Trang Chủ DƯỠNG LINH Người Cha Tốt

Người Cha Tốt

1162
0
SHARE

Nguồn Gốc Father’s Day

Động Lực

Tháng 5 năm 1910, hai năm sau ngày Mother’s Day đầu tiên được tổ chức tại West Virginia, khi ngồi trong băng ghế nhà thờ tại Spokane, Washington dự lễ Mother’s Day, bà Sonora Smart Dodd nghe nhắc đến công ơn của người mẹ, chợt nhớ đến phụ thân của mình.

Sorona mồ côi mẹ nên ký ức của người cha trong lòng Sorona thật khó phai. Cha của Soroma là cụ William Jackson Smart. Ông vốn là một cựu chiến binh trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Từ giã chiến trường trở về, William Jackson Smart buông tay súng nắm tay cày làm lụng vất vả để nuôi sống gia đình. Chẳng may vợ ông mất khi sanh đứa con út. Trong cảnh đơn chiếc, ông kiên trì làm lụng vất vả trong một trang trại nhỏ thuộc miền Đông của tiểu bang Washington để nuôi sáu đứa con – năm trai, một gái – thành người.

Khi mẹ mất, Sorona Smart Dodd, là con gái đầu lòng, đã giúp cha nuôi các em. Nhớ lại tình thương của cha, Sorona Smart Dodd chợt liên tưởng đến bao nhiêu người cha khác khắp nơi đã hy sinh cuộc đời cho con cái. Sorona quyết định kêu gọi thành lập một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha.

Vận Động Tổ Chức

Đề nghị tổ chức ngày Father’s Day của bà Sonora Smart Dodd được hưởng ứng nhanh chóng. Những người ủng hộ mạnh mẽ nhất ý kiến này là các mục sư trong Mục Sư Đoàn và cơ quan Young Men’s Christian Association (YMCA) tại Spokane.

Bà Sonora Smart Dodd đề nghị tổ chức ngày Father’s Day vào ngày 5 tháng 6 năm đó để kỷ niệm sinh nhật của cụ William Jackson Smart. Tuy nhiên do thời gian chuẩn bị quá ngắn, chỉ có ba tuần lễ, cho nên mục sư quản nhiệm tại Hội Thánh của bà Sonora Smart Dodd đề nghị dời thêm hai tuần nữa. Các mục sư cần thời gian để chuẩn bị bài giảng cho một ngày lễ mới như vậy; đồng thời để đủ thời giờ thông báo cho các Hội Thánh khác cùng tổ chức. Ngày Father’s Day đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/6/1910.

Trong thời gian ấy, dư âm việc vận động thành lập ngày Mother’s Day của bà Anna Jarvis vẫn còn nóng hổi (1908). Bên cạnh đó, tháng 7 năm 1908, Grace Golden Clayton, một tín hữu Tin Lành Giám Lý tại Fairmont, West Virginia, đã yêu cầu William Memorial Methodist Espiscopal Church tổ chức lễ tưởng niệm cho 210 người cha đã chết trong một tai nạn tại mỏ than vài tháng trước đó. Do đó báo chí toàn quốc khi nghe tin các hội thánh tại thành phố Spokane dự định tổ chức lễ Father’s Day, tin tức được lan truyền thật nhanh. Khắp Hoa Kỳ từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, dân chúng đồng lòng hưởng ứng. Một trong những người mạnh mẽ ủng hộ ý kiến của bà Sonora Smart Dodd về việc quốc gia nên dành một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha là chính trị gia William Jenning Bryan. Ông cũng là người đã ủng hộ việc thành lập ngày Mother’s Day. William Jenning Bryan đã viết thư cho bà Sonora Smart Dodd nói rằng: “Tình cha con thật sâu đậm, nồng nàn không nên để lãng quên.”

Trở Thành Quốc Lễ

Tuy nhiên, việc Father’s Day trở thành quốc lễ tại Hoa Kỳ gặp nhiêu khê hơn so với việc thành lập Mother’s Day. Lý do thật đơn giản: Tất cả thành viên tại Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ khi ấy đều là nam giới; do đó, các ông nghĩ rằng thông qua một đạo luật để tri ân phái nam thì tự mình tâng bốc mình. Vì thế, dầu cho Mother’s Day được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng Thống Woodrow Wilson ký duyệt vào năm 1914, dự luật về ngày Father’s Day không được thông qua. Có lẽ Quốc Hội Hoa Kỳ dè dặt khi nhớ lại câu chỉ trích của Dân Biểu Simon Legree khi tranh luận về ngày Mother’s Day: “Không chừng rồi đây sẽ có ngày Father’s Day, Mother-in-Law’s Day hoặc Uncle’s Day nữa.” Dù Quốc Hội không thông qua, khắp nơi tại Hoa Kỳ, người dân vẫn tưởng niệm ngày Father’s Day.

Năm 1916, Tổng Thống Woodrow Wilson chính thức tham dự Father’s Day. Năm 1924, Tổng Thống Calvin Coolidge gợi ý rằng nếu ngành lập pháp Hoa Kỳ muốn dành một ngày để tri ân người cha, Tổng Thống sẽ thông qua. Tổng Thống Calvin Coolidge đã viết thư cho Thống Đốc các tiểu bang như sau: “Việc tưởng niệm rộng rãi ngày lễ này trong những năm qua đã chứng minh cho tình cảm mật thiết giữa cha và con. Ý nghĩa ngày lễ thật tốt đẹp vì nó cũng là dịp nhắc nhở người cha bổn phận của mình đối với con cái.” Dầu có những gợi ý tích cực từ phía hành pháp, giới lập pháp Hoa Kỳ vẫn phớt lờ đề nghị trên.

Trong suốt nửa thế kỷ tiếp theo, nhiều người đã ráng hết sức để vận động cho Father’s Day trở thành quốc lễ. Một trong những người có nỗ lực đáng kể là Nữ Thượng Nghị Sĩ Margaret Chase Smith. Năm 1957, bà đã viết cho những đồng viện của mình rằng: “Hoặc là chúng ta tri ân cả hai bậc sinh thành: cha và mẹ, hoặc chúng ta chấm dứt đãi ngộ có một bên. Chỉ tri ân một trong hai bậc sinh thành của chúng ta và bỏ quên người kia là một điều sỉ nhục không tưởng tượng nỗi.” Mặc dù đã có phụ nữ can thiệp, và bằng những lời mạnh mẽ như vậy, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ chẳng chuyển lay.

Năm 1966, dự luật về Father’s Day một lần nữa lại được đề nghị. Mãi 6 năm sau, Quốc Hội Hoa Kỳ mới chịu thông qua. Năm 1972, Tổng Thống Richard Nixon nhanh chóng ký duyệt đạo luật và công bố Father’s Day trở thành một quốc lễ tại Hoa Kỳ. Hằng năm quốc gia Hoa Kỳ tưởng niệm Father’s Day vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu.

Sau 62 năm kiên trì, dân chúng Hoa Kỳ đã thở phào nhẹ nhõm vì giờ đây hai đấng sinh thành đã được chính phủ coi trọng như nhau. Mỗi năm có hơn 85 triệu cánh thiệp được bán ra trong dịp tri ân người cha.

Mother-in-Law’s Day

Trở lại với câu nói của Dân Biểu Simon Legree, năm 1981 Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật Mother-in-Law’s Day. Dự luật này chọn Chúa Nhật thứ tư của tháng Mười để cảm ơn mẹ chồng hay mẹ vợ. Tuy nhiên, dự luật Mother-in-Law’s Day đã bị Thượng Viện Hoa Kỳ bác bỏ với lý do thật đơn giản. Mẹ và cha ai cũng có, nhưng đâu phải ai cũng có mẹ chồng hay mẹ vợ. Dành một ngày để tưởng niệm những vị này sẽ gây ấn tượng không tốt, và bất công, cho những người sống độc thân.

Dầu có lý luận hợp lý như vậy, nhiều người vẫn nghĩ rằng Quốc Hội Hoa Kỳ phủ quyết đạo luật Mother-in-Law’s Day vì “hội chứng Simon Legree” vẫn chưa phai. Cho đến ngày nay, chưa có vị dân cử nào có ý định bảo trợ dự luật này trở lại. Dầu có thành luật hay không, giới kinh doanh Hoa Kỳ vẫn cổ xướng đề nghị này. Mỗi năm hơn một triệu cánh thiệp được gởi ra trong ngày lễ đó.

  1. Eph. 5:25-29

25 Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, 26 để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, 27 đặng tỏ ra Hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài. 28 Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. 29 Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội thánh,

2. 31 Vậy nên người đàn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt.

3.Col. 3:19,   “Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người.”

Câu hỏi: Kinh Thánh nói gì về những bậc làm cha trong Cơ Đốc giáo?

Trả lời: Điều răn lớn nhất trong Kinh Thánh là: “Yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời của bạn với tất cả tấm lòng, với tất cả linh hồn và với tất cả sức mạnh của bạn.” (Phục truyền luật lệ ký 6:5). Chúng ta trở lại câu 2 và đọc “Hầu cho ngươi kính sợ Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, trọn đời, ngươi và con cháu ngươi vâng giữ các luật lệ và điều răn của Ngài mà ta truyền cho ngươi, để ngươi được sống lâu ngày.” Tiếp theo sau Phục truyền luật lệ ký 6:5, chúng ta đọc: ” Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. “(câu 6-7).

Lịch sử dân Israel cho thấy rằng người cha siêng năng trong việc hướng dẫn con cái của mình trong các đường lối và những lời của Chúa làm cho phát triển tâm linh của họ và hạnh phúc. Người cha vâng theo mạng lệnh của Kinh Thánh làm chính điều đó. Điều này mang chúng ta đến với Châm ngôn 22:6 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Từ “dạy” chỉ sự hướng dẫn đầu tiên mà một người cha và mẹ cung cấp cho con cái, nghĩa là cha giáo dục trước hết. Huấn luyện được vạch ra rõ ràng cho con cái cách cư xử của cuộc sống mà chúng được chuẩn bị. Bắt đầu giáo dục sớm cho con cái theo cách này là việc hết sức to lớn.

Ê-phê-sô 6:4 là một bản tóm tắt các hướng dẫn cho người cha, nói rõ cả hai hướng tiêu cực và tích cực. “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” Phần tích cực của câu này cho thấy rằng một người cha không nên thúc đẩy tính tiêu cực ở con cái của mình bằng sự khắc nghiệt, bất công, thiên vị, hoặc sử dụng quyền lực không hợp lý. Thái độ khắc nghiệt, vô lý đối với một đứa trẻ sẽ chỉ phục vụ cho điều ác lớn lên trong lòng nó. Từ “khiêu khích” có nghĩa là “Làm cáu tiết, nói khích, chọc tức, hoặc kích động” Điều này được thực hiện bởi một tinh thần và phương pháp không đúng – Sự trừng phạt khắc nghiệt, bất hợp lý, lạnh lùng, thô bạo, mệnh lệnh dữ tợn, cấm đoán không cần thiết, và khăng khăng ích kỷ dựa trên quyền độc tài. Khiêu khích như vậy sẽ tạo ra phản ứng thù hận, tiêu hủy lòng yêu mến của con cái, giảm ham muốn của họ về sự thánh thiện, và làm cho chúng cảm thấy rằng chúng không thể làm vui lòng cha mẹ. Cha mẹ khôn ngoan tìm cách làm cho con cái vâng lời và mong muốn nhận được tình yêu thương và dịu dàng của cha mẹ.

Phần tích cực của Ê-phê-sô 6:4 được diễn tả theo một hướng toàn diện, giáo dục cpn cái, nâng cao chúng lên, phát triển nhân cách chúng trong tất cả khía cạnh của cuộc sống bởi sự hướng dẫn và lời khuyên răn của Chúa. Đây là toàn bộ quá trình giáo dục và kỷ luật. Từ “lời khuyên răn” mang ý nghĩa nhắc nhở các khuyết điểm của con cái (xây dựng) và bổn phận (trách nhiệm).

Người cha trong Cơ Đốc giáo thực sự là một công cụ trong tay Đức Chúa Trời. Toàn bộ quá trình dạy dỗ và kỷ luật phải làm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời và các điều mà Ngài thực thi, do đó thẩm quyền của Chúa sẽ được đưa vào sự liên lạc thường xuyên ngay lập tức với tâm trí, tấm lòng, và lương tâm của con cái. Người cha của con người không bao giờ thừa nhận mình là người có quyền tối cao để quyết định sự thật và bổn phận. Chỉ có cách giao cho Đức Chúa Trời làm người dạy dỗ, cai trị và là người nắm quyền tất cả mọi thứ để thực hiện các mục tiêu giáo dục tốt nhất đạt được.

Martin Luther nói: “Luôn giữ bên cạnh cây roi một trái táo để cho đứa trẻ khi nó làm việc tốt” Kỷ luật phải được thực hiện với việc chăm sóc và huấn luyện thường xuyên với sự cầu nguyện thật nhiều. Uốn nắn, kỷ luật, và tư vấn bởi Lời Chúa, cho cả hai việc khiển trách và khích lệ, là cốt lõi của “lời khuyên răn”. Sự chỉ dẫn tiến hành từ Chúa, là được học từ trường kinh nghiệm Cơ Đốc giáo, và được thực thi bởi các bậc cha mẹ – chủ yếu là người cha, mà các bà mẹ cũng phải theo chỉ đạo của ông. Kỷ luật của Cơ Đốc giáo là việc cần thiết để hổ trợ con cái lớn lên với lòng tôn kính Đức Chúa Trời, tôn trọng thẩm quyền của cha mẹ, hiểu biết về tiêu chuẩn Cơ Đốc ngân, và thói quen tự kiểm soát.

“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị và dạy người trong sự công bình.” (II Ti-mô-thê 3:16-17). trách nhiệm đầu tiên của một người cha là để con cái của ông làm quen với Kinh Thánh. Các phương tiện và phương pháp mà người cha có thể sử dụng để dạy chân lý của Đức Chúa Trời khác nhau. Khi người cha là người trung thành trong vai trò mẫu mực, những gì con cái học biết về Đức Chúa Trời sẽ đặt chúng chấp hành tốt trong suốt cuộc đời trần thế của chúng, không có vấn đề gì họ làm hay nơi họ đi.


Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu.”  (Hêb 11:8)

abraham-isaac-sacrifice-mormon1

Geoffrey A. Studdart-Kennedy, một nhà thơ cũng là một thầy dòng đã viết: “Đức tin là không tin vào những điều sai trật bất chấp những bằng chứng; Đức tin là vâng lời Đức Chúa Trời bất chấp những hậu quả.”

Ba người bạn của Đa-ni-ên hiểu rõ sống bởi đức tin có ý nghĩa gì. Họ có thể can đảm tuyên bố với vua Nê-bu-cát-nết-sa:

 Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua.  Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng (Đa-ni-ên 3:17-18). Đây chính là đức tin – vâng lời Chúa bất chấp những hậu quả theo sau. Đây là loại đức tin mà Áp-ra-ham thực hành, và chúng ta đáng phải bước theo gương mẫu này.

Tin cậy Đức Chúa Trời không có nghĩa là ngồi xuống và vui hưởng những cảm giác dễ chịu trong khi chúng ta suy nghĩ đến những điều tốt đẹp. Tin cậy Đức Chúa Trời có nghĩa là vâng lời Ngài, dám đứng lên đối diện với những thử thách nghiệt ngã mà không sợ hãi. Những minh họa sinh động cho điều này là Giô-suê và đạo binh Israel  vượt qua sông Giô-đanh chinh phục miền đất hứa Ca-na-an. Đó là thiếu niên Đa-vít dũng cảm đối diện và chiến thắng kẻ thù khổng lồ Gô-li-át. Hay như hoàng hậu Ê-xơ-tê đã có một lời tuyên bố bất hủ đi vào lịch sử: “Nếu tôi phải chết thì tôi chết”. Và đó là trinh nữ Ma-ri ở Na-xa-rét đã nói với thiên sứ Gáp-ri-ên: “Tôi đây là tôi tớ Chúa, xin sự ấy xảy đến cho tôi như lời người truyền.” Và còn nhiều trường hợp khác trong Kinh Thánh…

Bên cạnh Chúa Jesus Christ, có thể nói rằng tổ phụ Áp-ra-ham là một trong những tấm gương lớn về đức tin được tìm thấy trong Kinh Thánh. Từ Sáng thế ký 11:27 đến chương 25:11 chúng ta có thể học tập những bước phiêu lưu của đức tin Áp-ra-ham và tránh những vết xe đổ của ông. Áp-ra-ham thỉnh thoảng có những lầm lỗi giống như tất cả chúng ta. Nhưng trong phương diện tổng quát, đời sống của ông được đánh dấu qua sự trung tín vâng lời Đức Chúa Trời. Bất luận Chúa kêu gọi ông làm điều gì, ông tin rằng sự kêu gọi của Ngài luôn bao hàm sự giúp đỡ thiên thượng cho phép ông thực hiện mạng lệnh của Ngài. Vì vậy ông bày tỏ đức tin qua hành động vâng lời Chúa trong những tình huống khó khăn. Áp-ra-ham đã có thể đi trọn con đường đức tin từ những lời hứa giới hạn của Đức Chúa Trời. Còn về phần chúng ta có toàn bộ lời hứa của Chúa trong Kinh Thánh, chúng ta có ưu thế hơn nhiều so với tổ phụ!

Vì vậy chúng ta đáng phải học tập những bài học từ cuộc đời Áp-ra-ham để đáp ứng bằng hành động vâng lời trước sự kêu gọi của Đức Chúa Trời.

CHÚNG TA ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ BƯỚC TỚI MỘT TƯƠNG LAI CHƯA BIẾT TRƯỚC

life sentences

Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp, người đi mà không biết mình đi đâu. (Hêb 11:8). Ở tuổi bảy mươi lăm, Áp-ra-ham nói lời từ biệt với Cha-ran, rồi từ đó đi đến Ca-na-an (Sáng 11:27 – 12:9). Chúng ta có thể nào biết nhiều hơn về hành trình của Áp-ra-ham, khi mà Kinh Thánh chỉ ghi lại rất sơ lược về những nơi ông đã đi qua? Nhưng đây là điều chúng ta biết: Áp-ra-ham vâng lời Đức Chúa Trời mỗi ngày, từng bước ông tin cậy vào sự dẫn dắt của Ngài, và Chúa đã không làm ông thất vọng.

Ngày hôm nay chúng ta ít khi đi theo cách đó của Áp-ra-ham. Những trợ giúp của các phương tiện hiện đại như hệ thống định vị GPS được nối kết với điện thoại thông minh, máy tính bảng và các công ty tổ chức các chuyến đi du lịch đều cho chúng ta biết cụ thể mỗi địa điểm đi qua với thời gian rõ ràng tương ứng với từng loại phương tiện. Và chúng ta ung dung lên đường.

Nhưng Áp-ra-ham thì khác, ông không hề biết nơi mình sẽ đi tới. Nhưng nếu chúng ta sử dụng tất cả những trợ giúp nói trên, chúng ta cũng thừa nhận rằng chúng ta không biết chắc về nơi mình đang đi tới. Chúng ta lên kế hoạch, nhưng rất có thể những điều ngoài mong đợi sẽ xảy ra. Tôi đã trải qua một kinh nghiệm đáng nhớ: Tôi đang lái xe trên đường về nhà vào một buổi tối kia nhưng tôi đã không về đến nhà cho mãi đến hai tuần sau đó. Một tài xế say rượu đã tông vào xe tôi với vận tốc trên 80 miles/1 giờ. Tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu và phải ở trong đó cho đến khi bình phục. Tạ ơn Chúa, tôi vẫn còn sống trở về nhà, và vui hưởng ngày lễ Phụ thân với các con tôi ngay sau khi rời bệnh viện. Làm thế nào chúng ta có thể biết chắc chắn nơi mình sẽ đến?

Parker, một tác giả của các bài Thánh Ca đã viết:

Chúa nắm giữ chìa khóa của tất cả những điều chưa biết, và tôi rất vui.

Nếu bàn tay khác nắm lấy chìa khóa ấy

Hoặc nếu Ngài tin tưởng giao nó cho tôi

Tôi sẽ rất buồn

Nếu  những sự chăm sóc cho ngày mai của chúng ta có sẵn ở đây thì sao?

Tôi thà để Ngài bày tỏ từng ngày

Và như giai điệu của một bài ca

“Ý chỉ của Ta là tốt nhất”

Tôi không thể đọc các kế hoạch tương lai của Ngài, nhưng tôi biết điều này:

Tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt của Ngài

Và tất cả những nơi ẩn náu trong ân điển Ngài

Trong khi ở đây, dưới đất này

Có đủ nhu cầu cho tôi – bao gồm tất cả các mong muốn của tôi, và vì vậy tôi yên nghỉ

đối với những gì tôi không thể làm, nhưng Ngài biết hết

Và trong sự chăm sóc của Ngài, tôi đã được cứu chuộc

Hưởng phước hạnh mãi mãi.

 

Rất có thể Áp-ra-ham cũng hát điệp khúc trên đây khi ông đi con đường đức tin theo Chúa từng ngày. Ông được kêu gọi đi tới một tương lai không biết trước, và ông đã đáp ứng với Chúa qua sự vâng lời.

CHÚNG TA ĐƯỢC KÊU GỌI ĐI ĐẾN MỘT NƠI CHỐN THỨ HAI

Khi đang tập chú vào đời sống đức tin của Áp-ra-ham, chúng ta sẽ không quá quan tâm đến những lỗi lầm của ông tại Ai-cập. Áp-ra-ham đã thẳng tiến đến Ca-na-an, xây dựng bàn thờ và bày tỏ đời sống tin kính với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên trong đời sống đức tin, có thời gian cho một người kết thúc một sự thử nghiệm, và rồi một thử nghiệm khác sẽ xảy ra sau đó. Trong suốt nhiều năm tôi được thôi thúc để viết một quyển sách với tựa đề “Luôn Luôn Có Một Điều Gì Đó Sẽ Xảy Ra”.

Khi Áp-ra-ham được kêu gọi đi ra khỏi quê hương, ông cũng chia tay với gia đình và những người thân thuộc của mình (Sáng 12:1). Ông dẫn theo  “Sa-rai, vợ mình, Lót, cháu mình, cả gia tài đã thâu góp, và các đầy tớ đã được tại Cha-ran, từ đó ra, để đi đến xứ Ca-na-an.” sau khi Tha-rê, cha của Áp-ra ham qua đời tại Cha-ran. Có một sai lầm của Áp-ra-ham ở đây, vì người cháu trai Lót đã gây nên nan đề cho ông. Sáng thế ký ghi lại, “Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại.  Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được.  Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót”. Thế rồi từ đó Áp-ra-ham và Lót phân rẽ nhau về mặt địa lý. Lót chọn lấy cho mình phần đất tốt theo cách nhìn cá nhân, còn Áp-ra-ham tiếp quản phần còn lại là phần không được Lót đánh giá cao.

Nếu Lót là một người trưởng thành thuộc linh, anh ta sẽ hành động theo một hướng khác. Nhưng không như vậy, con người này chỉ thấy lợi ích cá nhân và chọn lấy cho mình vị trí ưu thế hơn người bác Áp-ra-ham. Còn Áp-ra-ham là một người tin kính, ông đi theo tấm lòng của Đức Chúa Trời. Ông chọn nơi thứ hai, còn để cho Lót được quyền ưu tiên. Lót là người gây nên nan đề, trong khi Áp-ra-ham là người hòa giải (làm cho những người khác trở nên hòa thuận với nhau). Lót đo lường mọi thứ theo tiêu chuẩn của Ai-cập (Sáng 13:10) trong khi Áp-ra-ham tìm kiếm vinh hiển từ Đức Chúa Trời. Dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít nhìn vào đời sống của hai bác cháu Áp-ra-ham (Sáng 13:7). Áp-ra ham muốn trở nên một chứng nhân tốt giữa những người ngoại bang. Ông bước đi bởi đức tin, tin rằng những vùng đất mà Đức Chúa Trời ban cho sẽ thuộc về mình. Còn Lót bước đi bởi mắt thấy (Sáng 13:10). Lót nhìn chăm vào Sô-đôm nhưng Áp-ra-ham “chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập” (Hêb 11:10; 13-16). Áp-ra-ham hướng đến những giá trị đời đời, không phải là những gì trông có vẻ hấp dẫn nhưng rồi sẽ phai tàn tại Ai-cập.

Điều gì tạo nên sự khác biệt khi chúng ta phải tiếp nhận một nơi chốn thứ hai, một chỗ mà người khác không muốn, miễn là Chúa Jesus Christ được vinh hiển? Đức Chúa Trời đã hài lòng về Áp-ra-ham và ban cho ông mọi điều tốt đẹp trong sự kiểm soát thần thượng của Ngài. Áp-ra-ham không bao giờ đọc Ma-thi-ơ 6:33 nhưng ông đã thực hành câu Kinh Thánh ấy. Ông tiếp tục bước đi bởi đức tin.

CHÚNG TA ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ GIÚP ĐỠ MỘT NGƯỜI NÀO ĐÓ NHẬN SỰ CỨU RỖI MÀ DƯỜNG NHƯ ANH (CHỊ) ẤY KHÔNG XỨNG ĐÁNG 

Lót đã chọn vùng đất xinh tươi màu mỡ bên sông Giô-đanh không chỉ vì nó gần nguồn nước với đồng cỏ xanh rì, nhưng cũng vì ông đã nhìn thấy Sô-đôm. Và rồi ông đã di chuyển đến thành phố đó. Nhưng điều này lại là một tai nạn cho Lót (Sáng 13:12, 14:12). Khi các vua trong vùng phát động chiến tranh, Vua của Sô-đôm thua trận và Lót nghiễm nhiên trở thành phu tù. Lúc này Áp-ra-ham vui hưởng sự bình an trong lều trại của mình, không bị ảnh hưởng gì với cuộc chiến. Nhưng Lót đã gặt hái chính xác những gì anh ta xứng đáng nhận. Áp-ra-ham không bỏ rơi Lót trong tình cảnh đó, ông đã giải cứu Lót và các cư dân của Sô-đôm bằng một chiến thuật khôn ngoan. Lót có lẽ sẽ không bao giờ làm được điều mà Áp-ra-ham đã làm.

Từ kinh nghiệm này, lẽ ra Lót nên đi theo con đường tin kính, thờ phượng Chúa giống như Áp-ra-ham là bác của mình. Nhưng anh ta đã không làm như thế. Khi Đức Chúa Trời quyết định phá hủy Sô-đôm và các thành phố khác trong vùng đồng bằng, Áp-ra-ham đã biện hộ và cầu thay cho dân cư trong thành phố. Lót sống trong Sô-đôm không hay biết gì cả về tai họa sắp xảy đến. Tại sao? “Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính sợ Ngài. Tỏ cho người ấy biết giao ước của Ngài.” (Thi 25:14). Lót không có sự kính sợ Chúa, vì vậy ông không biết những điều hệ trọng sắp xảy ra.

Biết những loại người gian ác sống trong Sô-đôm, hầu hết chúng ta sẽ bằng lòng khi nhìn thấy họ bị tiêu diệt. Nhưng Áp-ra-ham không như vậy. Ông cầu thay cho họ. Vì cớ đức tin và tấm lòng yêu thương con người của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đã cứu Lót không bị hủy diệt chung với các thành tội lỗi (Sáng 19 và đặc biệt là xem câu  29). Chính đức tin và sự trung tín của Áp-ra-ham đã đem sự cứu rỗi đến cho Lót và hai cô con gái của Lót. Nhưng sau đó không lâu Lót phạm tội loạn luân với hai cô con gái của mình. Việc làm đáng xấu hổ này đã sản sinh ra hai dân tộc Am-môn và Mô-áp. Các dân tộc này là những kẻ thù của tuyển dân Israel. Đây có phải là hậu quả cho hành động cao đẹp của ông bác Áp-ra-ham dành cho Lót!

Bạn có bao giờ khước từ những quyền lợi của mình để giúp đỡ cho một người, rồi sau đó chính anh (chị) ta đem đến cho bạn những rắc rối? Bạn có bao giờ cầu nguyện xin Chúa cứu giúp cho những người đang ở trong những tình huống nguy kịch, mặc dù họ không xứng đáng để bạn cầu thay? Khi ấy bạn hãy đọc lại những câu Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 5:38-40 và Ga-la-ti 6:1-2 rồi đầu phục Lời của Chúa. Bạn cũng có thể bắt chước Chúa Jesus để cầu nguyện, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34)

CHÚNG TA ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ CHỜ ĐỢI 

 

Đời sống đức tin không chỉ bao hàm công tác của Chúa đụng chạm đến với người khác thông qua chúng ta, mà còn là những công việc của Thánh Linh thực hiện bên trong đời sống của chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nhiệm tình yêu và ân điển của Ngài hầu cho chúng ta có thể hoàn thành mục đích của Ngài. Chúng ta bước đi bởi đức tin và chúng ta cũng chờ đợi bởi đức tin. Hành động chờ đợi cũng quan trọng như hành động bước đi.

Trong Sáng thế ký 15 Đức Chúa Trời đã đem Áp-ra-ham đến với trải nghiệm  được gọi là “đêm tối của linh hồn”. Áp-ra-ham  bị “một cơn kinh hãi, tối tăm nhập vào” (câu 12). Hậu quả của điều này là sau đó tổ phụ đức tin Áp-ra-ham trở nên bối rối, do dự và đặt câu hỏi với Đức Chúa Trời là tại sao Chúa chưa ban cho ông và Sa-ra một đứa con trai theo như lời Ngài hứa?

Đức Chúa Trời cho phép những trải nghiệm đến với chúng ta lúc giữa đêm khuya, lúc ấy chúng ta có thể nhìn xem các vì sao trên bầu trời trong cõi không gian tĩnh mịch và nghe được tiếng phán êm dịu nhỏ nhẹ của Ngài, xác nhận những gì Ngài đã hứa với chúng ta. Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Áp-ra-ham trong đêm và bảo đảm rằng dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời và nhận được đất, thậm chí là nhận những lãnh thổ từ mười dân tộc ngoại bang khác nhau. Áp-ra-ham sẽ gặp khó khăn khi nghe một lời hứa như vậy? Vâng, nhưng chính điều này đã làm cho đức tin của ông được lưu danh hậu thế và truyền cảm hứng đến cho nhiều thế hệ!

Nhưng rồi thời gian trôi qua, Áp-ra-ham và Sa-ra trở nên mất kiên nhẫn khi chưa nhìn thấy thực tế những gì Chúa hứa. Sa-ra phác thảo một kế hoạch riêng nhằm thúc đẩy cho lời hứa của Đức Chúa Trời trở thành hiện thực (Sáng 16). Đức tin là sống nhờ lời hứa của Chúa chứ không phải là lập một kế hoạch khôn ngoan theo ý riêng. Thế nhưng Áp-ra-ham đã nghe theo lời của Sa-ra, và đây là một sự trượt ngã của đức tin. Áp-ra-ham đã tin cậy Đức Chúa Trời trong đêm tối, nhưng giờ đây ông lại nghi ngờ lời hứa của Chúa giữa ban ngày!
Chờ đợi Đức Chúa Trời là yếu tố cần thiết cho sự trưởng thành đức tin. Nhưng đi trước ý muốn của Chúa và chạy theo kế hoạch riêng sẽ gây nên lắm nan đề. Điều đó có nghĩa là phước hạnh tốt nhất mà Chúa dành cho chúng ta có thể bị trôi mất.

CHÚNG TA ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ CHO ĐI NHỮNG GÌ CHÚNG TA YÊU MẾN

Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài và theo đúng thời điểm Ngài sẽ ban cho Áp-ra-ham một đứa con trai. Y-sác sẽ là tên của nó (Sáng 17:17). Y-sác có nghĩa là “cười”, bởi vì cả Áp-ra-ham và Sa-ra đều cười khi nghe nói đến viễn cảnh có con trai, lúc mà cả hai đều đã lớn tuổi (Sáng 17:17; 18:13-15; 21:6-7). Có thể lắm những người khác cũng cười về chuyện này!

Thế nhưng sau đó khi Y-sác đã được sinh ra theo lời hứa của Đức Chúa Trời, thì Ngài lại yêu cầu Áp-ra-ham dâng con trai Y-sác làm một sinh tế. Lần đầu tiên từ “yêu – love” được dùng trong Kinh Thánh (Sáng 22:2) [Then God said, “Take your son, your only son, whom you love—Isaac—and go to the region of Moriah. Sacrifice him there as a burnt offering on a mountain I will show you.” (Genesis 22:2).] Trong câu này Đức Chúa Trời xác nhận là Áp-ra-ham yêu con trai của ông (Cần lưu ý rằng Ích-ma-ên không được Chúa xác nhận như vậy mặc dù anh ta là con trai đầu tiên của Áp-ra-ham). Trong Tân Ước từ “yêu” được xuất hiện lần đầu tiên trong Ma-thi-ơ 3:17. Câu này Đức Chúa Cha xác nhận tình yêu của Ngài dành cho Đức Chúa Con Jesus Christ. Tại sao Đức Chúa Trời ban cho vợ chồng Áp-ra-ham một đứa con trai mà họ rất mực thương yêu, rồi sau đó lại truyền lệnh cho họ dâng nó lên làm của lễ?

Đây rõ ràng là bài trắc nghiệm đức tin lớn nhất dành cho Áp-ra-ham. Bởi vì đức tin mà chưa qua thử nghiệm thì nó không đáng tin cậy. Sự thử nghiệm đức tin mà Đức Chúa Trời cho phép xảy đến trên đời sống của chúng ta, là nhằm để giúp đỡ chúng ta khám phá chính mình. Trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, chúng ta có còn đứng vững trên lời hứa của Đức Chúa Trời hay sẽ bị chao đảo? Áp-ra-ham đã tập chú vào sự thành tín của Chúa. Ông nhìn vào những lời hứa trong giao ước của Ngài với ông và tìm kiếm vinh quang của Đức Chúa Trời trong sự vâng phục trọn vẹn. Có thể nói rằng Đức Chúa Trời không muốn con trai của Áp-ra-ham (dành cho của lễ thiêu), nhưng Ngài muốn tấm lòng của ông – tấm lòng của sự vâng phục.

Điều căn bản của đời sống Cơ đốc là chúng ta dám cho đi những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Nếu không thì phước hạnh mà chúng ta nhận được từ Chúa có thể sẽ trở nên những hình tượng đứng giữa Đức Chúa Trời và chúng ta. Đức tin của Áp-ra-ham được bày tỏ qua hành động dâng Y-sác. Tác giả sách Hê-bơ-rơ đã viết:

“Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách: người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình, là về con đó mà Đức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu.

 Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình” (Hêb 11:17-19). Kinh nghiệm thuộc linh ở đây là: cùng chết với Đấng Christ, thì cũng sẽ cùng sống với Ngài (Rô-ma 6:8) trong một sự sống dư dật. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta dâng cho Ngài điều quí báu nhất mà chúng ta đang nắm giữ, chúng ta hãy vâng phục Ngài trong đức tin. Vì đây chính là đường lối duy nhất để nhận trở lại những gì Chúa muốn ban cho chúng ta.

CHÚNG TA ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ KHÓC THAN CHO…

Sáng thế ký 23 tường thuật câu chuyện Áp-ra-ham chịu tang cho Sa-ra và than khóc vợ mình. “Sa-ra hưởng thọ được một trăm hai mươi bảy tuổi. Ấy là bao nhiêu năm của đời Sa-ra. Sa-ra qua đời tại Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn, thuộc về xứ Ca-na-an. Áp-ra-ham đến chịu tang cho Sa-ra và than khóc người.” (Sáng 23:1-2) Lần đầu tiên trong Kinh Thánh sự kiện một người qua đời và những giọt nước mắt được đề cập. Sa-ra là người phụ nữ duy nhất trong Kinh Thánh mà tuổi thọ của bà được ghi nhận.  Sa-ra là một người nữ của đức tin cũng giống như Áp-ra-ham là người nam của đức tin (Hêb 1:11). Cặp vợ chồng này là một đội hình cùng hầu việc Chúa.

Những giọt nước mắt của Áp-ra-ham không đánh dấu cho sự vô tín hay thất bại, nhưng nó là bằng chứng của tình yêu của ông dành cho Sa-ra – người vợ yêu dấu. Dân sự của Đức Chúa Trời đi qua những đau khổ nhưng họ không mất hy vọng (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13). Áp-ra-ham đã nêu một gương mẫu tốt cho chúng ta trong hành động tôn trọng Sa-ra và mai táng vợ mình, và ông cũng sử dụng cơ hội này để làm chứng cho những người ngoại bang hàng xóm chung quanh.

Cái hang đá mà Áp-ra-ham đã mua làm mộ địa cho Sa-ra trở thành nơi mai táng cho cả: Áp-ra-ham; Y-sác, Rê-bê-ca, Lê-a và Gia-cốp. Sách Sáng thế ký kết thúc với một ngôi mộ tập thể (Sáng 49:29-32). Nhưng đức tin của chúng ta đặt nền tảng trên một ngôi mộ trống, bởi vì Chúa Jesus đã bước ra khỏi hầm mộ và chiến thắng sự chết (1 Cô-rin-tô 15: 12-28, 54).

Càng sống lâu trên đất, chúng ta càng chứng kiến bạn bè và những người chúng ta yêu mến sẽ qua đời, chia tay với chúng ta. Nếu Chúa chưa tái lâm trong thời đại này, chúng ta cũng sẽ gia nhập chung với họ. Nhưng chúng ta không hề sợ hãi. Lời hứa trong Kinh Thánh là:

Vì Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô cùng;
Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết (Thi 48:14).

 

CHÚNG TA ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ CHẾT

nghia-trang1

Áp-ra-ham đã sống 175 năm trên đất, điều này có nghĩa là ông đã bước đi liên tục với Chúa trong suốt một thế kỷ. Áp-ra-ham đã chết trong đức tin, cũng giống như ông đã từng sống trong đức tin. Tân Ước đề cập đến những anh hùng đức tin:

Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất.  Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đương đi tìm nơi quê hương. Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành (Hêb 11:13-16).

Nhưng trước khi Áp-ra-ham qua đời, ông muốn Y-sác phải có một người vợ chính thức để rồi từ đó dòng dõi của ông – thế hệ tương lai sẽ viết tiếp lịch sử tuyển dân. Phước hạnh cho những ai ưu tư đến thế hệ tiếp theo! Áp-ra-ham là một gương mẫu sinh động cho chúng ta về việc chuẩn bị, đầu tư cho thế hệ tương lai.

Biết mình sẽ trở về với tổ tông, Áp-ra-ham chuyển giao tài sản cho Y-sác (Sáng 24:34-36; 25:5). Ông sai phái người quản gia trưởng trong nhà phải về quê hương để tìm một thiếu nữ trong vòng bà con làm vợ cho Y-sác. Sáng thế ký chương 24 ghi lại bàn tay kiểm soát và tể trị của Đức Chúa Trời trên mỗi chi tiết của câu chuyện hợp hôn Y-sác và Rê-be-ca. Đây hiển nhiên là sự thành tín của Đức Chúa Trời – Chúa giữ giao ước của Ngài với Áp-ra-ham được bày tỏ qua câu chuyện kịch tính và thú vị này. Đức tin của Áp-ra-ham và sự trung tín của người quản gia kết nối với nhau đem đến cho Y-sác một người vợ theo ý Chúa! Y-sác chắc sẽ hãnh diện vì ông có một người cha tuyệt vời như thế.

Bởi vì Áp-ra-ham lo nghĩ đến thế hệ tương lai và ông chuẩn bị mọi điều cho chúng. Y-sác, Gia-cốp và toàn bộ tuyển dân được nhận lãnh phước hạnh từ đức tin của Áp-ra-ham. Xa hơn nữa bạn và tôi có Cứu Chúa và quyển Kinh Thánh. Chúng ta biết “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp”.

Studdard Kennedy cũng đã viết: “Đức tin thật vượt qua những tình huống khó khăn, đi trước thời đại và không sợ chết. Đức tin thật là sống bởi đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời”. Và chúng ta có thể ôn lại câu này của ông: “Đức tin là không tin vào những điều sai trật bất chấp những bằng chứng; Đức tin là vâng lời Đức Chúa Trời bất chấp những hậu quả.

  1. 2Co 12:14, ” chẳng phải con cái nên chứa của quí cho cha mẹ, nhưng thà cha mẹ chứa cho con cái thì hơn. 15 Về phần tôi, tôi rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình tôi vì linh hồn anh em, dẫu rằng tôi yêu anh em thêm, mà cần phải bị anh em yêu tôi kém.”
  2. 1Ti. 5:8, “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.”
  3. Ep. 6:4 “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.”

https://executableoutlines.com

Phải công nhận, việc làm người cha tốt không dễ. Tuy nhiên, có các nguyên tắc căn bản có thể giúp bạn. Nhiều người cha nhận thấy rằng họ và gia đình được lợi ích khi làm theo sự khôn ngoan trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy xem một số lời khuyên thiết thực có thể giúp các bậc làm cha.

  1. Dành thời gian cho gia đình

Là cha, làm sao bạn cho con thấy chúng quan trọng đối với bạn? Chắc chắn, bạn đã hy sinh nhiều cho con, trong đó có việc lo miếng ăn và nhà ở. Bạn sẽ không làm những điều như thế nếu con cái không quan trọng với mình. Tuy nhiên, khi không dành đủ thời gian cho các con, thì có lẽ chúng kết luận rằng bạn quan tâm nhiều hơn đến công việc, bạn bè, sở thích riêng v.v.

Khi nào người cha nên bắt đầu dành thời gian cho con? Người mẹ gắn bó với con từ khi đứa bé còn trong bụng. Khoảng 16 tuần sau khi thụ thai, có lẽ đứa bé nghe được. Lúc này, người cha cũng có thể tạo mối quan hệ đặc biệt với đứa con chưa chào đời. Ông có thể lắng nghe nhịp tim của bé, cảm nhận bé đang đạp, nói chuyện và hát cho bé nghe.

Nguyên tắc Kinh Thánh: Vào thời Kinh Thánh, người đàn ông quan tâm đến việc dạy dỗ con cái. Người cha được khuyến khích thường xuyên dành thời gian cho các con, như được nói rõ trong Kinh Thánh nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”.

  1. Người cha tốt biết lắng nghe

Hãy lắng nghe mà không chỉ trích

Để trò chuyện với con một cách hữu hiệu, bạn phải biết lắng nghe. Bạn cần cải thiện khả năng lắng nghe mà không phản ứng thái quá.

Nếu thấy bạn dễ nổi nóng và hay chỉ trích, con sẽ không muốn thổ lộ tình cảm. Nhưng nếu bình tĩnh lắng nghe, bạn sẽ cho thấy mình thật lòng quan tâm đến chúng. Nhờ vậy, rất có thể chúng sẽ nói ra những suy nghĩ và cảm xúc riêng.

Nguyên tắc Kinh Thánh: Lời khuyên thiết thực của Kinh Thánh cho thấy lợi ích trong nhiều khía cạnh của đời sống. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói: “Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận” (Gia-cơ 1:19). Nếu áp dụng nguyên tắc này, các bậc làm cha có thể trò chuyện cởi mở hơn với con.

  1. Sửa trị yêu thương và khen con

Ngay cả khi cảm thấy bực bội hoặc giận dữ, cách bạn sửa trị con nên thể hiện lòng quan tâm đầy yêu thương để chúng được lợi ích lâu dài. Việc sửa trị bao hàm sự khuyên nhủ, sửa dạy, giáo dục và phạt nếu cần.

Hơn nữa, nếu người cha thường xuyên khen con thì khi sửa trị sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Một câu châm ngôn xưa nói: “Lời nói đúng lúc khác nào trái táo vàng để trên đĩa bạc” (Châm-ngôn 25:11Bản Dịch Mới). Lời khen giúp trẻ phát huy những đức tính tốt. Đứa trẻ phát triển lành mạnh khi được quan tâm và quý trọng. Người cha cố tìm cơ hội khen con sẽ giúp con tự tin và thôi thúc chúng luôn phấn đấu làm điều đúng.

Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hỡi người làm cha, đừng làm cho con bực tức, hầu chúng không bị ngã lòng”.—Cô-lô-se 3:21.

  1. Yêu thương và trân trọng vợ

Cách người cha đối xử với vợ chắc chắn ảnh hưởng đến con cái. Một nhóm chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em giải thích: “Một trong những điều tốt nhất mà người cha có thể làm cho con là trân trọng mẹ chúng… Hai vợ chồng tôn trọng nhau và để con thấy điều này thì giúp chúng có cảm giác mình sống trong tổ ấm an toàn”.

Nguyên tắc Kinh Thánh: Hỡi người làm chồng, hãy luôn yêu vợ mình… mỗi người hãy yêu vợ như yêu chính mình”.—Ê-phê-sô 5:25,33.

  1. Áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời

Người cha hết lòng yêu thương Đức Chúa Trời có thể cho con cái gia sản quý giá nhất, tức mối quan hệ gắn bó với Cha trên trời.

Sau nhiều thập niên vất vả nuôi dưỡng sáu người con, anh Antonio, một Cơ đốc nhân, nhận được lá thư của con gái: “Cha yêu dấu, con muốn cảm ơn cha đã dạy con yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời, người hàng xóm và chính bản thân, tức giúp con phát triển lành mạnh về mọi phương diện. Cha cho con thấy cha yêu thương Đức Giê-hô-va và quan tâm đến con. Cảm ơn cha, vì cha đã đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống và xem chúng con là món quà đến từ Đức Chúa Trời!”.

Nguyên tắc Kinh Thánh: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5, 6.

Rõ ràng, việc làm người cha tốt bao hàm nhiều yếu tố hơn là năm điểm nêu trên và ngay cả khi cố gắng hết sức để làm người cha tốt, bạn không thể là người cha hoàn hảo. Tuy nhiên, càng áp dụng các nguyên tắc này một cách yêu thương và cân bằng, bạn càng trở nên người cha tốt. *

Người cha tốt luôn dành thời gian cho con

Anh Sylvan, đến từ Barbados, là tài xế xe buýt tại thành phố New York. Anh sống với vợ và ba con trai ở tuổi thanh thiếu niên. Anh Sylvan có thời gian biểu phức tạp, làm việc từ xế trưa cho đến ba, bốn giờ sáng. Anh được nghỉ thứ năm và thứ sáu, nhưng phải làm việc tối thứ bảy và chủ nhật. Dù vậy, anh luôn có thời gian cho các con.

Anh Sylvan cho biết: “Dù khó, nhưng tôi cố gắng. Mỗi đứa con đều cần thời gian riêng với tôi. Chiều thứ năm dành cho con trai lớn khi cháu đi học về, thứ sáu dành cho con giữa, còn con út thì vào sáng chủ nhật”.

Người cha được quý trọng

“Cha chơi với em và đọc truyện cho em nghe vào buổi tối”.—Em Sierra, 5 tuổi.

“Đôi khi gia đình chúng em vui chơi nhiều và cha nói, ‘Được rồi, đến lúc phải dọn dẹp’. Vào lúc khác, sau khi chúng tôi đã làm xong công việc, cha bảo, ‘Thôi, đến lúc vui chơi rồi’”. —Em Michael, 10 tuổi.

“Cha tôi không bao giờ để công việc và sở thích riêng cản trở cha giúp đỡ mẹ ở nhà. Ngay cả hiện nay, sau nhiều năm, cha cũng thường nấu ăn như mẹ, rửa bát đĩa, giúp lau nhà, đối xử với mẹ cách yêu thương và dịu dàng”.—Anh Andrew, 32 tuổi.

🙂

Làm thế nào để trở thành một người cha tốt? 

MỘT bài trên tạp chí Economist bàn về sự suy sụp của đời sống gia đình, bắt đầu với lời tuyên bố gây chú ý sau: “Sinh con thì dễ, làm người cha tốt thì khó”.

Trong cuộc sống, có nhiều điều khó thực hiện, một trong những điều khó nhất—cũng quan trọng nhất—đó là làm người cha tốt. Mỗi người cha nên muốn mình là người cha tốt vì phúc lợi và hạnh phúc của gia đình ông tùy thuộc vào điều này.

Tại sao không dễ?

Nói một cách giản dị, làm người cha tốt không phải dễ, lý do chính yếu là vì cả cha mẹ lẫn con cái đều bất toàn. Kinh Thánh nói: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”. (Sáng-thế Ký 8:21) Bởi thế, một người viết Kinh Thánh công nhận: “Mẹ tôi đã hoài-thai tôi trong tội-lỗi”. (Thi-thiên 51:5; Rô-ma 5:12) Khuynh hướng làm điều xấu do tội di truyền chỉ là một trong những trở ngại khiến cho việc làm người cha tốt trở nên khó khăn.

Thế gian này, tức hệ thống mọi sự, cũng là một trở ngại to lớn. Tại sao vậy? Bởi vì, như Kinh Thánh giải thích, “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”, kẻ vốn được nhận diện là “Sa-tan”. Kinh Thánh cũng gọi Sa-tan là “chúa đời nầy”. Chẳng lạ gì khi Chúa Giê-su nói các môn đồ ngài cũng như ngài không “thuộc về thế-gian”!—1 Giăng 5:19; Khải-huyền 12:9; 2 Cô-rinh-tô 4:4; Giăng 17:16.

Để làm người cha tốt thì điều quan trọng là phải luôn ý thức về sự bất toàn di truyền, về Sa-tan, Ma-quỉ và về thế gian dưới quyền kiểm soát của hắn. Những trở ngại này không phải là tưởng tượng, mà là sự thật! Nhưng một người có thể học hỏi từ đâu để biết cách khắc phục những trở ngại đó và để trở thành người cha tốt?

Gương mẫu của Đức Chúa Trời

Để được giúp đỡ vượt qua những trở ngại nói trên, một người cha có thể đến với Kinh Thánh vốn chứa đựng những gương mẫu tuyệt vời. Chúa Giê-su cho biết gương mẫu tuyệt vời nhất khi dạy môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời”.* Kinh Thánh mô tả một cách đơn giản Cha trên trời của chúng ta: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Người cha phải đáp ứng thế nào trước gương yêu thương này? Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời… hãy bước đi trong sự yêu-thương”.—Ma-thi-ơ 6:9, 10;1 Giăng 4:8; Ê-phê-sô 5:1, 2.

Bạn hãy suy xét, chỉ qua một thí dụ sau, mình có thể học được gì từ cách cư xử của Đức Chúa Trời với Chúa Giê-su, Con Ngài. Ma-thi-ơ 3:17 cho biết vào lúc Chúa Giê-su làm báp têm trong nước, có tiếng của Đức Chúa Trời phán từ trời: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. Chúng ta có thể học được gì qua điều này?

Trước nhất, hãy nghĩ đến tác động trên đứa con khi cha nó hãnh diện nói với một người nào đó: ‘Đây là con trai tôi’ hoặc ‘Đây là con gái tôi’. Trẻ em sẽ phát triển tốt hơn khi được cha mẹ chú ý, đặc biệt khi được khen. Một đứa trẻ hẳn sẽ được thúc đẩy cố gắng hơn để chứng tỏ xứng đáng với lời khen.

Thứ hai, Đức Chúa Trời bày tỏ cảm xúc với Chúa Giê-su khi gọi ngài là “Con yêu-dấu”. Lời yêu mến nồng nàn đó của Cha chắc chắn đã làm Chúa Giê-su ấm lòng. Con cái bạn cũng được khích lệ nếu bạn biểu lộ qua lời nói—cũng như thời giờ, sự chú ý và quan tâm—rằng bạn yêu chúng.

Thứ ba, Đức Chúa Trời nói với Con Ngài: [Conđẹp lòng ta mọi đường”. (Mác 1:11). Đây cũng là điều người cha cần làm, nghĩa là nói với con rằng ông hài lòng về chúng. Đành rằng con cái hay phạm lỗi cũng như chúng ta vậy, nhưng là cha, bạn có tìm dịp để bày tỏ sự vui mừng về những điều tốt con cái nói hay làm không?

Chúa Giê-su chăm chú học từ Cha ngài. Khi còn trên đất, qua lời nói và gương mẫu, Chúa Giê-su cho thấy Cha ngài cảm thấy thế nào về con cái trên đất của Ngài. (Giăng 14:9) Ngay cả khi bận rộn và bị áp lực, Chúa Giê-su cũng dành ra thời giờ ngồi xuống và nói chuyện với trẻ em. Ngài bảo môn đồ: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó”. (Mác 10:14) Là người cha, bạn có thể nào noi gương Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài cách trọn vẹn hơn không?

Cần nêu gương tốt

Việc nêu gương tốt cho con cái rất quan trọng. Những nỗ lực của bạn để “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]” khó lòng có hiệu quả nếu chính bạn không vâng phục sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời và sống theo Lời Ngài dạy. (Ê-phê-sô 6:4) Thế nhưng, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, dù có trở ngại nào đi nữa, bạn cũng có thể vượt qua được để hoàn thành việc chăm sóc con cái theo mệnh lệnh của Ngài.

Hãy xem trường hợp của ông Viktor Gutschmidt, một Cơ đốc nhân Liên Bang Xô Viết. Vào tháng 10 năm 1957, ông bị kết án mười năm tù vì nói về đức tin của mình. Ông phải xa vợ là Polina và hai con gái nhỏ. Trong tù ông được phép viết thư cho gia đình nhưng không được đề cập đến Đức Chúa Trời hay bất cứ điều gì về tôn giáo. Dù đối diện với khó khăn này, Viktor cương quyết làm người cha tốt, và ông biết rằng việc dạy dỗ con cái về Đức Chúa Trời là vô cùng quan trọng. Vậy ông đã làm gì?

Viktor kể lại: “Tôi kiếm được cảm hứng trong tạp chí tiếng Nga Young Naturalist (Nhà tự nhiên học trẻ) và Nature (Thiên nhiên). Trên bưu thiếp tôi vẽ hình người, thú vật và kèm theo một câu chuyện hoặc một kinh nghiệm về thiên nhiên”.

Polina nói: “Ngay khi nhận được các bưu thiếp này, chúng tôi liền liên kết chúng với các đề tài Kinh Thánh. Chẳng hạn, trên bưu thiếp có vẽ cảnh đẹp của thiên nhiên, rừng, hay sông, tôi đọc Ê-sai chương 65”—chương nói về lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ biến trái đất thành địa đàng.

Yulia, cô con gái kể lại: “Rồi mẹ cầu nguyện và chúng tôi đều khóc. Những bưu thiếp này đã đóng vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ chúng tôi”. Polina nói nhờ vậy mà “các con gái chúng tôi rất yêu thương Đức Chúa Trời từ khi còn nhỏ”. Tình trạng gia đình họ bây giờ ra sao?

Viktor giải thích: “Cả hai con gái tôi nay mỗi người đều có chồng là trưởng lão, và gia đình chúng đều mạnh mẽ về thiêng liêng, con cái thì sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va”.

Việc nêu gương tốt thường đòi hỏi không những khéo léo mà còn phải nỗ lực nhiều nữa. Trẻ em rất có thể dễ cảm động khi thấy cha chúng hết sức cố gắng. Một người con đã nhiều năm phụng sự trọn thời gian nói về cha anh với lòng biết ơn: “Đôi khi cha đi làm về, rất mệt mỏi, không sao giữ được sự tỉnh táo, dù vậy cha vẫn điều khiển buổi học Kinh Thánh gia đình, và điều này đã giúp chúng tôi ý thức tầm quan trọng của buổi học này”.

Rõ ràng, việc làm gương—trong cả lời nói lẫn việc làm—rất quan trọng để làm một người cha tốt. Bạn cần làm như thế nếu muốn nghiệm thấy sự xác thực của câu châm ngôn sau đây: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”.—Châm-ngôn 22:6.

Bởi vậy, hãy nhớ rằng, điều quan trọng không phải chỉ lời nói, nhưng chính là việc làm—tức gương tốt của bạn. Một chuyên viên người Canada về giáo dục tuổi thơ viết: “Cách tốt nhất để làm cho con cái cư xử [như chúng ta mong muốn] là chính chúng ta phải thể hiện lối cư xử đó”. Thật vậy, nếu muốn con cái coi trọng những điều thiêng liêng thì chính bạn cũng cần làm như vậy.

Hãy dành thời gian cho chúng!

Con cái phải nhìn thấy gương tốt của bạn. Đó có nghĩa là bạn cần dành thời giờ cho chúng—nhiều chứ không phải chút chút một. Hãy khôn ngoan áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh là “lợi-dụng thì giờ”, nghĩa là bỏ bớt những điều kém quan trọng để có thời giờ cho con cái. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Thật ra, có gì quan trọng hơn con mình? Phải chăng xem truyền hình, chơi thể thao, tậu một căn nhà sang trọng hay theo đuổi sự nghiệp?

Nếu không dành ra thời giờ để chăm sóc con khi chúng còn nhỏ, sớm muộn gì người cha sẽ lãnh hậu quả sau này. Những người cha nào có con phạm tội vô luân hoặc rơi vào lối sống chối bỏ giá trị tâm linh thường cảm thấy hối hận sâu đậm. Họ tự trách là đã không gần con hơn khi chúng còn nhỏ là lúc chúng thật sự cần người cha.

Hãy nhớ rằng, ngay từ lúc con cái còn nhỏ, bạn đã phải nghĩ đến hậu quả bởi quyết định của bạn. Kinh Thánh gọi con cái bạn là “cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra”, tức tài sản Đức Chúa Trời giao phó cho bạn. (Thi-thiên 127:3) Vậy đừng bao giờ quên rằng bạn có trách nhiệm về chúng trước mặt Đức Chúa Trời!

Bạn có thể tìm được sự giúp đỡ

Một người cha tốt sẵn lòng nhận sự giúp đỡ để đem lại lợi ích cho con cái. Sau khi một thiên sứ nói với vợ của Ma-nô-a rằng bà sẽ sinh một con trai, Ma-nô-a cầu xin Đức Chúa Trời: “Xin Chúa cho [thiên sứ] lại đến cùng chúng tôi, đặng dạy chúng tôi điều phải làm cho đứa trẻ sẽ sanh ra!” (Các Quan Xét 13:8, 9) Cũng như các bậc cha mẹ ngày nay, Ma-nô-a cần sự giúp đỡ nào? Chúng ta hãy xem.

Brent Burgoyne, giảng viên Trường Đại Học Cape Town ở Nam Phi nhận xét: “Một trong những món quà lớn nhất mà một người có thể cho con, đó là dạy con những nguyên tắc đạo đức”. Việc con cái cần được dạy những nguyên tắc này được thấy qua một báo cáo trong tờ Daily Yomiuri ở Nhật như sau: “[Một] cuộc thăm dò cho thấy 71 phần trăm trẻ em Nhật Bản chưa bao giờ được cha chúng dạy đừng nói dối”. Đó chẳng phải là một lời nhận xét đáng buồn sao?

Ai có thể cung cấp những nguyên tắc đạo đức đáng tin cậy? Đó chính là Đức Chúa Trời, Đấng đã ban cho Ma-nô-a sự hướng dẫn. Để cung cấp sự giúp đỡ, Đức Chúa Trời đã gửi Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Ngài xuống làm Thầy—ngôn từ mà người ta thường gọi ngài. Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại rút ra những bài học từ sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Sách này hiện nay có trong nhiều ngôn ngữ mà bạn có thể dùng để dạy con.

Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại không chỉ giải thích những giá trị dựa trên Lời Đức Chúa Trời mà còn có hơn 160 hình ảnh minh họa với câu hỏi khéo léo kèm theo. Chẳng hạn, chương 22 “Tại sao không nên nói dối?” có đoạn ghi: “Có thể một em trai nói với cha: ‘Không, con đâu có đá banh trong nhà’. Nhưng nói sao nếu thật sự em ấy đã làm điều đó? Nói không đá thì có sai không?”

Nhiều bài học quý giá cũng được dạy trong các chương “Biết vâng lời sẽ che chở em”, “Chúng ta phải chống lại cám dỗ”, “Bài học về lòng tử tế”, “Chớ bao giờ trộm cắp!”, “Có phải tiệc nào Đức Chúa Trời cũng hài lòng không?”, “Làm thế nào để Đức Chúa Trời vui lòng?”, và “Tại sao chúng ta cần làm việc?” Đó chỉ là vài bài trong số 48 chương trong sách này.

Lời nói đầu của sách kết luận: “Trẻ em đặc biệt cần được hướng dẫn tới Nguồn của mọi sự khôn ngoan, đó là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Cha trên trời của chúng ta. Đây là điều Chúa Giê-su, Thầy Vĩ Đại, luôn luôn làm. Chúng tôi thành thật hy vọng rằng sách này sẽ giúp bạn và gia đình uốn nắn đời sống mình sao cho đẹp lòng Đức Giê-hô-va để bạn và gia đình được hưởng ân phước đời đời”.*

Rõ ràng, làm một người cha tốt bao gồm việc làm gương cho con cái, dành nhiều thời giờ cho chúng, và giúp chúng sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

 

   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên