Trang Chủ MỤC VỤ Ở Lại Và Phục Vụ

Ở Lại Và Phục Vụ

724
0
SHARE

 

 

Trong những ngày gần đây, các sự kiện trong sách Ê-xơ-tê đã trở thành hiện thực đối với chúng tôi ở Ukraine. Cứ như thể sắc lệnh được ký, và Ha-man có giấy phép để tiêu diệt cả một quốc gia. Giá treo cổ đã sẵn sàng. Ukraine chỉ đơn giản là chờ đợi.

Bạn có thể tưởng tượng được tâm trạng của một xã hội khi ngày qua ngày trong nhiều tháng phải đối diện với tin tức từ các phương tiện truyền thông thế giới nói rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi và sẽ có nhiều máu đổ ra không?

Trong những tuần gần đây, gần như tất cả các nhà truyền giáo đã được thông báo rời khỏi Ukraine. Các quốc gia phương Tây đã sơ tán các đại sứ quán và công dân của họ. Giao thông ở thủ đô Kyiv đang biến mất. Mọi người đã đi đâu? Các nhà tài phiệt, doanh nhân và những người có đủ khả năng sẽ ra đi, cứu gia đình họ khỏi nguy cơ chiến tranh bùng phát. Chúng ta có nên làm như vậy không?

Câu hỏi dành cho gia đình

Vợ tôi và tôi đã quyết định ở lại thành phố của chúng tôi gần Kyiv. Chúng tôi muốn phục vụ người dân ở đây cùng với Hội Thánh Irpin Bible – nơi tôi đã gia nhập vào năm 2016. Đề phòng thảm họa sắp tới, chúng tôi đã mua thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu để nếu cần, chúng tôi sẽ có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn hơn là tạo gánh nặng cho họ.

Gia đình chúng tôi có sáu người. Chúng tôi đang nuôi bốn cô con gái. Điều tôi lo lắng nhất là đứa con 16 tuổi của tôi phải di chuyển đến trường đại học mỗi ngày một tiếng rưỡi chỉ bằng một phương cách là phương tiện công cộng. Các phương tiện truyền thông cảnh báo rằng nếu Nga xâm lược, thông tin liên lạc di động sẽ bị mất và hệ thống giao thông công cộng có thể bị sập. Nhưng thật vui vì lớp học của con nay đã chuyển sang hình thức trực tuyến.

Vì biên giới với Belarus chỉ cách Kyiv 150 km (92 dặm), nên rất có thể một trong những lựa chọn của Nga khi tấn công là băng qua Belarus. Các phương tiện truyền thông địa phương khuyến cáo rằng chúng tôi nên đóng gói một vali khẩn cấp. Tôi nói với các con tôi, “Hãy đóng gói ba lô của các con. Hãy gói ghém đủ thứ cho ba ngày ”.

Trước đây, việc đóng gói đồ đạc như vậy có nghĩa là chúng tôi đang đi nghỉ dưỡng hoặc có một chuyến du lịch vui vẻ. Vì vậy, hai đứa con nhỏ 6 và 8 tuổi của chúng tôi đã hỏi rằng: “Bố ơi, mình đi đâu vậy?”. Lúc đầu, tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi đã nói với chúng rằng chúng tôi sẽ không đi đâu cả.

Phản ứng của Hội Thánh

Hội Thánh nên phản ứng thế nào khi có nguy cơ chiến tranh ngày càng gia tăng? Khi có nỗi sợ hãi thường trực trong xã hội? Tôi tin chắc rằng nếu Hội Thánh không phù hợp trong thời kỳ khủng hoảng, thì nó cũng không phù hợp trong thời bình. 

Như một quốc gia, chúng tôi đã trải qua điều này vào năm 2014. Trong những ngày đó, nhiều nhà thờ đã tích cực ủng hộ những người nổi dậy chống lại chế độ độc tài và tham nhũng của Viktor Yanukovych. Có một lều cầu nguyện ở Quảng trường Độc lập. Các Cơ Đốc nhân đã phân phát những bữa ăn ấm áp và trà nóng. Các nhà thờ đã mở cửa làm nơi trú ẩn cho những người biểu tình bị lực lượng an ninh đàn áp.

Trong khi đó, có những nhà thờ đã công khai ủng hộ chế độ của nhà độc tài và chỉ trích những người biểu tình. Còn các nhà thờ khác cố gắng phớt lờ “con voi trong phòng”. Họ giữ im lặng trước vấn đề hiện tại và sống như không có chuyện gì xảy ra.

Cuối cùng, những Hội Thánh với thái độ phớt lờ hay ủng hộ các nhà cầm quyền tham nhũng đã phải chịu tổn thất về uy tín của người dân Ukraine. Ngược lại, những nhà thờ đã đồng hành cùng mọi người trong thời gian thử thách lại nhận được sự tín nhiệm cao nhất từ ​​xã hội.

Cuộc đấu tranh của chúng ta cho dân tộc

Chúng tôi tin rằng Hội Thánh là nơi đấu tranh tâm linh. Khi căng thẳng gia tăng, Hội Thánh chúng tôi đã thông báo về một tuần kiêng ăn và cầu nguyện, chúng tôi nhóm lại mỗi đêm để trình dâng những lời kêu xin của chúng tôi lên Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Trong ba ngày liền, trong thành phố đều tắt đèn. Chúng tôi buộc phải gặp nhau trong bóng tối, điều này làm gia tăng không khí trang trọng cho buổi cầu nguyện về hòa bình.

Điều này đã làm gia tăng niềm tin và sức mạnh trong chúng tôi giúp chúng tôi thêm kiên cường. Thông qua những lời cầu nguyện, chúng tôi có được sự tin cậy và tâm hồn bình an trong Chúa. Chúng tôi tin rằng Chúa ở với chúng tôi, và đó mới là điều quan trọng nhất.

Trong thời điểm quan trọng này, Hội Thánh chúng tôi, nơi có khoảng 1.000 người tham dự vào ngày Chủ nhật bình thường đã trợ nên một nơi phục vụ. Gần đây chúng tôi đã tiến hành một số khóa đào tạo về cách thực hiện sơ cứu. Mọi người đang học cách đặt garô, cầm máu, băng bó và xử trí đường thở. Họ sẽ không trở thành bác sĩ, nhưng điều này đã giúp họ tự tin để chăm sóc cho những người xung quanh nếu cần thiết.

Trong ngày đầu, tôi thông báo về khóa đào tạo sơ cấp cứu, một người anh trai đã nói với tôi, “Bây giờ tôi biết lý do tại sao tôi cần phải ở lại Ukraine”. Anh đã lên kế hoạch rời đi. Anh biết anh không phải là một người lính. Anh ấy không thể cầm vũ khí và chiến đấu. Nhưng bây giờ anh ấy muốn ở lại, để giúp đỡ những người bị thương, và cứu sống. 

Nếu cần, khuôn viên nhà thờ có thể được biến thành nơi trú ẩn. Chúng tôi có một tầng hầm tốt. Chúng tôi đã sẵn sàng triển khai một trạm sưởi, cũng như cung cấp một địa điểm cho một bệnh viện quân đội. Để biến điều này thành hiện thực, chúng tôi đang tạo các nhóm phản hồi. Nếu thiết quân luật được ban bố, họ sẵn sàng cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và vật liệu chiến lược để băng bó vết thương. Chúng tôi thậm chí đã thu thập thông tin về những ai trong nhà thờ là bác sĩ, thợ máy, thợ sửa ống nước – thậm chí một số người còn có giếng trong trường hợp thiếu nước.

Ở lại và cầu nguyện

Chúng tôi đã quyết định ở lại, cả với tư cách một gia đình và một Hội Thánh. Khi điều này kết thúc, người dân ở Kyiv sẽ nhớ rằng các Cơ Đốc nhân đã phản ứng như thế nào trong thời điểm họ cần.

Và trong khi Hội Thánh có thể không chiến đấu như một quốc gia, chúng tôi vẫn tin rằng chúng tôi có một vai trò trong cuộc đấu tranh này. Chúng tôi sẽ che chở cho những người yếu đuối, phục vụ những người đang đau thương, thống khổ, và hàn gắn những đổ vỡ, tổn thương. Khi làm điều này nghĩa là chúng tôi đang mang đến niềm hy vọng không thể lay chuyển trong Đấng Christ và gieo ra Phúc Âm của Ngài đến một xã hội đầy biến động và bất an. Dù có thể cảm thấy bất lực khi đối mặt với cuộc khủng hoảng như vậy, nhưng chúng ta có thể cầu nguyện như Ê-xơ-tê. Ukraine không phải là dân theo giao ước của Chúa, nhưng giống như Y-sơ-ra-ên, hy vọng của chúng ta là Chúa sẽ xóa bỏ mối nguy hiểm như đã làm cho dân tộc cổ đại của mình. Và khi chúng tôi ở lại, chúng tôi cầu nguyện nhà thờ ở Ukraine sẽ trung thành tin cậy Chúa và phục vụ những người lân cận quanh mình.

 

Bài: Vasyl Ostryi; dịch: Rachel

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên