước khi các con của cô khuấy động chút thời gian yên tĩnh vào buổi sáng để học KinhThánh. Ngay lúc cô ngồi vào  bàn và mở KinhThánh ra, những đứa con của cô trỗi dậy sau giấc ngủ và xuất hiện bên cạnh cô. Cô nói, “Chúng giống như những con bướm đêm nhỏ. Ngay khi tôi bật đèn lên, chúng đã ngồi dậy vây quanh tôi, như thể chúng bị cuốn hút vào bóng đèn.”

Cả ngày, hình ảnh của những con bướm đêm bị ánh sáng cuốn hút vào ở lại trong đầu tôi. Những sinh vật nhỏ bé này, bị dụ ra khỏi bóng tối, bay liên tục theo vòng tròn cho đến khi chúng không thể không đáp xuống nguồn ánh sáng. Lời Đức Chúa Trời là một ngọn đèn, kéo chúng ta ra khỏi bóng tối đến với nguồn chiếu sáng, đến với sự hướng dẫn cung cấp sự sống mà chúng ta rất cần để đi đúng hướng. Bạn càng bị cuốn hút bởi Lời của Ngài và học những gì Lời ấy nói, thì con đường của bạn càng trở nên tươi sáng hơn.

Đối mặt với một quyết định khó khăn? Cố gắng hàn gắn một mối quan hệ tan vỡ? Cần sự khích lệ? Muốn trở nên giống với Đấng Christ càng hơn? Chúng ta cần được cuốn hút vào Lời Đức Chúa Trời như một con thiêu thân trước ánh sáng!

 

“TÔI NGHIÊN CỨU KINH THÁNH ĐỂ HỌC BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI, LẼ THẬT CỦA NGÀI, VÀ TÌM THẤY SỰHƯỚNG DẪN CHO ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY  CỦA TÔI.”

 

NGÀY 155

TẬP CHÚ VÀO CHÚA

Chúng tôi không biết phải làm gì, nhưng mắt chúng tôi ngửa trông Chúa

2 Sử ký 20:12

Hãy tưởng tượng tổng thống Hoa Kỳ phát biểu trước quốc gia về mối đe dọa sắp xảy ra khi kẻ thù đang lên kế hoạch tấn công cướp lấy đất đai của chúng ta để báo thù. Sau đó, hãy hình dung ông nói với chúng ta rằng sau nhiều cuộc họp, quân đội vẫn không có kế hoạch nào để bảo vệ quốc gia, vì vậy những gì chúng ta cần làm bây giờ là ngửa trông vào chính Đức Chúa Trời.

Bị choáng ngợp bởi đội quân thù địch khổng lồ đang đe dọa Judah, đây chính xác là điều vị Vua trẻ tuổi Giô-sa-phát đã làm.  Ông cầu nguyện: “Hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi ôi, chớ thì Ngài sẽ không xét đoán chúng nó sao? Vì nơi chúng tôi chẳng còn sức lực gì đối địch cùng đám quân đông đảo nầy đương đến hãm đánh chúng tôi, và chúng tôi cũng không biết điều gì mình phải làm; nhưng con mắt chúng tôi ngửa trông Chúa!” Giô-sa-phát nhắc nhở mọi người rằng họ tôn thờ một Đức Chúa Trời quyền năng và vĩ đại, và chính Ngài sẽ bảo vệ tuyển dân. Ông nói rằng tuyển dân bất lực để đánh bại kẻ thù của mình, và sau đó ông dẫn họ đến việc chỉ tập trung/ngửa trông nơi Chúa bất chấp sự sợ hãi của họ.

Đức Chúa Trời đã phán với tuyển dân, “Hỡi các người Giu-đa và dân cư thành Giê-ru-sa-lem cùng vua Giô-sa-phát, hãy nghe! Đức Giê-hô-va phán cho các ngươi như vầy: Chớ sợ, chớ kinh hãi bởi cớ đám quân đông đảo này: Vì trận giặc nầy chẳng phải của các ngươi đâu, bèn là của Đức Chúa Trời.  Ngày mai, hãy đi xuống đón chúng nó: Kìa, chúng nó đi lên dốc Xít, các ngươi sẽ gặp chúng nó nơi đầu trũng, trước mặt đồng vắng Giê-ru-ên.  Trong trận nầy các ngươi sẽ chẳng cần gì tranh chiến; hãy dàn ra, đứng yên lặng mà xem thấy sự giải cứu của Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi. Hỡi Giu-đa và Giê-ru-sa-lem! Chớ sợ, chớ kinh hãi; ngày mai, hãy đi ra đón chúng nó, vì Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi” (câu 15-17).

Chúng ta có bị choáng ngợp trước các tình huống đang đối diện ngày nay? Hãy tập chú vào chính Đức Chúa Trời – Đấng ban sự giải cứu kỳ diệu và làm điều Ngài muốn.

 

“TÔI TẬP CHÚ VÀO ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ NHỮNG ƯU TIÊN CỦA NGÀI CHO ĐỜI SỐNG TÔI.”

 

NGÀY 156

ĐẦU PHỤC HOÀN TOÀN

Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi.  Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi, thì ngủ.

Công vụ 7:59-60

 

Những lời cuối cùng của một người trước khi chết có thể là cay độc, hài hước, khôn ngoan, bi thảm, mỉa mai, thông minh, khó hiểu, hoặc chỉ ra mối liên hệ giữa họ với Đức Chúa Trời.

Sự chết sẽ đến trong một thời điểm nào đó trong cuộc đời, dù chúng ta có muốn hay không. Và rồi sau đó chúng ta sẽ đối mặt với Đấng Phán Xét anh minh.

 

“Tôi muốn trượt tuyết.” Stan Laurel của nhóm hài Laurel và Hardy được yêu mến đã nói lời cuối cùng  khi y tá hỏi anh ta có phải là vận động viên trượt tuyết không, câu trả lời của anh ta là, “Không, nhưng tôi muốn trượt tuyết hơn là làm những gì tôi đang làm.”

 

Voltaire là một triết gia, nhà sử học và nhà văn đang nói chuyện với một thầy tế lễ thì ngọn đèn bên cạnh ông lóe sáng, ông nói lời cuối cùng, “lửa đã cháy xong!”

 

Steve Jobs, người sáng lập của Apple Computers chết vì ung thư vào năm 2011. Người ta nghe được những lời cuối cùng của ông: “Oh, wow. Oh wow.”

 

Sau một bài giảng hùng hồn kể lại lịch sử của dân sự Đức Chúa Trời từ Áp-ra-ham đến Đấng Mê-si được mong đợi từ lâu, Ê-tiên đã nói lời cuối cùng tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đấng mà ông đã phó thác mạng sống của mình vì Ngài cũng là Đấng mà ông đầu  phục hoàn toàn cho đến lúc chết.

Nguyện lời nói của chúng ta luôn tôn vinh Chúa khi chúng ta tiếp tục phó thác hoàn toàn cho Ngài.

 

“TÔI DÂNG HIẾN ĐỜI SỐNG TÔI CHO MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

 

NGÀY 157

 

CỘNG ĐỒNG HỘI THÁNH

 

Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy.

  1 Cô-rin-tô 12:27

 

Người cha nói với đứa con trai trong tuổi thiếu niên đang nổi loạn, “Rồi sẽ đến một ngày, con sẽ có một cuộc cách mạng Copernicus trong cuộc đời mình.”  Cậu con trai này đã bị đau thanh quản sau nhiều lần uống rượu hỏi lại với một giọng yếu ớt, “ý bố muốn nói gì?’ Người cha trả lời, “Copernicus là người đã khám phá vũ trụ không xoay chung quanh trái đất.”

 

Cậu con trai đã trải nghiệm cuộc cách mạng Copernicus trong trại huấn luyện quân đoàn thủy quân lục chiến sau đó. Trong ba tháng huấn luyện gian khổ, anh được dạy rằng điều quan trọng nhất là sứ mệnh bảo vệ tự do cho tổ quốc,  và để hoàn thành nhiệm vụ này các chiến sĩ phải làm việc chung trong cùng một đơn vị. Mỗi chiến sĩ tìm thấy danh tính và vị trí của mình là một phần của tập thể. Mỗi chiến sĩ phải hoàn thành trách nhiệm của mình, và toàn thể lữ đoàn cùng làm việc để đạt được những điều tốt đẹp nhất cho nhiệm vụ chung đã đề ra.

 

Là thành viên trong thân thể Đấng Christ, chúng ta có một sứ mạng quan trọng là đem tin tức tốt lành về sự tự do trong Christ đến với tất cả những người đang ở trong xích xiềng tội lỗi. Mỗi cá nhân phải hoàn thành mục vụ của mình để sứ mệnh mà Chúa ủy thác cho tập thể chúng ta là hội thánh địa phương được hoàn thành. Chúng ta không làm việc đơn độc. Chúng ta cần lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành đại mạng lệnh.

 

“TÔI THÔNG CÔNG VỚI CÁC CƠ ĐỐC NHÂN ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO ĐỜI SỐNG TÔI, ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC, VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NGÀI TRÊN TOÀN THẾ GIỚI.”

 

NGÀY 158

 

ÂN TỨ THUỘC LINH

Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn,  hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.  Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng.

1 Cô-rin-tô 12:24-26

 

Tôi đã bị thương dây chằng ở bàn chân một thời gian, và bây giờ đầu gối của tôi và các cơ ở ống chân và vùng bắp chân của tôi bị đau mỗi đêm khi tôi đi ngủ. Bác sĩ cho biết chấn thương ở bàn chân của tôi đang khiến các bộ phận khác của chân tôi phải bù đắp và sử dụng sức mạnh của chúng để hỗ trợ dây chằng bị tổn thương đó. Nếu chúng không làm như thế, chân của tôi sẽ không thể giữ cho tôi đứng lên được. Những bộ phận khác của cơ thể tôi phải chịu  đau khổ để nâng đỡ bàn chân bị tổn thương của tôi.

 

Đức Chúa Trời đã thiết kế thân thể của chúng ta cách kỳ diệu, đó là khi một chi thể nào bị tổn thương thì những chi thể khác phải hợp lại để hỗ trợ nó.

 

Thân thể của Đấng Christ cũng được thiết kế theo cách tương tự. Khi một an hem/chị em nào bị tổn thương thì những thành viên còn lại trong thân thể Christ cùng chịu đau khổ và sử dụng các ân tứ mình có để hỗ trợ người an hem/chị em đó. Khi cùng bước vào trong sự đau đớn với một chi thể khác, chúng ta đang thực hiện nếp sống thân thể theo thiết kế của Đức Chúa Trời.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

­­­­­­

 

 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên