Ban biên tập: Giới thiệu bài viết của người khởi xướng nguyệt san Hướng Đi tại Việt Nam. Xin xem hình, xem kỹ giùm 🙂 Nổi bật là 2 tờ 100.000 đồng, tiền Việt Nam, so với vật giá bây giờ, quả là nhỏ, hai người đàn ông rủ nhau vào một quán… bún đậu mắm tôm ở Sài gòn ăn trưa, là mất tiêu, tiền nhỏ, nhưng chuyện chắc không phải là… chuyện nhỏ Bà góa này nghèo, dâng hai đồng tiền đáng giá một phần tư xu, là số tiền rất nhỏ, nhưng Chúa Jesus khen là dâng nhiều hơn những người khác, chắc chắn không phải là chuyện… nhỏ . Đức Chúa Jêsus ngồi đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào thể nào. Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền; cũng có một mụ góa nghèo kia đến bỏ hai đồng tiền ăn một phần tư xu. Ngài bèn kêu môn đồ mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình. Người dâng số tiền này, cộng với những lời viết trên bì thư, được giới thiệu là Ngoại của con, năm nay đã 85 tuổi, khi con về quê thì ngoại đưa, nói con dâng giùm. Lại nói thêm: ngoại là một độc giả trung thành của báo Hướng Đi. Nghe mà đứt ruột . Khi chuyển lời nhắn tin này cho thủ quỹ, thủ quỹ nhắn lại: thương quá Thương quá thật. Không cần phải nói nhiều, bà ngoại 85 tuổi, ở nhà quê, chắc không làm lụng gì, chắc con cháu cho tiền, chắt chiu để dành (như mẹ tôi thời sinh tiền), rồi dâng cho một chỗ mà bà được cảm động, làm công việc Chúa. Cảm động hơn nữa là hàng chữ nguệch ngoạc của bà viết trên bì thư mà cô cháu gái cẩn thận đính kèm để tạo… hiệu ứng : Bà ngoại dâng tờ báo Hướng Đi, cầu xin Chúa ban phước sứ điệp Tin lành yêu thương…..(không đọc được) người đến với Chúa. Tôi hoàn toàn không có ý định dùng hình ảnh này lời viết này làm mục đích… nhắn nhủ với… ai kia về sự dâng hiến , không quảng cáo cách… kín đáo , không tạo áp lực cho ai cả, không dạy dỗ ai cả, không dạy… đời ai cả , nhưng là chính mình được an ủi khích lệ rất lớn, vì sự dâng hiến của bà, nhỏ thôi nhưng với Chúa là lớn, vì nó được dâng với tất cả tấm lòng: Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra. Nói có Chúa… làm chứng Không thiếu những người già như vậy dâng hiến cho công việc Chúa, Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, nơi quy tụ các ladies and gentlements trên 80 , cũng cần mẫn dâng hiến tiền bạc họ có hàng tháng từ quỹ an sinh xã hội (tiền già, tiền tàn tật…, tiền con cháu thỉnh thoảng gởi cho), có người dâng luôn cả tiền để dành cho… hậu sự của mình , nhưng sao bà cụ 85 tuổi ở một vùng quê nào đó ở Việt Nam, với số tiền nhỏ và hàng chữ của bà, vẫn làm tôi ngồi một lúc lâu trên ghế, nhìn vào laptop, mà không biết viết gì cả Đức Chúa Trời… hay dùng những câu chuyện… nhỏ như thế này để dạy tôi những bài học lớn. Có những lúc tôi cũng… sờn ngã, mệt mỏi vì cảm thấy (chỉ cảm thấy thôi) mình mòn mỏi sức lực trong cuộc chiến chạy đua với… tiền bạc khi cả gan về quê một mình làm báo mà không có… vốn, chỉ được lời hứa, nhưng những lời hứa từ Hoa Kỳ đã… tan thành mây khói khi về đến Việt Nam, một chị em đồng lao cứ hay … kêu ca rằng: Mục sư làm lớn quá, gan quá, liều quá, làm tôi chóng cả mặt. Tôi cũng chóng cả mặt chứ nói gì cô . Nhưng Chúa đã gọi, cho dấu hiệu rõ ràng không thể từ chối được, thì cứ liều nhảy…. cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu (Kiều) Từ từ, từng bước một, step by step, Chúa dẫn dắt. Chúa không đưa lên xe hơi chạy cái vù tới nơi, không đưa lên máy bay bay cái… rẹt tới bến . Đi bộ. Mà đường không hứa hẹn là một freeway. Đi từng bước, bước bước đi, như một người mù được một người sáng mắt nắm tay dẫn đi, chỉ đi theo chứ không biết trời đất là gì , hoàn toàn tin cậy vào người dẫn đường cho mình, tin rằng người ấy không đưa chân mình vào… ổ gà ổ vịt, mấp mô gò đống trên đường. Tin rằng người ấy đã hứa dẫn đường cho mình đi, thì sẽ dẫn đi, bổn phận của mình chỉ là đi theo, phó thác, không một chút hoài nghi. Người đã từng dẫn mình đi biết bao nhiêu đoạn đường như thế rồi, có những đoạn rất gập ghềnh, nhưng trong những chỗ gập ghềnh đó, đã khéo léo dìu chân mình tránh qua, và tiếp tục bước đi. Số tiền đó, những chữ viết nguệch ngoạc đó, nhắc tôi về sự thành tín của Đức Chúa Trời không bao giờ chấm dứt. Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn. Sự thành tín Ngài là lớn lắm. Tôi đã giảng nhiều lần về chữ thành tín. Nhưng tôi chưa giảng về chữ mỗi buổi sáng. Chữ nào là key word trong câu này, dĩ nhiên là thành tín, nhưng mỗi buổi sáng là gì, tại sao là mỗi buổi sáng, mỗi ngày, mà không dùng chữ đời đời, hay một chữ gì mô tả một sự vĩnh viễn, bất tử, bất diệt, vì sự thành tín Chúa là vậy mà. Chúa dạy cho tôi rằng sự thành tín của Ngài là mỗi ngày, mỗi buổi sáng, từng ngày, từng sớm mai, mình cảm nhận sự thành tín đó mỗi ngày, từng ngày, từng phút giây, và mỗi ngày như thế đều là mới mẻ, đều là những kinh nghiệm mới mẻ, không cũ, không hư hao, nhưng đầy trọn. Có khi việc Ngài làm cho là một cái gì đó lớn đến nỗi há hốc mồm ngạc nhiên, nhưng cũng có khi Ngài ban cho cái gì đó nho nhỏ thôi, như… kim cương chẳng hạn , làm cho ta òa vỡ trong tâm hồn, vì biết Ngài yêu, từng chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống mình, và ban cho từng ngày. Mỗi ngày mới là một sự kinh ngạc. Tôi kinh ngạc vì sự toàn tri của Đức Chúa Trời, cái gì Ngài cũng biết (dĩ nhiên vì Ngài đã tạo nên hình thể loài người và phà hơi thở sự sống vào thân thể bụi đất để biến thành một loài sanh linh, như một nghệ nhân sáng tạo nên tác phẩm của mình). Ngài hứa sẽ chu toàn cho đứa con yêu dấu mái tóc bạc mầu khi sai nó vào trong một công trường thuộc linh không hề dễ dàng, dù không đến nỗi ta sai ngươi đi vào giữa bầy muông sói nhưng cũng không hứa sẽ đưa vào một resort… 5 sao như cỡ Flamingo của Cát Bà, Hải Phòng, Ngài chỉ hứa là trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng sẽ đi cùng. Được lời như thế là đủ. Tôi còn nhiều chuyện “nhỏ” như vậy lắm, nhưng mà nó lớn quá đối với tôi, những khi nghĩ đến thì lòng không thôi hết lời cảm tạ Chúa yêu dấu của mình. Khi tôi về đến Mỹ, thì nhận được một email của một người mà tôi không biết là ai, viết, để nguyên vậy, không thêm dấu, không sửa lỗi chánh tả : Kinh thua Ms. Gd toi la con chien trong HT VietNamese Alliance Church in St. Petersburg Fl. Ms Quan Nhiem: Truong Van Bon; HT cua Chua noi day co nhan 100 to bao HD xuat ban o Dallas Texas, moi ky; Trong so 82, vo chong toi co doc bai viet cua Ms keu goi viec xuat ban to bao Huong Di o VN; Kinh xin Ms cho biet viec can thiec nhat cho to bao Huong Di xuat ban o VN hien tai la gi? vo chong toi cung dang nghi huu nhu Ms. Ma khi duoc Chua keu goi ve VN. lam Giao Si, Ms da tra loi voi Chua co con day; Hallelujah, Amen. Tôi trả lời vừa đủ, không nói nhiều. Tôi không nhận được email trả lời cho đến tuần sau, mà là một cuộc gọi từ Florida, xưng mình là con chiên của Chúa, nói rằng chúng tôi sẽ dâng $500 mỗi tháng cho báo Hướng Đi Việt Nam trong một năm, nếu sau một năm mà Chúa cho chúng tôi còn sống, thì sẽ tính tiếp J Nhưng ông (và bà đứng ngay bên cạnh) nói: tôi xin thưa luôn với Mục sư là trong $500 đó, thì $300 là cho mục vụ Hướng Đi, còn $200 là gởi riêng cho Mục sư, là personal living, Mục sư dùng cho cuộc sống hàng ngày (ông bà qua Mỹ từ 1975, nên thỉnh thoảng chen tiếng Anh vào ). Ông cho biết là chúng tôi đang sống trong một cái mobil home, một loại nhà tiền chế có thể kéo đi bằng xe, đặt trên một miếng đất thuê, và tiền hưu trí vừa đủ sống cho hai ông bà già Một tín hữu dâng $6000 cho báo Hướng Đi mà tôi có kể trong bài Có Những Bàn Tay, cũng cẩn thận viết: $1000 là personal gift, $5000 là cho báo Hướng Đi, những người này không biết là dù cho personal gift, hay public working, thì tôi cũng… sung vào quỹ Hướng Đi hết . Điều làm tôi ngạc nhiên vui mừng là dạo sau này, khi dâng, người ta không chỉ nghĩ đến dâng cho công việc, mà còn nghĩ đến việc giúp cho… người . Điều làm cho tôi hết sức được an ủi, biết rằng công khó của anh em trong Chúa không phải là vô ích đâu. Khi mình lo việc Chúa, thì Chúa lo việc mình. Tôi có xin cho tôi đâu, nhưng mà Chúa khiến người ta nghĩ đến tôi . Đó cũng là một việc Đức Chúa Trời làm. Sự thay đổi này làm tôi nghĩ: hay là Chúa sắp đến thật Tôi cũng hổ thẹn khi vài lần, đi gõ cửa nhà một vài người mà tôi nghĩ (chỉ nghĩ thôi) là họ có tiền, có thể dâng cho công việc Chúa, thì cửa mở, nhưng người mở cửa chỉ đứng trong cửa chứ không mở cửa hẳn, nói rất nhã nhặn: cám ơn Mục sư cho biết mục vụ truyền giáo rất quan trọng, chúng tôi sẽ cầu nguyện, rồi đóng cửa lại. Điều này lại khiến tôi nghĩ đến câu Kinh Thánh (Mục sư hay… méo mó nghề nghiệp ) mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? Sorry about that. Nhưng đồng thời tôi lại nghĩ, nghĩ đi thì phải nghĩ lại, mà thương cho Chúa Jesus: Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta. Một Đức Chúa Trời vĩ đại, hạ mình đến nhà một… tiện dân, gõ cửa xin vào, gõ rất nhiều, đứng rất lâu, còn nài nỉ, còn hứa hẹn đủ điều, mà người ta cũng có thèm mở cửa đâu, ngươi là ai mà so đo . Có những cánh cửa gõ hoài không mở, nhưng cũng có những cánh cửa không gõ đã mở. Như thế thì các “giáo sĩ” chân chính mới còn… đường mà đi tới, mà tiếp tục hầu việc Đức Chúa Trời, dẫu rằng sự hầu việc gọi là “khó khăn” của họ bây giờ chẳng đáng so sánh với Chúa ngày xưa, Đấng nói rằng: Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu Có những chuyện “rất nhỏ” mà Đức Chúa Trời dùng để làm những việc rất lớn cho Ngài, khiến những kẻ… hồ đồ như tôi, phải hổ thẹn 🙂 Sáng nay, cô em ở nhà, rón rén mang một… xấp tiền đến, nói nhỏ: Thấy anh đi làm công việc Chúa mới về, chắc thiếu thốn nhiều, anh dùng số tiền này để… đi chợ Ngạc nhiên, rồi tôi nói: anh không nhận đâu, nhưng đề nghị em dâng cho công việc truyền giáo của báo Hướng Đi. Cô nói: tùy anh, muốn làm gì cũng được Mục sư Lữ Thành Kiến |