Trang Chủ THƠ Bông Hồng Mùa Xuân

Bông Hồng Mùa Xuân

1153
0
SHARE

“Bán cho tôi một bông hồng đi, cô bé!
Đoá nào tươi còn búp nụ mịn màng.” 
Tôi ngước lên: “Xin ông chờ tôi lựa. 
Một bông hồng vừa ý nghĩa, vừa sang!”

Khách mỉm cười: “Cô thật tài quảng cáo!
Thế… hoa hồng mang ý nghĩa sao, cô?”
Tôi bối rối: “Hình như người ta bảo
Nó tượng trưng tình nồng thắm vô bờ.”

“Cám ơn cô! Giá bao nhiêu đấy nhỉ?”
Tôi lắc đầu: “Thôi, xin biếu không ông,
Một đoá hoa không đáng bao nhiêu cả
Rất mong ông làm người đẹp vừa lòng.”

Khách bỗng nhìn tôi, mắt như xoáy lốc.
“Cô bé lầm! Tôi không tặng người yêu.
Thằng bạn thân chiều qua vào nghĩa địa
Một bông hồng cho nó bớt quạnh hiu.

Nhưng cô bé phải nhận tiền tôi chứ!
Hoa cho không, rồi mẹ mắng làm sao?”
Tôi cúi mặt: “Xin gửi người xấu số,
Chuyện của ông làm tôi bỗng nghẹn ngào!”

Khách quay đi, áo hoa rừng đã bạc,
Dáng cao gầy khuất hẳn bóng chiều nghiêng.
Tôi bất chợt đưa tay làm dấu thánh
Mẹ giữ gìn cho người ấy bình yên!

Trời đầu xuân còn vương vương sắc lạnh,
Nắng vàng mơ, má con gái thêm hồng.
Tôi bâng khuâng nhớ đến người khách lạ.
Mình nhớ người, người có nhớ mình không?

Chiều hai chín phố phường sao tấp nập
Người ta vui từng cặp đẹp bên nhau.
Mắt tôi lạc… rồi bỗng dưng bừng sáng
“Phải anh không? Người khách của hôm nào?”

Tim đập mạnh sau áo hàng lụa mỏng,
Anh đến gần, lời nói cũng reo vui:
“…Sao cô bé… hàng hôm nay đắt chứ?
Còn nhớ tôi… hay cô đã quên rồi!

Hành quân xong, tôi vừa về hậu cứ,
Ghé ngang đây xin cô một bông hồng
Và mong cô cho tôi xin lời chúc
“Rất mong ông làm người đẹp vừa lòng.”

Tôi bỗng nghe như tim mình thắt lại,
Gượng tìm hoa, rồi trao tặng tay người.
Khách nhìn tôi, mắt bỗng dưng dịu xuống,
Đầy đăm chiêu và nghiêm lại nụ cười:

“- Xin lỗi cô, nếu lời tôi đường đột,
Nhưng thật tình tôi không thể nào quên
Người con gái trong một lần gặp gỡ,
Nhớ thật nhiều… dù chưa được biết tên

Một bông hồng – như hôm nào cô nói
Là tượng trưng tình nồng thắm vô bờ.”
Tôi run tay, nhận hoa hồng người tặng
Sự thật rồi… mà cứ ngỡ đang mơ.

🙂

Lý Thụỵ Ý
Đăng trong Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong Sài Gòn 1968

   

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập bình luận!
Vui lòng nhập tên