Trang Chủ MỤC VỤ Những Mục Đích Của Giáo Dục

Những Mục Đích Của Giáo Dục

660
0
SHARE

Cơ Đốc Giáo Dục là gì?

Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình dạy dỗ và học hỏi đặt nền tảng trên Kinh Thánh và trong sự dẫn dắt của Thánh Linh. Cơ Đốc Giáo Dục nhằm hướng dẫn những cá nhân thuộc mọi trình độ đến chỗ hiểu biết và kinh nghiệm mục đích và chương trình của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Jesus trong mọi khía cạnh của đời sống bằng những phương tiện giáo dục đương thời. Cơ Đốc Giáo Dục cũng nhằm trang bị con người để làm công tác mục vụ cách có hiệu quả, đặt trọng tâm vào Chúa Cứu Thế Jesus là vị Giáo sư gương mẫu, và lời giáo huấn của Ngài để giúp người khác thành những môn đồ trưởng thành.

Triết lý của Cơ Đốc Giáo Dục là gì?

Tại sao phải giáo dục? Nếu Kinh Thánh đã được viết mà không nhằm để giáo dục thì bản chất sự khải thị của Kinh Thánh đã hoàn toàn thay đổi. Vì “tôn giáo” của Kinh Thánh là một tôn giáo dạy bảo, và Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời dạy bảo (Gióp 36:22).
Trong thời hiện đại, kể từ khi khoa triết học về tôn giáo (philosophy of religion) ra đời, triết học cũng giữ vai trò quan trọng trong Cơ Đốc Giáo Dục. Triết học (philosophy) là yêu thích sự khôn ngoan (Philo=love=yêu; sophy=wisdom=khôn ngoan). Vì Đức Chúa Trời là cội nguồn ban sự khôn ngoan (Châm 2:6; 1:7; 9:10) cho nên yêu mến sự khôn ngoan tức là yêu mến Đức Chúa Trời. Vai trò của triết học trong Cơ Đốc Giáo Dục là đặt vấn đề. Ví dụ: tại sao có sự sống? Có Đức Chúa Trời hay không? Qua đó, Cơ Đốc Giáo Dục có cơ hội để trả lời vấn đề dựa trên Kinh Thánh và mặc khải của Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus đã giao công tác giáo dục cho Hội Thánh: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh và làm phép báp tem cho họ và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Mat 28:19). Cả Cựu ước và Tân ước đều cho chúng ta những ý tưởng quý báu về quan niệm và việc thực hành công tác giáo dục. Từ nền tảng này chúng ta có thể khám phá được những nguyên tắc của Cơ Đốc Giáo Dục giúp chúng ta hình thành phương pháp hiệu quả để hoàn tất nhiệm vụ giáo dục. Điều vô cùng quan trọng đối với các giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục là vị trí của Kinh Thánh trong chương trình giảng dạy của Hội Thánh. Kinh Thánh phải là trung tâm điểm của mọi sự dạy dỗ. Bởi vì  Kinh Thánh làm chứng về Chúa Jesus (Gi 5:39).

Sự dạy dỗ được gắn liền vào kinh nghiệm tôn giáo của người Y-sơ-ra-ên. Đối với dân Y-sơ-ra-ên, bản chất của tôn giáo là biết và giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Môi-se, người tiếp nhận luật pháp và truyền lại cho dân sự, cũng đã trở thành đại giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên (Phục 4:5-6). Để giữ luật pháp cách trung tín, họ cần phải nghiên cứu luật pháp cách chuyên cần (Phục 5:31). Không phải là sự trùng khớp ngẫu nhiên mà Luật pháp còn được gọi là “Torah”, có nghĩa: sự chỉ dạy.

Các thầy tế lễ và người Lê-vi không phải chỉ là những người canh giữ hệ thống tế lễ, họ còn được giao nhiệm vụ dạy dỗ cho dân chúng (Lê-vi 10:11). Trong thời kỳ hậu lưu đày, các thầy tế lễ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng là những giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên (Nê-hê-mi 1:10). Bắt đầu với Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 12:23), các tiên tri cũng làm nhiệm vụ của các giáo sư.

Trung tâm giáo dục quan trọng nhất trong thời Cựu ước là ở gia đình. Các bậc cha mẹ được liên tục thúc giục hãy kể lại cho con cái của họ nghe biết về những việc lớn lao của Đức Chúa Trời (Xuất 12:26-27, 13:14) và họ được khuyến khích hãy chỉ dạy cho con cái về các Điều Răn của Đức Chúa Trời (Phục 6:1-10). Trong thời kỳ Cựu ước cha và mẹ đã chia sẻ trách nhiệm này (Châm 1:8-9), và nó cứ tiếp diễn cho tới hôm nay.

Trong thời kỳ Tân ước, sự dạy dỗ có một ý nghĩa mới trong chức vụ của Chúa Jesus. Dạy dỗ là nhiệm vụ tiêu biểu nhất của Ngài (Mat-thi-ơ 5:1-2; Lu-ca 4:14-15) và người ta nhận biết Ngài như là “Thầy”. Các môn đồ (Mác 4:38), các kẻ thù nghịch (Ma-thi-ơ 8:19) và các bạn hữu (Giăng 11:28) đều xưng Ngài bằng “Thầy”. Trong nhiều lần  Chúa Jesus tự kể mình như là “Thầy” (Ma-thi-ơ 23:10; Ma-thi-ơ 14:14; Lu-ca 22:11; Giăng 1:13-14).

Đọc Đại Mạng Lịnh trong sách Ma-thi-ơ 28:19-20, chúng ta thấy Chúa Jesus đã ra lệnh cho những kẻ theo Ngài hãy khiến người ta trở nên môn đồ và dạy họ giữ những giáo huấn của Ngài. Các Cơ Đốc nhân đầu tiên đã coi trọng mạng lịnh giáo dục này, họ đã bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ (Công 2:42) và chỉ dạy lẫn cho nhau (Công 18:26).

Dạy đạo là chiến lược truyền bá Tin lành chính yếu trong thời Tân ước. Ngay sau Lễ Ngũ Tuần, các môn đồ Cơ Đốc đã dạy đạo ở khu vực đền thờ (Công 5:42) hàng ngày. Các giáo sĩ Cơ Đốc đã đến Á Châu và Âu Châu, dạy dỗ Tin lành ở bất cứ nơi nào họ đến (Công 15:35, 18:11, 28:31). Dạy đạo và giảng đạo là khác nhau nhưng đều là những hoạt động có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nơi nào có Hội Thánh mới được thành lập, nơi đó có các giáo sư Cơ Đốc (Rô-ma 12:7, I Cô 12:28, Ga-la-ti 6:6, I Ti-mô-thê 5:17; Tít 2:3). Trong các gia đình Cơ Đốc, sự dạy đạo cho các con cái cũng rất quan trọng như đã từng có ở giữa dân Y-sơ-ra-ên từ thời xưa (Ê-phê-sô 6:4).

Những Mục Đích Của Giáo Dục? 

Cơ Đốc Giáo Dục có những mục đích căn bản cần đạt đến. Những mục đích này có thể được liệt kê như: hướng dẫn các Cơ Đốc nhân đến sự khôn ngoan, sự chỉ dẫn trong đời sống hằng ngày, sự hạnh phúc, sự ăn năn tội lỗi và lầm lẫn, ảnh hưởng của trật tự xã hội, sự tươi mới thuộc linh, sự thánh khiết đạo đức, học biết và bảo tồn truyền thống cùng giáo dục Cơ Đốc, huấn luyện Cơ Đốc nhân làm chứng cách có hiệu quả, và sự tự tồn tại trong một xã hội chống nghịch với các giáo huấn Cơ Đốc. Kinh Thánh dạy và minh họa một số phương pháp giáo dục. Những phương pháp này bao gồm: kỷ luật, gương mẫu của bản thân, chỉ dạy, những bài học mẫu, những thí dụ, đặt câu hỏi, học Kinh Thánh, các hành động tiêu biểu, sự lặp lại, cả nhóm tham gia và sự vâng lời.

Ngày nay, sự giáo dục vẫn liên hệ mật thiết với nhịp đập của sự phát triển Cơ Đốc Giáo. Những ai muốn sống theo giáo huấn của Chúa Jesus ở giữa một nền văn hóa thế tục cần phải hiểu ý nghĩa của những sự giáo huấn đó. Những ai muốn chia sẻ Tin lành với một thế giới hư mất phải có một sự hiểu biết thông suốt về sứ điệp cứu rỗi. Đây là nhiệm vụ của Cơ Đốc Giáo Dục.

Công tác giáo dục của Hội Thánh nhắm tới mọi người ở mọi lứa tuổi. Thông thường những cố gắng của chúng ta tập trung vào các thiếu nhi. Trong khi thi hành chức vụ Chúa Jesus rõ ràng đã chú ý đến các thiếu nhi. Chúng ta phải dạy dỗ chúng cách nào để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của chúng. Cũng vậy, khi dạy dỗ thanh niên chúng ta phải hiểu được những nhu cầu cá biệt của họ và đáp ứng một cách có hiệu quả. Lứa tuổi thanh niên là tuổi phải quyết định những điều quan trọng trong cuộc đời. Dạy dỗ những người trưởng thành đòi hỏi hiểu biết về những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống mà họ đã phải trải qua. Chúng ta phải cố gắng dạy dỗ họ thế nào để đáp ứng những nhu cầu riêng tư của từng lứa tuổi.

cdgd 7

Cơ cấu tổ chức của một Hội Thánh địa phương ảnh hưởng rất lớn trên kết quả của công tác giáo dục của Hội Thánh. Vai trò của Mục sư quản nhiệm, cơ cấu của các ban ngành liên quan đến giáo dục và những quan điểm về hành chánh đều là những yếu tố quan trọng cần được cân nhắc. Tổ chức và lãnh đạo các tín đồ bình thường để họ trở thành các giáo viên và nhân sự trong Hội Thánh là điểu rất quan trọng. Sau cùng, công tác giáo dục của Hội Thánh phải có liên quan đến nhiệm vụ chung của Hội Thánh. Hoàn tất công tác giáo dục là góp phần khiến Hội Thánh tăng trưởng.

Điều hiển nhiên là Cơ đốc giáo cùng với nền giáo dục của nó đã góp phần quan trọng vào nền văn minh của thế giới. Một học giả đã nhận định: “Khắp mọi nơi Cơ Đốc giáo đều đem đến cho người lao động chân giá trị của nó, đem sự thiêng liêng đến cho hôn nhân, và tình anh em đến cho con người. Ở nơi nào không thuyết phục được, nó khai sáng; ở đâu không làm cho thay đổi được, nó sẽ làm; nơi nào không làm đổi mới được, nó tinh luyện; ở đâu không làm cho nên thánh được, nó chinh phục và nâng cao phẩm giá. Cơ Đốc giáo là ích lợi cho đời nầy cũng như đời sau.” (12)

 

Cơ Đốc giáo dục trong gia đình đặc biệt quan trọng. Một thống kê ở Mỹ cho thấy một đứa trẻ từ nhỏ cho đến hết bậc  trung học thì chỉ 1% thời gian là ở nhà thờ, 16% là học đường và 83% là ở gia đình. Như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, gia đình phải chịu trách nhiệm chính về việc giáo dục con em chứ không là nhà thờ hay nhà trường. (13)

Điều đáng lưu ý là Luật pháp Môi-se rất chú trọng về giáo dục trong gia đình. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu gia đình là nền tảng của xã hội thì gia đình cũng là đơn vị nền tảng của cộng đồng con dân Chúa. Chúng ta hãy đọc những lời trong Phục truyền 6:4-9,

“Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.  Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.  Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.”

 

Người Do Thái gọi phân đoạn Kinh Thánh trên là Shê-ma. Shê-ma là bản tuyên xưng đức tin của người Do Thái và các con em của họ phải được dạy dỗ như vậy từ nhỏ. Phân đoạn Kinh Thánh này chỉ cho chúng ta phương pháp và nội dung của Cơ Đốc giáo dục trong gia đình. Động từ ‘dạy” [SHA-NAN] trong câu 7 là động từ rất khó dịch vì nó có ý rất sâu sắc. Bản NIV dịch là “impress” nghĩa là gây ấn tượng, khắc sâu trong tâm trí. Phan Khôi và những người cộng tác dịch trong trong Bản Kinh Thánh năm 1926 đã dựa vào bản Kinh Thánh Hoa ngữ là “ân cần giáo huấn” để dịch sang tiếng Việt “ân cần dạy dỗ” là rất đạt vì đã lột tả được ý nghĩa của động từ “sha-nan” trong nguyên tác.

 

Dạy làm sao để gây ấn tượng sâu sắc, để khắc sâu trong tâm khảm người học là một việc không dễ dàng chút nào. Triết lý của Kinh Thánh trong việc giáo dục là dạy bằng gương mẫu, nghĩa là không phải chỉ dạy bằng lý thuyết, chữ nghĩa mà còn bằng gương mẫu qua hành động nữa. Đó là lối giáo dục lý tưởng nhất, hiệu quả nhất nhưng cũng nhiều thách thức nhất. Muốn được thế, Kinh Thánh bảo trong câu 6 rằng “Các lời mà ta đã truyền cho các ngươi phải ở tại trong lòng các ngươi.” Nghĩa là cha mẹ hay người dạy phải học hỏi và kinh nghiệm “ở trong lòng” trước rồi mới có thể “ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái các ngươi” được. Nếu cha mẹ hay người dạy mà không thực hành để thấm nhuần lời Chúa “ở trong lòng” thì cũng khó mà dạy dỗ con cái thành công. Và để hỗ trợ cho việc giáo dục trong gia đình được hiệu quả, Kinh Thánh cũng dạy chúng ta phải tạo một môi trường giáo dục tốt để giúp con em khắc sâu kiến thức như phải nhắc đến trong sinh hoạt hằng ngày trong gia đình hay ngoài xã hội và phải tìm cách để ghi nhớ như trong câu 8-9 “Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, đeo lên trán làm hiệu, và viết các lời đó trên khung cửa nhà và trước cổng.” Thiết tưởng đó là lối giáo dục hiệu quả nhất mà chúng ta phải nhờ ơn Chúa áp dụng. Chính Chúa Jesus đã áp dụng phương pháp giáo dục này khi Ngài rửa chân cho các môn đồ được ghi lại trong Giăng 13. Có lẽ các môn đệ của Ngài sẽ không bao giờ quên bài học mà Chúa đã “ân cần dạy dỗ” một cách đầy ấn tượng này.

 

Từ những phân tích trên đây chúng ta đi đến một vấn đề cụ thể:  Cơ Đốc giáo dục trong gia đình phải là bài tập thực hành đầu tiên trước khi chúng ta nói đến những bài tập tiếp theo trong những môi trường khác.

cdgd 5

🙂

Vì sao chúng ta phải mở Trường dạy học?

Những lý do khiến chúng ta – những Cơ đốc nhân, những người được học tập và trang bị các kiến thức của chương trình Cao học Mục vụ  phải mở Trường dạy học:

  1. Chúng ta được Chúa giao cho những ta-lâng về giáo dục Cơ đốc. Và nếu không làm sinh lợi các ta-lâng đó, chúng ta sẽ bị Chúa xử lý là những đầy tớ gian ác và biếng nhác. (14). Muốn sinh lợi các ta-lâng về Cơ đốc giáo dục, không còn con đường nào khác là chúng ta phải mở trường, xây dựng chương trình và bắt đầu dạy.
  2. Trường học là nơi sản sinh ra những hạt giống tiềm năng là những người có khả năng kế tục sự nghiệp Cơ đốc Giáo dục. Trường học là “lò sản xuất” những người lãnh đạo giỏi của Đức Chúa Trời. Những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đều được đào tạo từ những Trường Đại học tốt nhất. Vậy thì những nhà lãnh đạo Cơ đốc giỏi phải được huấn luyện và đào tạo từ những ngôi trường Cơ đốc, mà ở đó Kinh Thánh là nền tảng chủ đạo cho mọi môn học.
  3. Muốn giành thắng lợi trong tương lai hay chính nghĩa của Đấng Christ được tôn cao, chúng ta phải đầu tư vào lãnh vực giáo dục. “Ai nắm lấy giáo dục, người đó sẽ nắm lấy tương lai”. Không thể có một nền giáo dục chính qui, đúng bài bản nếu như chưa có Trường học. Nhưng yếu tố quyết định sự thành công của một ngôi trường chính là đội ngũ giảng dạy và chương trình dạy.

Nếu không có Trường thì điều gì xảy ra?

Trường học trong câu hỏi này được hiểu là Trường học thực hiện sứ mạng Cơ đốc giáo dục.

Người viết cho rằng những điều sau đây sẽ xảy ra nếu không có Trường:

  1. Công tác giáo dục Cơ đốc bị giới hạn trong những phạm vi chật hẹp. Nếu chỉ thực hiện Giáo dục Cơ đốc trong gia đình và nhà thờ thì công tác giáo dục này sẽ còn rất nhiều hạn chế. Một nền giáo dục chính qui chắc chắn phải có Trường học và đội ngũ giảng dạy.
  2. Không có Trường, đồng nghĩa với việc không có thầy, không có sinh viên, không có Ban lãnh đạo, không có các Giáo sư, không có các công trình nghiên cứu, không có sách giáo khoa…Và điều này sẽ là một tai họa cho thế hệ tiếp theo. Sẽ không có người được huấn luyện và đào tạo, và tương lai của Hội thánh Chúa trên đất sẽ rất mù mờ.
  3.  Khi chúng ta không có Trường thực hiện sứ mạng Cơ đốc giáo dục, thì những loại trường học khác trong thế giới sẽ áp đảo đạo Chúa. Khi ấy Kinh Thánh là tài sản vô giá của loài người bị loại sang một bên và người ta sẽ thay vào đó những học thuật của thế gian. Trong một chừng mực nào đó, những nền học thuật hay văn hóa của thế giới cũng phản ánh một cách giới hạn những chân lý từ Lời Chúa, vì vô hình trung những lẽ thật từ Kinh Thánh cũng đi vào các nền văn hóa khác nhau (Thực ra đây chính là sự tể trị của Đức Chúa Trời, vì không có gì được gọi là xảy ra một cách ngẫu nhiên). Tại sao? Vì Đức Chúa Trời vĩ đại và siêu việt có những phương cách khác nhau để gieo trồng Lẽ Thật của Ngài vào trong lương tâm hay lương tri của con người cho dù họ thuộc bất kỳ một tôn giáo hay chủ thuyết nào. Nhưng chắc chắn chỉ có ở trong Chúa Jesus Cơ đốc thì mọi lẽ thật mới trở nên hoàn hảo, không bị cong lệch. Tác giả Michael Green (15), một học giả người Anh đã viết trong tác phẩm Niềm tin của người vô thần như sau: “Cả Kinh Thánh khẳng định rằng con người sẽ bị Đức Chúa Trời đoán xét bằng một sự công bình tuyệt đối. Con người sẽ bị đoán xét dựa trên đáp ứng của họ đối với những sự sáng mà họ có. Trong một phân đoạn Kinh Thánh nổi tiếng là Rô-ma, Phao-lô khẳng định rằng Đức Chúa Trời không thiên vị. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà đoán xét những việc kín nhiệm của loài người” (Rô-ma 2:14-16). Phao-lô muốn nói rằng những quốc gia ngoại đạo không nhận được sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vẫn có sự hiểu biết về điều đúng và sai; cảm nhận về đạo đức của họ giống như một người lập pháp và thẩm phán ở bên trong họ, tán dương hoặc chỉ trích những việc họ làm. Đức Chúa Trời tuyệt đối công bằng.”

Như vậy chúng ta không rơi vào cực đoan để phủ nhận những điều hay, điều tốt từ những nền văn hóa khác mà trong sự tể trị thần thượng của Đức Chúa Trời toàn năng Ngài cũng đã soi sáng trong lương tri của họ những giá trị của Ngài.

Kết luận:

Cơ đốc Giáo dục có một tầm quan trọng rất lớn để phát triển nền học thuật của Kinh Thánh, và những lời dạy của Chúa Jesus ra ngoài xã hội. Sứ mạng quan trọng của những người hầu việc Chúa và những người theo Chúa là đầu tư cuộc đời của mình cho sự nghiệp Cơ đốc Giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta nhấn mạnh rằng Cơ đốc giáo dục chắc chắn sẽ thay đổi định mệnh hay số phận của con người, trong khi những nền giáo dục khác có những giới hạn nhất định của nó. Vì Cơ đốc giáo dục chính là Chúa Jesus dạy dỗ con người. Và bất kỳ một cá nhân nào không phân biệt đẳng cấp, màu da, chủng tộc khi đã tiếp nhận sự giáo huấn của Chúa Jesus mà không thay đổi từ tối tăm qua sáng láng mới là chuyện lạ. Rõ ràng là không một lãnh tụ trần gian nào có thể sánh ngang bằng với Chúa Jesus Christ và những sự dạy dỗ đầy quyền năng của Ngài. Chỉ có Cơ đốc giáo dục mới có thể cứu vãn tình trạng băng hoại của thế giới này trước ngày Chúa đến. Khi đã thấu hiểu rõ ràng điều này, thì đây là một cơ hội và thách thức cho tất cả những nhà lãnh đạo Cơ đốc trên toàn cầu.

Mục sư Phạm Hơn
Vietnamese Missionary Institute 

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên